Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Khai-Thi-Cho-Dai-Chung-Truoc-Luc-Khoi-Dau-Tinh-Tan-Phat-That

Khai Thị Cho Đại Chúng Trước Lúc Khởi Đầu Tinh Tấn Phật Thất
Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch

Bảy ngày trì danh quý tại nhất tâm bất loạn, không gián đoạn, không xen tạp; chứ chẳng phải niệm nhanh, niệm nhiều là hay. Cốt sao đừng rề rà, đừng gấp gáp, miên miên mật mật trì danh, khiến cho trong tâm Phật hiệu vằng vặc phân minh; mặc áo, ăn cơm, đi, đứng, nằm, ngồi, một câu hồng danh khắng khít chẳng dứt khác nào hít thở, chẳng tán loạn nhưng cũng chẳng được chìm đắm. Trì danh như thế có thể bảo là đạt Nhất Tâm về mặt Sự.

Nếu là hạng người học đạo chân chánh, trực tiếp thấu suốt vạn pháp đều Như, chẳng có hai tướng, nghĩa là: chúng sanh và Phật chẳng hai, ta - người chẳng hai, nhân - quả chẳng hai, y báo - chánh báo chẳng hai, uế - tịnh chẳng hai, khổ - vui chẳng hai, ưa - chán chẳng hai, lấy - bỏ chẳng hai, Bồ Đề - phiền não chẳng hai, sanh tử - Niết Bàn chẳng hai, tức là các pháp đều cùng một tướng, một đạo, thanh tịnh, chẳng phải miễn cưỡng lập bày sai khác, cứ đúng như sự thật mà suy xét lãnh hội.

Suy xét, lãnh hội đến cùng cực sẽ đột nhiên khế hợp bổn tâm, mới biết rằng ăn cơm, mặc áo đều là tam muội, cười giỡn, nổi nóng chửi rủa không gì chẳng phải là Phật sự; nhất tâm, loạn tâm rốt cuộc thành hý luận! Trong mười hai thời tìm lấy tướng trạng sai khác chừng bằng mảy tóc cũng chẳng thể được. Dù chí tâm xưng niệm cũng giống như thả sức mắng chửi; dù tinh tấn tu trì cũng giống như khổ hạnh trong mộng. Liễu đạt như thế mới là người chân chánh học đạo nhất tâm tinh tấn trì danh.

Môn nhất tâm thứ nhất tựa hồ khó khăn nhưng lại dễ, môn nhất tâm thứ hai tựa hồ dễ nhưng lại khó. Người đạt được cái nhất tâm ban đầu là có thể vãng sanh. Người chứng thêm được cái nhất tâm thứ hai ắt có thể sanh vào thượng phẩm. Hai thứ nhất tâm này đều thuộc khả năng của hạng phàm phu sát đất, ai có tâm đều có thể có tu học được.

Đồng đường tăng tục (9) chớ đề cao thánh cảnh, nhưng tự mình cam phận kém hèn, ai nấy phải thân tâm siêng gắng, gần là trong vòng bảy ngày, xa là trong suốt một đời này, thường tin tưởng như thế, thường tu cái hạnh như thế, dù chẳng chứng đắc ngay được để làm nhân, chắc chắn cũng sẽ gởi phẩm nơi cung hoa, chẳng rớt vào trung hạ.

Nếu như sau bảy ngày này, coi như chưa từng nghe đến [những điều này], chỗ chín rốt cuộc chẳng biến thành sống, chỗ sống vẫn còn nguyên khó chín, vô minh nghiệp tập chằng trói, buộc ràng, chỉ muốn thành công cho nhanh thì hết bảy ngày này đến bảy ngày khác, vẫn chưa hề đạt được nhất tâm bất loạn! Đấy chính là như kinh dạy: “Ít thiện căn, phước đức nhân duyên”, còn mong chi vãng sanh về cõi kia cho được? Để rồi đến nỗi đâm ra nghi lời thành thật thốt ra từ kim khẩu là gian dối; thì đấy là lỗi của ai vậy? Nguyện đồng thất tịnh chúng ai nấy hãy tự nghĩ kỹ để ngăn dè, gắng công vậy!

_______________

(9) Đồng đường tăng tục (đồng đường truy tố): “Truy” là mầu sẫm, màu đen, chỉ cho tăng sĩ (vì tăng sĩ thường mặc áo màu nâu, màu đen), “bạch” chỉ cho người tại gia. “Đồng đường truy tố” là tiếng chỉ tất cả tăng lẫn tục cùng tham dự trong kỳ Phật thất.

 


Trích từ: Tịnh Độ Cảnh Ngữ


Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
4.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
5.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
10.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
12.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
13.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Hòa Thượng Thích Minh Thành | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
14.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
15.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Hòa Thượng Thích Minh Thành | Đại Sư Liên Trì, Việt Dịch
16.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Đại Sư Liên Trì, Việt Dịch