Home > Khai Thị Phật Học > I-Phap-Ngu-Khai-Thi-Khi-Tu-Thuong-Hai-Ve-Den-Linh-Nham
I. Pháp Ngữ Khai Thị Khi Từ Thượng Hải Về Đến Linh Nham
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


I. Pháp ngữ khai thị khi từ Thượng Hải về đến Linh Nham[55] (giảng vào buổi chiều ngày 17 tháng 10 năm Dân Quốc 25 (1936))

Linh Nham chính là cuộc đất thánh đạo tràng trời tạo đất dựng. Ngô vương Phù Sai thiếu đức, chẳng tuân theo đạo “chánh tâm thành ý, siêng năng chăm lo việc nước, yêu dân” của các vị tổ là Thái Vương, Thái Bá, Trọng Ung[56], chỉ chuộng dâm lạc, bèn dựng cung Quán Oa[57] nơi này, mắc tội với trời đất và tổ tông cũng lớn lắm! Cung điện xây xong được mấy năm, nước mất, thân chết, chẳng đáng buồn ư? Đến đời Tấn, Tư Không[58] Lục Ngoạn xây nhà trên đó, về sau nghe Phật pháp bèn biến nhà thành chùa ; đấy chính là duyên khởi khai sơn đầu tiên của Linh Nham vậy. Đến đời Lương, do ngài Bảo Chí Công[59] cầu đảo cho Vũ Đế, chùa lại được trùng hưng. Trí Tích Bồ Tát[60] nhiều lượt hiện thân tượng vẽ, hiển thị đạo nhiệm mầu, dẫn dắt những kẻ tục còn đang mê. Đến đời Đường, em trai tể tướng Lục Tượng Tiên (người Tô Châu), mắc bệnh ở kinh đô, ngự y bó tay. Một vị Tăng xin gặp, nói có thể trị được bệnh, bảo lấy một chén nước sạch, hướng vào đó niệm chú mấy câu, ngậm nước phun ra, [em trai tể tướng Lục Tượng Tiên] lập tức khỏi hẳn bệnh. Đem mọi vật đáp tạ Sư đều không nhận, nói: “Tôi tên là Trí Tích. Sau này ông trở về Tô Châu, hãy nên đến núi Linh Nham gặp tôi”. Về sau, người ấy đến núi hỏi thăm, không có ai tên là Trí Tích cả, tâm rất buồn bã, xem khắp các điện đường, thấy hình vẽ trên vách chính là vị Tăng đã trị bệnh cho mình. Vì thế, đặc biệt dựng điện Trí Tích, chùa lại được hưng khởi. Từ đời Tấn đến đời Đường, [danh tánh] tất cả các vị Trụ Trì đều chẳng thể tra cứu được.

Đến đời Tống, phàm những ai là trụ trì của núi này đều là bậc đại lão lỗi lạc trong Tông môn; đạo tràng Linh Nham bèn trở thành đứng đầu xứ Giang Tô. Do đất thiêng nên mới có người tài giỏi, do người tài giỏi nên đất mới thiêng. Cuối đời Minh, đầu đời Thanh, chùa lại được hưng khởi mạnh mẽ, hai đời vua Thánh Tổ (Khang Hy) và Cao Tông (Càn Long), mấy lần tuần du phương Nam đều nghỉ lại tại hành cung[61] trên núi. Trong cơn loạn Hồng Dương[62], chùa bị đốt cháy gần như hết sạch. Về sau, đại sư Niệm Thành trụ trong lòng tháp[63], nhằm đúng khi ông Bành Cung Bảo Ngọc Lân đi chơi núi, gặp gỡ, bèn kiểm sổ bộ, đòi lại hơn sáu trăm mẫu ruộng đất cho chùa, dựng mười mấy gian điện đường, nhà cửa.

