Home > Khai Thị Niệm Phật
Khai Thị Pháp Môn Thiền Và Phật Không Hai
Đại Sư Diệu Hiệp | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch


Đức Thích-ca Như Lai đã dạy pháp môn niệm Phật chính là thống nhiếp cả pháp giới quần cơ không hề bỏ sót một ai. Thật là chỗ Ngài Văn-thù Phổ Hiền đã chứng nhập vào cảnh giới bậc đại nhân. Tứ Minh Phán của tông Thiên Thai cùng Hoa Nghiêm, Pháp Hoa đồng một bộ. Có ý vị thuộc đề hồ, tức Thiền tông chỗ gọi là đạo trực chỉ đơn truyền. Trong “Tứ liệu giản” của Ngài Vĩnh Minh bảo không có Thiền mà có Tịnh độ thì vạn người tu vạn người được. Chỉ được thấy Di-đà lo gì không được khai ngộ, thật là một đường hướng thượng. Vì sao người thời nay nhân mưu cầu danh lợi không được toại chí bèn xụ mặt than dài mà tự hối tiếc rằng: Than ôi, cả một đời ta đã chấm dứt. Việc tham Thiền không là điều ta mong ước, không bằng niệm ít câu A-di-đà Phật để tu cho đời sau dầu không lỗ vốn thì cũng tạm đủ. Do đó trở lại lười nhác, chưa hề suy xét kỹ, thảng như hoặc bỗng gặp được chút ít chí thú thì liền trong khoảnh khắc vô số hành động xấu ác hiện ra trước mắt như xưa không ai ngăn cản được. Niệm Phật như thế nào có ích lợi gì? Nay biết rõ cái thấy đó, anh ta bảo việc tham thiền tuy kỳ diệu nhưng rất khó như xây tạo cả muôn gian nhà lớn, còn niệm Phật tuy thô nhưng khá dễ như tạo ra một nhà cỏ. Sự hiểu biết như thế, ví như đời đang đói khổ nay gặp được thức ăn ngon quý trăm mùi của hàng vua chúa mà cho là món ăn rau cỏ, gặp phải châu Như ý chúa mà tưởng là mắt cá, thật đáng thương thay!

Không biết rằng Thiền, Phật hai môn, cách đi tuy khác nhưng cùng đến nhà, lý nó đồng nhau. Nên biết sở dĩ cách đi có khác, như tham Thiền là nắm lấy chính nó không cầu nhờ Phật, nhưng nếu tự mình không có đủ chánh tri kiến lại không gặp được người có chánh tri kiến thì dẫu không lui sụt, phần lớn đều vào ma đạo, vì không có Phật lực cứu hộ vậy. Còn nếu niệm Phật thì tất cả không nắm lấy chỉ có niệm Phật kia, dẫu không hiểu đúng và không có thầy bạn khai phát cho, chỉ cần tin chắc là có thân Phật và cõi ấy, phát chí liền sinh ngay. Dẫu có mắc vào thiên tiểu thì cũng trở lại chánh kiến, vì có nguyện lực Di-đà cứu hộ vậy. Thế nên gọi cách đi có khác mà không phải bảo là pháp môn địa vị sâu cạn có khác. Thế mới biết tham Thiền tức là niệm Phật, niệm Phật tức là tham Thiền. Thiền mà không phải Phật thì không được vãng sinh, Phật mà không phải Thiền thì không được quán tuệ. Niệm Phật và tham Thiền há có hai lối. Nếu biết nghĩa này thì phải thừa lúc đang đắc chí, công danh phú quý mà một nhát dao cắt đứt, liền càng mạnh mẽ phát đại tâm, gắng sức thật hành đạo này. Ở đời nếu có vợ con, của cải quý báu, đầu, mắt, óc, tủy… cho đến cả thân mạng đều không luyến tiếc quyết chí cầu vãng sinh. Há có thể ngay nơi lúc mình luyến tiếc, bất đắc dĩ, xem pháp môn tối thượng như là đạo thấp kém, chòi cỏ, mắt cá, rồi lấy tâm cẩu thả mà tu. Khá thương khá tiếc lắm thay! Nếu là do nhân hối tiếc thì từ nay hãy dứt bỏ ngay đi mà sinh ra cái hiểu biết bảo sở của Đại thừa, tâm quyết định không còn lui sụt nữa. Ví như thuyền được thuận gió xuôi giòng mà còn thêm chèo chống, đâu không thể nhanh chóng đến nơi, may mắn nào bằng.

Hỏi: Nếu thế thì bên sách thiền có nói: Như có người hỏi thế nào là Phật thì đáp là que phân khô, hoặc đáp là ba cân gai. Lại hỏi khi nào thấy được thì một gậy đánh chết, hoặc cho chó cắn, muốn cầu thiên hạ thái bình cho đến ma đến giết ma, Phật đến giết Phật. Lại nói: Niệm Phật Tam-muội với tâm tôn kính, mến mộ, thương, sợ, khát ngưỡng, làm sao đồng với ý chỉ đến nhà?

Đáp: Niệm Phật vốn là trì niệm báo thân của Phật A-di-đà ỡ cõi Tây phương Cực lạc vậy. Báo thân Đức Phật này có vô lượng tướng hảo quang minh. Hóa Phật, Bồ-tát, Thanh văn, công đức nguyện lực không thể kể xiết, đây là thân Phật. Lại cảnh chỗ ở của Phật có đủ các thứ báu như ao hồ, đất đai, cây cối, cờ phướng, lưới giăng, hàng rào, đền đài, chuông báu, phan lọng, hoa, nước v.v… tất cả đều trang nghiêm đẹp đẽ, đây là cõi nước. Song Đức Phật ấy lấy thân làm cõi, lấy cõi làm thân, thân cõi không chướng ngại, tâm cảnh viên thông, hoặc kia hoặc đây đồng một thọ dụng cho đến uẩn, nhập giới, xứ tất cả các pháp đều thẳng đến vô thượng Bồ-đề và cái nghĩa năng sát, sở sát, tất cả lúc, tất cả nơi đều không chướng ngại, không trói cột, không giải thoát, tung hoành, thuận nghịch, đều tức là sắc thân thanh tịnh Di-đà. Bởi vì sao? Vì tâm tức cảnh, cảnh tức tâm, thân tức cõi, cõi tức thân, chúng sinh tức Phật, Phật tức chúng sinh, đây tức kia, kia tức đây và các màu xanh, vàng, đỏ, trắng, các căn mắt tai mũi lưỡi, các pháp như thế hoặc tâm hoặc thân, mỗi mỗi cùng đều tự tại, đều giải thoát, còn không kể các thứ dâm, nộ, si v.v… là phạm hạnh, làm bạn với trần lao là pháp lữ, thì có riêng gì là que cứt khô, ba cân gai không phải là Phật ư? Đây đã là Phật thì cần gì phải đợi đất sạch, đất đặc biệt mới thị hiện giáng sinh, móc thịt làm ghẻ khởi tưởng độ sinh. Như đây mới thật đúng là một gậy đánh chết, cho chó cắn… đã bỏ bớt bao nhiêu sự làm bộ làm tịch, sáu năm khổ hạnh, hàng ma giảng pháp, trong pháp bình đẳng không còn sinh diệt thì lại nói sinh nói diệt lung tung khuấy động cả thế giới, làm não loạn tất cả, khiến đất bằng chết người vô số, đâu không phải là thiên hạ thái bình. Ôi đến đây rất kỵ hiểu lầm. Nếu cử động thì hãy lãnh lấy những nhát gậy đau điếng trong tay ta. Nếu bảo lời nói này là môn hạ của Tào Khê, không đụng phần đầu mà chạm tận đáy là việc chưa từng nằm mộng thấy, ta đã sớm đánh gãy lưng lừa của người.

Hỏi: E rằng không cho ông so sánh như thế?

Đáp: Cũng không ngoài việc so sánh này. Vã lại ông chớ bảo việc so sánh này là hữu tâm hay vô tâm, ta đã từng mấy lần so sánh rồi.

Hỏi: Chỉ việc này đã sớm so sánh ư? Đáp: Ta mới vừa nói cái gì thế.

Kẻ hỏi không hiểu, một hồi lâu sau lại hỏi: Nếu tất cả là Phật thì ky phân chỗi quét đều có thể dùng đáp lại câu hỏi ấy. Đâu cần phải lấy vật thấp hèn nhất là que cứt khô để trả lời ư?

