Biểu hiện của tâm chân thành tức là thanh tịnh, tâm thanh tịnh là chân tâm, là thành tâm. Trong bút ký của ông Tăng Quốc Phiên có ghi định nghĩa của chữ “thành” là: “Một niệm không sanh gọi là thành”. Cách nói này rất hay! Nếu bạn có một tâm niệm [gì đó] thì đã không “thành” rồi. Có “niệm” đều là vọng niệm! Phật pháp chú trọng đến việc tu Định, Định tức là tâm thanh tịnh, trong tâm thanh tịnh không có một tạp niệm nào cả. Nhà Nho thời xưa ở Trung Quốc rất coi trọng công phu tu thân, họ cũng nói về “định”; nhà Phật nói “định” rõ ràng hơn, cụ thể và minh bạch hơn. Ðịnh tức là tâm thanh tịnh, [chúng ta] phải biết cách tu tâm thanh tịnh. Từ tâm thanh tịnh mà nói nhất quyết không bị ô nhiễm bởi hết thảy cảnh duyên; “cảnh” là chỉ hoàn cảnh vật chất, “duyên” là chỉ hoàn cảnh nhân sự. Cái gì gọi là “ô nhiễm”? Trong hoàn cảnh này bạn động tâm, khởi niệm, lúc sáu căn tiếp xúc với cảnh giới [bên ngoài] trong tâm khởi lên tâm niệm tham, sân, si, mạn, như vậy thì tâm của bạn bị ô nhiễm, không thanh tịnh nữa. Một khi bị ô nhiễm, tâm của bạn sẽ không thành, không chân nữa; chân tâm, thành tâm vốn là thanh tịnh. Chúng ta thường nói đến chân thành, có nhiều người nói: “Tôi thiệt có chân tâm, thiệt là có thành tâm, tôi muốn mắng chửi thì mắng chửi, muốn đánh [ai] thì đánh liền.” Họ tưởng như vậy tức là trực tâm, là chân tâm, thiệt ra thì đều hiểu sai ý nghĩa hết. Như thế nào gọi là chân thành? Thanh tịnh là chân thành. Bạn nghĩ coi: tâm bạn có thanh tịnh hay không? Còn bị cảnh giới bên ngoài làm ô nhiễm không? Cũng là nói khi sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài, bạn còn khởi lên tâm niệm gì không? Nếu còn động tâm thì còn là phàm phu, chưa phải là thánh nhân, công phu còn thua xa lắm, phải gắng sức nỗ lực thêm nữa!