Home > Khai Thị Phật Học
Chúng Sinh Ðáng Thương Xót, Không Biết Tự Cứu
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch


Con người là một phần của Phật, một phần linh tánh của Phật chớ không phải toàn thể. Ví như Phật phóng hào quang từ một lỗ chân lông, thì trong hào quang đó biến hóa ra vô lượng chúng sinh; hoặc nơi hơi thở của Ngài phóng hào quang, thì cũng biến hóa ra vô lượng chúng sinh. Hào quang của Phật có thể biến hóa ra chúng sinh, cho nên nói rằng: "Nhất thiết chúng sinh, Giai hữu Phật tính, Giai kham tác Phật."

Là người, thường trong mỗi hơi thở của mình cũng có vô số vô lượng vi sinh vật. Khi những vi sinh vật trong hơi thở của mình hô hấp, chúng cũng biến hóa ra vô lượng những chúng sinh khác. Cho nên, chúng sinh do Phật biến hóa ra khi tu hành sẽ thành Phật; còn chúng sinh do chúng sinh biến hóa ra, thì tuy khác đôi chút, nhưng rồi cũng có ngày thành Phật.

Loài súc sinh cũng có thể biến hóa ra những loài chúng sinh khác bởi vì chúng cũng có hô hấp. Trong mỗi hơi thở của chúng ẩn núp không biết bao nhiêu là vi sinh vật, mà khi được trợ duyên thì chúng sẽ biến hóa thành các loài chúng sinh khác; nếu không có trợ duyên thì chẳng biến hóa đặng.

Trong thân ta có vô lượng loại vi trùng, mỗi vi trùng là một chúng sinh. Trong mỗi con vi trùng lại có vô lượng con siêu vi trùng khác nữa; thật là: "Sinh sinh bất dĩ, Hóa hóa vô cùng!"

Lấy đó mà suy gẫm, chúng sinh lớn có thể biến hóa lớn, chúng sinh nhỏ có thể biến hóa nhỏ, mỗi thứ mỗi kiểu. Vì vậy, chúng sinh trong thế giới thì có vô lượng vô biên, càng sinh sôi nảy nở càng nhiều. Sinh sôi nảy nở cho đến khi thế giới không dung chứa được nữa, thì thế giới sẽ bị hủy diệt. Song, thế giới này bị hủy diệt thì có thế giới khác được tạo thành. Luôn luôn có chúng sinh khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ báo; rồi ở trong vòng điên đảo, hồ đồ như vậy.

Chúng sinh không muốn giác ngộ, lại còn cho là mình thanh tịnh, sáng suốt; cho nên sách Trung Dung nói: "Nhân giai viết dư tri, khu nhi nạp chư cổ quắc hãm tỉnh chi trung, nhi mạc chi tri tỮ dã. Nghĩa là: "Con người tự cho mình có trí huệ, chừng khi bị đẩy rớt xuống hầm rồi, thì chàng ta cũng không biết là cần phải thoát ra!" Như vậy thì thử hỏi trí huệ này có phải là ngu si chăng?

Chúng sinh cần ăn để sống. Như con cá heo được tập luyện nên biết nhảy, biết múa, biết nghe lời; đó là vì nó muốn ăn! Cho ăn thì nó làm theo lời mình, biểu gì làm đó ngay. Bởi vì tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, năm thứ dục chi phối, nên mình điên đảo mê mờ, không biết quay đầu về nhà. Rồi trên con đường nguy hiểm như vậy mình càng chạy càng xa nhà, càng xa thì càng lạc lối, lênh đênh trong biển sinh tử mà không biết quay đầu về bến. Thật đáng thương xót lắm thay!

Chúng sinh nếu không mê tiền thì cũng mê sắc; chính hai món dục này làm cho ai nấy đều quay cuồng, không thoát ra nổi. Nếu không thế thì lại say mê ăn uống, danh vọng, hoặc ngủ nghỉ. Ðó là những vọng chấp của chúng sinh. Bởi có vọng chấp nên không phá trừ được vòng điên đảo, hồ đồ. Người nào thấu rõ được sự mê đắm rồi buông bỏ đi, thì có thể được tự tại!