Đáp: Tất cả đã là Phật thì cửa lớn cửa sổ, then cửa các cảnh hiện ra trước mắt đều có thể để hỏi được cần gì phải lấy thứ cao quý nhất là Phật mà hỏi, cho nên biết người hỏi tâm địa vốn thuần, nên phải lấy cái cao quý nhất của họ mà đáp là vì muốn phá chấp cho họ nên phải lấy ngược cái thấp kém nhất mà thôi. Nếu biết que phân không phải thấp kém, thì Phật cũng không cao quý. Há có thể bảo lời nói ấy có chỗ bất đồng mà vọng nhận thiền và niệm Phật là hai hạnh khác nhau.

Hỏi: Pháp môn niệm Phật này kỳ đặc như thế, thì cùng với Thiền Thiếu thất nói về chỉ tâm thành Phật, Thiên Thai tông bàn về quán tâm quán Phật, từ đầu không hề khác nhau. Có thể bảo là không khởi lên một niệm hiển rõ pháp nhiệm mầu cả tam thiên, mà ba quán rỡ ràng không lìa muôn pháp, tột cùng một môn chân như mà một tâm thấu suốt nhanh chóng. Vả lại dạy bọn ta là kẻ hậu học độn căn thì phải tu như thế nào để được tương ưng mà vãng sinh.

Đáp: Chỉ cần chịu bước đi thì lo gì mà không đến. Ví như trong hang trống nếu có tiếng phát ra tất có tiếng vang dội lại, nếu tiếng to thì âm vang to, nếu tiếng nhỏ thì âm vang nhỏ. Âm vang tùy tiếng phát ra lập tức đáp lại. Cũng như chính ở nước Cực lạc lấy ba bậc chín phẩm để nhiếp thọ chúng sinh cũng tùy theo người có căn tánh lợi độn, sâu cạn, tà chánh, nhanh chậm mà dắt dẫn, ứng sinh với phẩm bậc nào không hề sót cơ. Cũng như vào hang kêu lên thì tiếng vang cao thấp ngắn dài đều đáp ứng đúng y. Nếu hay chuyên cần tinh tấn thì không uổng phí. Lại huống là thời gian không có trước sau thì còn lo gì độn căn. Vì nghĩa đó mà biết tất cả pháp môn tức là một pháp môn, một pháp môn tức là tất cả pháp môn. Đâu chỉ riêng Thiền và niệm Phật không hai, nêu đạo Đức Thích-ca một đời hành đạo giáo hóa không ngoài một pháp môn niệm Phật vậy. Lại pháp môn này lượng nó rất rộng lớn, bao gồm cả mọi căn cơ không sót, đâu hề lựa căn ngu hay trí. Xin khuyên các Bậc hiền nhân đời sau với pháp môn này chớ nên sinh dị kiến.

Trích từ: Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Luận


Kinh Sách Liên Quan

 
1.    48 Pháp Niệm Phật, Cư Sĩ Giang Đô Trịnh Vĩ Am | Sa Môn Thích Tịnh Lạc, Việt Dịch
2.    Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
3.    Bồ Đề Chánh Đạo Bồ Tát Giới Luận, Đại Sư Thang Hương Danh | Hòa Thượng Thích Tịnh Nghiêm, Việt Dịch
4.    Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát | Cố Giáo Sư Cao Hữu Đính, Việt Dịch
5.    Đại Thừa Ngũ Uẩn Luận, Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang | Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
6.    Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Hòa Thượng Thích Quảng Độ
7.    Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận, Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
8.    Đại Trí Độ Luận Tập 1, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
9.    Đại Trí Độ Luận Tập 2, Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
10.    Đại Trí Độ Luận Tập 3, Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
11.    Đại Trí Độ Luận Tập 5, Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
12.    Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Pháp Sư Viên Anh | Thích Nguyên Anh, Việt Dịch
13.    Kinh Bát Chu Tam Muội, Hòa Thượng Thích Minh Lễ, Việt Dịch
14.    Luận Bảo Vương Tam Muội, Đại Sư Phi Tích | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch
15.    Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch
16.    Luận Đại Trượng Phu, Đề Bà La Bồ Tát | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, Việt Dịch
17.    Luận Khởi Tín Đại Thừa, Mã Minh Bồ Tát | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
18.    Luận Về Bốn Chân Lý, Pháp Sư Bà Tẩu Bạt Ma | Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
19.    Luận Về Con Đường Giải Thoát, Ngài Tam Tạng Già Bà La | Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
20.    Ngộ Tánh Luận, Bồ Đề Đạt Ma | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt Dịch