Người tu có lúc tâm tư lạc vào trạng thái mê mờ, nặng nề muốn ngủ; đó là vọng chướng hôn trầm. Hoặc có lúc miệng tuy niệm Phật, song tâm lại vẩn vơ tưởng chuyện đâu đâu; đó là vọng duyên tán loạn. Hôn trầm và tán loạn hai chướng duyên này rất nguy hại, vì nó phá hoại người tu, khiến cho không thể vào chánh định.
Nhiều vị trong lúc đang hành trì, vọng tưởng thoạt nhiên chìm lặng, câu niệm Phật vẫn nghe đều đều, tâm tư êm dịu quên cả nóng bức, hoặc sự cắn đốt của muỗi mòng. Trạng thái này thường thường kéo dài từ nửa giờ đến một giờ đồng hồ, có khi ra mồ hôi ướt cả áo mà không hay; đến lúc chợt giác tỉnh mới cảm biết trong người nóng bức khó chịu. Hành giả thấy thế đừng vội mừng cho rằng tâm mình được an định, công phu đã có đôi phần thành tích. Thật ra đó chỉ là trạng thái hôn trầm thuộc phần vi tế nhẹ nhàng. Cổ nhơn đã bảo: “Nhè nhẹ hôn trầm khôn phát giác. Trọn ngày hạng quỉ mãi sinh nhai!” Trong trường hợp này hành giả phải đề khởi tinh thần, dụng công chặt chẻ, vừa niệm vừa soi vào bên trong mới phá trị nó được. Theo chỗ kinh nghiệm, đại khái khi hôn trầm sắp kéo đến, tất trước tiên có vọng niệm tán loạn nổi lên. Cũng có lúc hôn trầm và vọng tưởng đồng thời sanh khởi. Nhưng đây là hiện tượng thô, rất dễ phát giác. Đến khi hôn trầm vi tế sắp hiện, trước tiên một loại tạp tưởng vi tế nổi sanh, hành giả cảm biết có một điểm mê mờ từ sau ót kéo lên đỉnh đầu, kế xuống đôi mắt và sau rốt vào tâm tạng. Hôn trầm đi đến đâu tất nơi đó bị ảnh hưởng, như đến đầu thì hơi gục xuống, đến mắt, đôi mắt nhắm lại; đến tâm tạng, tâm liền mê mờ. Về loại hôn trầm nhẹ, phải có trí tinh tế mới nhận xét được.
* Vọng tưởng cũng có hai phần: thô và tế. Vọng tưởng thô ai cũng biết, bởi hành tưởng nó rất rõ ràng. Người xưa bảo: “Mới tu sợ vọng tưởng, tu lâu sợ hôn trầm.” Lời này duy đúng một phần, không được cứu cánh lắm, vì đó chỉ nói về phần tán loạn thuộc vọng tưởng thô. Đến như về phần vọng tưởng vi tế, người tu già dặn cũng phải e ngại. Bởi khi niệm Phật dụng công chặt chẻ kín đáo, tạp tưởng thô phù cố nhiên phải lặng chìm, song rất khó nhận được tướng qua lại của phần vọng tưởng vi tế. Ví như một ao nước đục, khi bọt nổi lên mặt ao ta mới nhận thấy. Còn phần khí thể nhỏ nhẹ từ dưới đáy ao được cổ động lên, hoặc sôi tim nhỏ trên mặt nước, hoặc đến nửa chừng rồi không lên được, muốn thấy rõ nó, cần phải có một ao nước thật trong. Người niệm Phật lâu, đến trình độ nước tâm trong lặng, mới thấy biết được vọng tưởng vi tế. Bạch Thánh pháp sư, một buổi sáng từ nơi giường bước lại ghế ngồi, trong khoảng chừng ba giây đồng hồ, đã phát giác trong tâm mình nổi lên đến vài mươi vọng niệm sai biệt. Chừng ấy Ngài mới chứng minh được lời nói trong kinh Phật: “Một niệm có chín mươi sát na, một sát na có chín trăm sanh diệt.” Đây là vọng tưởng thuộc loại vi tế.
* Nhân tiện xin nhắc lại một câu chuyện về vọng tưởng vi tế, cho các bạn đồng tu thêm phần nhận thức: Quang Huệ và Giới Diễn là hai vị thiền sư đều ngộ đạo. Một hôm trong khi đồng ngồi thiền, nơi tiềm thức của ngài Giới Diễn thoạt nổi lên một niệm sắc ái, Ngài liền diệt trừ; song bên kia Quang Huệ thiền sư đã hay biết. Sau khi xuất định, ngài Quang Huệ làm bài kệ có ý trêu cợt ngài Giới Diễn. Giới Diễn thiền sư buồn thẹn, liền thâu thần nhập diệt. Ngài Quang Huệ hối hận, gọi đệ tử đến phó chúc rằng: “Bạn ta trong khi thiền định có một niệm sắc ái, sau tất lụy về sắc; vì phiền ta mà thị tịch, sau sẽ phá hoại Tăng Bảo. Lỗi ấy một phần do ở nơi ta, nếu ta không theo hóa độ, tất sẽ mang lấy hậu quả.” Dặn dò xong, Ngài cũng viên tịch theo luôn. Sau Quang Huệ chuyển thân làm thiền sư Phật „n; Giới Diễn chuyển kiếp làm Tô Đông Pha. Đông Pha do kiếp trước có tu nên làm quan, thông minh trí huệ mà cũng đa tài đa tình. Ông có đến bảy người thiếp, và thường đem sự thông minh bác lảm của mình mà vấn nạn các vị thiền sư. Về sau bị ngài Phật „n chiết phục, ông mới quay lại đường lối tu Phật. Cho nên vọng tưởng vi tế, người tu lâu cũng phải e ngại là thế. Tiên đức có câu:
Công phu không thiếu cũng không dư.
Muôn kiếp tham si chữa dễ trừ!
Vậy người tu khi có chút cảnh giới tốt chớ vội khoe khoang tự đắc, phải nhìn gương ngài Giới Diễn. Và cũng đừng vội tự thị chê bai kẻ khác, mà phải xem gương Quang Huệ thiền sư.
* Hôn trầm và vọng tưởng vi tế, người tu lâu tự biết lối giải trừ. Nơi đây, chỉ lược bàn qua cách đối trị về phần thô. Thông thường, khi loạn tưởng nhiều, hành giả nên ngồi yên nhiếp tâm niệm Phật. Lúc hôn trầm đến, nên đứng lên vừa niệm vừa kinh hành. Cứ dùng hai oai nghi này thay đổi mãi, lâu ngày hai chướng duyên ấy sẽ tiêu trừ. Theo chỗ kinh nghiệm, lắng tai ghi nhận rành rõ từ tiếng từ câu niệm Phật theo lối Phản Văn Trì Danh, có lẽ là phương pháp kiến hiệu nhứt để đối trị tán loạn. Và, Lễ Bái Trì Danh, là phương thức tối thượng để đối trị với mối chướng hôn trầm nặng nề.
Nhưng, mỗi hành giả đều có chỗ kinh nghiệm và thích hợp riêng. Trên đây chỉ lược đưa ra vài quan điểm để góp phần khuyến ích.