Home > Khai Thị Niệm Phật
Ví Như Mài Gương
Pháp Sư Dật Nhân Biên | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


Kinh dạy:   “Ví như mài gương, hết dơ thì sáng hiện”.   Gương cổ bị bụi lấp, dẫu vốn sẵn có quang minh nhưng ắt phải nhờ mài giũa thì sau đấy quang minh mới hiển hiện. Ðấy là ý nghĩa tu được thành tựu vậy.

Tuy cần phải mài thì gương mới được tỏa sáng, nhưng cái sáng ấy toàn là vốn sẵn có, chứ chẳng phải là do từ bên ngoài mà có! Ðấy là nghĩa tánh đức.

Nếu chấp khư khư rằng quang minh vốn sẵn có chứ chẳng phải do mài mà được, dẫu có bị chất dơ phủ kín, gương cổ vẫn có thể soi được sự vật thì thành ra cái lỗi: chấp tự nhiên!

Nếu chấp nhất định rằng do mài giũa mà có được sự sáng suốt ấy thì mài ngói cũng thành được gương, thành ra cái lỗi: chấp nhân duyên!

Kinh nói:   ‘Tâm này làm Phật’   là ước theo tu đức mà nói. Ý nói chúng sanh tuy có Bổn Giác thể, nhưng ắt cần phải do công năng của Thỉ Giác thì sau đấy mới chứng được.   ‘Tâm này là Phật’   là ước theo tánh đức mà nói. Ý nói: tuy do tu chứng mà Phật tánh của chúng sanh được hiển lộ, nhưng đó toàn là tánh đức vốn sẵn có, chứ nào phải do từ cái khác mà có được!