Home > Khai Thị Niệm Phật
Trì Chú, Tụng Kinh Dùng Để Trồng Phước Huệ, Tiêu Tội Nghiệp Thì Được
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Từ độ trọng xuân biệt nhau, không mấy chốc đã sang tiết hạ, bóng thiều quang mau lẹ, rất dễ kinh người! Mỗi khi nghĩ đến nhị vị lòng tin tuy chơn thiết, nhưng lẽ đạo chưa rõ thông, đến nỗi bỏ chỗ cao minh theo nơi thấp tối, không những mình mất chánh kiến, để cười cho bậc đại gia, mà chính như Ấn Quang này đã mang tiếng là kẻ quen biết với nhau, cũng tự thấy sanh lòng hổ thẹn! Trong bức thơ gởi đến, cư sĩ nói: “Về sau có viết được quyển chi sẽ tùy thời xin phủ chánh.”Nhưng tôi mắt yếu thể suy, nếu vô sự tất không gần gũi nghiên bút, dù có việc phải cần đến, xét lại cũng như nhóm một đống chữ, có chỗ nào đáng xem? Tuy nhiên, e rằng luống phụ lòng nhị vị hằng mong tưởng, tôi xin đem chút canh thừa cơm hẩm sơ lược sắp bày, như không hiềm vì nặng mùi, thì cũng có thể tạm đỡ lòng, để lần lượt nếm đến món cao lương tự tánh.

Về bài Tứ Liệu Giản, nghĩa lý rất sâu xa thiết đáng, nên tìm xét kỹ, muôn lần xin chớ lấy sự giải thích cạn cợt của một vài người mà khinh thường. Nếu như thế, rất uổng phụ tấm lòng đại từ bi của Ngài Vĩnh Minh, một phen cạn lời, khuyên bảo. Quyển Trì Kinh Lợi Ích Tùy Tâm Luận sở dĩ có, là vì người đời nay khi thọ trì kinh điển, phần nhiều không mảy may kính sợ. Muốn được sự thật ích trong Phật pháp phải tìm nơi lòng kính sợ; nếu chí thành cung kính, còn có thể mau chứng quả Phật, huống nữa là địa vị thấp ư? Thiện Đạo Hòa thượng vốn là hóa thân của đức A Di Đà, có thần thông trí huệ lớn, nhưng lối giáo hóa về tông Tịnh độ, Ngài không chuộng nơi huyền diệu, chỉ trọng sự thiết thật bình thường. Về điểm chuyên và tạp tu của Ngài chỉ dạy, rất có lợi ích vô cùng! Chuyên tu là thân nghiệp chuyên lễ, khẩu nghiệp chuyên xưng (khi tụng kinh chú, nếu chí tâm hồi hướng vãng sanh cũng có thể gọi là chuyên xưng) ý nghiệp chuyên nhớ. Được như thế, thì muôn người tu đều vãng sanh không sót một. Tạp tu là gồm tu nhiều pháp môn khác hồi hướng Tây phương, vì tâm không thuần nhất nên khó được lợi ích, trong trăm ngàn người chỉ hy vọng được ba bốn người vãng sanh mà thôi. Đây là lời vàng chắc thật, ngàn đời không thay đổi. Nhị vị nên y theo những lời này để tự lợi, và đem khuyên tất cả mọi người. Đến như phép trì chú chỉ được dùng làm trợ hạnh, không nên làm chánh hạnh kiêm với niệm Phật. Phép trì chú tuy không thể nghĩ bàn, nhưng phàm phu vãng sanh toàn nhờ nơi tín nguyện chơn thiết hợp với sức hoằng thệ của đức A Di Đà, đạo cảm ứng thông nhau mà được tiếp dẫn. Nếu chẳng rõ ý này cho rằng các pháp không thể nghĩ bàn, tu môn nào cũng được, tất sẽ thành ra không thiền, không tịnh, muôn đời chìm đắm, chừng ấy biết nương tựa cùng ai? Như xét nghĩ mình là phàm phu dẫy đầy nghiệp chướng, nếu không nhờ sức hoằng thệ của Phật, trong đời này quyết khó thoát khỏi luân hồi, mới thấy Pháp môn Tịnh độ lực dụng hơn tất cả các giáo pháp khác.

