Home > Khai Thị Niệm Phật
Tâm Cảnh Người Niệm Phật Cảnh Và Tâm Là Một
Thượng Tọa Thích Phổ Huân


Vạn vật trên trái đất này thay đổi theo từ trường động lực vận chuyển của khí trời; và khí trời thay đổi theo vận hành tuần hoàn của vũ trụ; rồi vũ trụ lại biến dạng vô cùng, vô thỉ vô chung cuối cùng toàn cảnh sum la vạn tượng đều quay vào tâm thức của chúng sanh mà xuất phát. Nói một cách khác, mọi thứ mọi cảnh đều từ tâm con người lưu xuất chiêu cảm ra, rồi tự thọ nhận lại cái mình dệt khởi.

Nhận định được điều này là nhờ vào lời kinh Phật dạy, cũng như căn cứ vào hình thái hoạt động đời sống nhân loại từ xưa đến nay. Điều đó như là, thế giới ngày xưa, hôm nay và ngày mai chẳng ra ngoài tâm thức chúng sanh. Ngày xưa vạn vật, hoàn cảnh thế gian đơn giản, vì tâm chúng sanh đơn thuần bình dị; ngày xưa chúng sanh buồn giận, vui mừng, cũng chỉ mức độ vừa phải phù hợp theo tâm cảnh bấy giờ. Và ngày nay tâm tư, tình cảm con người hết sức phức tạp dị kỳ, cũng do hoàn cảnh thế giới hôm nay quá tạp nhạp dẫy đầy vật nhiễm. Cứ như thế suy ra thế giới tương lai chẳng khác; bao giờ cảnh vật với con người cũng cùng đi chung với nhau để thích nghi tồn tại.

Con người hôm nay và ngày xưa có khác chăng là khác mức độ thọ hưởng, xúc tác với cảnh vật con người tạo ra, chứ nền tảng từ bản thể tâm niệm, cảm thức, cảm thọ mãi như nhau không khác. Nghĩa là vốn buồn vui, vốn sân giận chẳng bao giờ rời khỏi thế gian; trừ khi con người hiểu được nỗi bất an phức tạp này, mới có thể hóa giải, trừ khử giải thoát được. Chừng đó đời sống hiện tại hay tương lai không còn là vấn đề nữa; con người bấy giờ sẽ chấm dứt hệ lụy phiền não với trần cảnh, vượt lên tất cả, cả đến ý niệm vượt lên!

Như thế chưa hiểu, hay không hiểu sự thật này, thì cảnh vật chẳng thể ra ngoài tâm chúng ta; và chắc chắn ta sẽ không ngừng bị lôi kéo quay theo trần cảnh, theo nhận thức buồn vui phát xuất từ tâm. Thế thì cảnh có vui ra sao, nhất định ta vẫn không bao giờ hài lòng hạnh phúc; huống gì trần cảnh thế gian quá nhiều rắc rối, quá nhiều đau khổ, thì làm sao ta kiềm hãm được tâm. Như thế đúng như lời Phật dạy vạn pháp do tâm tạo.

Hôm nay mùa xuân đến ta vui, ngày mai mùa hạ về ta không vui sao? Rồi thu đến, đông sang trở lại, ta có thể không vui à?

Đó là ý thức dệt nên cảnh, rồi đặt gọi tên mùa thời tiết, và niệm giữ trong lòng tưởng ra cảnh, rồi hóa vui hay buồn theo vọng thức của một chúng sanh.

Phật dạy chẳng có gì cả, ngoài tâm thiện, bất thiện của chúng sanh. Chúng sanh khổ đơn giản vì tâm niệm bất thiện, chúng sanh vui vì tâm niệm thiện. Tâm niệm không luôn thiện, người đó vẫn còn khổ; tâm niệm luôn bất thiện người đó chẳng dứt khổ đau.

Bất thiện chẳng phải chỉ là bạo hành, bạo động tổn thương người; bất thiện là trái ngược với chân lý, mê lầm theo tà kiến, suy nghĩ theo mê tín, và chẳng nhận ra nhân loại là hạng chúng sanh trong loài tôn quý nhất có đủ cơ hội nhân duyên đạt được quả vị giải thoát như chư Thánh, Bồ Tát, cuối cùng là quả vị Phật tối thắng.

Chỉ cần nhận thức như vậy, thì thế gian vật cảnh thế nào, tâm niệm con người hiểu biết chánh kiến như vậy, tất chẳng bao giờ bị lung lay thay đổi. Đương nhiên điều này ban đầu chỉ là ý thức, chưa thể thực hành cụ thể, hóa giải được nỗi nghiệt ngã chung quanh. Nhưng nếu luôn luôn ý thức chân lý này, con người tương lai nhất định không còn quay theo cảnh trần giả tạm nữa.

Vậy thì khí trời, cảnh vật, Xuân Hạ Thu Đông, lúc nào cũng đẹp với người hiểu biết tâm và cảnh chỉ là một với nhau.

