Tông Tịnh Độ dạy chúng ta an trụ ở trong Phật hiệu, pháp môn chúng ta tu là an trụ ở trên Phật hiệu. Thực ra phương pháp chế tâm của tông Tịnh Độ cũng rất nhiều, đây chính là nói phương pháp niệm Phật, đại thể chia thành bốn loại niệm Phật là:
- Thực Tướng Niệm Phật
- Quán Tưởng Niệm Phật
- Quán Tượng Niệm Phật
- Trì Danh Niệm Phật
Trong mỗi một loại, lại chia thành rất nhiều loại, cho nên phương pháp niệm Phật rất nhiều. Quí vị đọc kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, trong đó nói với chúng ta mười sáu loại phương pháp, thập lục quán. Trong mười sáu loại quán này, tu bất kỳ pháp quán nào cũng có thể chế tâm một chỗ, đều có thể định tâm lại được, hay nói cách khác, đều có thể đoạn phiền não. Mười sáu loại pháp quán này, ta tu một loại hoặc giả là hai loại, ba loại, hợp chung lại tu đều được, vì đều thuộc về cùng một pháp môn.
Trì danh niệm Phật là quán thứ mười sáu, một loại phương pháp cuối cùng. Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh thuyết đạo có một nguyên tắc, nguyên tắc này là tương ưng với pháp thế gian. Có thể thấy, Phật pháp mà Phật đã nói không lìa pháp thế gian, khiến người thế gian chúng ta tiếp xúc đến Phật pháp, cảm thấy Phật Thích Ca Mâu Ni rất có tình người, đó chính là đem phương pháp tốt nhất để ở sau cùng. Giống như hát kịch vậy, màn kịch hay nhất là tiết mục nhất định để ở sau cùng. Cho nên, bạn thử xem trong hội Lăng Nghiêm hai mươi lăm viên thông, Bồ Tát Quan Thế Âm Nhĩ Căn Viên Thông đặt ở sau cùng. Nếu như theo thứ tự sắp xếp thì hai mươi lăm viên thông là lục căn, lục trần, lục thức, dựa theo cách sắp xếp này thì Bồ Tát Quan Thế Âm Nhĩ Căn Viên Thông cần phải sắp xếp ở thứ hai, nhưng Ngài lại đem để sau cùng, tức là nói cho bạn biết, đây là pháp môn đặc biệt. Trì danh niệm Phật đặt ở cuối cùng của thập lục quán là nói cho bạn biết, đây cũng là pháp môn đặc biệt. Từ chỗ này chúng ta có thể thể hội được ý của Thế Tôn.
Chúng ta “giữ tâm một chỗ”, đem tâm dừng ở trên danh hiệu. Danh hiệu chỉ có bốn chữ “A Di Đà Phật”. Trước đây đại sư Liên Trì đã dùng phương pháp này. Trong “Trúc Song Tùy Bút”, chúng ta xem thấy có người thỉnh giáo đại sư rằng: “Đại sư dạy người khác niệm Phật như thế nào”?. Đại sư Liên Trì nói: “Tôi dạy người khác niệm Phật là dạy họ niệm sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật””. Người đó bèn lại hỏi đại sư: “Cách niệm của chính bản thân sư là như thế nào?”. Ngài nói: “Bản thân tôi chỉ niệm bốn chữ “A Di Đà Phật””. Thế là người ta hỏi Ngài: “Đây là nguyên nhân gì?”. Ngài bèn nói: “Tôi đời này đã hạ quyết tâm nhất định phải sanh Tịnh Độ, cho nên tôi chấp trì danh hiệu, mà danh hiệu thì chỉ có bốn chữ, đây là trong kinh A Di Đà nói”. Ngài nói tiếp: “Tôi dạy người ta, người ta chưa hẳn phát tâm cầu sanh Tịnh Độ, họ không có quyết tâm này, không có nguyện vọng này, nên tôi dạy họ niệm sáu chữ (tức là cộng thêm Nam Mô)”.
Nam Mô là tiếng Phạn, tiếng Ấn Độ cổ, ý nghĩa là quy y, là cung kính, lời khách sáo, quy y Phật A Di Đà, cung kính Phật A Di Đà. Từ đó cho thấy, người thật sự hạ quyết tâm cầu sanh Tịnh Độ thì không cần lời khách sáo nữa, có thể bỏ đi, càng đơn giản càng đắc lực. Niệm sáu chữ không đơn giản bằng niệm bốn chữ, đạo lý là ở chỗ này.
Phải đem tâm dừng ở A Di Đà Phật. Tâm thật sự dừng bất động ở trong đây, thì phiền não tự nhiên đã đoạn sạch, một cách tự nhiên phiền não sẽ không khởi hiện hành. Trong tâm, niệm niệm đều là A Di Đà Phật, “tịnh niệm nối nhau”. Niệm A Di Đà Phật là “tịnh niệm”; từng câu, từng câu tiếp nối nhau chính là “tương kế”, không gián đoạn. Nếu như đoạn sạch rồi, vọng niệm, tạp niệm lại sinh, lại khởi lên, đây là một phương pháp thù thắng nhất trong tất cả pháp môn tu hành. Chúng ta hãy thử nghĩ thật kỹ, hãy quan sát tỉ mỉ, bạn sẽ gật đầu, bạn sẽ đồng ý, thật sự là phương pháp hay, đơn giản, dễ dàng, chắc chắn, còn nhanh chóng thành tựu. Cho nên phiền não có cần phải đoạn hay không? Không cần. Chỉ cần đem tâm an trụ vào một câu danh hiệu “A Di Đà Phật” này, thì phiền não không đoạn tự nhiên dần dần sẽ đoạn thôi. Phương pháp này tuyệt diệu!