Home > Khai Thị Niệm Phật
Giải Thích Đề Mục Kinh Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


1. Đại:

Đại là từ ngữ khen ngợi. Chữ Đại này có nghĩa là vô hạn, chẳng phải là tương đối. Đại tức là tâm chúng sanh; tâm dung nhiếp hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian nên gọi là Đại. Chữ Tâm rất khó giải thích, nhà Phật nói chân tâm và vọng tâm là một, chẳng phải là hai tâm. Giác là chân tâm, mê là vọng tâm. Vọng tâm chỉ phát khởi tác dụng cục bộ. Chúng sanh trong chín pháp giới trình độ mê ngộ bất đồng, mê thật nặng là chúng sanh trong địa ngục, mê rất nhẹ là Bồ Tát. Chữ “thế gian” chỉ lục phàm (1), chữ “xuất thế gian” chỉ tứ thánh (2). Mười pháp giới toàn là do tâm biến hiện. Kinh Hoa Nghiêm nói:

Ưng quán pháp giới tánh,
Nhất thiết duy tâm tạo.

(Nên quán tánh pháp giới,
Hết thảy do tâm tạo)

Chữ “tánh” ấy chỉ bản thể. Tâm là thể, mười pháp giới là hiện tượng. Sau khi giác ngộ, tâm ấy ắt thanh tịnh, bình đẳng, tuyệt không nhân ngã thị phi. Hết thảy vạn pháp đều lưu lộ từ tâm tánh, kinh Hoa Nghiêm gọi là Nhất Chân Pháp Giới. Các kinh điển khác, có kinh gọi là Thật Tướng, Phật Tánh, Viên Giác, Chân Như, kinh này gọi là Như Lai Tạng, những danh từ ấy đều chỉ Nhất Tâm. Phật nói nhiều danh từ như thế là nhằm dụng ý dạy chúng ta đừng chấp trước. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát nói: “Lìa ngôn thuyết tướng, lìa danh tự tướng, lìa tâm duyên tướng”. Tâm duyên tướng chính là chấp trước.

Mười phương vô tận, không gian lớn vô hạn, tam tế vô cùng. Tam tế (ba bờ mé) chính là thời gian: quá khứ, hiện tại, vị lai. Không gian và thời gian chính là bản thể của mười pháp giới; bản thể là cái tâm của chúng ta lớn vô hạn. Nguyên lai của mười pháp giới và chân tướng của vũ trụ nhân sanh, các khoa học gia, triết gia, các nhà tôn giáo hiện đại nghiên cứu tìm tòi, không tìm được kết luận. Vấn đề này chỉ có mình kinh Lăng Nghiêm là nói rất rõ ràng, giảng thấu triệt thực tại.

Kinh Lăng Nghiêm chỉ có sáu bảy vạn chữ, có độ sâu tương đương. Ngôn ngữ có hạn độ, nói chẳng rõ ràng, diễn đạt chẳng hết được. Phạm vi tư duy tuy rộng, vẫn không cách nào đạt đến mức rốt ráo được. Phải tách rời ngôn ngữ, tư duy mới hòng lãnh ngộ, nhưng cũng không thể nói ra được. Kinh Lăng Nghiêm có thể dẫn dắt quý vị nhập cảnh giới ấy, đạt đến trình độ tự chứng. Công phu tu đến mức thành công đó gọi là Thủ Lăng Nghiêm Đại Định. Sau khi đạt đến mức độ này, hết thảy vũ trụ, nhân sanh, hết thảy muôn pháp, nhân trước quả sau, tìm long tróc mạch (3), quý vị đều hiểu rõ ràng hết, bởi thế nói “khai trí huệ là kinh Lăng Nghiêm”.

Phần mở đầu kinh Lăng Nghiêm có một đoạn kinh văn dài gọi là “bảy chỗ chỉ tâm” – đức Thế Tôn hỏi ngài A Nan “tâm ông ở đâu?” A Nan rất thông minh, Ngài cũng đáp bảy chỗ, nhưng đều bị Phật bác hết, Ngài mới thừa nhận mình mê hoặc, điên đảo, đức Phật bèn dựa trên sáu căn chỉ ra tác dụng của bản thể. Còn mê gọi là “Như Lai Tạng”, giác rồi gọi là “Tu Chứng Liễu Nghĩa”, Liễu là hiểu rõ. Pháp môn Niệm Phật là pháp liễu nghĩa bậc nhất trong các pháp liễu nghĩa.

