Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Nho-Phat-Niem-Phat-That-La-Duong-Tat-De-Dac-Dao

Nhớ Phật Niệm Phật Thật Là Đường Tắt Để Đắc Đạo
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Dịch Giả :Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

 1. Thư gởi Hòa Thượng Thể An chùa Đại Hưng Thiện

Giáo, Lý, Hạnh, Quả là cương tông[1] của Phật pháp. Nhớ Phật, niệm Phật, thật là đường tắt để đắc đạo. Xưa kia, tu pháp nào cũng đều đủ cả bốn điều này. Nhưng trong hiện thời, nếu bỏ Tịnh Độ thì chứng quả hoàn toàn không có. Bởi lẽ cách thánh[2] đã xa, căn tánh con người tệ kém, không cậy vào Phật lực, quyết khó được giải thoát. Như pháp môn Tịnh Độ vừa nói đó, nhiếp khắp các căn thượng, trung, hạ, cao vượt trội Giới, Giáo, Thiền Tông. Thật là chư Phật tâm bi triệt để, chỉ cho chúng sanh thể tánh vốn sẵn đủ, gộp tam thừa ngũ tánh[3] cùng về tịnh vực[4], dạy thượng thánh hạ phàm cùng chứng chân thường. Chúng sanh trong chín pháp giới lìa khỏi pháp này, trên thì chẳng thể viên thành Phật đạo. Mười phương chư Phật bỏ pháp này, dưới thì chẳng thể lợi ích khắp mọi quần sanh. Do vậy, vãng thánh tiền hiền ai nấy đều hướng đến, ngàn kinh muôn luận chốn chốn chỉ quy. Kể từ sau Hoa Nghiêm dẫn về [pháp này], các đại Bồ Tát trong tận mười phương thế giới hải không ai chẳng cầu sanh. Kể từ lúc diễn thuyết tại Kỳ Viên đến nay, phàm mọi trước thuật dù Tây Thiên hay Đông Độ, cuối cùng đều kết quy Liên Bang.

Kể từ khi đại giáo truyền sang Đông, Lô Sơn khởi đầu dựng liên xã, một tiếng xướng, trăm giọng hòa, không ai chẳng thuận theo; nhưng những người có công lớn lao rõ ràng nhất thì đời Bắc Ngụy có ngài Đàm Loan. Đàm Loan là bậc không thể suy lường. Do có việc xuống Nam Triều gặp Lương Võ Đế, sau lại trở về đất Bắc. Võ Đế hướng về phương Bắc, cúi lạy nói: “Loan pháp sư là nhục thân Bồ Tát”. Đời Trần – Tùy thì có Trí Giả, đời Đường có Đạo Xước, noi theo lời dạy của ngài Đàm Loan chuyên tu Tịnh nghiệp, suốt đời giảng ba kinh Tịnh Độ hai trăm mấy mươi lần. Từ cửa Đạo Xước, nẩy ra ngài Thiện Đạo, cho đến Thừa Viễn, Pháp Chiếu, Thiếu Khang, Đại Hạnh[5] thì liên phong[6] đã thổi khắp trung ngoại[7]. Do vậy, tri thức các tông không ai chẳng lấy đạo này để mật tu hiển hóa[8] ngõ hầu tự lợi, lợi tha vậy. Ngay như Thiền Tông, nếu chỉ đề khởi hướng thượng thì một pháp chẳng lập, Phật còn không kể đến, huống gì niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ? Ấy là Chân Đế: Một đã không, hết thảy đều không. Như câu nói: “Thật Tế Lý địa chẳng nhiễm mảy trần”, hiển thị tánh thể. Nếu bàn luận đích xác về mặt tu trì thì chẳng bỏ một pháp nào, chẳng làm việc bèn không ăn, huống chi niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ! Đấy tức là nơi Tục Đế, một đã lập thì hết thảy đều lập. Như câu nói: “Trong cửa Phật sự, chẳng bỏ một pháp”, hiển thị tánh vốn đầy đủ.

