Home > Khai Thị Niệm Phật
Luận Về Giáo Dục Gia Đình
Cư Sĩ Lý Viên Tịnh | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


* Gia đình muốn hưng thạnh, phải bắt đầu từ gia quy nghiêm chỉnh. Gia đình gần như tan nát là do từ đầu đã bỏ phế gia quy. Muốn con em thành người, phải bắt đầu từ hành vi, việc làm của mình sao cho đúng phép tắc hòng làm gương cho con em. Lý nhất định phải như thế! Như nay muốn bắt đầu [giáo dục con em] ít tốn công sức nhất, trước hết hãy nói về nhân quả báo ứng khiến chúng tập thành tánh, mới hòng mai sau chúng chẳng đến nỗi làm càn quá đáng. Đây thật đúng là diệu pháp bậc nhất để tề gia, dạy con, khiến đời yên, dân hiền vậy.

* Con em có nên người hay chăng chỉ là do giáo dục trong gia đình. Phàm đối với con cái, ngay từ nhỏ phải dạy chúng hiếu, đễ, trung, tín, cần kiệm, ôn hòa, cung kính, để khi chúng lớn lên đi học đọc sách mới có nền tảng để hưởng được lợi ích. Nếu như từ nhỏ đã dung túng thành thói, hãy khoan kể đến những đứa không thiên tư, không được học hành đàng hoàng; ngay cả những đứa có thiên tư, có học hành đàng hoàng cũng chỉ thành thợ gọt giũa chữ nghĩa, thành kẻ bại hoại trong cửa Nho mà thôi!

Đời có kẻ tài ngang Bắc Đẩu, học rộng năm xe, nhưng hành vi, việc làm toàn là ỷ mình thông minh, độc hại sanh linh, hủy diệt đạo nghĩa. Những hạng ấy vốn là do từ thuở đầu đã thiếu sự giáo dục trong gia đình mà nên nỗi. Văn Vương nghiêm khắc kể từ vợ góa cho

đến anh em để giữ gìn gia đình, đất nước; cũng như sách Đại Học nói muốn trị thiên hạ, quốc gia phải bắt đầu từ “cách vật trí tri, thành ý chánh tâm” đều vì cùng một mục đích. Đấy chính là bí quyết vô thượng để dạy con người trở thành thánh, thành Hiền của đạo Nho. Bỏ điều này, cầu lấy điều khác thì đều toàn là tìm tòi nơi cái ngọn vậy!

* Với tình hình hiện tại, ngay khi con cái biết nói, nhận biết sự vật, trong nhà hãy dạy con nhận biết mặt chữ trước. Mỗi tờ giấy chỉ viết một chữ, đừng viết cả hai mặt. Hạn định mỗi ngày mấy chữ, mỗi ngày học thuộc mặt những chữ đó xong lại bắt con nhận mặt toàn bộ các chữ đã học một hai lượt nữa. Chưa hơn một năm, con sẽ biết được nhiều chữ. Sau này lúc con đọc sách, phàm đọc qua chữ nào đều nhận biết được cả, chẳng đến nỗi có cái tệ miệng chỉ đọc làu làu [nhưng vẫn không biết chữ].

Tùy theo năng lực của con, sai con làm những việc lặt vặt để tập tánh siêng năng. Đừng cho con ăn uống, mặc quần áo quá sang trọng. Phàm những khi con phí phạm ngũ cốc và làm hư hỏng vật gì, chẳng cần biết vật ấy quý giá hay tầm thường thế nào, phải bảo cho con biết những vật ấy chế tạo chẳng dễ, cũng như nói đến những nghĩa lý bị tổn phước, giảm thọ v.v... Nếu con vẫn vậy, nhất định phải trách phạt, quyết chẳng bỏ qua. Có như thế, con sẽ tự kiệm ước, trọn chẳng đến nỗi xa xỉ, phung phí.