Đến năm Tuyên Thống thứ ba (1911), Trụ Trì là Đạo Minh vốn là quân nhân xuất gia, tánh tình thô bạo, do mất y [ca sa] mà đánh đập người khác quá đáng, người dưới núi vùng lên đánh đuổi, Đạo Minh bỏ trốn. Đồ đạc trong chùa đều bị khuân sạch, trở thành một ngôi chùa không ai ở. Đây chính là cơ hội để đạo tràng Linh Nham được phục hưng. Nếu không, giả như ông ta tận lực vâng giữ Thanh Quy, chắc chắn chùa chẳng thể trở thành đạo tràng Tịnh Nghiệp duy nhất trong cả nước được! Họa phước dựa dẫm lẫn nhau, chỉ do con người khéo dụng tâm hay không mà thôi. Bắt nguồn từ việc vị thân sĩ vùng Mộc Độc là ông Nghiêm Lương Xán cậy nhà sư chùa Bảo Tạng là Minh Hú thỉnh thầy của vị sư ấy là hòa thượng Chân Đạt tiếp nhận trông nom chùa. Ngài Chân Đạt bèn phái người đến tiếp nhận, lại sai Minh Hú đứng trông nom tạm thời, ý muốn có người thích hợp sẽ biến chùa thành đạo tràng thập phương chuyên tu Tịnh Độ. Năm Dân Quốc mười lăm (1926), pháp sư Giới Trần[64] đến đây, bèn giao cho Ngài làm Trụ Trì. Tăng chúng thường trụ lấy hai mươi người làm hạn, trừ số tiền huê lợi mấy trăm đồng ra, hễ [chi tiêu] không đủ thì ngài Chân Đạt bèn bù cho. Chẳng quyên mộ, chẳng làm pháp hội, chẳng truyền pháp, chẳng thâu đồ đệ, chẳng giảng kinh, chẳng truyền giới, chẳng làm chuyện kinh sám thù tạc[65], chuyên nhất niệm Phật. Khóa tụng mỗi ngày đều giống như trong khi tiến hành Phật thất thông thường[66]. Trụ Trì bất luận thuộc tông Thiên Thai, Hiền Thủ, Tào Động, hay Lâm Tế đều được, chỉ quan tâm đến thứ tự, không quan tâm đến thế hệ truyền thừa[67], chỉ cần là người giới hạnh tinh ròng, [giữ giới] nghiêm ngặt, thông hiểu giáo lý, tin sâu Tịnh Độ là được. Nếu những mặt khác đều khá nhưng chẳng chuyên chú Tịnh Độ thì quyết chẳng được mời [làm Trụ Trì].

Từ đấy trở đi, người đến ở ngày càng nhiều, phòng ốc chẳng đủ. Trong năm Dân Quốc 21 (1932), trước hết dựng Niệm Phật Đường, bốn năm năm qua, liên tục xây cất. Nay điện Đại Hùng đã khánh thành, chỉ còn thiếu điện Thiên Vương chưa xây, nhưng cũng chẳng quan trọng chi lắm. Tháng Hai năm Dân Quốc 19 (1930), Quang đến đây; tháng Tư liền bế quan, đã hơn sáu năm rồi. Do già cả, bất tài, chỉ muốn chết già trong nơi bế quan. Vì các vị trong hội Phật giáo mời mọc, xin Quang mỗi ngày giảng khai thị một lần trong pháp hội Hộ Quốc Tức Tai, chỉ rõ lý “nhân quả ba đời, luân hồi lục đạo”, đề xướng pháp “tín nguyện niệm Phật, liễu thoát ngay trong đời này” để cứu vãn thế đạo lòng người. Cố sức từ chối chẳng được, bèn vào ngày mồng Sáu tháng này ra khỏi chỗ bế quan đến đất Hỗ (Thượng Hải), nhằm trọn nghĩa vụ hộ quốc của tôi. Ngày Mười Lăm viên mãn, ngày Mười Sáu vì họ nói Tam Quy Ngũ Giới. Sáng nay từ đất Hỗ trở về đây, nhưng các vị như cư sĩ Quý Thánh Nhất v.v… ở thành Tô Châu đã đến trước rồi. Lên núi, trông thấy điện vũ nguy nga, Tăng chúng thanh tịnh, hòa thuận, khôn ngăn hoan hỷ tột bậc. Nhân đó, được Giám Viện là đại sư Diệu Chân mời vào trong pháp đường, vì các vị diễn nói pháp yếu[68] Tịnh Độ. Nếu chỉ nói pháp yếu, chẳng nêu lai lịch và các nhân duyên hiện thời thì kẻ ở người tới đều chẳng biết duyên do, rất có thể sẽ coi đạo tràng này giống hệt như các đạo tràng khác! Đối với người thông suốt rộng lớn thì không có gì là chẳng được, nhưng với kẻ ngu độn như Quang, lại muốn thoát khỏi ba cõi ngay trong đời này, lên chín phẩm sen cõi kia thì chưa biết hướng về đâu. Do vậy, trước hết phải thuật bày duyên khởi vậy (đoạn này người ghi chép không sao lục lại, do chính lão nhân chép thêm vào, cho nên toàn viết bằng thể văn Văn Ngôn).

