Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Moi-Mua-Vu-Lan-On-Lai-Loi-Phat-Day

Mỗi Mùa Vu Lan Ôn Lại Lời Phật Dạy
Thượng Tọa Thích Phổ Huân

Mỗi rằm tháng Bảy hằng năm, Phật tử Việt Nam có dịp đến chùa lễ Phật, đọc kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Ân, nguyện cầu cha mẹ hiện tiền an vui khoẻ mạnh sống đời với con cháu; hay cha mẹ quá vãng được siêu sanh Tịnh độ.

Ý nghĩa báo hiếu thương kính cha mẹ, ông bà đã có từ ngàn xưa; truyền thống tâm linh ngẫu nhiên đó, được khai sinh ngay khi con người ý thức thân thể máu huyết nầy do cha mẹ sinh ra. Không khác với con người, một số loài thú cũng có hiểu biết thương yêu cha mẹ chúng.

Nhân mùa Vu Lan báo hiếu năm nay (2010), chúng ta nên ôn lại lời Phật dạy qua cách đối xử thật chan hòa tình thương, thật căn bản giữa cha mẹ, con cái với nhau.

Trong Kinh Trường A Hàm thuộc Đại Tạng Kinh, phẩm Phật nói kinh con trai của Thiện Sanh[*], kể rằng, con của vị cư sĩ Thiện Sanh muốn báo hiếu cha, nên vâng lời cha dạy, lễ lạy sáu phương, mong được đền ơn báo hiếu cha mình. Nhưng khi được Phật hỏi, ý nghĩa sáu phương là thế nào, thì con ông Thiện Sanh lại không hiểu biết.
Nhân đây Phật dạy:

Này con ông cư sĩ, lời nói của cha anh không phải là sáu phương này. Dẫu anh muốn sáng sớm, ngồi lễ bái sáu phương, nhưng có hành vi xấu ác, cấu uế của bốn việc không thể sám hối thì khi thân này chết tinh thần sẽ sanh vào trong cõi ác như địa ngục. Phàm con người vì bốn việc này mà bị lao khổ, anh cần phải biết rõ. Những gì là bốn?

1 Ham thích sát sanh
2 Ham thích trộm cắp
3 Tà hạnh dâm dục
4 Thích nói dối.

Trên đây là lời dạy y theo giới căn bản cho hai hàng Phật tử xuất gia, tại gia, chỉ có thiếu giới uống rượu. Có lẽ vì con ông Thiện Sanh chưa xin Phật quy y, nên Phật chưa đề cập đến giới uống rượu; hơn nữa bốn giới căn bản, hãy còn xa lạ với vị thiện nam này, do đó Phật chưa nói thêm giới thứ năm.

Trước khi Phật dạy bốn điều ác nên tránh làm, Phật còn nhấn mạnh: Dẫu anh muốn sáng sớm, ngồi lễ bái sáu phương, nhưng có hành vi xấu ác, cấu uế của bốn việc không thể sám hối thì khi thân này chết tinh thần sẽ sanh vào trong cõi ác như địa ngục.

Anh thiện nam con ông Thiện Sanh sẽ khó hiểu lời Phật dạy! Vì bởi tại sao vâng lời cha mình lễ lạy sáu phương trở nên vô ích! Đương nhiên anh được Phật giải thích, nếu bốn điều ác không tránh được, thì không những việc lạy sáu phương không lợi ích, ngược lại còn bị đọa địa ngục khổ đau.

Anh phải có nghi vấn, và chưa kịp thưa hỏi, Phật liền kể rõ bốn điều ác cho anh nghe.

Đoạn kinh trên cho thấy, hoàn cảnh của vị thiện nam con ông cư sĩ Thiện Sanh, chẳng khác gì chúng ta trong vô số kiếp quá khứ.

Sự không khác của con ông cư sĩ với chúng ta, là vẫn còn trong sinh tử, vẫn không biết cách cứu cha mẹ ra khỏi sinh tử luân hồi. Vị thiện nam tử chỉ biết lễ lạy sáu phương một cách vô nghĩa, giống như chúng ta chỉ biết đền ơn cha mẹ một cách máy móc cho xong. Hay có thật tình hiếu hạnh đi nữa, thì hành động đó chỉ là quả báo nhân thiên; điều đó vẫn còn trong luân hồi đau khổ, cho nên chẳng khác gì việc làm phí phạm từ bao kiếp sống vô thỉ đến nay.