Trì chú, tụng kinh dùng để trồng phước huệ, tiêu tội nghiệp thì được, nếu vọng ý muốn cầu thần thông, đó là bỏ gốc theo ngọn, không khéo dụng tâm. Thảng như tâm ấy cố kiết, lại thêm đạo lý không minh, giới lực không chắc, niệm Bồ đề không sanh, lòng hơn thua lừng lẫy, e có ngày bị ma dựa phát cuồng! Muốn được thần thông trước phải đắc đạo; đắc đạo thì thần thông tự đủ, như không gắng sức nơi đạo, chỉ cầu thần thông, đừng nói là không được chi, dù có được cũng trở thành chướng đạo. Vì thế, chư Phật, Tổ đều nghiêm cấm không cho tu học theo đường lối ấy. Bởi người đời thường có những tâm niệm như vậy, nên tiện đây tôi cũng nói qua. Nhị vị trên nhà hãy còn lệnh thân, nên thường đem pháp môn Tịnh độ và những sự tích cảm ứng giảng giải, khiến cho người sanh lòng vui đẹp tin làm theo. Nếu không lấy điều này báo hiếu, dù có thể làm đạo hiếu của đời, kết cuộc có ích lợi gì cho song thân đâu? Vua Võ vốn bậc Thánh nhân, còn không thể cứu cha là ông Cổn hóa làm con rùa ba chân đọa vào súc loại. Xem việc này há không tỉnh ngộ, gấp cầu dẫn thần thức song thân dự hội Liên Trì, hầu gần đức Phật để người chứng được bản tánh Vô Lượng Quang Thọ ư?

Sự khổ hạnh của cư sĩ Chí Liên tuy cũng tốt, nhưng e cô chưa hiểu tông chỉ Tịnh độ, hoặc không thể buông bỏ hết những tâm niệm chuyển nữ thành nam và mong hưởng phước báo ở cõi Trời, Người, thì sự lợi ích vô biên vì cái vui nhỏ thế gian mà thành ra uổng mất! Nên đem điều này giảng rõ để chí hướng cô được thêm quyết định. Vả lại, khuyên một người sanh Tịnh độ, chính là thành tựu một chúng sanh làm Phật, và đã thành Phật tất độ vô lượng chúng sanh, công đức không ngần ấy sẽ về phần mình. Lại nữa, người tu Tịnh độ đã đem pháp môn này khuyên bảo mọi người, đối với vợ con đâu nỡ không dìu dắt để cho kẻ trong nhà một phần lợi ích lớn hay sao? Như người trong thân quyến sẵn có căn lành thì còn gì hay hơn; bằng không được thế, cũng phải lần lượt un đúc khiến cho mỗi ngày càng gần với lẽ đạo. Đây mới gọi là lòng từ ái sâu rộng, nếu bỏ điều này mà gọi là từ ái thì cũng chỉ có danh không thật mà thôi. Lời tôi nói chẳng qua sơ lược một đôi điều để nêu ra phần đại khái, không đủ lấy làm khinh trọng, xin xem rõ các bộ Tịnh Độ Thập Yếu, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục; Lạc Bang Văn Loại... tự có chỗ nương theo, chẳng còn nghi ngờ gì nữa.

Nỗi khổ ở Ta bà nói không cùng, dù cho gặp thuở thanh bình, chúng sanh cũng vẫn chen chúc trong bầu nhiệt não, nhưng vì nhẫn chịu lâu ngày thành quen, nên không tự biết đó thôi. Gần đây, ở Trung Hoa thường bị nạn binh lửa, sự khổ không thể tả xiết! Nhìn ra các nước ngoài, cuộc đại chiến đã ba năm, số người chết quá nhiều mà thế chiến tranh vẫn còn thạnh, chưa biết ngày nào mới thôi. Thảm cảnh ấy do nghiệp ác của chúng sanh gây nên, cũng chính là trạng thái của kiếp đao binh mở đầu; nỗi khổ về sau, nếu nghĩ đến thật đáng kinh sợ! Mong nhị vị phát đại tâm mau cầu vãng sanh để sớm chứng đạo quả, rồi trở lại hóa độ chúng sanh nơi cõi Ta bà này. Kinh nói: “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả.”Bồ tát e mang ác quả nên dứt ác nhân, chúng sanh tranh tạo ác nhân, để rồi chịu ác quả. Trong khi chịu quả khổ lại không biết sám hối còn gây thêm điều dữ để đối trị, thế nên oan oan tương báo nối mãi khôn cùng, nghĩ đáng thương mà cũng đáng sợ!

Biết được lẽ này, không cầu sanh Tây phương chưa phải là trượng phu!



Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Long Thư Tịnh Độ, Vương Nhựt Hưu | Đại Lão Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Việt Dịch
4.    Pháp Môn Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Trí Thủ
5.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Ngũ Kinh, Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
10.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
12.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
13.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
14.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
15.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
16.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
17.    Tuyển Tập Khuyến Tu Tịnh Độ, Nguyễn Long