Muốn vứt bỏ Tục Đế để bàn Chân Đế, sẽ không có Chân Đế. Nếu muốn bỏ Tứ Đại, Ngũ Uẩn để tìm tâm tánh thì thân đã không còn, tâm gởi vào đâu? Nếu dùng Tục Đế để sáng tỏ Chân Đế thì thật có Chân Đế. Như tại mắt gọi là thấy, nơi tai gọi là nghe, dùng Tứ Đại, Ngũ Uẩn để hiển lộ tâm tánh vậy. Đấy chính là ý chỉ lớn lao “ngầm tu Tịnh Độ” của chư Tổ từ trước, nhưng chưa truyền thuật rộng rãi, rõ ràng; nếu không hiểu sâu xa ý Tổ sẽ chẳng thể biết được. Thế nhưng ngài Bách Trượng lập quy chế cầu đảo cho vị tăng mắc bệnh và hóa tống[9] vị Tăng đã tịch, đều quy về Tịnh Độ. Lại nói: “Tu hành thì niệm Phật là ổn thỏa, thích đáng”. Cho đến ngài Chân Hiết Liễu bảo: “Một pháp Tịnh Độ nhắm thẳng vào chuyện tiếp dẫn hàng căn khí thượng thượng, kiêm độ hàng căn tánh trung hạ”. Lại nói: “Trong tông Tào Động đều chăm chú ngầm tu, bởi sanh về Tịnh Độ thấy Phật giản dị hơn Tông môn nhiều lắm”. Lại nói: “Dù Phật, dù Tổ, dẫu Giáo, hay Thiền đều tu Tịnh Độ, cùng về một nguồn”. Có thể thấy sơ lược như thế đó.

Kịp đến Vĩnh Minh đại sư, mang thân Cổ Phật, thừa nguyện xuất thế, mới lưu lại ngôn giáo rõ ràng, viết sách truyền dạy, hoằng dương, lại sợ người không hiểu rõ đường lối, lợi – hại hỗn loạn, bèn cực lực nói ra bài kệ Tứ Liệu Giản, có thể nói đã nêu được cương tông của Đại Tạng, làm bậc dẫn đường nơi ngõ rẽ, khiến cho kẻ học từ tám mươi chữ ấy đốn ngộ đạo trọng yếu xuất sanh tử, chứng Niết Bàn. Tâm đau đáu cứu thế, thiên cổ chưa hề có. Sau đấy, các tông sư đều lưu lại ngôn giáo rõ ràng, riêng khen ngợi pháp này, như ngài Trường Lô Trách, như Thiên Y Hoài, Viên Chiếu Bổn, Đại Thông Bổn, Trung Phong Bổn, Thiên Như Tắc, Sở Thạch Kỳ, Không Cốc Long[10] v.v…Chư đại tổ sư tuy hoằng Thiền Tông, lại riêng khen Tịnh Độ. Cho đến ngài Liên Trì đại sư tới tham học với ngài Tiếu Nham đại ngộ rồi, bèn bỏ pháp kia, giữ lấy pháp này: “Nếu tịnh nghiệp mà thành thì Thiền Tông tự đắc. Ví như tắm trong biển cả, ắt đã dùng nước của cả trăm sông. Thân đã ở trong điện Hàm Nguyên, còn hỏi Trường An chi nữa!” Sau đấy, Ngẫu Ích, Triệt Lưu, Tỉnh Am, Mộng Đông v.v… chư đại tổ sư không vị nào chẳng vậy. Ấy là bởi do thời thế mà đặt ra nghi tắc, pháp phải hợp với căn cơ. Nếu không như thế, chúng sanh chẳng thể đắc độ.

Từ đấy về sau, Phật pháp suy dần, lại thêm giặc tóc dài[11], giặc Hồi, pháp luân gần như ngừng xoay. Dẫu có trí thức, nhưng ai lo nghiệp nấy, không rảnh sức lo đến, bỏ qua đạo này không ai hỏi đến. Nếu ai bàn đến chuyện này, người nghe tợ hồ bị vấy bẩn. May có một hai vị tại gia, xuất gia có đại tâm, in khắc lưu truyền, khiến cho giáo huấn của chư Tổ không bị diệt mất, khiến đời sau được nghe một phần, thật không gì may mắn lớn lao hơn!

Đệ[12] là kẻ Xiển-đề[13] xuất gia, tự thẹn căn tánh hèn kém, tội nghiệp rộng sâu, nên với hai nẻo Tông và Giáo, trọn chẳng dám tu bừa, lạm dự; nhưng chỉ khá tin tưởng nơi một pháp cậy vào Phật từ lực, đới nghiệp vãng sanh. Đã mười năm qua, sống uổng, sống phí, chẳng được lợi ích mảy may. Nhưng từ Tây qua Đông, từ Bắc xuống Nam, qua lại hơn vạn dặm, gặp gỡ nhiều người. Có kẻ bình thời tự cậy thông Tông, thông Giáo, coi Tịnh Độ như đồ nhơ, sợ bẩn lây mình. Lâm chung đa phần tay chân cuống quít, kêu cha gọi mẹ. Có kẻ chất phác trì giới niệm Phật, dẫu tín – nguyện chưa tột bậc, tướng lành chưa hiện, nhưng đều an nhiên mạng chung. Là vì lẽ gì vậy? Là do tâm thủy lặng trong vì phân biệt mà sôi động, sóng thức dâng trào, nhờ Phật hiệu mà lặng dừng. Bởi thế, thượng trí không bằng hạ ngu, khéo quá hóa vụng.

Lại xin Hòa Thượng phát tâm Bồ Đề hoằng dương pháp này; ví phỏng kinh luận Tịnh Độ đều thông triệt hết, may mắn nào hơn? Nếu chưa thể nghiên cứu dùi mài cùng tận, hoặc sợ trái với tông mình, chẳng dám xứng tánh phát huy, hãy tạm ngừng tay công phu nơi hai môn Tông và Giáo tạm thời. Phàm có ai xiển dương Tịnh Độ, hãy bình tâm hòa khí đọc thử, ngõ hầu cái tâm “xiển dương Thiền, đè nén Tịnh Độ” chẳng bị tơ hào vướng mắc, ắt thấu suốt lý do Phật, Tổ riêng khen ngợi pháp này, [thấu suốt] sự lợi – hại khi tứ chúng tuân thủ hay chống trái pháp này, chẳng bị môn đình gây trở ngại, hòng có thể dám đối trước những người tu Thiền, Giáo, Luật xứng tánh phát huy không còn sợ hãi.

Nhưng sách Tịnh Độ rất nhiều, quan trọng nhất chỉ có sách Tịnh Độ Thập Yếu. Trong bộ Thập Yếu, đoạn nghi sanh tín thì các sách Hoặc Vấn, Trực Chỉ, Hợp Luận là những công thần đột phá, tinh nhuệ nhất. Ngoài ra, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục chép đủ sự tích vãng sanh của các Bồ Tát, tổ sư, cư sĩ, phụ nữ và ác nhân, súc sanh, đọc rồi sẽ biết tứ chúng thuộc Thiền, Giáo, Luật các đời cầu sanh Tịnh Độ như mọi ngôi sao chầu về Bắc Đẩu, như các dòng nước chảy về Đông. Sách Long Thư Tịnh Độ Văn ngôn từ nông cạn, nhưng nghĩa lý hoàn bị, là sách trọng yếu bậc nhất để tiếp dẫn kẻ sơ cơ. Nếu muốn lợi lạc khắp chúng sanh, vạn phần chẳng được coi thường quyển sách này.

Đệ trước kia gặp người giỏi Tử Bình[14] phê rằng: “Thọ chẳng quá ba mươi tám tuổi”, nay sắp mãn số, sợ vô thường xộc tới, nên chuyên trì Phật hiệu, đợi trước lúc lâm chung. Nếu vô thường quả thật xảy đến, không dịp gặp gỡ lần nữa, muốn rửa sạch cái tội hủy báng Phật pháp khi còn tại gia, nên chẳng nề kỵ húy, nhặt nhạnh sơ sài món rau dại, dâng dưới tòa bậc đại phú trưởng giả no đẫy tiệc vua[15], xin thương xót nhận lấy, phước cho xứ Tần[16] của tôi, nêu chánh lệnh của ngài Vĩnh Minh, tuân di quy của ngài Liên Trì, khiến cho mình lẫn người cùng thoát sanh tử, u – hiển cùng sanh Tây Phương, Tịnh Độ hưng, nhưng Tông phong chẳng đọa. Chúng sanh có phước, quốc vận thường tốt đẹp. Đúng là “dời hoa quyến bướm tới, mua đá được mây giăng”. Viết thư này lòng thành như đại hạn mong mưa, mong mỏi niềm vui cùng về Liên Bang, mong rủ lòng khoan dung thì may mắn cho pháp môn, may mắn cho chúng sanh lắm.
_____________
[1] Cương tông: cương lãnh và tông chỉ.

[2] Cách thánh: Ý nói cách Phật, cách Bồ Tát và thánh chúng đã lâu.

[3] Ngũ tánh: năm tánh khác nhau của chúng sanh do chủng tử vốn có trong A Lại Da Thức quyết định. Đây là thuyết do tông Pháp Tướng lập ra, gồm:

1) Định tánh Bồ Tát.

2) Định tánh Duyên Giác

3) Định tánh Thanh Văn.

4) Bất định tánh tam thừa

5) Vô chủng tánh (hữu tình không có tánh)

[4] Tịnh vực tức là Tịnh Độ.

[5] Đại Hạnh là một vị Tăng sống vào thời Đường, người xứ Lịch Thành, Sơn Đông, không rõ họ tên. Ngài còn được gọi là Diệu Hạnh. Trong niên hiệu Càn Phù, giặc cướp nổi lên như ong, dân không sống yên được, Sư bèn vào Thái Sơn, kết cỏ làm áo, lột vỏ cây để ăn, chuyên hành sám pháp Pháp Hoa, Phổ Hiền suốt cả ba năm, cảm được Phổ Hiền Bồ Tát hiện thân. Do vậy càng thêm tinh tấn, sốt sắng nghĩ tưởng pháp của đức Như Lai, tu hành quên ăn bỏ ngủ. Về sau, nghĩ thân vô thường, lo thân sau không biết sẽ về đâu, bèn rút thăm một bản kinh để lựa pháp môn tu hành tối hậu. Ngài rút được kinh A Di Đà bèn sớm tối trì tụng, đến giữa đêm ngày thứ 21, thấy cõi đất lưu ly tịnh khiết sáng rực trước mặt, tâm nhãn rỗng rang, thấy được Phật A Di Đà và Quán Âm, Thế Chí cùng vô số hóa Phật. Từ đấy, Sư chuyên dùng pháp niệm Phật giáo hóa Tăng, tục. Đường Hy Tông nghe danh ngài, triệu vào cung giảng pháp yếu, sắc phong là Thường Tinh Tấn Bồ Tát, ban cho tước Khai Quốc Công. Một năm sau, Ngài thị hiện mắc bệnh, lại thấy đất lưu ly, bèn thị tịch trong ngày hôm đó, không rõ thọ bao nhiêu tuổi.

[6] Liên phong: Gió sen, chỉ pháp môn Tịnh Độ.

[7] Trung là trong nước, ngoại là ngoài nước. Cũng có nghĩa là tại Trung Hoa và những nước ngoài Trung Hoa.

[8] Mật tu hiển hóa: Bản thân ngầm tu Tịnh Độ, bề ngoài hoằng dương giáo pháp của tông mình.

[9] Hóa tống: Làm đám ma và đưa đi thiêu hay chôn.

[10] Trường Lô Trách: Pháp sư tên là Tông Trách, người xứ Tương Dương, lúc nhỏ mồ côi, tinh thông sách Nho. Năm 29 tuổi, lễ Tú Thiền Sư ở chùa Trường Lô tại Chân Châu làm thầy thế độ, hiểu sâu xa lẽ Thiền. Sau tham yết ngài Trường Lô Ứng Phu đắc pháp, nối pháp của ngài. Sư đón mẹ về ở phía Đông phương trượng, khuyên mẹ nên xuống tóc và niệm Phật suốt bảy năm không gián đoạn. Mẹ niệm Phật qua đời. Về già, Sư xuất lãnh tứ chúng kết liên xã chuyên tu niệm Phật, Sư ngồi niệm Phật qua đời năm 1092, thọ 83 tuổi. Còn để lại hai tác phẩm là lời tựa Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh và Khuyên Người Niệm Phật Kiêm Tu Tịnh Độ.

Thiên Như Hoài: Húy là Nghĩa Hoài, người xứ Lạc Thanh, Vĩnh Gia. Cha làm nghề đánh cá, lúc bé, Sư ngồi cuối thuyền, cha bắt được con cá nào, bèn lén thả đi. Cha đánh mắng vẫn không thay đổi. Lớn lên, đến kinh đô, xin làm tiểu ở chùa Cảnh Đức. Trong niên hiệu Thiên Thánh (1023-1031), thi Kinh trúng tuyển, được thọ Cụ Túc. Ngài đến tham học với Tuyết Đậu Hiển thiền sư, giữ chức Thủy Đầu (chuyên gánh nước), một bữa đòn gánh gãy, chợt ngộ, được ấn khả. Sư giáo hóa độ chúng rất nhiều, thường đem pháp môn Tịnh Độ dạy người. Ai đến tham học cũng dạy: “Nếu nói ‘bỏ uế lấy tịnh, chán đây ưa kia là tình kiến lấy bỏ’ thì là chúng sanh vọng tưởng. Nếu nói không có Tịnh Độ thì là trái lời Phật, nên tu Tịnh Độ như thế nào?” Chúng im lặng, Sư tự đáp: “Sanh thì quyết định sanh, đi thì chẳng thật đi! Ví như nhạn bay qua trên không, bóng chìm nước lạnh, nhạn trọn chẳng có ý để lại dấu vết, nước không có tâm giữ bóng hình”. Sư mất năm Trị Bình nguyên niên (1064), thọ 72 tuổi.

Viên Chiếu Bổn: Húy là Tông Bổn, người xứ Vô Tích, Thường Châu. Năm 19 tuổi, xuất gia với ngài Đạo Thăng ở Vĩnh An Viện tại Thừa Thiên, về sau yết kiến ngài Thiên Như Hoài, được khế ngộ. Sư về trụ trì chùa Thụy Quang, được Tống Triết Tông ban hiệu Viên Chiếu Thiền Sư. Tuy hoằng dương Thiền Tông, nhưng Sư ngầm tu Tịnh nghiệp. Các vị Lôi Phong Tài Công, Tư Phước Hy Công nhập định, thần thức đến chơi Tịnh Độ, thấy trên tòa sen vàng có đề tên Sư. Mọi người hỏi Sư: “Thầy truyền Trực Chỉ, sao lại được ghi danh trên đài sen?” Sư đáp: “Ở tại Tông Môn, kiêm tu Tịnh Độ!” Sư mất năm Nguyên Phù thứ hai (1099) đời Tống.

Đại Thông Bổn: Húy là Thiện Bổn, người xứ Khai Phong. Thi kinh Hoa Nghiêm trúng tuyển, được thọ Cụ Túc, tham yết ngài Viên Chiếu Bổn, thầm lãnh ngộ yếu chỉ nhà Thiền, siêng tu suốt năm năm, khế ngộ. Sư vâng chiếu trụ trì chùa Pháp Vân, được ban hiệu là Đại Thông. Sau ngài về chùa Tượng Ô ở Hàng Châu, chuyên tu Tịnh nghiệp. Trong định thấy thân kim sắc của Phật A Di Đà. Năm Đại Quan thứ ba (1109) ngày Giáp Tý tháng Chạp, Sư gập ba ngón tay bảo môn nhân: “Chỉ còn ba ngày nữa thôi!” Ba hôm sau, Sư ngồi yên, hướng mặt về Tây, nhập diệt, thọ 75 tuổi.

Trung Phong Bổn: Húy là Minh Bổn, người xứ Tiền Đường. Năm 15 tuổi, quyết chí xuất gia, lễ Phật, đốt cánh tay, thề giữ Ngũ Giới, hằng ngày tụng Pháp Hoa, Viên Giác, Kim Cang, đêm thường đi kinh hành không ngủ. Sau qua tham với ngài Cao Phong Diệu thiền sư ở núi Thiên Mục. Do nhìn suối chảy được đại ngộ. Năm Đại Đức thứ 10 (1306) thời Nguyên, Sư về trụ trì Sư Tử Viện, thường được gọi là Trung Phong hòa thượng. Tuy dạy Thiền, ngài vẫn đề cao Tịnh Độ. Từng soạn Hoài Tịnh Độ Thi gồm 108 bài, viết Báo Ân Viện Ký xiển minh Tịnh Độ. Đến năm Chí Trị thứ ba (1323), Sư về Đông Cương núi Thiên Mục, đang viết bèn thị tịch, thọ 61 tuổi. Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự là một sám nghi nổi tiếng của Ngài.

Thiên Như Tắc: Húy là Duy Tắc, pháp tự Thiên Như, người xứ Vĩnh Tân, huyện Cát An (Giang Tây), từng tham học với các vị Trung Phong, Đại Thiết, đắc ngộ, về trụ trì chùa Sư Tử Lâm ở Tô Châu. Ngài soạn Tịnh Độ Hoặc Vấn để phá các nghi hoặc, sách tấn Tịnh nghiệp và soạn bộ Lăng Nghiêm Kinh Hội Giải rất thạnh hành. Sư mất năm Chí Chánh 14 đời Nguyên (1354).

Sở Thạch Kỳ: Húy là Phạm Kỳ, người xứ Tượng Sơn, Ninh Ba. Lên chín xuất gia tại chùa Vĩnh Tộ, thọ Cụ Túc năm 18 tuổi. Đọc Lăng Nghiêm có chỗ ngộ, qua tham học với ngài Đoan Thiền Sư ở Kính Sơn. Một đêm, nghe tiếng trống bèn ngộ. Sư tin pháp môn Tịnh Độ từ nhỏ, mỗi sáng tu Thập Niệm cầu được vãng sanh, chưa hề bỏ sót ngày nào. Khi về trụ trì chùa Thiên Ninh, Sư chuyên tu Tịnh nghiệp. Ngài dùng hiệu Tây Trai để làm thơ Tịnh Độ (được gộp thành Tây Trai Tịnh Độ Thi). Năm Hồng Vũ thứ ba (1370), Sư trụ trì chùa Thiên Giới, thị hiện mắc bệnh vào mùa Thu, tắm gội thay áo, viết kệ xong, bảo với Mộng Đường Khương pháp sư: “Ta đi đây!” Mộng Đường hỏi: “Đi đâu?” Đáp: “Tây Phương!’ Mộng Đường hỏi: “Tây Phương có Phật, Đông Phương chẳng có Phật sao?” Sư quát lớn, rồi nghiễm nhiên tịch diệt, thọ 75 tuổi.

Không Cốc Long: Húy là Cảnh Long, hiệu là Không Cốc, người Tô Châu. Từ bé chẳng ăn mặn, ngồi yên như đang nhập thiền. Xuất gia năm 28 tuổi, tham học với ngài Biện Sơn Lãn Vân hòa thượng, được ấn khả. Sư kiêm tu Tịnh nghiệp, có làm 108 bài Tịnh Độ thi, mất năm Thành Hóa thứ hai (1466) đời Minh, thọ 79 tuổi.

[11] Chỉ loạn Thái Bình Thiên Quốc của Hồng Tú Toàn.

[12] Đệ: lời tổ Ấn Quang tự xưng, coi mình như vai em của hòa thượng Thể An.

[13] Xiển Đề: Tức Nhất Xiển Đề, kẻ đoạn diệt thiện căn.

[14] Tử Bình: Một môn bói toán, còn gọi là Bát Tự, dựa trên ngày, tháng, năm, giờ sanh để phán định số mạng, gần giống với Tử Vi, nhưng đơn giản hơn.

Trích từ: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Quyển 1
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển 1, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
5 Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao (Tăng Quảng Chánh Biên), Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
6 Ấn Quang Đại Sư Khai Thị Tại Pháp Hội Hộ Quốc Tức Tai Ở Thượng Hải, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Bảo Thân Tiết Dục Pháp Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Ấn Quang Pháp Sư Gia Đình Giáo Dục Pháp Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
9 Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về