Con ông Thiện sanh còn xa lạ với đạo giải thoát, nên Phật dạy tránh bốn điều ác, mà không nói đây là giới luật căn bản là nhân giải thoát luân hồi; còn chúng ta quy y Phật Pháp Tăng, hiểu thêm giới uống rượu, cộng lại là năm điều nên tránh, trở thành năm giới căn bản giải thoát, đó là điều khác hơn vị thiện nam tử ở trên. Thế mà chúng ta vẫn không khác vị thiện nam này! Không khác, là biết cũng như không biết, vì giữ không tròn.

Tiếp theo Phật giảng cho con ông Thiện Sanh, ý nghĩa của sáu phương, qua bài kệ:

Phương Đông là cha mẹ
Thầy dạy ở phương Nam
Phương Tây là vợ con
Bằng Hữu ở phương Bắc
Người hầu ở phương Dưới
Sa môn Phạm chí trên
Như vậy nên đảnh lễ

Sáu phương Phật dạy là phương cách cư xử của một người thiện, sống đúng nhân nghĩa, đúng với tinh thần cao thượng của các bậc mô phạm thánh nhân.

Ở đây xin được tìm hiểu chỉ một phương Đông là cha mẹ, nhân trong mùa Vu Lan báo hiếu.

Phật dạy:

Lại nữa, này con ông cư sĩ, hướng về Đông thì cũng như con hướng về cha mẹ. Do đó người con phải lấy năm việc để cung kính, phụng dưỡng và an ủi một cách chân chánh đối với cha mẹ.
Những gì là năm?

1.     Nhớ nghĩ báo đáp ân cha mẹ.
2.     Phải lo thay thế gánh vác.
3.     Phải biết an ủi can ngăn.
4.     Chỉ mong được cung cấp, nuôi dưỡng cha mẹ.
5.     Chỉ làm vui cho cha mẹ.

Ta thử tìm hiểu năm việc Phật dạy cho người con hiếu đối với cha mẹ.
 
Nhớ nghĩ báo đáp ân cha mẹ.

Báo đáp ân cha mẹ, ai có thể làm được? Xin thưa chỉ có Phật mà thôi! Tại sao? Chứng minh! Vì Phật là bậc giác ngộ, thấy được vạn pháp sinh diệt; thấy được sinh tử luân hồi, chúng sinh lặn hụp không biết đường ra, tạo thành khổ đau từ vô thỉ đến nay không dứt. Phật dạy phương pháp tu hành, nhận diện bốn sự thật của con người: Sinh, lão, bệnh, tử. Rồi chỉ rõ bốn chân lý Khổ, Tập, Diệt, Đạo, làm nhân tu tập, làm quả giải thoát.

KHỔ: chính là quả báo, là nước mắt cuộc đời không ngừng chảy, là vô thường sinh diệt, giả dối, không bao giờ làm ta hài lòng thỏa mãn bất cứ việc gì, trừ khi chứng đạo giải thoát. TẬP, là nguyên nhân: tham, giận, si mê, khiến ta mờ mịt không thấy ánh sáng sinh diệt vô thường của vạn pháp vốn duyên sanh vô ngã. DIỆT: là quả Niết Bàn, là cảnh giới giải thoát trong tâm hồn, khi trừ diệt được tham, sân, si; và tiếp theo đó chính là nhân là ĐẠO: phương cách thực hành chánh pháp, như Bát Chánh Đạo một giáo lý căn bản giải thoát của Như Lai.

Thế thì ta hiểu, tại sao chỉ có Phật mới đền đáp rốt ráo hiếu hạnh hiếu nghĩa với cha mẹ. Chứng minh thêm: Ngày Phật còn tại thế, nghe tin vua cha Tịnh Phạn lâm sàng, chuẩn bị bỏ thân ngũ uẩn, Phật liền đích thân về thăm, rồi dạy thân phụ hiểu đạo giải thoát, quán chiếu vạn pháp vô thường sinh diệt, tức thì thân phụ liễu pháp, chứng đạo đi vào Niết Bàn, không khác gì một bậc Thánh Tăng nhập diệt.

Cho nên trả lời rằng, ai là người đền đáp trọn vẹn ân đức cha mẹ, câu trả lời sẽ là, ngoài Phật không có một ai.

Như vậy, nếu nghe rằng ngày nay hay ngày xưa, ai đó đã đền được ân, báo được hiếu cho cha mẹ, thì người đó chắc chắn phải biết, thế nào là thực hành theo lời Phật dạy, để hướng dẫn cha mẹ tu tập theo giáo lý giải thoát của Như Lai.

Thế thì ngày nay giáo lý giải thoát vẫn còn hiện hữu trên thế gian, tất cả chúng sanh làm người hiện còn cha mẹ trên đời, sẽ có cơ hội học hiểu và báo hiếu như đấng Thế Tôn đã từng báo hiếu. Bằng không ngược lại, chỉ là phụng dưỡng thường tình nuôi thân vật chất, hay bằng tình thương luyến ái, đã lập đi lập lại từ vô số kiếp luân hồi đau khổ mà thôi. Đến khi cha mẹ chết rồi, đành phải ngậm ngùi thương tiếc, không biết bao giờ gặp lại; nếu có gặp lại cũng không thể nhận ra, vì thọ mạng quả báo đời sau không giống đời này. Thế là đối xử với nhau như xa lạ chưa hề quen biết; có khi còn gây gỗ hóa thành kẻ thù gây oan chuốt oán.

Việc luân hồi trả vay là sự thật, điều đó chúng ta đã từng hiểu biết và kinh nghiệm qua sự kiện nghiệp báo xảy ra trong đời sống: con cái bất hiếu cha mẹ, trong khi cha mẹ một mực hy sinh không màng gì con ngỗ nghịch. Nhưng đôi khi cũng có cha mẹ không biết thương con, lại còn hủy hoại con mình, đành chối bỏ đi những ngày cưu mang đau khổ! Như thế ngoài Phật ra, có ai biết được cha mẹ mình, hay con cái chúng ta, đã bao lần bao kiếp vay trả với nhau.

Tóm lại đền ơn cha mẹ phải theo lời Phật dạy, phải giúp cha mẹ hiểu biết sinh tử luân hồi, biết tu nhân quả; đến khi cha mẹ thoát khỏi luân hồi, đó mới gọi là trọn hiếu báo đáp ân sâu cha mẹ.

Vậy thì năm điều cung kính phụng dưỡng cha mẹ, đó là việc phải làm của một người con biết đền đáp công lao nuôi nấng dạy dỗ của cha mẹ.

Và khi hiểu biết làm sao giúp cho cha mẹ không còn sinh tử luân hồi, vậy đó đã rốt ráo trọn hiếu của một người con thảo.

Bốn điều tiếp theo Phật dạy, là điều tất nhiên phải có. Nhưng tuyệt đối chúng ta phải nhớ, Phật dạy những điều căn bản vẫn là sinh tử luân hồi; nếu còn sinh tử, thì dù hiếu hạnh của thế gian có cao thượng, cao quý thế nào, cũng là quả báo nhân thiên, mà vòng luân hồi sinh tử không khi nào ra khỏi.

Sở dĩ Phật phải dạy rõ từng việc căn bản thường tình như: phải lo thay thế gánh vác  nặng nhọc cho cha mẹ; phải biết an ủi can ngăn mỗi khi cha mẹ làm sai. Chỉ mong được cung cấp nuôi dưỡng cha mẹ đến khi nào cha mẹ mất; và quyết lòng suốt đời chỉ làm vui cho cha mẹ, vì đó là cơ bản phương tiện bước đầu học Phật.

Người học Phật trước hết phải sống tốt, sống đúng như thế gian, mà không thể ngược lại đạo đức luân lý thế gian được. Chẳng khác gì Phật bảo con ông Thiện Sanh, hãy lạy mỗi phương, là mỗi ân nghĩa tình thâm của cha mẹ, thầy tổ, vợ con, bạn hữu, người hầu và tu sĩ.

Những ân nghĩa này phải được đầy đủ, thì người con mới gọi là thật hiếu, người trò mới trọn ân, người vợ người chồng trọn nghĩa, người bạn mới gọi bạn hiền, người hầu mới gọi đáng tín, và người học đạo mới đúng nghi lễ.

Gọi là hiếu, lại thiếu ân tình ân nghĩa với người chung quanh với trách nhiệm xã hội… người này không thể nào gọi là thật hiếu với cha mẹ. Vì sao? Vì người con làm cho cha mẹ vui nhất, có nghĩa cha mẹ được tiếng thơm, tiếng lành từ đứa con hiền đức của mình; chứ cha mẹ khó thể nào vui, dù có phụng dưỡng hy sinh thế nào cho cha mẹ; nhưng lại làm cho mẹ nghe tiếng dữ, tiếng không hay của con mình đối với mọi người, với quốc gia xã hội.

Đó là tóm lược ý nghĩa bổn phận của người con. Riêng đối với bổn phận của cha mẹ thì thế nào? Phật dạy như sau:
Cha mẹ cũng phải lấy năm việc để yêu thương con cái. Những gì là năm?

1 Tạo cơ nghiệp cho con.
2   Lo tài lợi cho con.
3   Lo dựng vợ gả chồng cho con.
4   Dạy con học theo kinh sách đạo lý
5   Đem của cải giao phó cho con

Lời Phật dạy cho người làm cha mẹ đối với con cái, tương hợp đối đãi với sự cung kính hiểu thảo của con mình; điều này cho thấy giáo lý giải thoát hài hòa tôn trọng đức tính của mỗi chúng sanh.

Đương nhiên chúng ta phải hiểu, cha mẹ ngoài bổn phận lo cho con cái từ tài lợi,  việc lập gia đình, đến học làm người biết đạo lý, cuối cùng lo cho tương lai đời sống của con mình. Nhưng phần quan trọng nhất vẫn là học đạo hiểu biết để ứng xử với nhân gian. Đành rằng cha mẹ nào cũng phải dạy con đạo lý làm người, khi con bắt đầu hiểu biết; tuy nhiên như đã tìm hiểu bổn phận của người con hiếu, phải tránh bốn điều dữ, thì cha mẹ cũng phải hiểu biết và làm theo bốn điều này.

Bốn điều nên tránh mà đức Phật dạy cho con ông Thiện Sanh, để thể hiện đúng ý nghĩa hiếu thảo của người con, cũng là thầm dạy cho chính vị thiện nam này, khi lớn lên biết đối xử với con cái mình; và điều đó phải là việc nên làm của tất cả chúng sanh muốn có cuộc sống hiếu thuận hòa ái với nhau.

Tóm lại chúng ta có thể thấy được qua bài kinh Phật dạy con ông Thiện Sanh, có hai việc quan trọng: Một là đạo làm người, và một là Thánh đạo giải thoát

Đạo làm người: Là phương tiện giải thích sáu phương, trong ý nghĩa trải hết ân tình đạo lý từ cha mẹ cho đến Thầy tổ, vợ chồng…với nhau. Đó là cơ bản của nhân đạo, trước khi tiến lên Thánh đạo.

Thánh Đạo: Phật bảo vị thiện nam này hãy tránh bốn điều ác nếu muốn việc lễ lạy của mình có ý nghĩa. Bốn điều ác nên tránh, chính là bốn giới hạnh của một cư sĩ, không khác giới hạnh của tu sĩ học đạo giải thoát. Bốn điều này sẽ là nền tảng cho việc học tu giải thoát, hay nói đúng hơn là con đường Thánh đạo, mà chắc chắn rằng tương lai vị thiện nam này sẽ nhận hiểu ra.
Thế thì ta có thể hiểu ý nghĩa Vu Lan trong mùa hiếu hạnh mỗi năm, không chỉ đơn thuần hướng về cha mẹ, hướng đến ông bà, mà ý nghĩa Vu Lan là niệm hiếu sinh hiếu dưỡng, hướng đến tất cả chúng sinh bốn loài không phân biệt. Vì tất cả chúng sinh chưa chứng đạo giải thoát, đều đang sống trong luân hồi sinh tử, đều từng liên hệ với nhau.

Sự liên hệ đó là cùng sống chung trên cõi Ta Bà, cùng cộng hưởng niềm vui nỗi khổ; nhưng vì phàm phu không có thiên nhãn, không nhìn thấy được quá khứ luân hồi, nên chỉ biết hạn cuộc gia đình, hạn cuộc người thân bà con thân tộc. Đợi khi nghe cảnh thiên tai họa hoạn, chết chóc xảy ra đâu đó trên địa cầu, thì mới thấy tự nơi tâm mình dâng lên niềm đau xót, không còn phân biệt kẻ lạ người dưng. Điều này nói lên sự liên hệ nghiệp cảm, mà ta với tất cả mọi người đã từng gần gũi thương yêu nhau.

Theo luật nhân quả nghiệp báo, theo duyên sanh thọ mạng của tất cả chúng sanh còn trong nghiệp thức luân hồi, nếu không phải từ ái dục sinh ra, thì ta đã không sanh ra trong cảnh Dục giới này. Cũng chính do ái dục thọ sanh cộng nghiệp, nên con người nào cũng dễ sinh luyến ái với nhau; và cũng chính do nghiệp thức sân, si nên chúng sanh nào cũng khiến cho ta sân giận. Chứng minh việc này, là con người có thể ngã lòng thương hại đến bất cứ ai, dù là kẻ thù truyền kiếp; và ngược lại cũng có thể sân giận thù ghét ngay đến cả người thương kính nhất của mình.
Thế thì có phải tất cả chúng sanh đã từng luyến ái với nhau từ vô thỉ kiếp, đã từng thân thuộc với nhau. Cho nên Phật dạy, người lớn tuổi hơn ta nhiều, nên xem như cha mẹ, lớn hơn vài tuổi xem như anh chị ruột của mình, và nhỏ hơn thì xem như em ruột của ta…

Nếu mọi người trên địa cầu này quán tưởng tư duy được như vậy, thì hạnh phúc thế gian sẽ là hiện thực; và giáo lý giải thoát của Thế Tôn sẽ không phải khó khăn để thực hành, không phải khó khăn giảng giải. Vậy còn khó khăn gì để thực hiện hiếu hạnh đối với hai đấng sanh thành, khi niềm tôn kính mọi người như tất cả người thân không phân biệt.

Nhân mùa hiếu hạnh Vu Lan lại về như mỗi năm, nguyện cầu tất cả chúng sanh trong pháp giới tương lai chứng thành Phật quả.
________
 
[1] Kinh Trường A Hàm số 2 – thuộc Bộ A Hàm II – Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản:  các trang: 252, 261, 264.
 
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Địa Tạng Bồ Tát Thánh Đức Đại Quan, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 Sự Tích Linh Nghiệm Của Ngài Bồ Tát Địa Tạng, Hòa Thượng Thích Pháp Chánh Tải Về
3 Phổ Khuyến Đạo Hữu Tịnh Độ Trì Tụng Kinh Địa Tạng, Hòa Thượng Thích Pháp Chánh Tải Về
4 Bồ Tát Địa Tạng Thánh Đức Hỏi - Đáp, Thích Giác Nguyên Tải Về
5 Thiếu Niên Bảo Thân, Khuyết Danh Tải Về
6 Truyện Tranh Kinh Địa Tạng, Cư Sĩ Lâm Cự Tinh Tải Về
7 Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh giảng, Thượng Tọa Thích Vĩnh Hóa Tải Về
8 Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luân Kinh Giảng Ký Quyển 1, 2, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về

Vu Lan Bồn
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Ý Nghĩa Vu Lan Báo Hiếu
Thích Huệ Thành

Thế Tôn Báo Hiếu Phụ Vương
Hòa Thượng Thích Phước Sơn

Báo Hiếu Cha Mẹ Bằng Bồ Đề Tâm
Thượng Tọa Thích Phổ Huân

Nghĩ Về Vu Lan
Thượng Tọa Thích Phổ Huân