Home > Khai Thị Niệm Phật
Quả Báo Thông Ba Đời Và Người Sanh Con Cái Lược Có Bốn Nhân
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Đã mấy năm không gặp nhau, tấc lòng hằng tưởng nhớ đến cư sĩ. Mùa thu rồi, nhân lệnh huynh Lâm Chi Phân đi dự kỳ hương thí, có đem thơ đến Phổ Đà, tôi mới được biết sự tu trì của cư sĩ trong thời gian gần đây. Nghe nói trong nhà bất hạnh, mất đứa con yêu, nên cư sĩ hôm sớm thương buồn không an, tôi muốn nói rõ sự lý nhân quả, nhưng vì công việc biên soạn quá gấp, nên chỉ viết thơ kể sơ lược qua. Ngày rằm hôm nay, Thầy Triệt Quyền lên núi thăm, trong câu chuyện lại nói đến tình trạng oán trách của cư sĩ, và những tà thuyết của một vài người tục dựa vào đó bảo: làm lành mang họa, tu hành không lợi ích chi... Tôi nghe xong bất giác ngậm ngùi, e rằng bậc thượng trí nhân việc này trễ nải sự tu, kẻ hạ ngu lại dám làm ác, nên không nại quê hèn, xin đem lời ngay để cùng nhau bày tỏ.

Trong Kinh Phật thường nói: “Quả báo thông ba đời và người sanh con cái lược có bốn nhân.”

Quả báo thông ba đời gồm có: hiện báo, sanh báo và hậu báo. Hiện báo là đời nay làm dữ, lành, đời nay được họa phước; như sĩ tử cần học tập, hiện thân được công danh. Việc này mắt phàm đều có thể thấy. Sanh báo là đời nay làm dữ lành, đời sau được họa phước; như ông cha trọng văn chất, con cháu mới phát đạt, hiển vinh (sanh báo ước nơi bản nhơn và việc cách đời khó chỉ rõ, là tạm mượn thí dụ để cho dễ hiểu, xin đừng nhân lời mà hại ý). Việc này mắt phàm không thấy, thiên nhãn còn có thể thấy được. Hậu báo là đời nay làm dữ, lành, đến đời thứ ba, thứ tư, hoặc ngàn muôn đời, cho đến vô lượng vô biên hằng hà sa kiếp về sau mới được họa phước; như vương nghiệp của đời Thương, Châu, thật ra mở đầu từ ông Tắc, ông Khiết. Việc ba, bốn đời thiên nhãn còn thấy được, nếu việc trăm ngàn kiếp thiên nhãn không thể thấy, nhưng đạo nhãn của hàng Thanh văn thấy biết rõ ràng. Đến như việc vô lượng vô biên hằng hà sa kiếp, chỉ có đấng Như Lai ngũ nhãn tròn sáng mới nhìn sáng suốt trước sau. Cảnh ấy còn không phải là nhãn giới của Thanh văn, huống chi là thiên nhãn, nhục nhãn? Biết được quả báo ba đời, thì sự làm lành được phước, dữ mang họa, lời Thánh vẫn không sai, và giàu nghèo, sang, hèn, thọ, yểu, cùng, thông đều có số phần, đâu từng thiên lệch? Như hình đẹp xấu thế nào, bóng hiện trong gương cũng như thế ấy, người trí biết sửa đổi hình, kẻ ngu luống ghét hờn với bóng! Cảnh nghịch vẫn thuận chịu, là biết vui số phần; không oán trời trách người, mới có thể lập mạng.

Con cái có bốn nhân: báo ân, báo oán, trả nợ, đòi nợ. Báo ân là con đối với cha mẹ đời trước có mang ân, vì báo ân nên đến làm con, trọn đời phục dịch nhọc nhằn, khiến cho song thân khi sống còn được phụng dưỡng an vui, lúc qua đời được chôn cất, cúng tế. Cho đến hoặc con làm những việc giúp nước an dân, danh nêu thanh sử, để cho thiên hạ đời sau nhân kính người mà mến trọng cả cha mẹ như các ông: Tăng Lỗ Công, Trần Trung Túc, Vương Quy Linh, Sử Đại Thành... Đời nay những con thảo cháu hiền đều thuộc về hạng ấy.

