Mạng xã hội của con người hiện đại ngày càng phức tạp, mối quan hệ giữa người với người cũng ngày một nhạt đi, . Vì thế, ở những nước phát triển có nhiều người muốn trốn tránh cuộc đời, tìm đến ở những nơi thâm sơn cùng cốc. Tuy nhiên, trong cuộc đời tương quan tương duyên này, muốn sống hoàn toàn độc lập là điều hoang tưởng. ít nhất chúng ta vẫn còn những người không thể bỏ như cha mẹ, anh chị em, quan hệ họ hàng, thân thuộc, lớn lên chúng ta còn phải đi vào xã hội tham gia lao động kiếm sống thì càng không thể xa rời cuộc đời. Con người sống được nhờ nương tựa nhau, phục vụ cho nhau. Cho nên, trong quá trình từ sinh ra đến khi chết đi, chúng ta luôn luôn gắn bó với mọi con người, nên thực sự không thể tách biệt khỏi đời sống xã hội này.

Mối quan hệ giữa người với người gọi tắt là “nhân gian” (giữa người với người). Đức Phật Thích Ca đã thấu suốt các nỗi đau khổ của con người mới giác ngộ thành Phật. Thực ra, hai nỗi khổ “ ái biệt ly khổ” (yêu thương chia lìa) và “oán tăng hội khổ” (oán thù gặp gỡ) trong Bát khổ đều đến từ mối quan hệ giữa người với người, đây cũng là những nỗi đau không thể tránh được của con người. “Oán thù gặp gỡ” chỉ những người oán hận nhau nhưng tránh nhau không được, người ta thường gọi là “oan gia ngõ hẹp”. Ví dụ như do oán hận nhau mà một người phải chuyển nhà nhưng sau khi chuyển mới phát hiện nhà hàng xóm mới chính là kẻ thù của mình trước khi chuyển nhà; hoặc khi đi công tác, trong lòng đang nghĩ viễn cảnh của người đón rước, nhưng đến khi gặp mới biết đó chính là kẻ thù của mình đang đón mình.

Đây quả là điều kì lạ: thông thường những người chúng ta muốn gặp lại không gặp, ngược lại những người muốn tránh lại cứ gặp. Thực ra, mối quan hệ giữa người với người đều có duyên, nếu biết phát triển duyên đó thành duyên tốt thì thành người thân, ngược lại nếu không trân trọng mối quen biết và làm cho nó xấu đi thì thành thù oán. Khi ân oán chưa giải thì phải gặp nhau để trả nợ hoặc kết thêm tình cảm. Vì thế, khi gặp người thù oán, nếu là người con Phật thì chúng ta hãy chủ động giảng hòa trước, nếu có lỗi hãy thành thật nhận lỗi và mục đích là phải kết thêm mối thiện duyên với họ. Thực ra chỉ phải đối diện nhận lỗi mới được gọi là giải được oán thù.

Còn về “ái biệt li” (yêu thương chia lìa), tức chỉ những người thân yêu ruột thịt hoặc người mình yêu thương nhưng không thể gần gũi nhau, sự chia lìa này có thể là đi xa vì một lí do nào đó hoặc là không may qua đời khiến chúng ta mãi mãi không bao giờ gặp lại được nữa. Khi những người thân yêu đang chung sống bỗng nhiên phải xa nhau, họ sẽ cảm thấy trống trải, hụt hẫng và đau khổ. Nhất là khi người thân yêu qua đời, nỗi đau sinh li tử biệt thật khó nói hết. Nhưng, chúng ta thử nghĩ xem nguyên nhân nào dẫn đến nỗi đau chia lìa, oán thù gặp gỡ kia?

Có một nữ Phật tử khóc lóc đau khổ suốt mấy tuần liền vì chổng bất hạnh qua đời. Tôi hỏi rằng:

Cô khóc lóc bi thảm thế rốt cục là vì gì?

Dạ, đương nhiên là con khóc cho chồng của con ạ, ông ấy nỡ bỏ con một mình trên đời này, thật đau khổ lắm thầy ạ. ông ấy thật tàn nhẫn!

Chồng đã mất lại còn trách là tàn nhẫn, thực tế là cô không phải khóc vì ông ấy mát mà khóc vì mình đã bị mất chồng, đây bất quá chỉ là khóc vì thương bản thân mà thôi.

Cho nên, khi có người thân đi xa, trước tiên chúng ta phải tự hỏi tại sao mình đau buồn, phải chăng đau buồn vì lòng ích kỉ? Nếu mình đau buồn vì lo cho đối phương thì hãy nghĩ rằng người ta chết đi không thể sống lại, khóc lóc không những không giúp được gì cho người ra đi mà ngược lại còn khiến người ra đi không được yên lòng.

Điều chúng ta cần làm lúc này là phải tụng kinh niệm Phật, làm nhiều điều thiện để hồi hướng công đức cho người đã khuất, đồng thời phải thành tâm cầu cho người đó vãng sinh Tây phương hoặc được sinh ra ở những cảnh tốt đẹp hơn.

Ngoài ra, nếu người thân ra đi vì sự nghiệp tiền đồ thì chúng ta càng không nên đau lòng mà nên vui mừng chúc tụng để người đi yên tâm, phải tỏ ra cứng rắn, động viên khích lệ và xem đó như một cách ủng hộ hữu hiệu. Bất luận là yêu thương chia lìa hay oán thù gặp gỡ, chúng ta đều không vì lòng tự tư ích kỉ của mình mà chuốc lấy thêm đau khổ cho cả đôi bên. Chỉ khi nào chúng ta chịu được nỗi đau chia lìa, dũng cảm đối diện với những nỗi đau mà người khác khó đối diện, buông xả sự chấp trước, chúng ta mới tự tại vô ngại trên đường tu cũng như trên đường đời.



Trích từ: An Lạc Từ Tâm