Pháp môn Tịnh Độ chúng ta đang tu trì đây là pháp thù thắng, trỗi vượt nhất, mọi người chớ nên xem thường. Vì sao vậy? Vì các pháp môn do đức Phật đã nói không gì chẳng phải là xét theo căn cơ để nói, giống như dựa trên chứng bệnh mà cho thuốc vậy. Nếu như căn cơ của chính mình chẳng tương ứng với pháp môn ấy mà cứ tu tập thì rất khó được lợi ích. Hết thảy pháp môn đều cậy vào Tự Lực để tu Giới Định Huệ, đoạn tham sân si, ắt phải đoạn sạch Hoặc nghiệp mới có thể liễu sanh thoát tử. Nếu như phiền não còn sót mảy may nào chưa đoạn sạch thì vẫn chẳng thể tránh khỏi sanh tử, huống chi là kẻ hoàn toàn chưa đoạn ư? Điều này cần phải dùng sức của chính mình thực hiện triệt để thì mới được.

Chỉ có một pháp Niệm Phật là do đức Như Lai ứng theo mọi căn cơ mà nói, cũng là do đại bi nguyện lực của A Di Đà Phật thành tựu. Bất luận thượng trung hạ căn đều có thể tu học. Dẫu phàm phu hoàn toàn chưa đoạn được mảy may phiền não Hoặc nghiệp nào đi nữa, chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha rồi thực hành niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì cũng có thể được Phật tiếp dẫn, đới nghiệp vãng sanh. Hễ được vãng sanh liền có thể liễu thoát sanh tử; vì thế, nói [pháp môn này] là thù thắng nhất!

Khi đức Phật còn tại thế, mười người tu hành có đến chín người có thể thành đạo, vì con người lúc đó thiên tánh thuần hậu, căn cơ rất lanh lẹ, bén nhạy. Về sau này, chúng sanh nghiệp chướng ngày càng tăng thêm, căn cơ cũng dần dần hèn kém hẳn đi; nếu muốn giống như trước thì không thể được! Nhưng vào thời Tấn, thời Đường, vẫn có những người có thể cậy vào tự lực để liễu thoát sanh tử, nhưng đã ngày càng giảm ít, càng về sau càng ít. Cho đến hiện tại, đã không còn có người giống như vậy nữa! Xét theo đó, sẽ hiểu cậy vào sức của chính mình để đoạn phiền não hòng liễu sanh tử là một chuyện rất khó. Lúc này, nếu vẫn chẳng biết tự lượng sức, muốn ăn nói lớn lối, coi nhẹ pháp môn Niệm Phật hoành siêu này, đi tu các pháp môn khác thì e rằng muốn liễu sanh tử còn khó hơn lên trời!

Tôi hoàn toàn chẳng nói các pháp môn khác không hay, nhưng thật ra là do các pháp môn có pháp khế lý nhưng không khế cơ, có pháp khế cơ nhưng không khế lý. Chỉ có pháp môn Niệm Phật này thích hợp khắp ba căn, gồm thâu lợi căn, độn căn, lý lẫn cơ đều phù hợp chẳng thể nghĩ bàn! Nhất là trong đời Mạt Pháp này, nó lại càng thích hợp với căn tánh chúng sanh. Do vậy, kinh Đại Tập dạy: “Đời Mạt Pháp, ức ức người tu hành, hiếm một ai đắc đạo. Chỉ nương theo pháp Niệm Phật là được thoát khỏi sanh tử”.

