Home > Khai Thị Niệm Phật
Người Đời Chẳng Biết Chỗ Vi Diệu Pháp Môn Niệm Phật Cho Là Cạn Cợt
Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch


* Pháp môn niệm Phật, người đời chẳng biết chỗ vi diệu cho là cạn cợt, kỳ thực mỗi bước đều đạp trên đất chân thật. Tại sao? Vì chúng ta từ khi chào đời đến nay, mỗi niệm mỗi niệm vọng tưởng phan duyên tạo nghiệp sinh tử, chưa từng có một niệm soi sáng lại tâm mình, chưa từng có một niệm chịu đoạn dứt phiền não. Nay quả như có thể đem tâmvọng tưởng đổi thành niệm Phật, thì trong mỗi niệm đoạn dứt phiền não. Nếu trong mỗi niệm đoạn được phiền não, tức là mỗi niệm thoát khỏi sinh tử. Nếu có thể giữ một niệm niệm Phật không đổi dời, nhất tâm không loạn, so với việc tham thiền còn rốt ráo hơn. Tóm lại, chỉ nơi một niệm chân thật thiết tha mà thôi. Song tham thiền nhất định phải chết hết tâm thế gian, chẳng chứa một niệm vọng tưởng; niệm Phật là đem ý tưởng thanh tịnh chuyển đổi ý tưởng nhiễm ô, dùng ý tưởng, dẹp trừ ý tưởng chính là một cách thay đổi, tùy theo căn cơ của chúng ta thích hợp để làm thôi.

* Tu Tịnh độ không cần cầu tỏ ngộ tâm tánh, chuyên dùng niệm Phật làm chánh hạnh, lại lấy bố thí trai Tăng, tu các phước điền công đức để trợ giúp trang nghiêm cõi Phật. Người niệm Phật trong lòng tuy phát nguyện vãng sinh, nhưng phải biết chặt đứt gốc sinh tử trước, mới có hiệu quả nhanh chóng. Gốc sinh tử là sự tham đắm các thứ thọ dụng ở thế gian và sắc đẹp, tiếng hay, ăn ngon, mặc đẹp ở hiện nay, tất cả đều là gốc khổ. Phải tận lực dứt bỏ hết thảy tâm sân nộ, phẫn hận, chấp trước, si ái, và mọi giáo pháp tà vạy của tà ma ngoại đạo tà sư nói. Chỉ tin sâu một môn niệm Phật, mỗi ngày tụng hai quyển kinh Di-đà, niệm Phật bao nhiêu câu, hoặc không tính số, chỉ là tâm tâm không quên danh hiệu Phật. Phật là giác, nếu mỗi niệm không quên Phật, tức niệm niệm giác ngộ sáng suốt. Nếu tâm quên Phật tức là bất giác. Nếu niệm đến chỗ trong mộng có thể niệm tức là thường giác không mê. Hiện tại, nếu tâm này không mê thì lúc lâm chung tâm này chẳng mờ, ngay chỗ tâm này không mê mờ chính là hướng đi. Nay việc nước đa đoan, quyết không thể tham thiền, mà chỉ nên niệm Phật là hay nhất. Không câu nệ trong động tịnh bận rảnh, mọi nơi đều niệm được, chỉ lànhất tâm không quên thì đâu còn pháp hay khéo nào khác nữa!

* Tham thiền phải lìa vọng tưởng, niệm Phật ở chỗ chuyên tưởng. Do chúng sinh đã chìm trong vọng tưởng từ lâu, lìa nó thật khó khăn. Nếu ngay nơi ý tưởng nhiễm ô chuyển biến trở thành ý tưởng thanh tịnh, đó là lấy độc trị độc, là phương pháp thay đổi mà thôi. Thế nên, tham cứu khó ngộ, niệm Phật dễ thành. Quả thật tâm vì sinh tử khẩn thiết, dùng tâm tham cứu mà niệm Phật, còn lo gì một đời này không vượt thoát sinh tử!

* Niệm Phật tức là tham thiền, hoàn toàn không có hai pháp. Khi niệm Phật, trước đồng loạt buông bỏ tất cả phiền não, vọng tưởng, tham dục, sân hận, si mê, luyến ái, các thứ ý niệm tạp loạn trong lòng của chính mình, buông bỏ đến chỗ không thể buông bỏ, chỉ đề khởi một câu A-di-đà Phật rõ ràng phân minh, trong lòng không gián đoạn như chỉ xỏ ngọc, lại như đầu mũi tên cắm vào tâm điểm không có mảy may kẽ hở. Gắng sức giữ vững như thế, ở mọi nơi chẳng bị cảnh duyên dẫn dắt quên mất, hằng ngày lúc động tĩnh không xen tạp, không rối loạn, mộng thức như nhau, niệm đến lúc sắp lâm chung nhất tâm không loạn, tức là lúc siêu sinh Tịnh độ.

Trích Dẫn Mộng Du Tập Của Đại Sư Hám Sơn
Trích từ: Niệm Phật Chỉ Nam