Để giảng về Lăng Nghiêm Đại Định, trong kinh nêu lên hai mươi lăm vị Bồ Tát làm đại biểu, mỗi vị đều đã chứng đắc minh tâm kiến tánh. Hai mươi lăm phương pháp ấy là hai mươi lăm pháp tổng quát, triển khai ra sẽ thành tám vạn bốn ngàn pháp môn. Đại Thế Chí Bồ Tát đại biểu cho việc tu Lăng Nghiêm Đại Định bằng phương pháp Niệm Phật, trong hai mươi lăm pháp môn được gọi là thù thắng bậc nhất, sau khi tu học viên mãn gọi là Thủ Lăng Nghiêm Vương.

Trong Phật pháp, tuyệt đối chẳng có gì gọi là bí mật cả! Bí mật chẳng phải là việc tốt, nói chung là chuyện con người không thấy được. Nhà Phật nói “mật” nghĩa là “thâm mật” (sâu kín), phải có trí huệ viên mãn cao độ mới hiểu rõ được. Một câu danh hiệu A Di Đà Phật chính là mật nhân (cái nhân sâu kín), y theo phương pháp này tu hành đạt được Niệm Phật Tam Muội, chứng đắc Sự Nhất Tâm Bất Loạn thì quý vị mới lý giải được chút phần; chứng đắc Lý Nhất Tâm Bất Loạn, quý vị mới có thể hiểu rõ phần lớn, nhưng vẫn chưa hiểu triệt để, đợi đến khi thành Phật mới có thể hiểu rõ triệt để.

Trong hai mươi lăm pháp môn ấy, chỉ có mỗi một pháp môn thích hợp nhất cho việc tu học của chúng ta; các pháp môn khác tuy hay, nhưng điều kiện quá cao, chúng ta tu học theo chẳng thể thành tựu ngay trong một đời này. Pháp môn Niệm Phật thích hợp nhất cho chúng sanh trong thời đại này: trí cạn phước mỏng, chướng ngại lại nhiều. Nhưng chỉ tu chết nơi Phật hiệu không thôi thì vẫn chưa đúng, phải lấy Phật hiệu làm chánh tu, và cũng cần phải có trợ tu, chẳng hạn như tu ba thứ phước như trong phần giảng về ba bậc chín phẩm của Quán Kinh đã dạy, và mười nguyện Phổ Hiền. Niệm Phật chẳng thể không hiếu thuận đối với cha mẹ, tôn kính sư trưởng, chẳng thể không có tâm từ bi, chẳng thể không tu Thập Thiện. Lấy niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới làm mục tiêu chung, gọi là “đại hạnh”.

Cái Định mà Như Lai đã đạt được khi chứng quả gọi là Thủ Lăng Nghiêm Đại Định. “Mật nhân” là Lý, “Liễu Nghĩa” là Giáo, “Vạn Hạnh” là Hạnh, “Lăng Nghiêm” là Quả. Bốn thứ Giáo - Lý - Hạnh - Quả đều được bao gồm trong đề mục kinh này.

 2. Phật Đảnh

Phật Đảnh là tỷ dụ, biểu thị pháp môn này thù thắng vi diệu. Đảnh đầu Phật khác với đảnh đầu người thường. Đảnh đầu Phật có một u thịt màu hồng nhô lên, có thể phóng quang, không ai thấy được, bởi thế gọi là “vô kiến đảnh tướng”, đó là một trong ba mươi hai tướng hảo. Kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa như toàn thân đức Phật, kinh Lăng Nghiêm như đảnh đầu đức Phật, cho thấy kinh này viên đốn tôn diệu, là thù thắng nhất trong tất cả kinh pháp. Y theo pháp này tu hành chính là con đường thẳng hướng đến Phật.

3. Như Lai Mật Nhân

Chữ “Như Lai mật nhân” chỉ chánh nhân Phật tánh, như kinh Niết Bàn dạy: “Chánh nhân Phật tánh là Chân Như trung, chánh, lìa hết thảy tà vạy, sai trái. Y theo đó sẽ thành tựu quả đức Pháp Thân”. Đây là nói về bổn tánh, ai cũng vốn có sẵn, ai nấy đều đầy đủ, chỉ có điều: Phàm phu mê hoặc nên chẳng tự biết. Kinh Lăng Nghiêm chỉ ra chân bản (căn bản đúng đắn) trong hai thứ căn bản. Hai thứ căn bản: Nơi phàm phu là sanh tử căn bản, do mê nên hiển hiện thành sanh tử luân hồi; nơi Phật Bồ Tát, nó trở thành Bồ Đề Niết Bàn căn bản.