Tâm niệm Phật

Tâm niệm Phật là niệm đất trời hoa lá theo chiều hướng giải thoát, vượt lên vọng niệm phân biệt. Vì ngoài tâm niệm Phật ra không một tâm nào có thể vượt khỏi tâm thế gian phân biệt. Chúng ta hãy lấy ý nghĩa về danh từ Phật để hiểu thế nào là niệm Phật vượt lên tất cả.

Phật là bậc tỉnh thức giác ngộ, giác ngộ cuộc đời, giác ngộ tất cả làm nên cuộc đời, giác ngộ luôn cả cái giác ngộ, ngộ được cuộc đời; và cuối cùng là chẳng bao giờ diễn tả được sự giác ngộ của Như Lai, bằng sự giải thích của một phàm phu.

Giải thích toát yếu sự giác ngộ của Phật là sự dẹp tan vọng niệm, không còn mọi phiền não nhiễm ô của thế gian; nên người niệm Phật cũng chẳng khác, là niệm sự vô nhiễm, sự vô phân biệt, dứt trừ vọng tưởng của thế gian.

Thế gian có làm gì, có thế nào chăng nữa cũng là loay hoay trong hơn thua tham dục nhiễm tình. Dục là sự tham muốn, trong đó đủ sự tham muốn, nhưng tham muốn tình ái là hàng đầu, như thế chẳng thể tự tại chẳng ngừng được đau khổ.

Phật hoàn toàn ngược lại, tạm gọi như vậy; thật ra Phật nghĩa là vượt lên, vượt lên tất cả, cả đến sự vượt lên. Nên có thể nói đúng nhất là Phật tự tại vô ngại, trong sự siêu việt không thể nghĩ bàn. Vậy người niệm Phật, là tạo nhân tự tại vô ngại, thì tuyệt đối quả báo sẽ không còn phân biệt phiền não hay không phiền não nữa! Niệm Phật chỉ mong như Phật, mong được thành Phật, thành tựu tất cả.

Thế thì cảnh vật bây giờ, tương lai, từ tâm niệm chúng sanh phát ra đã chẳng còn làm người niệm Phật dính mắc vào đó nữa. Vì sao? Vì tâm có Phật ở đó, tâm không còn là tâm chúng sanh. Tâm chúng sanh tham, sân, si nên chiêu cảm ra thế giới vật chất đầy sự tham, đầy sự sân và đầy tánh vô minh ngây dại. Tâm niệm Phật như đã nói, tất nhiên thế giới phải bất khả tư nghì, và ngay cả thế giới Bồ Tát còn không thể so sánh được, huống gì thế giới vô minh ngây dại tham sân si có thể hiểu được sao?

Như hiện thời thế giới chúng ta vẫn còn mãi với ý thức chúng sinh, vì đơn giản ý thức tâm tưởng chúng ta không bỏ được tham ái, sân si, cho nên thế giới buồn vui đau khổ không giảm được, do đó vẫn hoài tranh đấu với nhau qua mọi hình thức. Vậy ra thế giới vũ trụ này, hay gọi vũ trụ nào đó, cũng chẳng qua công thức tùy tâm chúng sanh chiêu cảm.

Tóm lại chúng ta phải cần niệm Phật, để nhìn rõ được thế giới là giả tạm, chỉ được hình thành do tâm niệm phân biệt của vọng niệm sinh ra. Dù bằng cách nào, dù gọi tên chi: hành tinh, trái đất, định tinh mặt trời, hộ tinh mặt trăng… ngân hà, tinh vân, vũ trụ vạn ảnh… cũng do tâm niệm chưa giải thoát của một chúng sanh còn vô minh vọng thức, còn loay hoay mãi trong luân hồi nghiệp quả. Chỉ có Phật, chỉ có tâm niệm không còn vọng động với trần cảnh giả tạm, chúng sanh mới không còn bị những vật giả trói buộc. Chúng sanh đó mới vượt lên tất cả, mà không còn gọi là chúng sanh nữa, và phải tạm gọi đặt tên ngược lại cái gọi chúng sanh là chư Phật. Như thế chính ngay danh từ Phật cũng là tên gọi, chứ chẳng dính gì sự giải thoát giác ngộ vượt lên tất cả. Nhưng vì còn trong vô minh ngây dại như chúng sanh, ngoài danh từ Phật ra, ngoài những tên gọi giác ngộ, giải thoát, vượt lên, con người sẽ chẳng biết được và tìm được con đường thoát khổ, dứt luân hồi. Cho nên buộc phải mượn chân ngôn, chân ngữ này để phương tiện hành theo những gì chân lý mà đức Phật lịch sử đã dạy chúng ta.

Cuối cùng ta phải niệm Phật như lời Phật dạy để tương lai vượt lên tất cả, và hiện tại sống trong tâm niệm giải thoát, vui trong chánh niệm hiện thời; không còn phân biệt nhiều nữa với hiện thế trần gian, cũng như chánh niệm ý thức quá khứ đã tạo thành nhân chiêu cảm ra quả bây giờ. Cầu nguyện cho tất cả chúng sanh nơi trần thế Ta Bà này sớm ý thức niệm được chánh giác.

Nam Mô A Di Đà Phật

Sydney – 2008