Báo oán là cha mẹ đối với con đời trước có điều phụ nghĩa, nó mới đến làm con để báo oán. Khi còn nhỏ con đã sanh lòng ngỗ nghịch, lớn lên lại gây họa làm lụy cho cha mẹ; khi song thân còn sống, không cung phụng, lúc chết, để nhục lây đến kẻ cửu tuyền. Thậm chí có khi, con nắm quyền chức trọng yếu rồi làm điều trái phép, khiến cho nhà cửa nát tan, dòng họ diệt tuyệt, mồ mả bị đào xiềng, để thiên hạ đời sau nhân thóa mạ người mà ghét luôn cả cha mẹ, như bọn Vương Mãng, Tào Tháo, Đổng Trác, Tần Cối...

Trả nợ là đời trước con có thiếu tiền của nơi cha mẹ, vì trả nợ nên đến làm con, nếu số thiếu nhiều thì trả đến mãn đời song thân, thiếu ít hoặc đến nửa chừng rồi đi. Như con học vừa thành danh thoạt chết mất, buôn bán mới vừa được lợi bỗng lìa trần.

Đòi nợ là đời trước cha mẹ có thiếu tiền nơi con, nay nó đến làm con để đòi lại. Như số nợ nhỏ thì cha mẹ chỉ tốn tiền cho con ăn mặc, thuốc men, học hành, cưới gả, và dạy bảo đủ điều muốn cho mai sau thành lập, nhưng vì kỳ hạn đã mãn, nó liền qua đời. Nếu số nợ lớn, có khi đứa con xài phá tiêu tan hết sự sản của cha mẹ mới thôi.

Nay tôi xem lệnh tử dường như đòi nợ mà đến, may vì số nợ có ít, nên vừa lớn khôn đã vội từ trần. Vậy cư sĩ nên sám hối nghiệp đời trước, gắng sức tu hành. Do sự bồi phước ấy, chắc có lẽ rồi đây cư sĩ sẽ sanh được đứa con quí làm rực rỡ tông môn chớ chẳng không! Xem như đức Khổng Tử là Thánh nhơn mà người con một mất thuở trung niên, Thầy Nhan Uyên là bậc đại hiền, song lại tuổi xuân ngắn ngủi, ông Nguyên Hiến nghèo xơ xác, Thầy Tử Lộ bị tuẫn nạn. Bá Di, Thúc Tề chết đói nơi núi Thú Dương, còn Ngài Cừ Bá Ngọc cùng khốn ở nước Vệ. Cư sĩ cho rằng Thánh hiền do tu đức mà bị trời phạt ư? Hay là sống chết, giàu sang đều có số mạng? Vậy cư sĩ chỉ nên trách đức mình chưa đủ, chớ hỏi điều họa phước làm chi. Được như thế kiết thần sẽ đến, tai tinh tự nhiên lánh xa.

Trong đời sống, con người có đủ tám sự khổ, dù sanh lên cõi trời cũng khó khỏi năm tướng suy, chỉ thế giới Cực lạc ở phương Tây là thuần vui không khổ. Biết đâu do cư sĩ có công hoằng dương pháp môn Tịnh độ nên Thánh thần đem đứa con không phước thọ ấy, làm một mũi kim thống tỉnh đâm trên đỉnh đầu, để cư sĩ thấy rõ ba cõi như nhà lửa không an, các sự khổ dẫy đầy rất đáng sợ, kiếp người vô thường mau như chớp, khi đại hạn đã đến không ai cầm giữ được ai. Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn, bóng bọt, bây giờ chưa tỉnh ngộ cần tu Tịnh nghiệp thì có khác nào gỗ đá vô tình? Người có ý chí đâu chịu làm khối thịt biết đi, biết chạy, để ngày kia đồng chết mục với cỏ cây? Đâu nỡ tự cam ở cảnh phàm ngu, cứ mãi nâng cao cảnh Thánh? Gặp duyên nhắc nhở khẩn yếu như thế mà không phấn phát, nghe được chánh pháp mà không chịu làm theo, ấy là Phật phụ chúng sanh hay là chúng sanh phụ Phật?

Là người trí huệ, mong cư sĩ xét nghĩ...



Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Long Thư Tịnh Độ, Vương Nhựt Hưu | Đại Lão Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Việt Dịch
4.    Pháp Môn Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Trí Thủ
5.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Ngũ Kinh, Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
10.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
12.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
13.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
14.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
15.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
16.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
17.    Tuyển Tập Khuyến Tu Tịnh Độ, Nguyễn Long