Từ bi âm là cơ quan ngôn luận của Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (NKNCPH), do Hòa thượng Khánh Hòa làm Chủ nhiệm, Chủ bút là Hòa thượng Bích Liên. Từ bi âm đã chuyển tải những nội dung cơ bản của đạo Phật trên các phương diện Kinh Luật Luận, giải thích, chú giải giáo lý, nghi lễ Phật giáo.
Việc thành lập các hội “Phật học” và các tạp chí, tập san gắn liền với Hội đã cho thấy ngay từ đầu, phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XX, như PGS. Nguyễn Duy Hinh nhận xét: “Phật học thay cho Phật giáo, nghiên cứu lý luận Phật giáo trong tình hình mới, tình hình khoa học kỹ thuật phát triển của thế kỷ XIX – XX. Hoạt động mang tính chất lý luận, cho nên phương diện nào đó có thể xem là Phật giáo bác học kế thừa truyền thống bác học từ những thế kỷ XI – XIV. Xu hướng thể hiện bằng việc hiện đại hóa Tăng già Phật giáo theo phương thức tổ chức đoàn thể xã hội của phương… Hiện đại hóa việc truyền đạo bằng cách tổ chức trường học, xuất bản sách báo – đặc biệt là báo giải thích những vấn đề Phật giáo và truyền bá kiến thức cơ bản Phật giáo”1.
Việc truyền bá kiến thức Phật giáo và giải thích các vấn đề Phật giáo là một trong ba mục đích lớn của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam nói chung và ở Nam kỳ nói riêng. Sau những bài viết của Hòa thượng Liên Tôn Bích Liên là bài viết của Hòa thượng Khánh Hòa về pháp môn Tịnh Độ. Bài viết đã được đăng liên tục trong 4 kỳ liên tục trên tạp chí Từ bi âm với “Lời vấn đáp về pháp tu Tịnh Độ”, từ kỳ 24 năm thứ nhất (1932) đến các kỳ thứ 25, 26, 27 năm thứ nhì (1933). Bài viết của Hòa thượng dưới hình thức “vấn đáp”, nghĩa là nêu câu hỏi và trả lời. Chúng tôi y cứ bài viết này của Hòa thượng để tìm hiểu quan niệm của ngài về pháp tu này, qua đó để trả lời vì sao pháp môn Tịnh Độ lại được Hòa thượng chú trọng xiển dương trong phong trào chấn hứng Phật giáo đầu thế kỷ XX.
Quan niệm của Hòa thượng Khánh Hòa về pháp môn Tịnh Độ
Đối với Hội NKNCPH, với các bài viết về “Tịnh Độ tông” của các tác giả Liên Tôn Bích Liên và Hòa thượng Khánh Hòa được đăng tải liên tục2 đã cho thấy Hội đặc biệt chú trọng đến pháp môn Tịnh Độ. Đầu tiên là các bài viết này của tác giả Liên Tôn Bích Liên đã giới thiệu cơ bản về “Tịnh Độ tông” trên các phương diện như:
Niềm tin: Người tu tập trước hết phải có niềm tin sâu sắc, kiên cố vì Phật Thích Ca đã nói ra “phép khó tin” để cứu độ chúng sinh. Cho nên, “niệm danh hiệu Phật, vẫn là dễ, mà lòng tin của ta cho quyết định thiệt là khó, nếu không tin không quyết định, tức là nguyện không quyết định, thì dẫu có niệm cũng không có ích gì cả”3; Nhấn mạnh nguyện lực, nhờ có nguyện lực thì tín tâm mới viên mãn;
Cách thức thực hành pháp môn Tịnh Độ: Phương pháp Thập niệm4, Trì danh hiệu Phật; thực hành các hạnh Bố thí; hạnh Trì giới; hạnh Nhẫn nhục… làm sao niệm Phật phải khẩn thiết để vãng sinh Tịnh Độ.
Nêu rõ những lợi ích của việc tu tập pháp môn Tịnh Độ: Các tác giả đều cho rằng, đây là pháp môn “dễ tu dễ chứng”. Người tu hành chỉ cần lấy lòng tín nguyện của mình, chuyên trì danh hiệu Phật mà đạt “nhất tâm bất loạn”5; Niệm Phật một tiếng thì diệt được sinh tử trọng tội trong tám mươi ức kiếp; Thậm chí, Niệm Phật mà dẫu tội chưa sạch thì lúc lâm chung cũng nhờ Phật lực tiếp dẫn mà đới nghiệp vãng sinh; Niệm Phật không cần phải đoạn trừ phiền não mà ra khỏi Tam giới6 và khi sinh về Tịnh Độ thì dứt hết cội dễ sinh tử. Ngoài ra, các tác giả còn chỉ ra mối quan hệ trong lúc lâm chung với “ba cái sức”; ba điều nghi và bốn cửa ải7.
Nếu như tác giả Liên Tôn Bích Liên giới thiệu cơ bản về pháp môn Tịnh Độ về sự cần thiết phải có niềm tin sâu chắc, thực hành rốt ráo và những lợi ích có được từ pháp môn này... thì Hòa thượng Khánh Hòa thông qua hình thức "vấn đáp" tiếp tục giải đáp những gì mà tín đồ Phật tử thấy còn nghi ngờ. Dù Hòa thượng Khánh Hòa tự nhận “tôi đây vẫn chưa am hiểu pháp môn Tịnh Độ cho lắm, song cũng có coi các sách Tịnh độ biết được ít nhiều, vẫn thiệt là một môn để tu và dễ đặng mà cũng là một pháp môn khó nói và khó tin”8. Nhưng những gì mà Hòa thượng "vấn" và “đáp” thì quả không phải như vậy. Ở ngài toát lên một con người am tường sâu sắc, không chỉ các pháp tu khác mà còn luận giải những vấn đề cốt yếu của pháp môn Tịnh Độ một cách tinh tường bằng sự trải nghiệm của chính bản thân mình.
Khẳng định thêm, pháp môn dễ tu dễ chứng
Tịnh Độ là “một pháp môn khó nói và khó tin”, nhưng theo ngài Khánh Hòa: "khó nói thì vẫn phải nói”, nhưng nói làm sao để tín đồ Phật tử tin sâu, tin chắc mà tu tập cho đến nơi đến chốn thì quả không phải là dễ. Hòa thượng cho rằng, ngay cả thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ, người khởi xướng xu hướng Thiền – Tịnh song tu mà vẫn “còn để lại nghi án cho những người thiền giả”. Thậm chí, cả Đức Phật Thích Ca khi thuyết kinh A Di Đà cho đệ tử thì vẫn biết chúng sinh ở đời mạt pháp ít người có đủ đức tin mà “đem lòng khuynh hướng về Tịnh Độ”. Vì sao lại như vậy, Hòa thượng giải thích:
Thứ nhất, đây là pháp tu rộng lớn bậc nhất trong các pháp tu của Phật giáo, từ hàng thượng căn cho đến hàng hạ căn, thậm chí cả những người phạm trọng tội lúc lâm chung biết ăn năn hối cải, niệm danh hiệu Phật A Di Đà đều được vãng sinh;
Thứ hai, đây là pháp tu đơn giản nhất trong các pháp tu của đạo Phật, chỉ niệm hồng danh Phật A Di Đà cho “vững vàng, cho chắc chắn, thì đặng thoát khỏi cõi Ta bà mà về đặng nơi Tịnh Độ”. Vì thế, Hòa thượng tán đồng quan niệm Thiền – Tịnh song tu của ngài Vĩnh Minh Diên Thọ. Ngài Diên Thọ nhận thấy đương thời (tức khoảng cuối thế kỷ X – đầu thế kỷ XI) những người tu Thiền thường chấp vào Lý mà mê Sự, còn các nhà giảng pháp thì chấp Sự mê Lý do đó đều rơi vào biên kiến. Do đó, ngài trước tác bộ Vạn thiện đồng qui tập (6 quyển)9, chủ trương Thiền – Tịnh song tu. Chủ trương của ngài Diên Thọ đã thổi thành một luồng gió mới, các cao tăng như Thiên Y Nghĩa Hoài, Huệ Lâm Tông Bản tiếp nối tạo thành xu hướng Thiền – Tịnh song tu rất đặc sắc trong Phật giáo Trung Quốc sau này.
Tu Tịnh Độ không phải là “chán khổ ham vui” một mình
Tinh thần của đạo Phật là từ bi hỷ xả, những người có tâm học Phật phải theo “ý” Phật, nghĩa là tu tập để giải thoát rồi hoằng dương chính pháp, cứu độ chúng sinh. Hòa thượng nhắc nhở người học Phật “tỏ đạo rồi, chẳng lẽ cái tập khí hữu lậu của ta trừ hết liền mà không thối chuyển đặng, chẳng lẽ không học thêm các sự tu hành chứng quả trong Phật pháp cho đủ mà đặng, lại cũng chẳng lẽ sánh bằng các Phật, lộn vào cảnh giới sanh tử mà không bị các duyên ngăn lại chăng?”10. Cho nên, với Hòa thượng, việc tu tập pháp môn Tịnh Độ là một quá trình liên tục. Bởi không phải khi “tỏ đạo” là không cần học gì nữa, đó còn chưa nói đến việc “độ nhơn”, huống chi đang “nhằm đời ác trược”. Vì thế, muốn “độ nhơn”, theo Hòa thượng, trước hết phải sinh về cõi Cực lạc, chứng bực “vô sanh nhẫn”11 mới quay trở lại Ta bà12 mà cứu độ chúng sinh. Nếu “tỏ đạo”, am hiểu đạo mà chưa tu tập rốt ráo thì không những không thể “độ nhơn” mà còn làm “hư hỏng căn lành” của chính mình, làm cho mình thêm chìm sâu vào biển khổ mà thôi.
“Tự tính Di Đà duy tâm Tịnh Độ”
Hòa thượng Khánh Hòa cho rằng: “Tịnh độ tức là tâm, ngoài tâm không độ”. Kinh Lăng Nghiêm được ngài trưng dẫn minh chứng rất rõ cho nhận định của ngài. Mọi cảnh vật, mọi quốc độ trong mười phương cũng do nơi tâm mà sinh, mười phương chư Phật cũng do nơi tính mà mà sinh ra. Hay nói cách khác, như Hòa thượng viết: “xét một cái tâm mà hàm đủ mười cõi, hiện cả muôn pháp như vậy thì tâm với độ vẫn không ngăn ngại, Phật với chúng sanh nào có riêng khác”13. Như thế, việc Hòa thượng lý giải “tâm là Tịnh Độ, tánh là Di Đà” với Thế giới Cực lạc ở ngoài mười vạn ức cõi và Phật A Di Đà là vị giáo chủ thế giới Cực lạc không có gì sai khác. Chỉ bởi “cái tâm Tịnh Độ và cái tánh Di Đà ấy, đã biết rằng ai ai cũng sẵn có đủ, nhưng chưa đạt tới địa vị đó thì không thể nói được”. Cho nên, người tu Tịnh Độ “không nên theo lý mà mê sự, nói tánh mà quên tướng, và nhứt vị chấp mê mà chiêu cái tội bán pháp”14...
Có thể thấy, quan niệm của Hòa thượng Khánh Hòa theo sát tư tưởng “Duy tâm Tịnh Độ” của ngài Vĩnh Minh Diên Thọ, nhưng ngài viết bằng ngôn ngữ giản dị hơn, dễ hiểu hơn để cho “tăng đồ thất học” và quần chúng nhân dân lúc bấy giờ tiếp thu, tiếp nhận, tin tưởng mà quy hướng tu tập pháp môn Tịnh Độ.
Lý giải vì sao mọi người lại sùng kính Phật A Di Đà
Trong mười phương chư Phật, cớ sao chỉ tôn Phật A Di Đà và niệm hồng danh của ngài. Hòa thượng Khánh Hòa căn cứ theo "lý tánh"15 cho rằng chư Phật “đồng một thân một trí và chỗ ứng dụng cũng như vậy”. Cho nên, người tu hành đạo Phật tôn vị Phật nào cũng được. Nhưng theo "đức dụng" thì Hòa thượng Khánh Hòa đã chỉ rõ cho mọi người thấy được ba nguyên nhân chủ yếu khiến cho mọi tín đồ Phật tử sùng kính Phật A Di Đà.
Thứ nhất, các lời thệ nguyện của Phật A Di Đà vô cùng rộng lớn và có sức lôi cuốn đối với mọi tín đồ Phật giáo
Thứ hai, vì Phật A Di Đà có nhân duyên với chúng sinh ở cõi Ta bà này. Ở đây, Hòa thượng Khánh Hòa giải thích vô cùng giản dị, dễ hiểu như sau: “Coi như hồi Phật Thích Ca tại thế, thì những chúng sanh nghe lời giáo hóa của Phật mà quy hướng về đức Di Đà cũng đã nhiều đến vô biên vô lượng.
Còn khi Phật nhập diệt rồi, thì những chúng sanh ở đời mạc pháp, nào là kẻ tăng người tục, kẻ sang người hèn, nào là đàn ông – đàn bà, con trai con gái, hễ có nghe được Phật giáo chút ít thì chẳng có ai là người không tín – hướng về cái thuyết “cầu sanh tịnh độ” cả.
Dẫu cho hạng người ngoan – ngu bạo ác không tin gì cả, mà khi thấy cảnh nguy hiểm khốn nàn, hay là phát ra lời khen – ngợi ta – oán gì hễ mở miệng thì tự nhiên đã kêu “A – Di – Đà – Phật”.
Đó là không ai khuyên mà nói ra, chẳng ai dạy mà làm được, chẳng phải là có nhơn – duyên với chúng ta hay sao”16.
Thứ ba, sự giáo hóa của Phật A Di Đà có phần tương quan với Phật Thích Ca, nhân duyên vì sao Phật Thích Ca tự thuyết cho Phật tử pháp môn Tịnh Độ. Hòa thượng đã y cứ theo kinh điển để giải thích sự “tương quan này” như sau: Trong quá khứ, Phật A Di Đà vốn là vua Vô Tránh Niệm, còn Phật Thích Ca làm quan Đại thần Bảo Hải. Hai vua tôi trong thời kỳ Phật Bảo Tạng đã phát Bồ đề tâm. Phật Thích Ca nguyện ở cõi Ta bà giáo hóa chúng sinh. Còn Phật A Di Đà nguyện ở cõi Cực lạc lấy sự thanh tịnh, an vui chỉ bày cho chúng sinh, khiến chúng sinh khởi lòng hâm mộ. Hơn nữa, thời Phật Thích Ca, số người chưa độ được còn nhiều, nên phải nhờ đến Phật A Di Đà. Cho nên, Phật Thích Ca tuyên thuyết vãng sinh Cực lạc là như thế. Hòa thượng cho rằng: “pháp môn Tịnh Độ là một cái cơ ứng hóa của đức Thích Ca và đức Di Đà đồng lập ra. Phật này thì chỉ bảo cho chúng sinh chán bỏ chỗ khổ, Phật kia thì dẫn dắt chúng sinh về tới chỗ vui”17.
Vấn đề vãng sinh Tịnh Độ hay "lợi ích" của việc niệm Phật
Hòa thượng cho rằng, việc niệm Phật để vãng sinh Tịnh Độ không trái với cái lý vô sinh. Dù thế giới Cực lạc cách xa mười vạn ức cõi Phật, nhưng lúc lâm chung vẫn vãng sinh thế giới ấy. Hòa thượng đã trích dẫn những lời của Thiên Thai, Trường Lô, Thiên Y làm chứng cớ, minh bạch. Hòa thượng y cứ ở “tánh tướng” để minh định cái lý “sanh mà không sanh” như sau: “Cái diệu tánh chơn như của ta vẫn là thanh tịnh, như gương trong, như nước đứng, không động không lay, không đi không tới; đó nghĩa là “không sanh”. Nhưng vì nhơn duyên hòa hiệp mà hiện có cái tướng “sanh”, cũng như tượng ở trong gương, bóng ở trong nước; đó là nghĩa “sanh”. Bởi tánh hay hiện tướng, cho nên không sanh mà tức là sanh; còn tướng do nơi tánh mà hiện ra, chớ tự thể không có, cho nên sanh mà tức là không sanh. Như vậy thì biết sự sanh về Tịnh độ có trái gì với lý vô sanh đâu.
Chí như sự nghi cõi Cực lạc là xa, thì trước đã nói: ngoài tâm không độ, ngoài độ không tâm, là hết lý rồi, còn có chuyện gì mà nghi ngờ nữa… Vậy thì mười vạn ức cõi Phật cũng ở trong tâm ta, chớ ta phải đi đâu mà gọi rằng xa. Còn đến khi mạng chung mà vãng sanh, thì cũng sanh trong tâm ta, chớ ta có phải về đâu mà gọi rằng khó”18, đây cũng là quan niệm "duy tâm Tịnh Độ, tự tính Di Đà" mà ngài đã giải thích ở trên, nhưng rõ ràng hơn, sâu sắc hơn.
Cũng như các ngài Liên Tôn và Bích Liên nêu rõ lợi ích của việc niệm Phật, Hòa thượng Khánh Hòa còn giải thích rõ ràng hơn, sâu sắc hơn những nghi hoặc của tín đồ Phật tử tu tập theo pháp môn Tịnh Độ. Hỏi (vấn): Trong Quán Kinh nói rằng rằng: “Hoặc có kẻ chúng sanh nào làm những sự ngũ nghịch thập ác, đủ điều bất thiện, đáng lẽ bị đọa vào địa ngục mà thọ khổ; nhưng mà đến lúc lâm chung, gặp người tri thức khuyên bảo niệm “Nam mô A Di Đà Phật” mười lần, rồi cũng vãng sinh về Tịnh độ thì có lý gì mà lại được dễ như thế”?. Hòa thượng luận giải rất rõ ràng như sau: “Đó là vì niệm Phật được tiêu tội lỗi và lại nhờ có nguyện lực rộng lớn của Phật Di Đà nên đặng vãng sanh”19. Tuy nhiên, ngài cũng cho rằng, những kẻ nghịch ác, lúc lâm chung niệm Phật được vãng sinh là do nhờ thiện căn phúc đức ở kiếp trước, nên mới gặp người thiện tri thức dạy bảo mà biết đường niệm Phật. Hòa thường khẳng định, “những bọn ấy là những bọn gặp may, trong muôn người không được một hai; chớ phải ai ai cũng đặng như vậy đây”20. Hòa thượng căn cứ sách Quần nghi luận cho biết có mười hạng người chết không niệm Phật được để làm dẫn chứng rõ hơn cho tín đồ Phật tử, giải tỏa các mối nghi ngờ của tín đồ Phật tử về pháp môn niệm Phật.
Không đi sâu về nguồn gốc tư tưởng Tịnh Độ, về các phương pháp tu tập, hay các cảnh giới Tịnh Độ… Không phải là Hòa thượng né tránh những vấn đề này21, mà ngược lại, đối với pháp môn Tịnh Độ thì càng viết với ngôn ngữ giản dị thì dường như lại càng đem lại hiệu ứng thuận chiều. Bởi trong bối cảnh Phật giáo suy đồi, việc bàn sâu những vấn đề mang tính chất lý luận, cao siêu của pháp môn Tịnh Độ sẽ khó thích hợp với việc “mong trừ tiệt được cái mê tín kia” trong tăng đồ thất học22.
Bản thân Hòa thượng, "từ năm 1929 trở đi, ngài đích thân đi cổ động để sáng lập các Tòng Lâm Phật giáo Hội, tuyển tăng ni sinh, xây dựng Phật học đường hay Phật học viện..., đồng thời mời và liên hiệp các thầy giáo, các cao tăng, đại đức từ Sài Gòn và khắp nơi cùng giảng Phật pháp, thành lập các tạp chí Phật học bằng Quốc ngữ nhằm truyền bá Phật pháp đúng đắn rộng rãi hơn"23. Vì sao Hòa thượng lại có những hành động như vậy? Đó là vì Phật giáo nước nhà đang suy vong, nhưng dường như sâu xa hơn, như trí sĩ Phan Chu Trinh đã từng nói: "Nước Đại Nam chúng ta ngày nay sở dĩ yếu hèn là vì thiếu tinh thần tôn giáo. Tôn giáo luyện cho ta đức hy sinh, coi nhẹ tính mạng, phá sản vì đạo. Không có tinh thần tôn giáo chúng ta không biết cương thường, xả thân vì nghĩ, chỉ bo bo giữ cái lối của riêng mình. Nay bà con xét thử, đời Trần sao dân tộc ta hùng dũng như vậy: quân Nguyên thắng cả Á cả Âu, nuốt trọn Trung Hoa mà qua đến nước ta thị lại bại tẩu; nào là bị cướp giáo ở Chương Dương Độ, nào bị bắt trói ở Bạch Đằng, như vậy chẳng phải là nhờ đạo Phật ở thời đó rất hưng thịnh ư! nhờ cái tinh thần tôn giáo của ta ư?"24. Cho nên, chấn hưng Phật giáo cũng là một hình thức cứu nước, như sư Tâm Lai từng viết: "Nếu cứu quốc ta không cứu tấm lòng sai lạc của quốc dân vào một cái tín ngưỡng thâm trầm thì không sao cứu quốc được. Muốn cứu quốc thì phải chấn hưng Phật giáo"25. Việc chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ nói riêng và ở Việt Nam nói chung, rất chú trọng vào việc xây dựng Phật học đường, đào tạo tăng tài và phổ biến kiến thức Phật học. Trong đó, theo chúng tôi, Hòa thượng Khánh Hòa ưu tiên chọn lựa pháp môn Tịnh Độ để phổ biến tới tín đồ Phật giáo thời bấy giờ là xác đáng.
Kết luận
Từ thực tiễn đời sống Phật giáo Việt Nam đã được định hình hiện nay, theo chúng tôi phần lớn bắt nguồn từ phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ XX. Trong đó, những tổ chức Phật giáo, những mô hình đào tạo tăng tài, xuất bản các tạp chí bằng chữ Quốc ngữ... không chỉ làm biến đổi đời sống sinh hoạt Phật giáo Việt Nam từ những thập niên đầu thế kỷ XX mà còn định hình đời sống sinh hoạt Phật giáo Việt Nam hiện nay.
Đối với các bài viết về pháp môn Tịnh Độ của hai Hòa thượng Liên Tôn và Bích Liên, và đặc biệt là của Hòa thượng Khánh Hòa, mặc dù, Hòa thượng chưa có quan niệm, kiến giải mới về pháp môn này, dù qua những lời “vấn” và “đáp” cho thấy ngài là một người rất am tường và trải nghiệm sâu sắc pháp tu này. Song trong bối cảnh đương thời cực kỳ hữu dụng như chúng tôi đã đề cập ở trên.
Ngoài ra, việc Hòa thượng giải thích lại một số nội dung của pháp môn Tịnh Độ qua ngôn ngữ giản dị, bình dân hơn cũng là đề cao phương pháp tu tập Tịnh Độ. Điều này cũng giống như chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ. Đó là sự quay về Phật giáo truyền thống vốn đậm tư tưởng Tịnh Độ thông qua việc tạo tượng, sùng kính Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm, nhưng nâng cao hơn về mặt Phật học, nghĩa là có sự khảo cứu, giải thích, minh chứng rõ ràng, phù hợp với đặc điểm tâm thức tín ngưỡng của người Việt Nam.
Sự đóng góp nhiệt tình, rất lớn của các cao tăng, cư sĩ trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam, trong đó nổi bật là Hòa thượng Khánh Hòa mà chỉ qua hành động và các bài viết của ngài, nhất là đối với pháp môn Tịnh Độ đã giúp cho tín đồ Phật tử hiểu đúng về pháp tu Tịnh Độ nói riêng và Phật học nói chung. Tạo bước đệm cho một nền Phật học mới ra đời và phát triển. Bên cạnh đó, dù gián tiếp, nhưng qua các bài viết này, chúng ta thấy Hòa thượng cũng đề cao tư tưởng Tịnh Độ, đề cao tư tưởng nhân gian Phật giáo.
* NCS, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
1. PGS. Nguyễn Duy Hinh (2009), Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Nxb Tôn giáo &Từ điển Bách khoa, tr. 525.
2. Các kỳ thứ 17, 18, 19, 20, 21, 22,23, 24,25,26 và 27, trong hai năm, năm thứ nhất (1932) và năm thứ hai (1933)
3. Từ bi âm, kỳ thứ 17, năm thứ nhứt (1932), tr6.
4. Thập niệm: Người tu hành mỗi sáng sớm quay mặt về hướng tây (đứng hay quỳ) chấp tay niệm Di Đà lục tự, mỗi hơi thờ là một niệm, mười hơi thở là Thập niệm.
5. Nhất tâm bất loạn: sự tập trung toàn tâm toàn ý một cách nhiệt thành không để cho tán loạn. Đây cũng là tư tưởng trung tâm của Đại thừa khởi tín luận, trong đó Tâm được đồng nhất với Pháp thân, và Pháp giới; Tâm an trú vào Đức Phật A Di Đà khi quán tưởng đến ngày: Xin xem: Ban biên dịch Đạo Uyển (2010), Từ điển Phật học, Công ty sách Thời Đại & Nxb Thời Đại, Hà Nội, tr. 423.
6. Tam giới (Triloka) bao gồm Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới; Trong A Tì Đạt Ma Câu Sá Luật của Thế Thân thì Tam giới còn được phân thành nhiều cõi khác nhau. Xin xem: Ban biên dịch Đạo Uyển (2010), Từ điển Phật học, Công ty sách Thời Đại & Nxb Thời Đại, Hà Nội, tr. 544.
7. Từ bi âm, kỳ thứ 22, năm thứ nhứ (1932)t, tr. 3 7.
8. Từ bi âm, kỳ thứ 24, năm thứ nhứt (1932), tr. 3.
9. Bộ Vạn thiên đồng qui được Diên Thọ viết bao gồm 10 nghĩa viên tu: 1. Lý sự vô ngại; 2. Quyền thật song hành; 3. Nhị đế tinh trần; 4.Tinh tướng dung tức; 5.Thể dụng tự tại; 6. Không hữu tương thành; 7. Chính trợ kiêm tu; 8. Đồng dị nhất tế; 9. Tu tính bất nhị; 10. Nhân quả vô sai. Xin xem thêm: Lý Hiếu Bổn, Lịch sử Tịnh Độ tông Trung Quốc, Việt dịch: Thích Quảng Hiểu, bản PDF, tr66 68; TS. Vọng Nguyệt Tín Hanh (nguyên tác), Pháp sư Ấn Hải (dịch Hoa ngữ), Thích Nữ Giới Niệm (dịch Việt ngữ), Định Huệ (hiệu đính) (2014), Lịch sử giáo lý Tịnh Độ Trung Quốc, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 340 343.
10. Từ bi âm, kỳ thứ 24, năm thứ nhứt (1932), tr. 5.
11. Vô sanh nhẫn: Còn gọi là Vô sinh pháp nhẫn, tâm an trụ trong sự tỉnh ngộ về sự không sinh của các pháp, nhận thức toàn vẹn về sự vô sinh, là cảnh giới chứng đắc của hàng Bồ tát thượng căn, thường từ Thất địa trở lên: Xin xem: Ban biên dịch Đạo Uyển (2010), Từ điển Phật học, Công ty sách Thời Đại & Nxb Thời Đại, Hà Nội, tr. 759 760.
12. Ta bà: Tức Ta bà thế giới hay Sa bà thế giới: Là cõi của con người, chịu nhiều đau khổ.
13. Từ bi âm, kỳ thứ 25, năm thứ nhì (1933), tr. 7.
14. Từ bi âm, kỳ thứ 25, năm thứ nhì (1933), tr. 8.
15. Lý Tánh: Theo Vạn thiện đồng qui của Diên Thọ thì ngay trong nghĩa viên tu đầu tiên “Lý sự vô ngại” đã giải thích: Lý và Tánh mà thật nên gọi là Vữu vi; Sự và Tướng là hư cho nên họi Hữu vi. Nhưng cả hai đều chẳng phải là một cũng chẳng phải khác, không tách rời nhau. Nói cách khác là sự tương đồng của nguyên lý hay bản tính. Cảnh giơi của Chân như được chứng kiến bởi trí tuệ siêu việt cả ngã không và pháp không: Xin xem: Ban biên dịch Đạo Uyển (2010), Từ điển Phật học, Công ty sách Thời Đại & Nxb Thời Đại, Hà Nội, tr. 325.
16. Từ bi âm, kỳ thứ 25, năm thứ nhì (1933), tr. 9.
17. Từ bi âm, kỳ thứ 26, năm thứ nhì (1933), tr. 3.
18. Từ bi âm, kỳ thứ 26, năm thứ nhì (1933), tr. 5 6.
19. Từ bi âm, kỳ thứ 27, năm thứ nhì (1933), tr. 4.
20. Từ bi âm, kỳ thứ 27, năm thứ nhì (1933), tr. 6.
21. Xin xem: PGS.TS. Hoàng Thị Thơ, “Đóng góp về Phật học của Hòa thượng Lê Khánh Hòa trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam”, trong Kỷ yếu hội thảo khoa học: Hòa thượng Khánh Hòa và phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam do Viện Hàn lâm KHXHVN, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học, tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh tháng 5 2017, tr57 67: Ở bài viết này, tác giả đã cho thấy sự uyên thâm về Phật học, đặc biệt coi trọng các nội dung Tứ diệu đế, Thiền định, Niệm Phật cũng như đạo đức của Phật tử.
22. Tiên Linh Tự Khánh Hòa (1929), “Hành trình nhựt ký”, Pháp âm, số 1, tr. 43.
23. Dẫn theo: Viện Hàn lâm KHXHVN, Viện Nghiên cứu Tôn giáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học (2017), Kỷ yếu hội thảo khoa học: Hòa thượng Khánh Hòa và phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr. 57.
24. Dẫn theo: Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1,2,3, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 750.
25. Đông Pháp số 322 ra ngày 13/2/1927. Dẫn theo Nguyễn Đại Đồng PhD. Nguyễn Thị Minh, Phong trào chấn hưng Phật giáo (tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927 1938), Nxb Tôn giáo, 2008, tr. 74.