Về bốn cửa ải, trong sách Tịnh độ thập môn giáo giới ngài Từ Chiếu Tông chủ có dạy rằng: “Kẻ phàm phu tuy có lòng tin niệm Phật nhưng do nghiệp chướng ngày trước còn nặng, lẽ ra phải đọa vào địa ngục, nhờ nương sức Phật nên chỉ phải chịu bệnh tật nằm liệt giường, đó là chuyển nặng thành nhẹ. Nếu nhân sự bệnh khổ đó mà sinh lòng hối lỗi, tỉnh ngộ thân tâm, ắt sẽ được vãng sanh Tịnh độ.
“Những kẻ ngu si không hiểu rõ việc ấy nên nói rằng: ‘Nay mình niệm Phật lại phải chịu bệnh khổ!’ Liền trở lại báng bổ đức A di đà. Do nơi một niệm tưởng xấu ác đó phải đọa ngay vào địa ngục. Đó là cửa ải thứ nhất.
“Thứ hai là tuy có trì giới niệm Phật nhưng chỉ nói Tịnh độ ngoài miệng mà trong lòng thường tham luyến chốn Ta bà, không có sự mong cầu căn lành xuất thế, vì tham muốn cảnh nhà to vườn rộng. Đến khi lâm chung có bệnh, tham sống sợ chết, tin theo những việc đồng bóng, cầu thần khấn quỉ, đốt giấy vàng bạc, giết hại chúng sanh. Do tâm tà mỵ đó nên không có Phật đến tiếp dẫn, nhân đó phải trôi nổi, đọa vào ba đường ác. Đó là cửa ải thứ nhì.
“Thứ ba là nhân khi có bệnh dùng thuốc phải có rượu, các món tanh, hoặc do người thân, anh em nhà nài ép, khuyên lơn, tự mình lại không có ý chí quyết định nên căn lành phải tiêu mất. Đến khi lâm chung bị lôi đến trước Diêm vương, mặc tình phán xử. Đó là cửa ải thứ ba.
“Thứ tư là đến phút lâm chung lại nhớ tưởng đến công việc làm ăn sinh sống, bị trói buộc vào tiền bạc của cải, luyến ái quyến thuộc, tâm buông thả không dừng được nên mất cả chánh niệm. Vì vậy mà ở ngay nơi chốn nhà cửa của mình đọa vào cảnh giới của loài quỷ, loài thú, chuốc mối họa lớn, hoặc sinh làm con chó tiếc của, hoặc làm thân rắn, quanh quẩn gìn giữ cửa nhà, dường như ngày trước còn sống. Đó là cửa ải thứ tư.”
Cho nên, ông Dương Đề Hình có nói rằng:
Không vì nặng luyến ái,
Chẳng sinh nơi Ta bà.
Tâm niệm không chuyên nhất,
Chẳng sinh về Tịnh độ.
Lời ấy thật đúng thay!
Người tu Tịnh độ cần phải chọn lấy điều chân thật, trừ bỏ những ý tưởng vu vơ không thật, một lòng vắng lặng, thường niệm đức Phật A di đà, toàn thân đều buông bỏ. Chỉ cần kiên trì giữ mãi một niệm như thế, liền phá tan được bốn cửa ải kia, ắt tòa sen nơi Tịnh độ cũng không còn xa nữa. Có thể gọi là:
Một niệm Di đà không xen tạp,
Khảy tay chẳng nhọc đến Tây phương.