Niệm Phật thì nên ngay vào lúc công danh, phú quý đắc chí, hãy một dao cắt đứt lìa, mạnh mẽ phát đại tâm, tận lực hành đạo này. Ðối với những thứ sở hữu trong đời: Vợ con, của báu, đầu, mắt, tủy, não, thậm chí thân mạng, chẳng tự keo tiếc, quyết chí cầu sanh. Há có nên đợi mãi đến lúc hối tiếc, rủi ro, bất đắc dĩ mới toan dùng cái tâm cẩu thả để tu ư? Thật đáng thương quá!
Nếu có thể nhân lúc tham tiếc đó, buông bỏ ngay, phát sanh kiến giải tìm đến chốn của báu Ðại Thừa, lập thành tâm quyết định Bất Thoái Chuyển, như chiếc thuyền đã xuôi giòng, thuận gió, lại thêm chèo chống thì há chẳng mau đến đích, may mắn chi bằng? Buông bỏ chỉ là buông bỏ nghiệp duyên thế gian, há phải là buông bỏ tâm tinh tấn hiểu đạo ư?
Hãy nên quán sát đúng đắn hai cõi khổ - vui, tịnh - uế. Ðối với hai cảnh đó, sanh hai tâm: Một là tâm nhàm chán, hai là tâm vui ưa. Do nhàm chán cõi Sa Bà này, nên có thể tùy thuận Chiết Môn của đức Thích Ca đã dạy; sanh tâm vui ưa, nên có thể tùy thuận Nhiếp Môn đức Di Ðà đã chỉ. Ðối với hai môn đó, tinh tấn tu tập ngày đêm chẳng nghỉ, tùy thuận lời Phật dạy.
Đối với các cảnh sắc thanh cõi này, tưởng là địa ngục, tưởng là biển khổ, nhà cháy. Ðối với các vật báu, tưởng là đồ gây khổ. Tưởng thức ăn, y phục như máu, mủ, da sắt. Ðối với quyến thuộc tưởng là quỷ Dạ Xoa, La Sát nuốt người. Cõi này lại sanh tử chẳng trụ, bôn ba, phiêu bạt nhiều kiếp dài lâu, thật đáng chán lìa!
Từ nơi tri thức, kinh sách, nghe đến nguyện lực, cõi nước trang nghiêm của đức Phật kia; trong mỗi niệm, nhắc nhở nghĩa lý ấy, sanh ý tưởng an ổn, tưởng là chốn có của báu, là gia nghiệp, là nơi giải thoát. Tưởng Di Ðà Như Lai, Bồ Tát, thánh chúng như cha mẹ nhân từ, tưởng như cầu, thuyền tiếp dẫn. Tưởng trong khi sợ hãi, nạn gấp, hễ xưng danh, [Phật, Bồ Tát] liền ứng hiện, mau đến cứu giúp; tưởng hễ nghĩ đến liền xuất ly. Công đức vô lượng như thế thật đáng vui ưa.
Nếu nhàm lìa chẳng sâu thì nghiệp hệ Sa Bà chẳng thoát; vui ưa chẳng tha thiết thì thắng cảnh Cực Lạc khó đạt. Muốn sanh về Tịnh Ðộ, thành tựu Niệm Phật tam-muội, hãy thực hiện đầy đủ hai môn này để làm bước ban đầu phát khởi công hạnh vậy. Nếu có thể chán, ưa quyết liệt, viên tu Quán Huệ, thì không những đã vãng sanh, mà còn được Thượng Phẩm nữa!
Nếu là người xuất gia muốn tu Niệm Phật tam-muội, muốn được thanh tịnh ba nghiệp, cởi mở oan kết để sanh về Tịnh Ðộ, lẽ nào chẳng dứt được việc giết hại để ăn uống đến nỗi lúc lâm chung tự bị chướng ngại? Kinh có dạy đầy đủ các giới, đầu tiên là dạy đoạn sát thì mới vẹn toàn các giới được. Tu tam-muội ắt phải các giới thanh tịnh thì mới có thể thành được. Dẫu cho túc nghiệp sâu dầy, chẳng thể đoạn ngay, thì cũng nên lập các phương tiện để dứt bỏ. Giới đức tuy đủ, nhưng nếu chẳng giữ cho thân tâm lặng định, dứt các kỹ năng, tạp thuật thế gian, cho đến nếu như chẳng trừ sạch hết thảy ý niệm phân biệt dù thiện hay ác, làm sao có thể nhất tâm tu tam-muội này cho được? Tam-muội bất nhất, vãng sanh bằng cách nào đây?
Tinh tấn là chẳng bị bát phong thế gian[3] làm lui sụt. Lại chẳng bị kiến giải khác lạ trong thân và tâm, hết thảy bệnh duyên lớn nhỏ khiến cho hạnh lười nhác. Nếu do túc nghiệp sai sử khiến cho hạnh khiếm khuyết, hãy nên nhất tâm tụng Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Ðắc Sanh Tịnh Ðộ Ðà Ra Ni. Trì một biến trừ được tất cả hết thảy các tội Ngũ Nghịch, Thập Ác… nơi thân. Trì mười vạn biến, liền được chẳng quên mất Bồ Ðề tâm. Trì hai mươi vạn biến, khiến cho mầm Bồ Ðề nảy sanh. Trì ba mươi vạn biến thì A Di Ðà Phật thường trụ trên đảnh, quyết sanh Tịnh Ðộ.