Khi con đọc được sách, bảo con hãy đọc kỹ các sách Âm Chất Văn, Cảm Ứng v.v... thuận theo từng mặt chữ mà giảng giải. Hễ hành vi hằng ngày của con là tốt lành, bèn chỉ cho con thấy điều thiện trong hai sách ấy để khen ngợi. Nếu hành vi nào không tốt, bèn lấy những điều bất thiện trong hai sách ấy để quở trách. Như vàng đổ khuôn, như nước có đê ngăn, lẽ nào chẳng thành vật dụng, vẫn cứ chảy lung tung như cũ ư? Con người có đúng là người hay không là do từ nền tảng ấy. Chẳng giảng đến điều ấy, lại muốn trở thành con người vẹn toàn thì họa chăng thiên tư phải hơn cả Mạnh Tử!

Đến tuổi đi học, đừng cho con vào học ngay những trường hiện thời đang mở, hãy nên cho con học ở nhà vài năm trước đã. Mời một vị thầy học vấn, đức hạnh đều tốt đẹp, tin sâu nhân quả để dạy con học Tứ Thư, Ngũ Kinh. Đợi đến khi con học được mấy phần, văn tự lẫn đạo lý chẳng bị lầm lạc bởi những tà thuyết, tục luận, mới cho con vào học những trường hiện thời để mở rộng tầm mắt, biết suy xét việc, chẳng đến nỗi hành động trái thời, không cách gì tiến lên được!

Làm được như thế, đứa con nào có thiên tư sẽ tự thành đạt, đứa không thiên tư cũng thành người lương thiện. Thật sự ra, những điều lão tăng hay nói chẳng ngoài những chuyện “riêng mình thiện, khiến người khác cũng thiện, tự lợi, lợi người”!

* Dạy con cái phải bắt đầu từ căn bản. Cái căn bản vừa nói đó chính là hiếu với cha mẹ, giúp đỡ mọi người, nhẫn nhục, chuyên gắng, dùng chính thân mình dạy dỗ người khác, nêu gương đạo đức. Như vàng hay đồng đã nung chảy, nghiêng rót vào khuôn, khuôn ngay sẽ ra hình ngay, khuôn méo thành hình méo. Chưa đổ vào khuôn đã biết trước là sẽ lớn, nhỏ, dày, mỏng, huống hồ là khi đúc xong.

Gần đây, nhân tình phần nhiều chẳng biết đến điều ấy, thế nên những con em có thiên tư đa phần ngông cuồng, bồng bột, kẻ không thiên tư lại ương bướng, hèn kém. Đó là vì lúc nhỏ chẳng uốn vào khuôn phép, như nước đồng sôi đổ vào khuôn hỏng ắt phải thành đồ hư. Kim loại vốn chỉ một, nhưng đồ đúc ra sai khác nhau một trời một vực, tiếc thay!

Phật lấy Vô Ngã làm giáo. Hiện tại, những kẻ có chút tri kiến thường nhìn lên tận trời, cứ tưởng chỉ có nghĩa lý văn tự mới là Phật pháp, chẳng biết tu thân, tịnh tâm, diệt trừ ngã tướng, tận lực tu Định Huệ ngõ hầu đoạn Hoặc chứng Chân là Phật pháp!

* Trộm nghĩ: cha mẹ yêu con không gì chẳng quan tâm đến, chỉ trừ khi bị bệnh tật, hoạn nạn mới bớt quan tâm. Con trẻ vừa biết nói liền dạy nó niệm danh hiệu nam mô A Di Đà Phật và nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát, khiến cho những điều kém xấu đã vun bồi trong đời trước của nó nay nhờ thiện lực này ắt tai họa sẽ tiêu ngay khi chưa nảy mầm, được phước nhưng chẳng biết, không còn phải lo gì đến các hiểm nạn tai ương, bệnh tật, khổ sở v.v...

Khi con vừa hiểu biết đôi chút, liền dạy con trung thứ, nhân từ, kiêng giết, phóng sanh và những sự tích nhân quả ba đời rành rành ngõ hầu tập thành tánh, ngay từ lúc còn thơ đã chẳng dám giết hại tàn nhẫn các loài trùng kiến nhỏ nhoi, lớn lên quyết chẳng đến nỗi làm điều gian ác, khiến cha mẹ, tổ tiên mang nhục lây!