Vì sao niệm Phật cầu sanh Tây Phương lại gọi là pháp môn Hoành Siêu? Cổ nhân có lấy một thí dụ để giải thích, tức là đem bọn phàm phu đầy đủ Hoặc nghiệp chúng ta ví với một con sâu sống trong lóng thấp nhất của một cây tre, cây tre ấy ví cho tam giới. Con sâu ấy muốn thoát ra chỉ có hai cách: Một là Thụ Xuất (thoát ra theo chiều dọc), hai là Hoành Siêu (vượt ra theo chiều ngang). Thụ Xuất chính là từ thấp lên cao, lần lượt đục thủng từng lóng một, đến khi đục thủng được lóng cao nhất thì mới thoát ra được. Đây là ví cho việc tu hành các pháp môn khác, chắc chắn phải đoạn sạch Kiến Tư phiền não thì mới thoát khỏi tam giới. Kiến Hoặc gồm tám mươi tám Sử[69], Tư Hoặc gồm tám mươi mốt phẩm, phẩm lượng nhiều như vậy ví như số lóng của một cây tre. Con sâu ấy đục hướng lên trên để thoát ra thì gọi là Thụ Xuất. Chẳng hạn như bậc thánh nhân Sơ Quả đoạn Kiến Hoặc, phải trải qua bảy lần sanh lên cõi trời, bảy lần sanh trong cõi người, tu tập trong thời gian kiếp số lâu dài mới có thể chứng được quả A La Hán, liễu sanh tử. Nhị Quả cũng phải một lần sanh lên trời, một lần trở xuống cõi người mới có thể chứng được Tứ Quả. Tam Quả tuy đã đoạn sạch Tư Hoặc thuộc Dục Giới, nhưng vẫn phải ở trong Ngũ Bất Hoàn Thiên[70], tu tập dần dần theo thứ tự, mới có thể đoạn sạch Tư Hoặc, chứng Tứ Quả. Đây là thoát khỏi tam giới tính theo bậc Vô Học thánh nhân[71]. Nếu như là bậc Tam Quả độn căn, phải sanh lên Tứ Không Thiên, từ Không Vô Biên Xứ Thiên cho đến Phi Phi Tưởng Xứ Thiên, mới chứng được Tứ Quả. Cách Thụ Xuất gian nan lâu lắc như vậy đấy!

Còn Hoành Siêu là như con sâu ấy chẳng hướng lên trên đục thủng từng lóng từng lóng một mà chỉ cắn thủng một lỗ bên hông [lóng tre] liền thoát ra được. Cách này so với Thụ Xuất bớt được nhiều công sức lắm. Người niệm Phật cũng giống như thế, tuy chưa đoạn trừ Kiến Tư phiền não, chỉ cần có thể đầy đủ ba món tư lương Tịnh Độ là Tín Nguyện Hạnh, lâm chung liền có thể cảm động A Di Đà Phật đến tiếp dẫn người ấy sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đến được cõi nước thanh tịnh đó rồi, Kiến Tư phiền não chẳng đoạn mà tự đoạn. Vì sao vậy? Do Tịnh Độ cảnh thù thắng, duyên mạnh mẽ, không có những cảnh duyên khiến cho con người nẩy sanh phiền não! Vì vậy liền đạt được ba thứ Bất Thoái Chuyển, thẳng mãi đến khi phá Trần Sa Vô Minh, thành tựu Vô Thượng Bồ Đề, có gì thẳng chóng, giản dị được bằng! Vì thế, cổ nhân nói: “Học đạo nơi các môn khác giống như con kiến bò lên núi cao. Niệm Phật vãng sanh giống như buồm căng gió lại được thuận nước”. Nay tôi lấy một chuyện để chứng minh đạo lý “Thụ Xuất gian nan”, mọi người hãy lắng lòng nghe lấy!

Trong niên hiệu Đại Lịch (766 779) đời Đường Đại Tông, có một ẩn sĩ tên là Lý Nguyên, biến nhà thành chùa Huệ Lâm, thỉnh thiền sư Viên Trạch làm Trụ Trì. Về sau, Lý Nguyên muốn đi Tứ Xuyên triều bái núi Nga My; do vậy, bèn ước hẹn Viên Trạch cùng đi. Viên Trạch muốn theo đường Trường An đi qua Tà Cốc, đi theo đường bộ; Lý Nguyên muốn từ Kinh Châu vào Giáp Sơn, đi theo đường thủy. Hai người ý kiến bất đồng đều là vì có nguyên do. Lý Nguyên không biết chuyện của Viên Trạch, nhưng Viên Trạch hiểu rõ tâm của Lý Nguyên: Sợ đến Trường An rất có thể bị người ta ngờ vực ông ta muốn làm quan, nên Sư đi theo đường Kinh Châu.

Một ngày nọ thuyền bơi đến vùng Nam Phố, do nước sông chảy xiết nguy hiểm, trời chưa tối đã cắm thuyền. Lúc ấy, có một người đàn bà mặc áo chẽn bằng gấm, đội vò đi lấy nước. Viên Trạch vừa trông thấy bà ta, liền gục đầu, hai mắt ứa lệ. Lý Nguyên hỏi han: “Từ Kinh Châu đến đây, phụ nữ giống như thế này chẳng biết là bao nhiêu, vì sao thầy lại nẩy sanh bi cảm như thế?” Viên Trạch nói: “Ta chẳng muốn đi theo đường này tới đây chính là vì sợ gặp phải bà này. Do bà ta mang thai đã ba năm vẫn chưa sanh nở vì đợi ta đến đầu thai. Nay đã thấy rồi, không còn cách nào để trốn tránh được nữa. Xin ông ở lại mấy ngày, giúp cho tôi mau sanh và chôn tôi trong hang núi. Ba ngày sau xin đến gặp tôi. Trước mặt ông, tôi sẽ cười một tiếng để làm tin. Mười hai năm sau, đêm Rằm Trung Thu, đến ngoài chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu gặp tôi”.

