* Dương Thứ Công nói: “Ái chẳng nặng chẳng sanh Sa Bà; niệm chẳng nhất, chẳng sanh Tịnh Ðộ”. Nếu đối với Sa Bà mà có một Ái chẳng nhẹ thì lúc lâm chung sẽ bị cái Ái đó lôi kéo, nên chẳng được vãng sanh; thế thì có nên lắm ái hay không? Nếu đối với Cực Lạc có một niệm chẳng chuyên nhất, lúc lâm chung sẽ bị cái niệm ấy xoay chuyển, chẳng được vãng sanh; vậy thì có nên có lắm niệm hay không?
Do vì Ái có nặng, nhẹ, dày, mỏng: chánh báo, y báo bày đầy trước mắt, nên chẳng thể lãng quên cha mẹ, vợ con, anh em, bạn bè, công danh, phú quý, văn chương, thi phú, đạo thuật, kỹ nghệ, y phục, thức ăn, nhà cửa, ruộng vườn, rừng, suối, đồng hoa, trân bảo, ngoạn vật…
Hễ còn một vật chẳng quên nổi thì là Ái; còn có một niệm chẳng thể bỏ đi thì là Ái. Hễ còn giữ một niệm Ái trong lòng thì niệm chẳng thể chuyên nhất; còn một niệm chẳng quy nhất thì chẳng được vãng sanh.
Nếu hỏi: Có cách nào làm nhẹ ái chăng? Xin thưa: Làm nhẹ ái không gì hơn là nhất niệm.
[Hỏi]: Có cách nào để nhất niệm không? Xin thưa: Ðể đạt nhất niệm, không có gì bằng làm nhẹ ái.
Vì niệm bất nhất là do tâm tán loạn, duyên khác [xen vào] khiến cho tâm tán loạn như thế. Duyên khác làm tán tâm là do rong ruổi theo cảnh nên trở thành như thế. Sa Bà có một cảnh thì chúng sanh có một tâm. Chúng sanh có một tâm thì Sa Bà có một cảnh. Duyên chất chứa chao động bên trong, hướng ra ngoài loạn động, tâm cảnh theo đuổi nhau, ái nhiều như trần sa. Vì thế muốn nhẹ ái thì không gì bằng phải ngăn lấp cảnh! Các cảnh đều không, vạn duyên đều tịch, nhất niệm tự thành. Nếu nhất niệm tự thành thì ái duyên đều tận!
Có cách nào ngăn lấp các cảnh không?
Xin thưa: Ngăn lấp các cảnh chẳng phải là trừ sạch vạn hữu, cũng chẳng phải là nhắm mắt chẳng nhìn, mà chính là hiểu rõ cảnh là hư giả; thấu hiểu cái gốc để thấy cái ngọn là Không. Vạn pháp vốn tự chẳng có. “Có” là do tình thức phát khởi, nên hễ tình thức còn thì vật còn, tình không, vạn vật không. Vạn pháp không, nhưng bổn tánh hiện; bổn tánh hiện, nhưng tình niệm dứt; tự nhiên như thế chẳng cần phải miễn cưỡng!
Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Kiến và kiến duyên đều là tướng được tưởng, giống như hoa đốm trên hư không vốn chẳng có gì. Kiến và duyên ấy vốn là diệu tịnh minh thể của Bồ Ðề thì làm sao lại có đúng hay sai trong đó được?” Vì vậy, muốn ngăn lấp cảnh thì không gì bằng hiểu rõ vật là hư huyễn. Hiểu mọi vật là hư huyễn thì tình thức tự nhiên tuyệt. Hễ tình tuyệt thì ái chẳng sanh, duy tâm hiện nên ý niệm chuyên nhất sẽ thành. Do vậy, kinh Viên Giác dạy: “Biết huyễn liền lìa, chẳng dùng phương tiện. Lìa huyễn chính là giác, cũng chẳng theo thứ tự nào cả!” Một bỏ, một giữ, chẳng thể thay đổi, công hiệu mau chóng, phù hợp khít khao như dùi đánh xuống, trống liền vang tiếng; kẻ học đạo phải nên tận tâm thực hành cách tu tập này!