* Con em có tài năng, nếu được khéo giáo hóa sẽ dễ trở thành người chánh trực; không khéo giáo hóa đa phần sẽ thành hạng bại hoại. Ngày nay dân không lẽ sống, nước nhà lắm nỗi gian nan, mấy phen chao đảo đều là do những kẻ có tài năng nhưng không được khéo dạy khiến mầm họa được ươm từ từ. Người không có tài, đương nhiên phải dạy họ thành thực; với người có tài càng phải nên dạy họ thành thực.

Thế nhưng thành thực vẫn có thể là giả vờ. Thoạt đầu, hãy thường nên dạy dỗ về nhân quả báo ứng và lẽ “con người khởi tâm động niệm gì, mỗi mỗi điều thiên địa quỷ thần đều biết đều hay cả”, khuyên con phải đọc kỹ các sách Âm Chất Văn, Thái Thượng Cảm Ứng, đừng cho rằng chúng không phải là sách Phật rồi xem thường. Ấy là vì phàm phu tâm lượng thiển cận, nếu dùng những lý xa xôi lớn lao để giảng nói sẽ khó thể lãnh hội được. Những sách ấy dù già hay trẻ nghe đến đều được lợi ích cả, huống hồ là những người lấy việc chú trọng điều thiện làm thầy ư?

Với tử thi, phân nhơ, rắn độc mà đức Phật còn dạy người quán để chứng A La Hán, số đó nhiều hơn hằng hà sa; huống hồ là những lời lẽ thiết thực, tồn dưỡng, cảnh tỉnh này [há nên xem thường] ư?

* Còn thuộc địa vị phàm phu chẳng thể không bệnh được, nhưng cũng chẳng nên bỏ mặc chẳng trị. Cách trị bệnh tốn ít sức nhất lại được lợi ích nhiều nhất là lấy bệnh làm thuốc. Lấy bệnh làm thuốc nghĩa là chẳng để bệnh lụy mình. Chẳng hạn như cái bệnh yêu mến con cái quyết chẳng thể đoạn được thì chẳng ngại gì dùng ngay sự yêu mến đó làm cái gốc khiến cho con cái khi sống làm người chân chánh, chết đi sanh về Tịnh Độ. Yêu con như vậy là biến phàm tình thế gian thành thánh quả xuất thế gian. Nếu chẳng khéo sử dụng lòng Ái, mặc lòng nuông chiều con thì còn hơn giết chết con cả trăm ngàn vạn ức vô lượng vô biên lần! Nước nhà diệt vong, nhân dân đồ thán đều là do những kẻ cha mẹ chẳng hiểu rõ sự tình un đúc nên, chẳng đáng buồn ư?

* Muốn cho con cháu chẳng hướng theo nẻo bại hoại, cùng nhau noi theo chánh đạo thì nên lấy các sách Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, Âm Chất Văn Quảng Nghĩa làm kim chỉ nam. Dù những làn sóng thế tục xấu ác có bủa ngập trời, mây đen phủ kín mặt nhật, cũng chẳng đến nỗi chẳng biết hướng về đâu, chìm đắm mất cả.

Nếu không, dù gió lặng, sóng yên, mặt trời soi tỏ cũng khó bảo đảm không có nước xoáy ngầm, vào đó liền bị đắm chìm, huống hồ trọn chẳng có chuyện gió yên, sóng lặng, mặt trời soi thấy tỏ thế đạo nhân tâm! Phải biết nội dung hai chữ Âm Đức rất rộng. Thành tựu con em người ta, khiến chúng thành thánh thành hiền, cố nhiên thuộc về Âm Đức. Thành tựu con em mình khiến chúng thành thánh, thành hiền cũng là âm đức. Ngược lại, khiến con em người ta bị lầm lạc đương nhiên là tổn âm đức; khiến con em mình lầm lạc cũng tổn âm đức. Nếu vừa đủ khả năng lẫn đủ sức thì may mắn nào hơn!

Nếu không, đối với những hành vi, ngôn ngữ hằng ngày trong gia đình, phải lấy việc thành thánh, thành hiền làm đầu, đấy chính là dùng Tục để tu Chân. Nay cư sĩ dùng thân mình thuyết pháp, xin hãy đem ý này thiết tha bảo cùng bè bạn và hết thảy người quen biết thì cũng là một cách để tự lập, lập người, tự lợi, lợi tha vậy!

* Nhà Châu mở nước là do ba bà Thái tạo lập nền tảng, Văn Vương thành thánh là nhờ thai giáo. Do vậy biết rằng: thế gian không có bậc thánh, bậc hiền là do đời thiếu những người mẹ thánh hiền mà nên nỗi! Nếu như bà mẹ nào cũng giống như ba bà Thái, dù con họ chẳng thành Vương Quý, Văn Vương, Châu Công, cũng hiếm đứa làm bậy, gian ngoa. Thế nhưng người đời chỉ biết yêu thương con cái, mặc tình nuông chiều thành thói, chẳng biết làm gương cho con. Đây chính là một điều đại bất hạnh của nước ta.

Con người lúc còn nhỏ thường gần bên mẹ, nên chịu ảnh hưởng của mẹ rất sâu. Con gái ngày hôm nay sẽ là mẹ người khác trong mai sau. Muốn vun đắp quốc gia, phải lấy việc dạy dỗ con gái làm nhiệm vụ cấp bách. Đừng bảo: “Con gái là con người ta, cần gì phải mất công lo lắng?” Phải biết rằng: Vì trời đất mà tài bồi một kẻ lương dân biết giữ phận, không công đức nào lớn hơn. Huống hồ nếu một cô gái đức hạnh vẹn toàn, con cái cô ta ắt sẽ noi theo nề nếp tốt đẹp đó, còn gì vẻ vang hơn?

Vả nữa, con dâu, cháu dâu mình chẳng phải là con gái nhà người đó sao? Muốn cho đất nước quật cường, không có hiền mẫu thì không có cách nào hỗ trợ được cả. Đời không mẹ hiền thì chẳng những nước không dân lành, nhà không con ngoan, mà ngay cả những gã thầy chùa bại hoại sống bám vào Phật trong Phật pháp thảy đều do những bà mẹ bất hảo sanh ra. Nếu mẹ thật sự hiền, con sẽ trọn chẳng đến nỗi đớn hèn như thế. Tiếc thay!

* Gia quyến của ông rất đông, khi các cô em dâu, em gái, con gái v.v... của ông đi học về, hãy đem những sự những nhân quả báo ứng và lợi ích của việc niệm Phật bàn luận cùng họ, ngõ hầu ai nấy đều biết “trong tâm mình đã tự biết thì tâm sẽ tương thông thiên địa quỷ thần cũng như sẽ tương thông với từ phụ Di Đà”. Do vậy, họ sẽ đoạn trừ ác niệm, tăng trưởng chánh tín, ngõ hầu hiện tại đáng làm vợ hiền, tương lai xứng làm hiền mẫu khiến cho [nết tốt] đó truyền lan trong làng xóm, đấy cũng là pháp luân căn bản để bình trị thiên hạ quốc gia.

Bồ Tát thuận theo thế tục lợi sanh, chẳng bày vẽ phong cách riêng, đối bệnh cấp thuốc khiến cho ai nấy đều đúng đường về nhà mới thôi. Hiện tại, các phụ nữ trong chốn học đường đa phần lầm lạc sanh dị tâm, toan nắm lấy chánh quyền, chẳng biết tự giữ bổn phận giúp chồng dạy con chính là căn bản khiến thiên hạ thái bình. Bởi lẽ vương nghiệp nhà Chu bắt nguồn từ ba bà Thái. Ba bà Thái Khương, Thái Nhậm, Thái Tự là những bậc thánh trong hàng nữ nhân, họ chỉ chú trọng vào việc dạy con ngay từ lúc còn trong thai để ngầm giúp chồng. Người đời nay chẳng học theo gương đấy, những điều họ toan tính đều là những mưu mô tai ác khiến thiên hạ loạn lạc biết là chừng nào!

* Người sanh trong thế gian phải có thiện ác phụ trợ mới hòng thành tựu được. Dù là bậc thánh trời sanh, vẫn cần phải có hiền mẫu, hiền thê phụ trợ đạo đức, huống hồ là những kẻ kém cỏi hơn ư? Do bà Thái Nhậm dạy con từ thuở trong thai nên Văn Vương sanh ra đã có thánh đức. Vì thế kinh Thi khen ngợi chuyện ngài nghiêm khắc từ vợ góa cho đến anh em để giữ yên gia đình, đất nước. Đấy chỉ là nói riêng về Văn Vương, chứ nếu luận về bà Thái Tự, cố nhiên đức hạnh của bà cũng bổ trợ cho đường lối đạo đức của Văn Vương, như hai ngọn đèn cùng chiếu càng thấy sáng rỡ, hai tay cùng rửa mới được sạch sẽ. Cứ xem những lời ông Tư Trai khen ngợi tiếng thơm của các bà Thái Nhậm, Thái Tự ắt sẽ thấy rõ.

Vì thế mới nói: đời ít người hiền là do đời thiếu mẹ hiền và vợ hiền vậy! Đó là vì vợ hiền sẽ ngầm giúp chồng, mẹ hiền dạy con cái ngay từ lúc còn trong thai. Huống hồ mấy năm đầu tiên, luôn ở bên mẹ, được uốn nắn theo khuôn mẫu tốt đẹp, thường được răn dạy, tánh tình sẽ ngầm chuyển biến, chẳng mong đợi mà được vậy.

Tôi thường bảo: “Dạy con gái là cái gốc để tề gia trị quốc”, lại cũng thường nói: “Quyền trị quốc bình thiên hạ, nữ nhân đã nắm giữ quá nửa!” chính là ý này. Bởi lẽ, kẻ có thiên tư cao được mẹ hiền un đúc, được vợ hiền giúp đỡ, ắt sẽ trở nên ý thành, tâm chánh, rạng đức sáng, chuyên chí nơi việc lành, lúc cùng thì riêng mình thiện, lúc đạt thì khiến thiên hạ cùng thiện. Dù là kẻ thiên tư bình thường cũng vẫn có thể tuân thủ quy củ, một bề giữ phận lương dân, trọn chẳng đến nỗi vượt lý trái phận, làm điều sai quấy, gian dối, khiến cha mẹ nhục nhã, gây hại cho đời.

Tiếc cho người đời mơ màng chẳng dạy con gái tận hết luân thường, giữ bổn phận, hằng ngày chỉ lo trau chuốt, chẳng màng đến chuyện gì khác. Mai kia làm vợ người ta, làm mẹ người ta, chẳng những chẳng thể giúp chồng dạy con trở thành thiện sĩ, trái lại còn dạy con hóa thành kẻ ác. Bởi vậy mới nói: Đối với con gái, phải dạy họ chú tâm đến việc dạy dỗ con cái [mai sau]. Những câu tôi đã nói như “dạy con gái là cái gốc để tề gia trị quốc” và “quyền trị quốc bình thiên hạ, nữ nhân chiếm quá nửa” chính là lời chân thật.

Gần đây, học vấn phát triển mạnh mẽ, phụ nữ đi học đa phần bị những giáo viên chẳng biết dạy từ cội gốc làm cho lầm lạc. Do đó, họ chẳng coi trọng việc tận hết luân thường, giữ bổn phận, yên cửa yên nhà, giúp chồng dạy con. Ai nấy đều muốn nắm lấy chánh quyền, làm trưởng quan, toan tính quá phận, tập thói cuồng vọng, thật đáng than vậy! Nếu như có kẻ làm đầu cực lực đề xướng việc vun bồi trong gia đình khiến cho việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ tự nhiên được hữu hiệu thì may mắn thay!

* Phận làm con cố nhiên phải tỏ bày đức hạnh của cha mẹ. Để tỏ bày đức ấy phải chú trọng đến việc thân mình tự hành, bản thân phải khắc kỷ giữ lễ, ngăn tà, giữ lòng thành, biết sai liền sửa, thấy điều nghĩa bèn làm, hiểu nhân rõ quả, kiêng giết, phóng sanh, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, sanh Tín, phát nguyện trì danh hiệu Phật, tự hành, dạy người cùng sanh Tịnh Độ.

Làm được như vậy, dù người ta chẳng biết đến đức hạnh của cha mẹ, nhưng do ngưỡng mộ đức hạnh của người ấy cũng sẽ ngưỡng mộ lây cả đức hạnh của cha mẹ, tổ tiên kẻ đó; cho rằng ông bà cha mẹ phải ngầm tu đức hạnh đã lâu nên mới có được con cháu nối tiếp như thế. Nếu không, dù cha mẹ, tổ tông có đức tốt ai nấy đều biết, nhưng con cái không ra gì, người ta ắt sẽ đâm ngờ cha mẹ, tổ tông tuy có đức tốt, biết đâu lại có những điều ác ẩn giấu. Nếu không, sao từ cửa đức hạnh tốt đẹp lại nẩy sanh hạng con cháu tệ hại đến thế?

Vì thế, phải biết rằng: lập thân hành đạo chính là biểu dương đức hạnh của cha mẹ, tổ tông. Làm con phải chú trọng lòng kính, cẩn thận, dè dặt, tận lực thực hành như thế mới mong khỏi làm nhục lây bậc sanh ra mình!

* Đời có hiền mẫu mới có hiền nhân. Các thánh mẫu đời xưa chú trọng thai giáo để un đúc bẩm chất con cái ngay từ thuở đầu, những mong tập quen thành tánh. Thế gian gọi nữ nhân là Thái Thái là vì ba vị thánh nữ Thái Khương, Thái Nhậm, Thái Tự bà nào cũng giúp chồng dạy con, mở mang vương nghiệp tám trăm năm. Cho nên mới dùng chữ Thái Thái để gọi nữ nhân. Quang tôi thường nói: “Quyền bình trị thiên hạ, nữ nhân nắm hơn quá nửa”. Tôi còn thường nói: “Dạy con gái là cái gốc để tề gia trị quốc” hàm ý: tận hết đạo làm vợ, giúp chồng dạy con.

Chẳng như nữ lưu ngày nay, đa phần chẳng giữ bổn phận, vọng động muốn nắm lấy chánh quyền, làm đại sự, chẳng biết vun bồi ngay từ trong gia đình. Đấy đúng là: gom sắt cả chín châu vạn quốc cũng chẳng thể đúc nổi lỗi lầm lớn ấy. Bởi vậy, thế đạo nhân tâm ngày càng suy đồi, tai trời vạ người thấy xảy ra liên miên. Tuy những tai vạ ấy do ác nghiệp đồng phận của chúng sanh cảm thành, nhưng thật ra cũng là do đánh mất sự giáo dục trong gia đình mà nên nỗi.

Vì thế, kẻ có thiên tư quen thói cuồng vọng, người không thiên tư thành ra bướng bỉnh, sàm sỡ. Nếu như ai nấy đều được mẹ hiền uốn nắn thì người người đều thành thiện sĩ, cùng thì riêng mình thiện, đạt thì khiến người khác cùng thiện; sao đến nỗi trên không đạo để noi, dưới không pháp để giữ, thói tệ nảy sanh trăm mối, dân không lẽ sống vậy!

* Chỉ cầu sao chẳng đói, chẳng rét, mơ chi phát tài cự vạn. Để vàng ròng đầy ắp lại cho con, chẳng bằng dạy con một quyển kinh.

Tổ đức bị sứt mẻ mới đáng chết thẹn, chứ tổ nghiệp bị sứt mẻ nào có thương tổn chi!

* Con em nhà phú quý đa phần chẳng thành người, nguyên do là thương con nhưng chẳng hiểu đạo: hoặc chỉ chú trọng đến tiền tài, hoặc chỉ lo cho con ăn mặc sang trọng. Tiền xài mặc sức ắt sẽ đến nỗi ăn bậy thành bệnh. Nếu cho đứa này giữ tiền để sanh lợi thì những đứa kia chẳng được giữ sẽ oán hờn cha mẹ, sanh lòng đố kỵ với anh, em, chị em nào được giữ tiền. Đấy đều chẳng phải là cách để dạy con hiếu đễ. Nếu con gái có tiền, khi xuất giá ắt sẽ cậy tiền tự kiêu, hoặc khinh thường chồng, hoặc chẳng hiểu rõ sự việc, đem tiền giúp chồng làm việc quấy.

Muốn cho con cái thành hiền nhân thì hãy nên bồi phước, chớ nên tích cóp tiền tài. Của cải là gốc họa. Các vị từng thấy không ít người tay trắng làm nên đều là do không tiền tự mình siêng gắng mà được, nhưng nhà đại phú gia chẳng mấy chốc gia sản trống rỗng. Vì thế cổ nhân nói: “Để cho con một rương đầy vàng, chẳng bằng để cho con một quyển sách”. Đọc sách được thì đọc, không đọc được thì làm nghề nông, hoặc buôn bán, ai có nghề nấy để làm cái vốn lập thân nuôi gia đình. Con gái nếu có tiền lại hiểu đạo lý, lẽ cố nhiên tiền sẽ thành cái vốn để trợ đạo. Nếu chẳng hiểu đạo lý, tiền sẽ hại cô đó, hại luôn chàng rể, hại lây cả đến cháu trai, cháu gái!

* Con người một đời thành bại đều là do sự tài bồi, tập tành dần dần lúc nhỏ mà ra. Ngươi đã thành thiếu niên phải biết tốt xấu, vạn phần chẳng được học theo thói đời, hãy nên học hiếu, học đễ, học trung hậu, thành thực. Đang lúc tuổi trẻ mạnh mẽ, cường tráng, hãy nỗ lực đọc sách. Phàm đọc qua sách nào, phải nghĩ xem những điều nào sách dạy là trọng yếu đối với con người thì thực hành theo đó; chứ nếu không chỉ là cố ngốn sách cho nhiều.

Nếu những điều dạy trong các sách nói trên chẳng dễ lãnh hội thì những điều nói trong các sách như Âm Chất Văn, Cảm Ứng Thiên v.v... đều là nói trực tiếp, dễ lãnh hội; hãy nên thường đọc, thường nghiền ngẫm, sửa lỗi hướng thiện. Lúc nhàn hạ, rất nên niệm A Di Đà Phật và Quán Thế Âm Bồ Tát để mong tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng phước huệ, đừng nghĩ là khổ sở. Cổ nhân nói: “Thiếu tráng bất nỗ lực, lão nhân đồ thương bi” (Trẻ mạnh chẳng nỗ lực, già cả luống sầu thương!) Lúc này bỏ phí quang âm, về sau dù có nỗ lực cũng khó thành tựu! Bởi lẽ, tuổi trẻ đã qua, trí nhớ cùn quá nửa, học cái gì cũng phải dùng sức nhiều nhưng hiệu quả lại ít.

Thứ nhất là phải làm người tốt, thấy người hiền mong được bằng, thấy kẻ chẳng hiền trong lòng tự cảnh tỉnh,

Thứ hai là phải biết nhân quả báo ứng, nhất cử nhất động đừng mặc tình khoái ý, mà phải nghĩ việc này có lợi ích đối với ta, với người thân, người ngoài hay chăng. Chẳng những làm việc gì cũng như thế mà khi khởi tâm động niệm cũng phải thường như thế. Khởi tâm lành ắt có công đức, khởi tâm xấu ắt mắc tội lỗi. Muốn được báo tốt thì phải giữ tâm tốt. Nói lời lành, làm việc lành, lợi người lẫn vật, chẳng làm hại mình lẫn người thì mới nên. Nếu chẳng vậy, sao hưởng được báo tốt?

Ví như đem hình xấu đặt trước gương sáng, quyết định chẳng thể hiện bóng đẹp đẽ được. Ảnh được hiện so với hình xấu, trọn chẳng khác gì. Nếu ngươi quả thật hiểu sâu nghĩa này, tương lai nhất định thành một bậc chánh nhân quân tử, khiến hết thảy mọi người đều tôn trọng, yêu kính. Mong hãy suy nghĩ cẩn thận, nghĩ ngợi chín chắn thì thật là may mắn lắm!