Sáu căn của chúng ta đều chẳng rời ngoài nó; núi, sông, đại địa và hết thảy chúng sanh đều là nó. Những lời này nghe ra chẳng dễ hiểu được, núi sông, đại địa, nhân vật bên ngoài liên quan chi đến ta? Khi quý vị ở trong mộng cảnh, núi, sông, đại địa, người, vật từ đó mà ra. Mộng là do tâm hiện, toàn thể cái tâm biến thành mộng cảnh, chẳng phải là có vật gì từ bên ngoài vào trong mộng cả. Năng biến (chủ thể thực hiện động tác biến hiện) là tâm, sở biến (cái được biến hiện ra) là tướng hư vọng. Lúc mộng bèn có núi, sông, đại địa; lúc tỉnh, hết thảy đều chẳng có. Hết thảy tướng trạng của cảnh giới được biến hiện bởi chân tâm tựa hồ chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc, nhưng do chúng có tướng “tương tục” (tiếp nối) nên quý vị chẳng nhận biết hiện tượng sanh diệt trong từng sát-na.

Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật dạy A Nan hạ thủ công phu ngay trên sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sau khi đốn ngộ mới biết sáu căn chính là nơi để chân tâm bản tánh phát khởi tác dụng, nơi mắt gọi là thấy, nơi tai gọi là nghe, nơi mũi gọi là ngửi, nơi lưỡi gọi là nếm, nơi thân gọi là đụng chạm, nơi ý gọi là biết. Thấy, nghe, hay, biết là tác dụng của chân tâm. Lúc mê vẫn khởi tác dụng, chẳng qua người ngộ rồi sẽ khởi tác dụng vĩnh viễn chẳng mê.

Nơi người mê, niệm thứ nhất là chân tâm; ví như sau cái thấy đầu tiên của mắt, trong ý niệm thứ hai bèn khởi phân biệt xen tạp xấu, tốt, thiện, ác. Đó là mê. Lìa khỏi hết thảy vọng tưởng, chấp trước, thấy nghe vẫn rõ ràng tường tận, nhưng sắc được thấy, tiếng được nghe chẳng còn phân biệt, chấp trước, chẳng khởi tâm động niệm, tức là hoàn toàn giống hệt như Phật, Bồ Tát. Lúc Phật còn tại thế, có ai hướng về Phật thưa hỏi những vấn đề họ nghĩ không ra, Phật liền lập tức đáp ứng, không phải suy nghĩ chút nào. Đó gọi là “Bát Nhã vô tri, vô sở bất tri” (Bát Nhã không biết, nhưng không gì chẳng biết). “Vô tri” là Căn Bản Trí, “vô sở bất tri” là Hậu Đắc Trí. Dùng vọng tưởng, chấp trước để nghiên cứu kinh Phật là biến Phật pháp thành thế gian pháp, vĩnh viễn chẳng thể khai ngộ được!

Chánh nhân là bổn tánh, liễu nhân là trí huệ chân thật; chân trí hoàn toàn phù hợp với chân tướng sự thật, trọn không mảy may nào sai lệch, thì mới gọi là “thật chứng”. Nếu như do suy lý mà lãnh hội thì chẳng thể tin cậy được. Người ta thường cho rằng tu Thiền, tu Mật không thể không đọc kinh Lăng Nghiêm; thật ra, người tu Tịnh Độ lại càng không thể không đọc Lăng Nghiêm.

Ước chừng vào năm Dân Quốc năm mươi mốt (1962), tôi trụ tại chùa Lâm Tế ở Viên Sơn, có một ngày, có mấy sinh viên đại học Đài Loan, cùng với một giáo sư (người Nhật Bổn, giáo sư thỉnh giảng của đại học Đài Loan) đến tìm tôi đàm luận Phật pháp. Vị giáo sư đó hỏi tôi thường ngày tu pháp môn nào, tôi nói thường ngày tôi tu pháp môn Niệm Phật, chủ tu là kinh Lăng Nghiêm. Ông ta bèn hạ một câu: “Kinh Lăng Nghiêm có quan hệ chi với Tịnh Độ?” Ông ta tỏ thái độ hơi ngạo mạn, tôi vừa nghe liền biết ông ta chưa thông. Tôi hỏi ngược lại một câu: “Quán Thế Âm, Đại Thế Chí Bồ Tát có quan hệ chi với Tịnh Độ?” Hỏi vậy, ông ta không đáp được câu nào, khá là lúng túng. Hai vị Bồ Tát ấy thuộc vào Tây Phương Tam Thánh, phần kinh văn tối trọng yếu trong kinh Lăng Nghiêm là chương Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông và chương Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông.

Kinh Lăng Nghiêm có mối quan hệ mật thiết với tất cả Phật pháp Đại Thừa, bất cứ tông phái nào cũng không thể không đọc kinh Lăng Nghiêm. Văn Thù Bồ Tát chọn lấy pháp Nhĩ Căn Viên Thông là minh tuyển (chọn rõ ràng), kỳ thật, Ngài ám tuyển (tuyển ngầm) pháp Niệm Phật.

