Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Niem-Phat-Ma-Ban-Tin-Ban-Nghi

Niệm Phật Mà Bán Tín Bán Nghi
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Trong sáu thời, có phải là câu Phật hiệu thường bị đánh mất hay không? Đúng là có lúc đánh mất cả mấy giờ đồng hồ, vừa mất là mấy lần hai mươi tiếng đồng hồ, đây là chuyện bình thường. Pháp môn Tịnh Tông vô cùng thù thắng, câu danh hiệu vô cùng thù thắng này, có phải là chúng ta đã thật sự hiểu rõ rồi hay chưa? Nếu thật sự hiểu rõ, trong sáu thời sẽ không bao giờ đánh mất câu Phật hiệu này, giống như cổ đại đức đã nói “ban đêm nằm mộng cũng niệm Phật”. Vì sao lại đánh mất? Thật ra, đối với pháp môn này, chúng ta chỉ hiểu phân nửa, cần phải giáo dục từ chỗ này.

Lão cư sĩ Hạ Liên Cư hà tất phải hội tập kinh này? Có cần thiết hay không? Nếu người học Phật chúng ta, hiểu rõ ràng, hiểu rành rẽ bộ kinh này một cách rốt ráo, đó là hiện tượng gì?  Tín tâm kiên định, nguyện tâm chẳng đổi dời. Ngẫu Ích đại sư đã dạy: Tín nguyện là điều kiện tiên quyết để vãng sanh Tịnh Độ, có tín có nguyện, nhất định sẽ được vãng sanh. Còn công phu niệm Phật sâu hay cạn, sẽ quyết định phẩm vị cao hay thấp khi vãng sanh thế giới Cực Lạc. Do đó, có thể thấy chuyện quan trọng nhất của người niệm Phật là chân tín, thiết nguyện, chúng ta nẩy sanh vấn đề ở chỗ này! Lão hòa thượng Liên Công hội tập kinh này, mục đích là gì? Mục đích là giảng rõ ràng, giảng rành rẽ, giảng thấu suốt về hai thế giới Cực Lạc và thế giới Sa Bà, để cho chúng ta lắng lòng tư duy, chọn lựa.

Thế giới Sa Bà, đặc biệt là trong xã hội ngày nay, cả địa cầu động loạn, chẳng yên ổn. Lần động loạn này chưa hề có trong lịch sử thế gian, đã loạn đến mức cùng cực rồi. Con người sống trong thế gian giàu nghèo, sang hèn, có ai không khổ? Người bần cùng đã khổ, người giàu sang càng khổ hơn, có đáng để lưu luyến hay không? Niềm vui của thế giới Cực Lạc, mỗi ngày chúng ta đọc kinh đều nghe nói tới, vì sao chẳng khẳng định hạ quyết tâm mong muốn vãng sanh? Vì bán tín bán nghi: “Có thiệt hay không? Thật sự giống như trong kinh diễn tả hay sao? Có thiệt không?” Vấn đề ở chỗ này! Vì sao? Tuy chúng ta nghe kinh, niệm kinh rất nhiều, vẫn hoài nghi chẳng dứt! Thiệt đó! Có người suốt đời đến lúc gần chết đều chẳng thể đoạn nổi. Lúc gần chết niệm A Di Đà Phật, lại nghĩ “Phật có thiệt hay không? Ngài sẽ đến tiếp dẫn tôi sao?” Vẫn còn niềm nghi ngờ ấy. Do vậy, chữ Tín này, khó lắm, khó lắm!

Tôi đã từng nói, hai năm sau khi xuất gia, tôi mới thọ giới. Cả đời tôi tùy duyên, duyên thọ giới lúc đó đã chín muồi. Sau khi thọ giới xong, trở về Đài Trung đảnh lễ thầy tôi, cảm ơn thầy đã dạy dỗ, vun bồi. Thầy ở Thư Viện Từ Quang. Tôi đến Thư Viện, vừa bước đến ngoài cổng, thầy ở bên trong nhìn thấy, thầy lấy tay chỉ tôi: “Này con, con phải tin Phật nghe!” Thầy nói câu ấy cả mười mấy lần. Tại sao tôi học Phật hết bảy năm, đã xuất gia rồi, xuất gia xong liền đi dạy ở Phật Học Viện, đã dạy ở Phật Học Viện hết hai năm, nay thọ giới xong, về thăm Thầy, tại sao Thầy lại dạy tôi phải tin Phật? Tôi rất ngạc nhiên, chẳng hiểu vì sao thầy nói như vậy. Tôi bước vào bên trong, thầy bảo tôi ngồi xuống, nói:

“Con có hiểu lời thầy hay không?”

Tôi thưa chưa hiểu, suy nghĩ chẳng thông suốt. Thầy bèn dạy:

“Có nhiều vị lão hòa thượng tới lâm chung cũng còn chưa tin!”

Đó là sự thật, chẳng giả, chứng tỏ niềm tin rất là khó. Trong Tịnh Độ Tông, Tín là căn bản, là điều thứ nhất trong ba tư lương. Nếu chẳng có Tín, Nguyện và Hạnh ở phía sau sẽ chẳng còn nữa, lấy đâu ra Nguyện và Hạnh? Nguyện tức là cầu sanh Tịnh Độ, Hạnh tức là thật thà niệm Phật. Câu Phật hiệu này cứ quên mất hoài, chứng tỏ Tín Nguyện đã có vấn đề.

Chúng ta thiệt có phước, thiệt có thiện căn, thiệt có duyên phận tốt đẹp, vì sao? Chúng ta có thể đọc bản báo cáo này, nghe những âm thanh này, chẳng dễ dàng! Đây là bạn tốt của chúng ta, thiện tri thức, giờ phút nào cũng có người nhắc nhở chúng ta. Khóa giảng lần thứ tư chúng ta dùng phương thức này, học viên trao đổi tâm đắc trong lớp học tập, thực hiện những tâm đắc đã tiếp nhận trong lớp học tập này như thế nào? Làm thế nào để thật sự thực hiện? Trong khi thật sự thực hiện, sẽ xuất hiện nhiều vấn đề, giải quyết những vấn đề ấy ra sao? Làm thế nào để giúp cho chúng ta không đi đường vòng, không lạc vào đường tà? Đấy chính là phước báo thật sự, đấy chính là đức Phật A Di Đà gia trì. Trong nhóm đồng học, đích thực là có những người có tâm đắc, họ chia sẻ tâm đắc với chúng ta. Họ đạt được thọ dụng, họ chẳng tự tư tự lợi, chia sẻ thọ dụng của họ với chúng ta, công đức ấy mới là viên mãn, mới rốt ráo. Hy vọng trong tương lai, chúng ta ở trong thế giới của Phật A Di Đà, có thể họp mặt ở thế giới Cực Lạc lần nữa, thành tựu đạo nghiệp trong giảng đường của Phật A Di Đà.

Vì thế, sau khi đã hiểu rõ ràng, chúng ta sẽ triệt để buông xuống. Có buông xuống, công phu mới đắc lực. Không buông xuống, công phu sẽ không đắc lực. Tôi thấy vậy, rất đau lòng, chỉ có thể đau lòng rát miệng hướng dẫn đại chúng bằng những lời kinh. Trong các đồng học, có người nghe xong đã hiểu rõ, hiểu rành rẽ, bèn chia sẻ tâm đắc khiến cho chúng ta tăng trưởng tín tâm, giúp cho nguyện tâm chúng ta thêm vững chắc, thường niệm câu Phật hiệu chẳng dứt. Thường niệm chẳng dứt, mới có thể nắm chắc vãng sanh bất thoái thành Phật trong đời này.

Do vậy, những bài báo cáo này, tức là những báo cáo tâm đắc học tập, đều được lưu giữ. Chúng ta sẽ chọn lựa, tuyển chọn những bài quan trọng nhất rồi in thành sách, thường cung cấp cho đồng tu tham khảo. Chuyện này rất cần thiết. Đến cuối năm nay, mỗi năm sẽ in một cuốn. Lần giảng thứ tư này, vì thời gian giảng kinh chỉ còn một nửa, lúc trước đã giảng bốn giờ đồng hồ, nay chỉ còn hai giờ. Khóa học kinh này viên mãn phải mất hai năm. Mức tiến triển này không thành vấn đề, quan trọng nhất là kiên định Tín Nguyện, phải học tới mức trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, đều có thể chẳng đánh mất câu Phật hiệu giống như lão hòa thượng Hải Hiền. Đối với chuyện thế gian, thậm chí những Phật sự, tôi thường nói, đều phải tùy duyên. Nếu hữu duyên, nếu chuyện ấy có lợi ích thật sự đối với Chánh Pháp, đối với chúng sanh, thì phải làm, chẳng thể không làm. Nếu không làm, sẽ chẳng có tâm từ bi. Nếu làm, có chướng ngại chuyện niệm Phật hay không? Không chướng ngại. Nếu chuyện ấy cần suy nghĩ, hãy buông Phật hiệu xuống. Làm xong việc, lại đề khởi Phật hiệu trở lại. Như vậy là đúng, như vậy không tính là “đánh mất” Phật hiệu (gián đoạn). Sự việc càng ít càng tốt, nhiều một chuyện không bằng ít một chuyện, ít một chuyện không bằng chẳng có chuyện gì, đừng kiếm thêm chuyện!

Hiện nay, chúng tôi cư trú ở Toowoomba. Cái duyên ở Toowooba này hình như đã chín muồi, chỉ cần ra sức thêm một chút, tất cả sẽ đi vào nề nếp, cái duyên ấy chính là sự đoàn kết tôn giáo. Ý nghĩa đoàn kết tôn giáo ở chỗ nào? Dùng sức mạnh của giáo dục tôn giáo để giúp đỡ xã hội hóa giải xung đột, thúc đẩy an định hòa bình. Chỉ có xã hội an định hòa bình thì mới có thể thành tựu Phật pháp. Khi xã hội động loạn, Phật pháp không thể vun bồi gốc rễ. Ngày nay, chúng ta chẳng sánh bằng người xưa, nguyên nhân là gì? Nguyên nhân thứ nhất, vào thời cổ, xã hội an định. Khi xã hội an định, nhân tâm sẽ an định, thành tựu dễ dàng. Ngày nay, xã hội bất an, rối loạn, tâm chúng ta loạn theo, thành tựu rất khó. Cho nên những gì có thể giúp cho xã hội an định, hài hòa, chúng ta phải làm. Đấy là tự lợi lợi tha, tự lợi là giúp cho Phật pháp xây dựng, phát triển, lợi tha là hy vọng đại chúng đều có thể lìa khổ được vui, trở về an định, hòa hài. Phải quý tiếc duyên phận của chúng ta! Quý vị hãy xem khi chúng ta gặp tai nạn, gặp nghi hoặc, gặp xung đột, bèn có người nhắc nhở chúng ta, đấy đều là Phật lực gia trì, Phật Di Đà gia trì. Chúng ta vĩnh viễn phải cảm ơn, cảm ơn đức Thế Tôn, cảm ơn Di Đà, cảm ơn mười phương chư Phật, cảm ơn hết thảy thiện hữu.

 
Trích từ: Báo Cáo Tâm Đắc Và Những Lời Khai Thị Vàng Ngọc
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Niệm Phật Thành Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
2 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
3 Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
4 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
5 Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
6 Báo Cáo Tâm Đắc Và Những Lời Khai Thị Vàng Ngọc, Hòa Thượng Thích Tịnh Không Tải Về
7 Niệm Phật Thập Yếu, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
8 Niệm Phật Chỉ Nam, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
9 Niệm Phật Sám Pháp, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
10 Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông Chương, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành Tải Về
11 Niệm Phật Pháp Yếu, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
12 Hương Thơm Niệm Phật, Thượng Tọa Thích Phổ Huân Tải Về
13 Niệm Phật Luận, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
14 Niệm Phật Sinh Tịnh Độ, Thượng Tọa Thích Chân Tính Tải Về