Home > Khai Thị Niệm Phật > Tinh-Do-Cua-Duc-Phat-Di-Da-Cach-The-Gioi-Nay-Qua-Xa
Tịnh Độ Của Đức Phật Di Đà Cách Thế Giới Này Quá Xa
Đại Từ Ân tự Sa Môn Khuy Cơ | Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng, Việt Dịch


Tịnh độ ở phương tây so với Thiên cung của Phật Di-lặc đã thấy sự hơn kém rõ ràng.

Hỏi: Tịnh độ của Đức Phật Di-đà cách thế giới này quá xa, trong khi Thiên cung của Phật Di-lặc hiện ở ngay Dục giới, tại sao không nguyện sanh về cung trời Đâu-suất mà lại hướng đến phương tây? Bỏ dễ cầu khó, như vậy há không phải là xa rời thực tế chăng?

Đáp:

So sánh nhân duyên của hai cõi này, thật ra có quá nhiều sự khác biệt, nay tạm nêu lên mười điều để giải mối nghi ngờ trên.

Một là thọ mạng có dài – ngắn; hai là chỗ ở có trong – ngoài; ba là cảnh giới có uế – tịnh; bốn là báo thân có nam – nữ; năm là chủng – hiện; sáu là tu tập có tiến – thoái; bảy là giới và phi giới; tám là thân tướng xấu – đẹp; chín là lúc xả -sanh bất đồng; mười kinh điển tu học có nhiều ít.

1. Thọ mạng có dài – ngắn: Tuổi thọ của chúng sanh ở cõi Đâu-suất là 4000 năm, trong khi thọ mạng của chúng sanh ở cõi Tây phương Cực Lạc là 1 trăm ngàn vạn ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp(32).

2. Chỗ ở có trong – ngoài: Cung trời Đâu- suất chia làm hai phần, gọi là nội viện và ngoại viện. Người nào tạo nhiều nghiệp tuệ thì sanh vào nội viện, được thân cận Di-lặc; người nào phước nhiều tuệ ít thì sanh ở ngoại viện, chẳng thấy Từ tôn. Ở cõi Tịnh độ thì khác hẳn, chẳng có trong ngoài, quả báo dù có lớn nhỏ, đều ở chung với thánh hiền.

3. Cảnh giới có uế – tịnh: Nếu sanh trong nội viện Đâu-suất thì mới thấy được cảnh hội của Di- lặc Tôn thánh, khi ấy mới có khả năng phát khởi tịnh duyên; còn nếu như sanh ở ngoại viện, hương hoa, lâu đài, âm nhạc, đều khiến cho người ta sanh lòng nhiễm trước. Tây phương Tịnh độ thì không như thế. Từ cành cây, ngọn cỏ, con chim, dòng suối, âm nhạc đều khiến chúng sanh thâu nhiếp sáu căn, trưởng dưỡng đạo tâm.

4. Thân báo có nam – nữ: Chánh báo ở cõi trời có nam có nữ, nên chi tiếp xúc dễ sanh lòng nhiễm trước, làm chướng ngại đạo nghiệp. Còn sanh về Tịnh độ thì đều là trượng phu, thân ta và người đều thanh tịnh vô nhiễm.

5. Năm là chủng – hiện(33) sai biệt: Nếu sanh ở cõi trời tập khí phiền não trong tâm có thể sanh hiện hành. Còn sanh ở Tây phương tuy chủng tử vẫn còn nhưng không còn khả năng phát sanh phiền não.

6. Tu tập có tiến – thoái: Sanh ở cõi trời, có nhiều nam nữ, nên tuệ lực yếu kém thì không tránh khỏi sự thoái lui; còn vãng sanh Tịnh độ thì tuệ lực ngày càng tăng trưởng, đã tuyệt hẳn được sự tham muốn dục lạc, chỉ một mực tinh tiến tu hành.

7. Giới và phi giới: Sanh lên cõi Đâu-suất, vì chưa ra khỏi Dục giới, nên không thể tránh được các tai kiếp, như hỏa tai nếu xảy ra thì không tránh được sự thiêu cháy. Còn sanh về Tây phương thì đã thoát khỏi tam giới, vĩnh viễn không còn bị các tai kiếp thủy, hỏa, phong… xâm hại. Ở cõi Cực Lạc, do con người vẫn có sắc thân cho nên không phải là Vô sắc giới; ở đó không nhiễm sắc trần, cho nên không phải là Sắc giới; không còn tâm dâm dục và không dùng thức ăn đoàn thực cho nên cũng không phải là Dục giới.

8, Thân tướng có xấu – đẹp: Sanh ở cõi trời có nam nữ bất đồng, xấu đẹp khác nhau. Còn sanh Cực lạc, thân tựa như ngọc, một màu trang nghiêm, đầy đủ tướng trượng phu.

9. Xả – sanh bất đồng: Lúc xả bỏ thân mạng sanh cõi trời không ai tiếp dẫn. Còn vãng sanh Tịnh độ có Thánh chúng đến nghinh rước.

10. Kinh điển khuyến tu có nhiều – ít: Khuyến khích tu tập để sanh lên Đâu-suất chỉ có một kinh, đó là kinh Phật thuyết quán Di-lặc Bồ-

tát thượng sanh Đâu-suất thiên, thiếu sự ân cần, tác nghiệp qua loa. Còn khuyên tu vãng sanh Tịnh độ thì kinh luận rất nhiều, Đại thánh ân cần, hết lòng khích lệ.

Lại Hỏi: Tây phương Tịnh độ vô cùng thù thắng, chúng sanh bốn mùa sống trong an lạc, thì làm có chỗ cho những người phàm phu thấp kém? Xin trả lời rằng, cõi ấy tinh vi, muốn sanh về đó thật khó, nhưng nhờ Phật lực gia trì, nên đến đó rất dễ.

___________
Chú Thích

32. 1 na-do-tha = 107, 1 a-tăng-kỳ = 1047

33. Chủng tử và hiện hành. Thức A-lại-da có công năng làm phát sanh tất cả các pháp, nên gọi là chủng tử. Từ chủng tử sanh ra các pháp sắc, tâm nên gọi là hiện hành.