Hai mươi lăm pháp Viên Thông được trình bày theo thứ tự thuận, những pháp không được tuyển được xếp theo thứ tự thuận; những pháp được tuyển xếp ra sau cùng. Giống như ca kịch, vở nào hay nhất xếp ra sau cùng làm vở hạ màn. Trong hai mươi lăm pháp Viên Thông, có đến hai pháp được xếp vào sau chót, chẳng phải là một pháp. Nhĩ Căn đáng lẽ phải xếp thành pháp thứ nhì, lại xếp ra sau cùng. Trong Thất Đại: Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không, Kiến, Thức, pháp môn Niệm Phật của ngài Đại Thế Chí là Kiến Căn Đại. Lẽ ra, Ngài phải được xếp trước ngài Di Lặc, nhưng hiện tại, Ngài được xếp vào hạng mục hai mươi bốn, đứng sau ngài Di Lặc.

Ngài Văn Thù chọn pháp Niệm Phật vì nó khế hợp với căn cơ chúng sanh trong pháp giới, chọn pháp Nhĩ Căn Viên Thông của ngài Quán Âm vì nó khế hợp căn cơ của chúng sanh trong thế giới Sa Bà này. Tôi ở Đài Trung theo thầy Lý mười năm, chủ tu Lăng Nghiêm. Đối với pháp Niệm Phật, tôi tin tưởng sâu xa, chẳng nghi là do nhờ kinh Lăng Nghiêm nên mới hoàn toàn liễu giải.

4. Tu Chứng Liễu Nghĩa

“Do tín khởi quán” gọi là “tu”, lấy quán hạnh làm Tu, chẳng phải là lấy việc trải đủ mọi sự làm Tu. Lấy giải ngộ làm Chứng, chứ chẳng phải trải qua các địa vị để thủ chứng. Nhà Thiền gọi Quán là “quán chiếu”, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài nhưng chẳng mê thì gọi là “quán chiếu”; chẳng khởi tâm động niệm phân biệt, chấp trước gọi là Quán. Có thiện ác, thị phi, lấy - bỏ thì chẳng phải là Quán. Chẳng phải là do trải qua các địa vị tiến lên từng nấc mà tu được, cứ hễ tu hành đạt đến một tiêu chuẩn nhất định bèn khởi tác dụng, liền đạt được hai thứ thù thắng:

- Một là trên có cùng một từ lực với chư Phật, lực dụng lớn nhất là cứu hộ hết thảy chúng sanh, trừ được hết thảy não hại cho bản thân.

- Hai là dưới cùng một bi ngưỡng với chúng sanh, có năng lực tự nhiên có thể cảm ứng đạo giao với hết thảy hữu tình chúng sanh trong mười pháp giới.

Phật, Bồ Tát có năng lực cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn, năng lực ấy là do chứng Liễu Nghĩa mà được. Tuy nói là “được”, nhưng thật ra, đó chính là tác dụng của đức năng vốn sẵn có đủ nơi tự tánh. Tánh đức phải nhờ vào Tu đức mới có thể hiển hiện.

Phát ra ba tác dụng thì:

a) Điều thứ nhất là Tam Thập Nhị Ứng (ba mươi hai thân ứng hóa). Tam thập nhị ứng chỉ là cách phân loại tổng quát. Phàm phu thường hiểu lầm, cho rằng Phật, Bồ Tát có tướng mạo nhất định, có người hỏi Quán Thế Âm Bồ Tát là nam hay nữ, người hỏi như vậy nhất định chỉ hiểu biết Phật pháp hời hợt. Người chân chánh chứng đắc “tu chứng liễu nghĩa”thì không có tướng mạo nào để nói được, có thể tùy theo từng loài mà hóa thân, đáng nên dùng thân nào để độ được kẻ ấy thì sẽ hiện thân đó để thuyết pháp. Phật, Bồ Tát không vọng tâm, vọng niệm, phân biệt, chấp trước; thuận theo tâm chúng sanh, ứng theo sự hiểu biết của họ, Phật, Bồ Tát có thể hiện các thân. Nơi thiên đường, địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, các ngài đều có thể hiện thân đồng loại. Chúng ta cũng có năng lực đó, vì tự tánh mê nên năng lực ấy bị mất đi. Trong Phật pháp, bất luận tu hành theo tông phái nào, mấu chốt của việc tu hành đều là Thiền Định, tức là tu tâm thanh tịnh.

b) Thứ hai là Thập Lực Vô Úy (mười lực không sợ hãi), bao gồm hết thảy pháp thế gian, xuất thế gian đều thông đạt, hiểu rõ mọi lẽ, trong bất cứ trường hợp nào cũng chẳng hề có tâm kinh sợ. Lúc Phật tại thế, bất cứ vấn đề nào, Ngài cũng đều có thể giải đáp tường tận, không ai bắt bí được Ngài. Có kẻ cho rằng bậc học rộng chưa chắc đã biết rành những chuyện nhỏ nhặt, vặt vãnh; có kẻ hỏi Phật về vấn đề chăn trâu, Phật cũng dạy cho người ấy cách thức, trong Đại Tạng Kinh có một bài kinh mang tên là Mục Ngưu Kinh (kinh Chăn Trâu).

c) Thứ ba là Tứ Bất Tư Nghị (bốn thứ chẳng thể nghĩ bàn), cũng là một trong ba thứ tác dụng phát khởi sau khi đã tu chứng liễu nghĩa. Với tình huống này, khi tu hành đạt đến mức độ tương đương sẽ tự nhiên có, chẳng cần phải cầu.

Ghi chú: “Tứ Bất Khả Tư Nghị” là thuật ngữ nhà Phật, tức là chư Như Lai có bốn sự chẳng thể nghĩ bàn, Tiểu Thừa chẳng thể biết được nổi. Một là thế giới chẳng thể nghĩ bàn, hai là chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn, ba là rồng chẳng thể nghĩ bàn, bốn là cõi Phật cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn.

Dùng Căn chẳng dùng Thức, chọn Nhĩ Căn làm liễu nghĩa bậc nhất trong các liễu nghĩa. Chúng sanh căn tánh bất đồng, pháp môn tu hành trong kinh Lăng Nghiêm chia thành hai mươi lăm loại lớn, ngài Văn Thù quán sát căn tánh của người thế gian, trong sáu căn, căn Tai thông lợi nhất. Lúc Phật tại thế, trong bốn mươi chín năm giáo hóa chúng sanh, toàn là giảng kinh cho đại chúng nghe. Vào thời đại Xuân Thu, Khổng Phu Tử cũng phải dùng cách giảng thuyết giáo học để chỉ dạy hàng đệ tử.

Bởi thế, lúc ngài Văn Thù tuyển chọn pháp môn, dạy chúng ta dùng lục căn, chẳng dùng lục thức, đặc biệt chọn lấy Nhĩ Căn vì nó khế hợp nhất đối với căn cơ của chúng sanh. Người thời cổ thật thà, tôn sư trọng đạo, đối với lời thầy tin tưởng sâu xa chẳng nghi ngờ. Người hiện tại chẳng bằng cổ nhân, đối với lời nói của bất cứ ai cũng đều hoạnh họe, cho nên sở học cả một đời của con người hiện tại chỉ là tri thức, chứ chẳng phải là trí huệ. Trí huệ và tri thức khác nhau rất xa, quý vị chú tâm nghiên cứu Lục Tổ Đàn Kinh [sẽ thấy]: Lục Tổ chưa hề đọc sách, nhưng sau khi khai ngộ, bất cứ sự việc thế gian hay xuất thế gian nào Ngài đều thông đạt cả. Trí huệ của Ngài là do sau khi khai ngộ mà thành, có thể nói là “tu một thứ là tu hết thảy” vậy.

Từ tánh khởi tu chẳng có giai đoạn, tu một thứ là tu hết thảy. Nhĩ Căn đối ứng Nhĩ Thức, chẳng dùng Nhĩ Thức mà dùng Nhĩ Căn để nghe tánh, tại mắt thì dùng Nhãn Căn để thấy tánh. Vấn đề nan giải hiện thời là giữa “tánh nghe” và “nhĩ thức” có khác biệt gì? Phải biết thì mới có thể học được.

Theo Duy Thức Học, tác dụng của thức thứ sáu là phân biệt, tác dụng của thức thứ bảy là chấp trước, tác dụng của thức thứ tám nói theo cách bây giờ là ghi nhớ, trong kinh Phật gọi là “chứa đựng chủng tử”. Phật dạy chúng ta bỏ Thức, sử dụng tánh của Căn. Tánh khác với Thức; Tánh không phân biệt, chấp trước, chẳng vướng mắc ấn tượng. Ví như tấm gương chiếu mọi vật rõ rệt, rành rẽ, nhưng trọn chẳng giữ lại bóng dáng. Còn Thức như máy chụp hình, trong máy có phim, giữ lại hình ảnh. Tách rời hết thảy mọi phân biệt, chấp trước, vạn pháp quyết định bình đẳng thì tâm mới thanh tịnh, tâm thanh tịnh gọi là “liễu nghĩa”.

Hiện thời, ta chọn dùng phương pháp Niệm Phật của Đại Thế Chí Bồ Tát, Phật hiệu từ tâm sanh ra, từ miệng niệm ra, tai lại nghe lấy, cũng có mối liên quan mật thiết đối với pháp Nhĩ Căn Viên Thông. Dùng cách niệm này, nhiếp tâm dễ dàng. Nếu tịnh niệm tiếp nối thì chính là Niệm Phật Tam Muội. Công phu cạn gọi là “thành phiến”, công phu sâu gọi là “nhất tâm bất loạn”.

5. Chư Bồ Tát Vạn Hạnh

Duyên nhân trợ tu. Duyên là Tăng Thượng Duyên, lục độ vạn hạnh hỗ trợ chúng ta tu học. Trong Viên Giáo, Thập Tín hoàn toàn không có địa vị bởi lẽ lúc tiến, lúc lùi. Sơ Địa Bồ Tát trong Đại Thừa Phật pháp bèn chứng ba thứ bất thoái, thật sự là đệ tử Phật. Hàng Bồ Tát thuộc địa vị Thập Hạnh tu lục độ vạn hạnh nhằm mục đích đào thải những tập khí của chính mình từ vô thỉ kiếp đến nay. Chẳng hạn như bố thí để đoạn sạch tập khí keo bẩn, tập khí keo bẩn của chính mình bị đoạn sạch hoàn toàn chính là tu hành viên mãn. Thập Hồi Hướng là quay Phật sự hướng về Phật tâm, tâm Phật là tâm của chính mình. Hết thảy những việc tu dưỡng của mình nhằm để minh tâm kiến tánh, hiển phát tự tánh, tánh thể, tánh đức, tánh lượng; hồi hướng Thật Tế, hồi hướng Bồ Đề, hồi hướng chúng sanh.

Sau khi viên mãn địa vị Tam Hiền (Thập trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng) bèn có Tứ Gia Hạnh (4), sau khi tu viên mãn liền đăng địa. Tứ Gia Hạnh là bốn phương pháp tu hành, với mục đích nhằm diệt mất cả tâm lẫn Phật, diệt sạch số lượng, khiến cho tâm đạt đến chỗ thanh tịnh, diệt sạch hết thảy ý niệm. Nếu trong tâm vẫn còn có Phật hoặc còn những số lượng khác, thì vẫn là còn có một vật, tâm vẫn chưa thanh tịnh. Tâm thanh tịnh mới có thể đăng địa. Phải đăng địa rồi mới có thể hiển xuất Chân Như Phật Tánh.

Đẳng Giác Bồ Tát vẫn còn một phẩm Sanh Tướng vô minh, phải đến khi phá sạch rồi mới đạt đến địa vị Diệu Giác, tự tánh hoàn toàn hiển lộ thì gọi là thành Phật. Công phu, hạnh nghiệp của hành nhân viên đốn cốt yếu tại lúc Sơ Phát Tâm, cho nên nói: “Sơ phát tâm liền thành Chánh Giác”. Về Lý thì đúng, nhưng trên mặt Sự, phiền não tập khí chưa đoạn.

Sau khi đạt địa vị Càn Huệ mới có thể tùy ý vào trong biển trang nghiêm mầu nhiệm của Như Lai. Càn là giống như nước khô cạn, Phật pháp coi tham ái như nước, ví nóng giận như lửa. Càn tức là chẳng có thất tình (5), ngũ dục. Nước ái đã khô cạn, trí huệ liền hiện tiền, đã đạt cảnh Tam Không (6). Càn Huệ nằm trong khoảng giữa từ Thập Tín cho đến Sơ Trụ, đợi đến sau khi phá được một phần vô minh, liền chứng địa vị Sơ Trụ, bèn thành Pháp Thân đại sĩ, sau đấy bèn mặc tình tự nhiên tương ứng với pháp tánh, vào trong biển trang nghiêm mầu nhiệm của Như Lai, chẳng bị thoái chuyển. Vận dụng cả Chỉ lẫn Quán nên còn gọi là “diệu Thiền-na”.

Trong kinh này, Ngài A Nan cho biết Ngài đã liễu giải ba thứ Định là Xa Ma Tha, Tam Ma Địa và Thiền Na. Ba thứ Định ấy là ba giai đoạn trong quá trình tu học, nhưng đối với tu hành đại định viên mãn, A Nan vẫn chưa biết. Phật dạy ngoài ba thứ Định ấy ra, còn có một thứ đại định viên mãn gọi là Thủ Lăng Nghiêm Đại Định, là thứ Định Như Lai chứng được nơi quả vị. Những thứ Định khác Bồ Tát chứng được, Xa Ma Tha La Hán cũng có thể chứng, Bồ Tát còn chứng được Tam Ma Địa và Thiền Na.

6. Thủ Lăng Nghiêm

Đức Phật dùng chữ Thủ Lăng Nghiêm để hình dung hết thảy sự rốt ráo kiên cố. Vạn sự, vạn pháp dù là thế gian hay xuất thế gian đều có biến hóa, ngay đến cả Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng chẳng phải là ngoại lệ. Bản tánh chân tâm của chính mình là rốt ráo kiên cố, tự tánh là Năng Biến, vạn pháp là Sở Biến, hết thảy hiện tượng là Sở Biến. Năng Biến là chân, Sở Biến là huyễn hóa.

