Home > Khai Thị Niệm Phật
Ba Nghiệp Tương Ưng Công Phu Thành Tựu
Hòa Thượng Thích Diệu Liên | Thích Tâm An, Việt Dịch


Dụng công diệu pháp là gì?

Trì danh niệm Phật tối thượng thừa.

Đối với phương pháp niệm Phật, giả như bình thường mọi người đã có phương pháp thực hành rồi, lại thấy phương pháp đó thích hợp, công phu có thành tựu thì cứ nên theo đó mà thực hành. Những người sơ phát tâm nếu chưa có phương pháp nào thực hành thì xin hãy lắng tâm nghe tôi nói đây.

Công phu niệm Phật không phải một ngày, hai ngày mà có thể thành tựu, làm sao cho nhanh chóng? Nếu ngày nay dụng công không tốt, thì ngày sau lại dụng công, nếu ngày sau nữa lại không tốt thì lại tiếp tục ngày ngày sau nữa, cứ thế dụng công đến khi nào thấy tốt mới dừng. Dụng công như thế nào là tốt? Đó là ba nghiệp thân, khẩu, ý có thể tương ưng với Phật, không loạn tưởng, ngày đêm an lành, tâm nhớ Phật, miệng niệm Phật, thân lễ Phật, có thể chấp trì danh hiệu không quên không gián đoạn như vậy mới là tốt.

Trước tiên nói thân nghiệp, khi chúng ta ngồi cần phải thẳng thắn, thân không được cúi về phía trước hay ngã về phía sau quá, mà luôn giữ cho lưng thẳng đứng. Chân cần phải ngồi xếp bằng bán già hoặc kiết già tùy theo năng lực. Đầu không nghiêng qua phải qua trái mà luôn giữ sao cho thẳng thắng, không nên cúi tới trước, hoặc ngã về phía sau. Đối với tay, lấy tay phải để lên tay trái đặt trên đùi. Mắt không liếc trái, liếc phải, mà nhìn theo sống mũi, cách chỗ ngồi khoảng ba, hoặc bốn tấc, nếu thấy trong người mệt mỏi, hoặc buồn ngủ nên mở mắt, nếu nhắm ắt hẳn sẽ đưa đến hôn trầm. Trong khi công phu nếu thấy tinh thần sảng khoái nên khép mắt lại. Chú ý toàn thân các cơ luôn buông thả, chỉ giữ sao cho cột sống luôn thẳng đứng, lưng không được cong, vì cong ắt sẽ dẫn đến đau lưng, cũng không được ưỡn về phía trước quá, vì ưỡn quá sẽ dẫn đến tức ngực.

Đối với khẩu nghiệp, không kể là niệm thầm, niệm lớn hay niệm trung bình, kim cang niệm hay mặc niệm tất cả đều tốt, chỉ quý ở chỗ là làm sao “niệm niệm tương tục”, không cho gián đoạn.

Trong quá trình công phu, bạn thấy mình bị hôn trầm hay tán loạn nên niệm lớn, niệm lớn không có nghĩa là bạn niệm quát tháo lên, để cho tốn hao thần lực, mà niệm ở đây là niệm vang rền từng câu từng chữ rõ ràng, âm thanh vừa đủ tai nghe, âm thanh niệm không nên cao quá, cũng không được nhỏ quá, mà nên trung bình, đó là những phương pháp bạn xem thử mình thích hợp với phương pháp nào, rồi chọn lấy một mà thực hành. Song, hiện tại chư vị đang tu tập theo đại chúng, nhất nhất đều nên theo chúng. Không nên chúng niệm nhanh mình lại niệm chậm, chúng niệm chậm mình lại niệm nhanh, mà cần phải hòa đồng với chúng, cùng chúng dị khẩu đồng âm mới dễ thu nhiếp thân tâm, tâm mới có thanh tịnh được.

Kim Cang niệm, tức là niệm chỉ có một mình bạn biết, người bên cạnh không thể thấy biệt được, nếu miệng không động, chỉ niệm trong tâm gọi là mặc niệm, mặc niệm là niệm không ra tiếng. Tuy không niệm ra tiếng, song tự tâm của bạn phải niệm từng chữ từng câu cho rõ ràng, tai cũng nghe từng chữ từng câu rõ ràng, có như thế mới dễ tương ưng.

Như thế nào là ý nghiệp tương ưng? Trong khi niệm Phật bạn cần phải chú ý, nắm lấy câu danh hiệu mà niệm, ý niệm từng câu, từng chữ rõ ràng, như vậy bạn niệm nghìn vạn câu mà trong tâm không có tạp loạn, dụng công lâu ngày ắt sẽ có tự tại và an lạc, không hôn trầm, không tán loạn, công phu trở nên thành thục tương ưng “một niệm tương ưng một niệm Phật” công đức niệm Phật như thế không thể nghĩ bàn, kính thỉnh mọi người thành tâm dụng công niệm Phật. Mỗi câu danh hiệu có thể niệm như trên, thì mỗi một câu niệm Phật ba ngàn thế giới đều có thể nghe được, âm thanh chu biến khắp ba ngàn thế giới, công đức như thế có lớn không? Nếu có thể “niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật” thì mười phương các nước chư Phật đều nghe được, như vậy một câu danh hiệu, âm thanh chu biến khắp pháp giới, công đức đó mới chân thật là lớn. Kính thỉnh chư vị chí tâm niệm Phật, nếu không thời gian trôi qua thật tiếc thay! Thật tiếc thay!