Nếu đang ở nơi đất khách, hoặc không ở cố định một nơi thì chẳng cần phải trang nghiêm đạo tràng, chỉ một bề thanh tịnh thân tâm. Tùy sức mặc áo sạch đẹp nhất, hương đèn dù có hay không cũng chẳng sao, đừng cố chấp! Nếu là chỗ có tượng hay đem tượng theo bên mình, hãy nên miệng tụng, thân lễ, đối trước tượng mà tu. Nếu không có tượng Phật thì hoặc là đối trước quyển kinh, hoặc chỉ hướng về Tây lễ vọng; hoặc chỉ trừ hướng Ðông ra, lễ về phương nào cũng được.
Nếu đang đi đường hay ngồi thuyền và hết thảy các việc làm lụng để nuôi thân bất đắc dĩ chẳng thể bỏ được thì cùng làm thế sự lẫn Phật sự. Tiếng tụng niệm tùy theo người chung quanh và hoàn cảnh để cân nhắc, hãy nên nửa niệm ra tiếng, nửa niệm thầm, niệm thật khẽ tiếng để người hai bên chẳng nghe thấy. Chớ nên nói nhiều với người khác. Những lúc khác thì phải nên ngồi một mình, đi một mình, xa lìa chỗ ồn tạp và xúm xít tán nhảm, giỡn cười, ca vịnh khiến hành nhân quên mất những chuyện chánh niệm.
Ðêm đến, người yên, cảnh lặng, chính là lúc nên dụng công. Ðã coi sanh tử là việc lớn, há có nên mặc tình ngủ nghỉ? Dù gặp lúc lạnh buốt hay nóng gắt, cũng chớ nên cởi áo. Pháp phục, xâu chuỗi nên để ở gần bên. Khăn tay, nước sạch chẳng để xa chỗ mình ngồi. Tất cả những thứ cần đến đều nên sắp sẵn. Lại nên quán sát tín căn của người khác là sâu hay cạn, chẳng làm phiền người khác, chẳng làm cho người khác chán ngán. Ðối với những điều ấy đã không trở ngại rồi thì hãy khẽ lên tiếng niệm khiến cho thiên thần hoan hỷ giáng xuống hộ trì; quỷ thần, súc sanh nghe tiếng được giải thoát. Công đức ấy rất sâu!
Ðối với người lòng tin nông cạn, chớ nên khăng khăng khuyên tu. Ðối với người tin sâu, lại chớ nên chẳng ngầm chỉ bảo khiến cho họ quyết tâm. Chẳng nên quy công về mình; như mùa Xuân tăng trưởng vạn vật, nhưng chẳng thấy mình có công. Ở chỗ tạm bợ mà tiến tu thì gọi là tu hành trong nghịch cảnh, công còn lớn hơn nữa.
Niệm Phật tam-muội tuy mang tên là Nhất Hạnh, nhưng cũng nên lấy hết thảy vô lượng pháp môn thế gian, xuất thế gian, các hạnh công đức để làm trợ đạo thì chánh hạnh vãng sanh sẽ mau [thành tựu]. Vì vậy, hết thảy các hạnh đều do vì Tịnh Ðộ mà tu, [đem công đức ấy] hồi hướng Cực Lạc sẽ đều được vãng sanh.
Hơn nữa, tam-muội này thể tánh tuy viên, nhưng kiến giải nên rộng lớn, về hạnh nên thực hành trọn hết các điều khoản vi tế, vứt bỏ các điều bỉ ổi, tệ hại; thậm chí đối với tội nhỏ cũng đem lòng sợ hãi lớn lao. Lại nên có kiến giải Ðại Thừa, nhưng hạnh giống như người học Tiểu Thừa. Kinh dạy: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp, thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi, phát Bồ Ðề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Ðại Thừa, khuyến khích hành giả”. Mỗi một câu trên đây là một pháp hạnh.
Lại nên hộ trì cái tâm của người khác, chớ khiến cho họ khoe khoang, ganh ghét, hãy nên thân cận bạn lành, thưa hỏi bậc tiên giác, chẳng chấp vào sự hiểu biết của mình, chẳng cậy sở trường của chính mình. Giữ chí nhẫn nhục, hành theo đúng kinh, lắng nghe chánh pháp, chẳng hủy báng Tăng, Ni; dứt bỏ các sự lành tạp nhạp thế gian, chẳng tham danh lợi, xa lìa tà ác. Xử sự phải trung tín, quy điều lỗi về mình, hết sức thận trọng tránh nói thêu dệt, nhất tâm bất loạn, xem người khác như Phật, buông bỏ tài khéo, chỉ cầu vãng sanh, thân ắt thanh tịnh. Vô lượng thiện hạnh như thế đều phải nên tu tập để phụ trợ chánh đạo.
Nếu lại có thể cắt bỏ tâm nhiễm thế gian, đối với hai cảnh yêu và ghét không còn bị vướng vít, lặng tâm như nhất, ắt sẽ sanh về Tịnh Ðộ.