* Ðạo lý Nhất Niệm gồm ba điều là Tín, Nguyện, Hạnh.
a. Chẳng nghi là Tín, nếu có nghi thì tâm chẳng chuyên nhất. Vì thế, cầu sanh Cực Lạc phải lấy Tín làm đầu. Cần phải đọc khắp các kinh điển Ðại Thừa, rộng học các lời dạy của chư Tổ. Hễ sách nào chỉ dạy pháp Tịnh Ðộ thì đều phải tìm đọc hết cả để giải ngộ rằng Cực Lạc vốn là Tịnh Ðộ duy tâm của ta mà thôi, chứ chẳng phải cõi nào khác; hiểu rõ Di Ðà vốn là vị chân Phật nơi bổn tánh của ta, chứ chẳng phải là đức Phật nào khác. Có hai điều quan trọng nhất:
- Giải ngộ Diệu Hữu trọn khắp cả, đầy đủ tất cả; lấy đó làm gốc cho việc ưa Tịnh.
- Giải ngộ Chân Không rời lìa một cách viên mãn, giải thoát một cách viên mãn hầu lấy đó làm cơ sở để lìa Uế.
Tín giải đã đầy đủ, hãy nên niệm Phật tu hành.
b. Về Hạnh, có hai điều: Một là Chánh Hạnh, hai là Trợ Hạnh.
b. 1. Chánh Hạnh lại gồm hai thứ: một là Xưng Danh, hai là Quán Tưởng.
Xưng Danh là như kinh Tiểu Bổn Di Ðà dạy bảy ngày trì danh, nhất tâm bất loạn. Có Sự Nhất Tâm và Lý Nhất Tâm. Miệng xưng danh hiệu Phật, chú tâm nơi duyên, tiếng niệm tiếp nối, tâm tâm chẳng loạn. Nếu như tâm duyên theo ngoại cảnh, hãy nhiếp tâm trở lại.
Cách này đòi hỏi phải sanh tâm quyết định, đoạn trừ ý niệm nghĩ đến những chuyện sẽ xảy ra sau này, vứt bỏ thế sự, buông bỏ tâm duyên theo cảnh khiến cho niệm tâm dần dần tăng trưởng từ chốc lát đến lâu ngày, từ nhiều đến ít, một ngày, hai ngày, cho đến bảy ngày, cốt sao thành tựu nhất tâm bất loạn mới thôi. Ðó là Sự Nhất Tâm.
Nếu đạt được như vậy thì thành tựu Tịnh nhân sanh về Cực Lạc; lúc lâm chung tất nhiên giữ được chánh niệm, thân không bệnh khổ, chẳng bị sự ác trói buộc, biết trước giờ chết, thân tâm hoan hỷ, qua đời một cách tốt lành, ngồi tịch hay đứng mất, diện kiến đức Di Ðà phóng quang tiếp dẫn, chắc chắn sanh về Tịnh Ðộ!
Lý Nhất Tâm cũng chẳng khác gì, chỉ là ngay trong Sự Nhất Tâm, trong mỗi mỗi niệm hiểu thấu suốt tâm niệm Phật và đức Phật được niệm suốt ba đời đều bình đẳng, mười phương chứa đựng lẫn nhau, chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải Tự, chẳng phải Tha, không đến, không đi, chẳng sanh, chẳng diệt. Cái tâm nhất niệm hiện tiền chính là cảnh Tịnh Ðộ trong vị lai. Niệm mà không niệm, không niệm nhưng niệm, vô sanh mà sanh, sanh nhưng vô sanh. Ở ngay trong cái chẳng thể niệm ấy lại sốt sắng niệm, ngay trong cái vô sanh ấy lại sốt sắng cầu sanh. Ðấy là ngay trong Sự Nhất Tâm hiểu rõ Lý Nhất Tâm. Nếu như trong bốn oai nghi chẳng hề gián đoạn việc tu Tịnh Ðộ thì vãng sanh Tịnh Ðộ là chuyện tất nhiên!
b.2. Trợ Hạnh cũng gồm hai thứ:
- Một là hạnh thế gian như hiếu dưỡng cha mẹ, làm điều nhân từ thế gian, từ tâm chẳng giết, trọn đủ các giới luật, làm hết thảy việc lợi ích. Nếu có thể hồi hướng những việc ấy về Tây Phương thì không việc gì lại chẳng phải là hạnh trợ đạo.
- Hai là hạnh xuất thế như Lục Ðộ, vạn hạnh, các thứ công đức, đọc tụng kinh Ðại Thừa, tu các sám pháp; cũng cần phải dùng tâm hồi hướng để trợ tu thì không gì chẳng phải là hạnh Tịnh Ðộ.
Lại còn một thứ trợ hạnh vi diệu nữa: Ðối với mỗi thứ cảnh duyên phải trải qua, lúc nào cũng dụng tâm. Chẳng hạn như khi thấy quyến thuộc, hãy nên tưởng họ là pháp quyến ở Tây phương, dùng pháp môn Tịnh Ðộ để khai ngộ, chỉ bảo, khiến cho họ mỏng nhẹ ái kiến để được nhất tâm, nhằm làm cho họ vĩnh viễn trở thành vô sanh quyến thuộc trong tương lai.
Nếu lúc sanh ý tưởng ân ái, hãy nghĩ quyến thuộc Tịnh Ðộ chẳng có tình ái; để được sanh về Tịnh Ðộ, hãy nên xa lìa tình ái đó.
Nếu như khi sanh tâm sân hận, hãy nghĩ đến quyến thuộc Tịnh Ðộ chẳng hề có xúc não. Ðể được sanh về Tịnh Ðộ, hãy nên xa lìa sự sân hận đó.
Nếu lúc chịu khổ, hãy nên nghĩ đến cõi Tịnh Ðộ chẳng có các nỗi khổ, chỉ hưởng những điều vui.
Nếu khi hưởng các điều vui, hãy nghĩ đến niềm vui trong Tịnh Ðộ không thể tính biết nổi.
Hễ gặp cảnh duyên, đều dùng ý ấy để suy xét kỹ càng thì trong mọi nơi, mọi lúc, không có gì chẳng phải là trợ hạnh Tịnh Ðộ!
c. Nguyện có thông, biệt, rộng, hẹp, trọn khắp, hay hạn cuộc.
Thông là như những bài phát nguyện hồi hướng của các vị cổ đức đã soạn ra.
Biệt là ai nấy tùy theo ý mình [mà phát nguyện].
Rộng là tứ hoằng nguyện thượng cầu, hạ hóa.
Hẹp là nói đến khả năng [của chính mình], quyết chí vãng sanh.
Hạn cuộc là khóa tụng có giờ giấc nhất định, phát nguyện cùng đại chúng.
Trọn khắp là lúc nào cũng phát nguyện, chỗ nào cũng bày tỏ tâm nguyện.
Nguyện chỉ cốt phù hợp Tứ Hoằng Nguyện, đừng móng tâm vọng lập. Xét chung các thứ nguyện đã phát thì biệt nguyện thù thắng hơn thông nguyện vì sợ khi đọc thông nguyện chỉ thuận miệng đọc theo lời văn của người khác; còn biệt nguyện thì tự mình nêu bày tấm lòng. Nếu như tuy đọc những bài phát nguyện chung nhưng quyết chí thì Thông lại trở thành Biệt. Còn nếu đọc lời văn phát nguyện của riêng mình mà tâm lan man thì Biệt lại trở thành Thông. Nguyện rộng tốt hơn nguyện hẹp vì nguyện rộng thì phát đại tâm nên đạt quả thù thắng, phát nguyện hẹp thì bi nguyện nông cạn nên đạt quả kém hơn. Phát nguyện trọn khắp lại tốt hơn phát nguyện hạn cuộc vì phát nguyện hạn cuộc hay bị gián đoạn, phát nguyện trọn khắp thì niệm niệm viên thành.
Có thể dùng ba pháp như vậy để cầu sanh Tịnh Ðộ, mau được thân cận Phật Di Ðà, hết thảy các pháp môn Tịnh Ðộ không có pháp nào ra ngoài ba điều này.
Nhận định:
Ðạo lý “mỏng nhẹ ái và nhất niệm” vừa dạy hoàn toàn nằm trong ba pháp Tín, Hạnh, Nguyện, thật là tinh diệu, thỏa đáng; nhưng Chánh Hạnh chỉ là chuyên trì danh, chứ chẳng cần phải quán tưởng. Trong hết thảy thiện hạnh thế gian và xuất thế gian, hễ khi nào ta hồi hướng về Tây Phương thì khi đó nó là Trợ Hạnh. Ðấy chính là vạn thiện đồng quy, phước huệ song tu vậy.