Nói xong bèn thay áo, tắm gội, ngồi qua đời. Lý Nguyên có hối hận cũng không kịp, chỉ đành mai táng Viên Trạch. Ba ngày sau, đến nhà nọ để xem, quả nhiên, người đàn bà sanh được một đứa con trai. Nhân đó, đem chuyện ấy kể cặn kẽ với người ta, xin gặp mặt đứa bé, quả nhiên nó cười một tiếng làm tin. Do vậy, Lý Nguyên không còn muốn đến Tứ Xuyên nữa, quay về Lạc Kinh (Lạc Dương), về tới chùa Huệ Lâm, mới biết trước lúc Viên Trạch lên đường đã dặn dò hậu sự cặn kẽ; vì thế, càng thêm biết Ngài chẳng phải là người tầm thường! Mười hai năm sau, Lý Nguyên theo đúng ước hẹn đến Hàng Châu, tới đêm Rằm Trung Thu, đợi ở ngoài chùa Thiên Trúc. Quả nhiên, ánh trăng vừa rọi, chợt nghe bên bờ giếng Cát Hồng có đứa bé chăn trâu cỡi trâu, ca lên:

Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn,

Thưởng nguyệt ngâm phong bất yếu luân,

Tàm quý tình nhân viễn tương phỏng,

Thử thân tuy dị, tánh thường tồn.

(Trên đá ba sinh, vẫn nguyên hồn

Ngâm gió, thưởng trăng lọ phải bàn

Thẹn thấy người xưa tìm đến gặp

Thân này tuy khác, tánh thường còn).

Lý Nguyên liền biết nó chính là thân đời sau của Viên Trạch, liền bước đến thăm hỏi: “Ngài Viên Trạch mạnh giỏi hay chăng?” Đứa bé chăn trâu đáp: “Ông Lý quả thật là người đáng tin tưởng!” Nói chuyện sơ sài mấy câu xong, lại xướng rằng:

Thân tiền thân hậu sự mang mang,

Dục thoại nhân duyên khủng đoạn trường.

Ngô Việt giang sơn du dĩ biến,

Khước hồi yên trạo, thượng Cù Đường.

(Thân trước, thân sau sự vấn vương

Bàn chuyện nhân duyên luống đoạn trường

Ngô, Việt giang sơn chơi khắp cả,

Gác chèo mây khói, vượt Cù Đường)

Rồi cưỡi trâu đi mất. Như vậy, thấy được rằng: Viên Trạch có bản lãnh biết chuyện quá khứ, vị lai và “ngồi mất, đứng thác”, nhưng vẫn chưa thể liễu thoát sanh tử, trốn tránh bào thai; huống gì bọn phàm phu đầy dẫy triền phược chúng ta, một chút bản lãnh cũng không có ư? Nếu chẳng niệm Phật cầu sanh Tây Phương mà muốn liễu sanh tử thì có nằm mộng cũng mộng chẳng được!

Có kẻ nói: “Đạo lý minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật trong Thiền Tông chẳng phải là rất hay ư?” Trọn chẳng biết “kiến tánh thành Phật” chính là thấy được vị Phật thiên chân trong Tự Tánh thì gọi là “thành Phật”, hoàn toàn chẳng phải là trở thành vị Phật rốt ráo viên mãn phước huệ! Vì sao vậy? Là vì người trong Tông Môn (Thiền Tông) khi công phu đạt đến mức khai ngộ liền biết chân tánh của chính mình lẫn người khác vốn giống hệt như Phật, vì thế gọi là “kiến tánh thành Phật”. Nhưng những phiền não thô tế[72] của người ấy còn chưa đoạn mảy may nào, bất quá, có thể thường tự giác chiếu[73], chế ngự phiền não, xử sự gần giống với bậc thánh nhân. Nếu đánh mất công phu giác chiếu, không chế ngự được phiền não, bèn tạo nghiệp so với người khác lại càng dữ dội hơn, vì trong phiền não của kẻ ấy có chen lẫn sức mạnh khai ngộ, biến thành cuồng huệ. Bởi đó, năng lực tạo nghiệp cũng mạnh mẽ dị thường! Như vậy thì không những chẳng có hy vọng thành Phật, mà còn phải đọa lạc trong ba đường ác. Vì thế, người đã khai ngộ càng phải ra sức tấn tu, luôn luôn giác chiếu. Đến khi đoạn sạch Kiến Tư phiền não mới là lúc liễu sanh thoát tử, hoàn toàn chẳng phải là hễ ngộ liền liễu! Giống như thiền sư Ngũ Tổ Giới và Thảo Đường Thanh thuở trước, do ngộ rồi nhưng chưa chứng, vẫn không tránh khỏi nỗi khổ luân hồi. Vết xe đổ rành rành, chẳng thể không biết! Nếu nói là “thật sự thành Phật” thì lại càng sai rất xa!

Làm sao mới trở thành đức Phật rốt ráo phước huệ viên mãn? Nói theo tông Thiên Thai, một vị Bồ Tát thuộc địa vị Thất Tín trong Viên Giáo đã đoạn sạch Kiến Tư Hoặc, khi tu đến địa vị Thập Tín mới phá hết Trần Sa. Lại phải tu lần lượt Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, bốn mươi mốt địa vị, mỗi [địa vị] phá một phẩm vô minh bèn tiến lên một địa vị [cao hơn], được một phần Tam Đức bí tạng. Theo thứ tự như thế, đến địa vị cuối cùng là Đẳng Giác mới đoạn sạch bốn mươi mốt phẩm vô minh, lại đoạn một phẩm vô minh, tiến lên một địa vị nữa, mới có thể thành tựu quả Phật rốt ráo phước huệ viên mãn. Như vậy, quả thật chẳng phải là chuyện dễ dàng. Mọi người hiểu được đạo lý này thì mới chẳng hiểu lầm!

Lại có người nói: “Tự Tánh của mỗi người chúng ta vốn là chẳng nhiễm mảy trần, thanh tịnh trong lặng, đấy chính là Tịnh Độ. Tự Tánh vốn chẳng sanh, chẳng diệt, xưa nay thường hằng, chẳng dời, chẳng biến, chính là Vô Lượng Thọ. Tự Tánh vốn sẵn đủ đại trí huệ quang minh, chiếu trời, soi đất, chính là Vô Lượng Quang. Nếu như lìa khỏi Tự Tánh sẵn có ấy, muốn có riêng một cõi Tịnh Độ để sanh, [có một vị] Phật Di Đà để thấy, đấy chính là trên đầu chồng thêm một cái đầu nữa, không có lẽ nào!” Nếu tưởng như thế chính là đạo lý Thiền Tịnh Song Tu thì cũng là lầm lẫn rồi! Nếu nói như vậy thì hoàn toàn là thiên về Thiền Tông, hoàn toàn chẳng thích hợp cho Tịnh Tông. Vì sao biết được [như vậy]? Là vì Thiền Tông chẳng dạy người ta sanh lòng tin phát nguyện, cũng chẳng dạy người ta niệm Phật, chỉ dạy người ta tham cứu thoại đầu[74] nhằm cầu minh tâm kiến tánh. Đấy chính là nói: “Lìa ngoài tự tánh chẳng có Tịnh Độ để có thể sanh, [chẳng có] Di Đà để thấy!” Nói tuy không sai, nhưng rốt cuộc vẫn thiên về kiến giải thuộc lý tánh, chẳng thể dung thông với sự tướng mà cũng cách biệt với sự lý vô ngại của Tịnh tông, nên nói “không phải là Thiền Tịnh Song Tu!” Người tu Tịnh Độ chuyên lấy ba pháp Tín Nguyện Hạnh làm tông, mọi người phải hiểu rõ ràng!

Lại có thuyết “tức thân thành Phật” (thành Phật ngay trong thân này) của Mật Tông. Nếu mới nghe qua, chuyện như thế khiến con người rúng động; nhưng trên mặt sự thật, trọn chẳng thể nhanh chóng, thuận tiện như vậy. Ý nghĩa của “tức thân thành Phật” là nói công phu của Mật Tông khi tu đến thành công thì có thể thành đạo ngay trong thân này; nhưng sự thành đạo như vậy chẳng qua là liễu sanh tử mà thôi! Miễn cưỡng nói là “thành Phật” thì còn có thể miễn cưỡng chấp nhận được! Nếu coi là thật sự thành được vị Phật đoạn rốt ráo Ngũ Trụ[75], vĩnh viễn hết hai loại chết (phần đoạn và biến dị sanh tử) thì lầm lạc quá đỗi! Ví như một đứa bé con, cạo trọc đầu đi, ai nấy đều gọi nó là Hòa Thượng[76]; hay là vị tỳ kheo đã thọ Tam Đàn Đại Giới[77] cũng được gọi là Hòa Thượng; hay là vị Phương Trượng đứng đầu chốn tùng lâm[78] cũng gọi là Hòa Thượng. [Những loại] Hòa Thượng như trên, miễn cưỡng gọi thì cũng được. Nếu coi [những người ấy] thật sự là Hòa Thượng thì cũng không đúng. Nói đúng sự thực thì phải [là người] có đạo đức, học vấn, có sức làm cho người khác sanh trưởng Pháp Thân huệ mạng thì mới đúng là Hòa Thượng danh phù hợp với sự thực.

Phải biết thế giới này của chúng ta, trong Phật pháp của đức Thích Ca Mâu Ni Phật, chỉ có một mình đức Thích Ca Mâu Ni Phật là thành Phật ngay trong thân này. Lại phải đến khi đức Di Lặc Phật hạ sanh thì mới có thể tính là có một vị Phật nữa thành Phật ngay trong thân này. Trong khoảng thời gian sau khi đức Thích Ca diệt độ và ngài Di Lặc chưa giáng sanh, muốn tìm lấy một người thành Phật ngay trong thân này thì bất luận ra sao cũng không thể có được! Dẫu chính Phật Thích Ca ứng hiện trong thế gian lần nữa, cũng không thị hiện đạo lý “thành Phật ngay trong thân” này!

Vào đời nhà Thanh trước kia, trong khoảng từ niên hiệu Khang Hy đến niên hiệu Càn Long, Phật Sống[79] Tây Tạng đến khi lâm chung biết chết rồi sẽ phải đi đầu thai trong nhà nào, dặn lũ đệ tử đến lúc ấy đi rước ông ta. Khi đẻ ra, cũng nói được ông ta là Phật Sống ở chỗ nào đó. Tuy có bản lãnh như vậy, cũng vẫn chưa phải là thành Phật ngay trong thân này! Vì sao biết được? Vì nếu quả thật là thành Phật ngay trong thân này, tự nhiên sẽ giống như Phật Thích Ca, nói được các thứ phương ngôn (ngôn ngữ riêng của từng địa phương), dùng một tiếng thuyết pháp cũng có thể khiến cho hết thảy chúng sanh đều hiểu được. Cớ sao Phật Sống Tây Tạng, [đối với] ngôn ngữ Trung Quốc lại không biết? Một chuyện nhỏ như vậy đủ để chứng minh ông ta không phải là thành Phật ngay trong một đời. Huống chi sau này Phật Sống khi chết đi chẳng để lại lời gì? Lúc sống cũng chẳng có biểu hiện gì, đều là do người khác xếp đặt, bốc thăm để quyết định[80], vậy thì chẳng cần phải nói gì nữa!

Hơn nữa, công phu tu Mật Tông muốn thành công cũng rất khó khăn. Nếu chuyên cầu mau đạt được thần thông, chẳng khéo dụng tâm, lại còn bị nguy hiểm gặp phải ma sự, vẫn chẳng ổn thỏa, thích đáng bằng Niệm Phật. Năm Dân Quốc mười bảy (1928), ở Thượng Hải có một người đệ tử quy y mời tôi đến nhà ông ta dùng cơm chay và nói trong gia đình ông ta có một người thân thích là một nữ cư sĩ học Phật đã nhiều năm, học vấn cũng rất khá, đã hơn năm mươi tuổi, gọi bà ta đến trò chuyện có được hay không? Tôi nói: “Được chớ!” Ông bèn kêu bà ta đến. Đến khi gặp mặt, tôi bảo bà ta: “Tuổi đã cao rồi! Hãy nên mau niệm Phật cầu sanh Tây Phương”. Bà ta đáp: “Tôi chẳng cầu sanh Tây Phương, tôi muốn sanh trong thế giới Sa Bà!” Tôi liền trả lời bà ta: “Chí hướng của bà hèn kém quá!” Bà ta lại nói: “Tôi muốn thành Phật ngay nơi thân này”. Tôi lại đáp lời bà ta: “Chí hướng của bà cao xa quá! Sao không chịu vãng sanh thế giới thanh tịnh kia, cứ muốn sanh trong thế giới trược ác này? Phải biết rằng: Đạo lý ‘thành Phật ngay nơi thân này’ là có, thế nhưng hiện thời không có ai được như vậy cả, mà cũng chẳng phải là chuyện bà hay tôi có thể làm được!” Người không thông hiểu đạo lý như vị nữ cư sĩ ấy, hoàn toàn không có chút gì biết tự lượng sức, ăn nói lớn lối, quả thật là tự lầm, lầm người vậy!

Lại có hai người cầu sanh trong thế giới Hoa Tạng. Có một ngày, người kia mắc bệnh, người này bèn đến thăm. Sau đấy, do thấy người kia bệnh tình không xong, liền gấp rút bảo người kia niệm “Nam Mô Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, Hoa Tạng Hải Hội Phật Bồ Tát”, mọi người cũng ở bên cạnh trợ niệm cho ông ta. Sau một khắc bèn hỏi ông ta có thấy cảnh giới gì hay không? Ông ta đáp: “Không có!” Hỏi như vậy hai ba lần đều nói “không có!” Đến lần cuối cùng, ông ta bèn nói: “Mẹ đã đến rồi!” Ôi chao! Có hỏi ông ta như vậy mới biết bọn họ [tu] như thế không thể nào chắc ăn được! Là vì trong tâm bọn họ, do niệm Phật hiệu như thế và mong mỏi như thế, lẽ ra phải trông thấy thế giới Hoa Tạng mới đúng, sao lại đâm ra thấy cảnh giới thọ Ấm trong thai mẹ? Từ đấy về sau, ông ta mới quay đầu tu pháp môn Tịnh Độ.

Quý vị phải hiểu rằng: Phải là bậc Pháp Thân Đại Sĩ phá được mấy phần vô minh thì mới có thể thấy được thế giới Hoa Tạng, sanh [về đó] được! Ngoài ra, [dẫu là] bậc Bồ Tát đoạn sạch Trần Sa Hoặc cũng chưa có phần, huống hồ phàm phu đầy dẫy triền phược ư? Trong hội Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử đã chứng Đẳng Giác mà Phổ Hiền Bồ Tát vẫn dạy Ngài và Hoa Tạng hải chúng dùng mười đại nguyện vương hồi hướng Cực Lạc để mong viên mãn Phật Quả. Đủ biết pháp môn Tịnh Độ không căn cơ nào chẳng gồm thâu. Vì thế, tôi thường nói: “Chúng sanh trong chín giới bỏ pháp môn Niệm Phật thì trên là không thể do đâu viên thành Phật đạo được; mười phương chư Phật bỏ pháp môn Niệm Phật thì dưới là không do đâu độ khắp quần manh”, chính là vì duyên cớ này đấy! Ví như người trong thiên hạ, ai nấy đều phải ăn cơm thì ai nấy cũng đều phải niệm Phật.

Kính khuyên các vị, chớ nên không tự lượng sức, vọng tưởng làm hạng phi thường. Nói chung là phải chất phác niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì mới chẳng cô phụ đức Như Lai đã nói pháp môn tổng trì “trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh, thành thỉ thành chung” này và chẳng đến nỗi uổng phí nhân duyên thù thắng mười phương tụ hội tại đạo tràng Linh Nham thanh tịnh này. Mong mọi người hãy trân trọng!

Từ Ngữ Phật Học Trong: I. Pháp Ngữ Khai Thị Khi Từ Thượng Hải Về Đến Linh Nham

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
2.    Ấn Quang Đại Sư Khai Thị Tại Pháp Hội Hộ Quốc Tức Tai Ở Thượng Hải, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
3.    Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
4.    Ấn Quang Pháp Sư Gia Đình Giáo Dục Pháp Ngữ, Thiện Tương Khuyến | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
5.    Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
6.    Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Bảo Thân Tiết Dục Pháp Ngữ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
7.    Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Bổ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
8.    Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Trọn Bộ 4 Quyển, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
9.    Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên Tập 1, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
10.    Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
11.    Đại Sư Tông Khách Ba, Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch
12.    Khai Thị, Ni Sư Hải Triều Âm
13.    Khai Thị 1, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
14.    Khai Thị 2, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
15.    Khai Thị 3, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
16.    Khai Thị 4, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
17.    Khai Thị 5, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
18.    Khai Thị 6, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
19.    Quy Tắc Trợ Niệm Lâm Chung Và Pháp Ngữ Khai Thị, Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam