Ðại sư Mặc Am Chân Nguyên Thượng Nhân đời Thanh, họ Chu, người huyện Hành Châu, tỉnh Hồ Nam. Thuở nhỏ, Ngài đã dĩnh ngộ, thông tiệp, có ý tưởng xuất thế. Cha mất sớm, mẹ tính cưới vợ cho, bèn trốn đi xuất gia. Thọ Cụ Túc Giới, nghiên cứu tinh tường Tam Tạng, thâm nhập giáo nghĩa. Sau khi tham học khắp cả Nam Bắc [Trung Hoa], Ngài bèn dựng tinh xá Chúc Thánh ở Nam Nhạc, giới luật tinh nghiêm, siêng năng, khẩn thiết ngầm tu. Mỗi ngày niệm Phật sáu vạn tiếng. Lâu ngày, chẳng niệm mà tự niệm, không lúc nào gián đoạn.
Sau đấy, Ngài ở tại chùa Ðại Thiện thuộc Nam Nhạc, phỏng theo khuôn phép của thiền sư Triệt Ngộ. Thập phương đến học; vì có chỗ chẳng dung hợp nhau, nên Ngài bèn dùng phép Giáo Quán của tông Thiên Thai để dẫn dắt, lấy Tịnh Ðộ Di Ðà làm chỗ quy hướng rốt ráo.
Ðột nhiên, nhà chùa muốn giao Ngài đứng đầu trông coi mọi việc trong chùa, Ngài bảo: “Tôi sắp về Tây!”. Ngài liền cử hành Phật Thất hai tuần, trong Định thấy ao bảy báu, nước bát công đức. Ngài liền hiện tướng bệnh nhẹ, khước từ thuốc thang, nhất tâm niệm Phật, bảo đồ chúng luân phiên trợ niệm.
Ngài trông thấy tướng bạch hào của A Di Ðà Phật sáng rực, bèn ngồi ngay thẳng hướng về Tây. Khi ấy, những người trợ niệm gõ mõ càng nhanh, Ngài bèn bảo thôi gõ, chỉ cùng nhau niệm Phật đến hơn trăm câu, chắp tay mà tịch, thọ sáu mươi bốn tuổi. (theo Cận Ðại Vãng Sanh Truyện)
Nhận định:
Chẳng niệm mà tự niệm chính là niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm. Nếu chẳng phải là tận lực niệm đến mức thuần thục thì làm sao mà được như thế? Trước khi lâm chung còn cử hành Phật Thất, bảo đại chúng trợ niệm để cầu được quyết định vãng sanh. Tiếng mõ gõ quá ồn chẳng thuận tiện cho việc trợ niệm nên Sư bảo thôi gõ, chỉ nên đồng thanh niệm Phật.