Vũ trụ được sanh ra như thế nào, sanh mạng bắt nguồn như thế nào, các nhà khoa học, triết học trên toàn thế giới tìm chẳng ra. Nếu như thế gian tìm được câu trả lời, Phật đã chẳng cần phải đến thế gian này! Lời Phật dạy thật chẳng dễ gì hiểu được. Đức Phật bảo tất cả hiện tượng “đương xứ xuất sanh, đương xứ diệt tận” (tạm hiểu là: Sanh ra ngay từ nơi này, diệt mất ngay nơi này). Đấy là lời thật, tất cả hiện tượng sanh từ tâm tưởng. Bài Chứng Đạo Ca của Vĩnh Gia đại sư có câu:

Mộng lý minh minh hữu lục thú,
Giác hậu không không vô đại thiên.

(Tạm dịch:

Trong mộng, sáu đường vằng vặc có,
Giác rồi, tam giới rỗng toang hoang)

Sâm la vạn tượng do tâm tưởng sanh, sau khi khai ngộ, sẽ minh bạch hoàn toàn chân tướng sự thật. Kinh Pháp Hoa nói: “Tướng thế gian thường trụ”, nghĩa là chẳng có sanh diệt, cũng chẳng có ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Chúng ta thấy rõ con người có sanh lão bệnh tử, thực vật có sanh trụ dị diệt, khoáng vật có thành trụ hoại không, mọi sự đều đổi dời, sao lại nói “chẳng có sanh diệt”? Trong tâm có ý niệm, có tiền niệm, có hậu niệm, niệm niệm nối tiếp nhau chẳng ngừng, hết thảy hiện tượng đều là từ tâm tưởng tiếp nối mà sanh ra, nhưng lời nói chân thật này chúng ta nghe chẳng hiểu.

Thất thú (bảy đường) là ngoài lục thú (trời, người, a-tu-la, súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ), còn kể thêm tiên đạo. Ngũ Ma là do chúng ta có Ngũ Ấm, kinh Lăng Nghiêm nói có năm mươi thứ Ấm Ma, chướng ngại thân tâm chúng ta tu trì. Nếu quý vị hiểu được chúng sẽ chẳng bị chúng gây chướng ngại nữa.

“Xa Ma Tha, Tam Ma Địa, Thiền Na” là do mức độ tâm thanh tịnh sai khác mà giả đặt danh xưng. Chẳng hạn như, tâm thanh tịnh bị nhiễm ô mười phần mà khử được hai ba phần thì gọi là Xa Ma Tha; trừ được sáu bảy phần gọi là Tam Ma Địa; trừ được tám chín phần gọi là Thiền Na. Trừ sạch cả mười phần gọi là Thủ Lăng Nghiêm. Một phần thanh tịnh được một phần công đức, cho đến khi rốt ráo viên mãn thì chính là “Thủ Lăng Nghiêm rốt ráo kiên cố”.

Giao Quang đại sư là người đời Minh, cùng thời đại với đại sư Liên Trì, cũng tu niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Ngài viết một bản sớ giải mang tên Lăng Nghiêm Kinh Chánh Mạch, giải thích kinh Lăng Nghiêm khác với cách cổ đức giảng giải. Phần trước tôi đã từng nhắc đến: khi Trí Giả đại sư phát minh thuyết “Tam Chỉ Tam Quán”, có vị cao tăng từ Ấn Độ đến Trung Hoa gặp mặt Trí Giả Đại Sư, cho là thuyết Tam Chỉ Tam Quán của đại sư rất  giống với phương pháp tu hành trong kinh Lăng Nghiêm. Do đấy, về sau học giả các đời đều đem thuyết Chỉ Quán của ngài Thiên Thai phối hợp với ba thứ định trong kinh Lăng Nghiêm, coi Xa Ma Tha là Chỉ, Tam Ma Địa là Quán, Thiền Na là Chỉ Quán bất nhị, dùng Tam Chỉ Tam Quán để phụ họa kinh Lăng Nghiêm.

Giao Quang đại sư phản bác cựu thuyết, cho rằng Tam Chỉ Tam Quán là dùng ý thức để tu tâm, còn kinh Lăng Nghiêm dùng tánh của căn để tu, phát huy huyền nghĩa chân chánh của kinh Lăng Nghiêm. Lúc Ngài viết chú sớ, mắc bệnh một trận, thấy A Di Đà Phật đến tiếp dẫn Ngài vãng sanh. Ngài thưa cùng A Di Đà Phật: “Chú giải từ cổ đến nay đều chưa phát huy được huyền nghĩa chân chánh của kinh Lăng Nghiêm, con nay đang soạn chú giải kinh Lăng Nghiêm, con muốn soạn xong rồi mới đi”, Phật bèn chấp thuận.

