Home > Khai Thị Niệm Phật
Trích Dẫn Vạn Thiện Đồng Quy Của Đại Sư Vĩnh Minh
Mao Dịch Viên | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch


Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ nói về chín phẩm có sự cao thấp. Tuy gồm đủ Thượng phẩm và Hạ phẩm nhưng chẳng ra ngoài hai thứ tâm:

1. Định tâm: Như tu định tập quán.

2. Chuyên tâm:  Chỉ cần niệm danh hiệu Phật, thực hành mọi điều lành, hồi hướng phát nguyện. 

Vẫn cần phải cả đời quy hướng, suốt kiếp tinh tu, khi nằm ngồi thường hướng về phương Tây. Mỗi khi hành đạo kính lễ và lúc niệm Phật phát nguyện, nên chí thành khẩn thiết không có ý niệm gì khác. Giống như phạm nhân khi đi đến pháp trường, như kẻ mang tội thân ở trong tù ngục. Lại giống như đang bị giặc thù bức bách, nạn nước lửa vây khốn, chỉ chuyên tâm cầu giải cứu. Nguyện cầu thoát khỏi đau khổ trong luân hồi, nhanh chóng chứng đắc Vô sinh, cứu độ khắp cả muôn loài, kế thừa và làm hưng thịnh Tam Bảo, quyết tâm báo đáp bốn ơn. Nếu có tâm chí thành như thế, tất nhiên sẽ đạt được như nguyện. 

Còn như ngôn ngữ và hành động hoàn toàn không phù hợp, lòng tin yếu kém, không có tâm niệm Phật liên tục, lại có ý thường hay gián đoạn, dựa vào sự lười biếng này hy vọng lúc lâm chung được vãng sinh, chỉ e bị nghiệp chướng ngăn trở, khó gặp bạn lành, gió lửa bức bách, chánh niệm không thành tựu. 

Tại sao? Vì hiện nay là nhân, lúc lâm chung là quả. Cần phải có nhân chân thật, quả mới không giả dối. Nếu muốn lâm chung thành tựu mười niệm, phải có sự chuẩn bị trước, tập hợp mọi công đức, đồng thời hồi hướng lúc lâm chung, niệm niệm không thiếu sót thì chẳng phải lo lắng điều gì.

Hỏi:  “Trong luận nói, kinh hành niệm Phật và ngồi niệm công đức như thế nào?”.

Đáp:  “Ví như đi thuyền ngược nước cũng gọi là đi, còn như thuận nước thì rất mau chóng. Ngồi niệm Phật một câu còn tiêu diệt tội lỗi trong 80 ức kiếp, kinh hành niệm Phật công đức ấy sao có thể suy lường? Cho nên, bài kệ nói:

“Kinh hành năm trăm vòng
Niệm Phật một ngàn câu.
Thường thực hành như thế,
Tự thành Phật phương Tây”.

Nếu lễ bái thì khuất phục vô minh, vào sâu nơi mảnh đất giác ngộ, khi mạng chung vãng sinh mau chóng chứng Niết bàn.