Ngài giải thích Lăng Nghiêm Đại Định là Tánh Định, ngài giảng như sau:

- Đây là diệu định, đúng là tánh vốn tự có đủ, thiên nhiên bất động, chẳng cần phải nhọc công tu thành. Bổn tánh của chúng sanh chưa từng mất đi, chân tâm bất động, nhận lầm mê tình là chân tâm, tức là nhận giặc làm con. Giác là bất động, mê là động. Đấy gọi là diệu định.

- Đây là viên định, phần trên đã nói qua, vạn pháp không gì chẳng phải là Thật Tướng, đều vốn sẵn bất động.

- Đây là đại định, hết thảy phàm phu không ai là chẳng vậy. Tâm Phật chẳng động, tâm ta cũng chẳng động. Kinh Lăng Nghiêm có một đoạn kinh văn rất dài nói về thấy rõ mười phương: Tánh Thấy của chúng ta chẳng động, tánh Thấy chẳng mê, chẳng đến, chẳng đi, chẳng sanh, chẳng diệt, tức là bổn tánh. Nhãn Thức động, tánh Thấy chẳng động. Sau khi giải ngộ phải tu hành để đào thải cho sạch hết vọng tưởng tập khí thì toàn thể đại dụng của tánh đức mới có thể hiện hữu hoàn toàn, lòng tin chẳng thể lay động, đối với việc niệm Phật vãng sanh quyết định chẳng còn ngờ vực gì.

7. Kinh (lược đi không giảng)

Ghi chú:

Pháp Sư giảng kinh mấy mươi năm, mỗi lần giảng đề mục kinh đều giảng chữ kinh, các đệ tử nghe giảng thường đều đã biết rành, nên giảng đến chữ Kinh, Pháp Sư bèn lược đi không nhắc đến nữa, nhưng cũng không hiếm người mới nghe băng giảng kinh này là lần đầu, nên chúng tôi thuyết minh đơn giản, những chỗ nào cần mà bị lược đi, bèn ghi bổ sung vào.

Chữ Kinh là tên chung, chữ Kinh tiếng Phạn gọi là Tu-đa-la, dịch sang tiếng Tàu là Khế Kinh. Khế nghĩa là trên khế hợp với Lý đức Phật đã chứng, dưới là phù hợp căn cơ chúng sanh được độ. Chữ Kinh gồm bốn nghĩa: Quán, Nhiếp, Thường, Pháp.

- Quán là xuyên suốt nghĩa lý được nói trong toàn kinh, tạo thành giáo nghĩa có hệ thống, như dùng một sợi chỉ để xâu các hạt ngọc lại.

- Nhiếp là nhiếp trì chúng sanh căn cơ đáng độ. Thiện căn của chúng sanh đã thành thục, vừa nghe kinh này bèn có thể tin nhận phụng hành.

- Thường là thường trụ bất biến, muôn đời luôn mới mãi, bất cứ thời đại nào cũng đều thích ứng, phổ độ chúng sanh.

- Pháp là pháp tắc, quy củ. Trên dưới xưa nay đều nên tuân theo, chiếu theo, y giáo phụng hành, đều có thể đắc độ.
 
Trích từ: Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Lược Giảng


Từ Ngữ Phật Học Trong: Giải Thích Đề Mục Kinh Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    48 Pháp Niệm Phật, Cư Sĩ Giang Đô Trịnh Vĩ Am | Sa Môn Thích Tịnh Lạc, Việt Dịch
2.    Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Lược Giảng, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
3.    Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao, Hương Nghiêm Hành Giả Sa Môn Quán Đảnh Tục Pháp | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
4.    Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Luân Quán Hội Nghĩa, Đại Sư Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
5.    Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Pháp Sư Viên Anh | Thích Nguyên Anh, Việt Dịch
6.    Kinh Tứ Thập Nhị Chương Lược Giảng, Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
7.    Niệm Phật Cảnh, Sa Môn Đạo Cảnh và Thiện Đạo Đại Sư | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
8.    Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
9.    Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Pháp Sư Huệ Tịnh | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
10.    Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
11.    Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Tịnh Sĩ, Việt Dịch
12.    Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn
13.    Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Pháp Sư Luyến Tây Đại Sư Ngọc Phong Cổ Côn | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
14.    Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Tiểu Bình Thật | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
15.    Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Lược Giảng, Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
16.    Tứ Thập Nhị Chương Kinh Lược Giảng, Trúc Pháp Lan đời hậu hán | Thượng Tọa Thích Vĩnh Hóa, Việt Dịch
17.    Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch