Những Huấn Thị Về Bồ Đề Tâm
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Về Bồ Đề tâm, trong nội điển có thuyết minh rất nhiều, nay chỉ xin trích lục ít đoạn nơi Kinh Hoa Nghiêm để chư vị đồng tu thể nhận:

* Này thiện nam tử! Bậc Bồ Tát phát lòng Vô Thượng Bồ Đề là: khởi lòng đại bi cứu độ tất cả chúng sanh. Khởi lòng cúng dường chư Phật, cứu cánh thừa sự. Khởi lòng khắp cầu chánh pháp, tất cả không sẻn tiếc. Khởi lòng thú hướng rộng lớn, cầu Nhứt Thiết Trí. Khởi lòng đại từ vô lượng, khắp nhiếp tất cả chúng sanh. Khởi lòng không bỏ rơi các loài hữu tình mặc áo giáp kiên thệ để cầu Bát Nhã Ba La Mật. Khởi lòng không siễm dối, vì cầu được trí như thật. Khởi lòng thật hành y như lời nói, để tu đạo Bồ Tát. Khởi lòng không dối với chư Phật, vì gìn giữ thệ nguyện lớn của tất cả Như Lai. Khởi lòng nguyện cầu Nhứt Thiết Trí, cùng tận kiếp vị lai giáo hóa chúng sanh không dừng nghỉ. Bồ Tát dùng những công đức Bồ Đề tâm nhiều như số bụi nhỏ của cõi Phật như thế, nên được sanh vào nhà Như Lai.

* Này thiện nam tử! Như người học bắn, trước phải tập thế đứng, sau mới học đến cách bắn. Cũng thế, Bồ Tát muốn học đạo Nhứt Thiết Trí của Như Lai, trước phải an trụ nơi Bồ Đề tâm, rồi sau mới tu hành tất cả Phật pháp. Thiện nam tử! Ví như vương tử tuy hãy còn thơ ấu, song tất cả đại thần đều phải kính lễ. Cũng thế, Bồ Tát tuy mới phát Bồ Đề tâm tu Bồ Tát hạnh, song tất cả bậc kỳ cựu hàng Nhị Thừa đều phải kính trọng nể vì. Thiện nam tử! Như thái tử tuy đối với quần thần chưa được tự tại, song đã đủ tướng trạng của vua, các bầy tôi không thể sánh bằng, bởi nhờ chỗ xuất sanh tôn quý. Cũng thế Bồ Tát tuy đối với tất cả nghiệp phiền não chưa được tự tại, song đã đầy đủ tướng trạng Bồ Đề, hàng Nhị Thừa không thể sánh bằng, bởi nhờ chủng tánh đứng vào bậc nhứt. Thiện nam tử! Như người máy bằng gỗ, nếu không có mấu chốt thì các thân phần rời rạc chẳng thể hoạt động. Cũng thế, Bồ Tát nếu thiếu Bồ Đề tâm, thì các hạnh đều phân tán, không thể thành tựu tất cả Phật pháp. Thiện nam tử! Như chất kim cương tất cả vật không thể phá hoại, trái lại có thể phá hoại tất cả vật, song thể tánh của nó vẫn không tổn giảm. Bồ Đề tâm của Bồ Tát cũng thế, khắp ba đời trong vô số kiếp, giáo hóa chúng sanh, tu các khổ hạnh, việc hàng Nhị Thừa không thể làm đều làm được, song kết cuộc vẫn chẳng chán mỏi giảm hư…

* Phổ Hiền Bồ Tát bảo: – Thiện nam tử! Bồ Tát vì điều phục giáo hóa tất cả chúng sanh nên phát Bồ Đề tâm. Vì trừ diệt khổ tụ cho tất cả chúng sanh, nên phát Bồ Đề tâm. Vì đem cho tất cả chúng sanh sự an vui đầy đủ, nên phát Bồ Đề tâm. Vì dứt trừ sự ngu tối cho tất cả chúng sanh, nên phát Bồ Đề tâm. Vì đem lại Phật trí cho tất cả chúng sanh, nên phát Bồ Đề tâm. Vì cung kính cúng dường tất cả chư Phật, nên phát Bồ Đề tâm. Vì tùy thuận lời dạy Như Lai khiến chư Phật hoan hỷ, nên phát Bồ Đề tâm. Vì muốn thấy sắc thân tướng hảo của tất cả chư Phật, nên phát Bồ Đề tâm. Vì muốn vào trí huệ rộng lớn của tất cả chư Phật, nên phát Bồ Đề tâm. Vì muốn hiển hiện các đức: lực, vô úy của chư Phật, nên phát Bồ Đề tâm.

* Như thế, trong Kinh Hoa Nghiêm đức Thế Tôn và chư Bồ Tát đã thuyết minh rộng rãi về công đức của Bồ Đề tâm, trên đây chỉ lược trích một vài yếu điểm. Kinh văn cũng có nói: “Cửa yếu vào đạo, trước phải phát tâm. Việc yếu tu hành, trước nên lập nguyện.”

Nếu không phát tâm rộng lớn, không lập nguyện bền chắc, thì dù trải qua vô lượng kiếp, vẫn y nhiên ở trong nẻo luân hồi; dù có tu hành cũng khó tinh tấn và chỉ luống công khổ nhọc. Do đó nên biết: muốn học Phật đạo, quyết phải phát Bồ Đề tâm không thể trì huởn. Bởi thế khi xưa Tỉnh Am đại sư đã soạn ra Phát Bồ Đề Tâm Văn để khuyến khích tứ chúng. Trong ấy, Ngài theo các tâm nguyện mà trình bày sự phát tâm thành tám cách: tà, chánh, chân, ngụy, đại, tiểu, thiên, viên. Xin tóm đại lược như sau:

1. Có những người tu không tham cứu tự tâm, chỉ biết theo bên ngoài, hoặc cầu danh lợi, đắm cảnh vui hiện tại, hay mong quả phước tương lai mà phát lòng Bồ Đề. Phát tâm như thế gọi là Tà.

2. Như chẳng cầu danh lợi, không tham cảnh vui cùng mong quả phước, chỉ vì thoát vòng sanh tử, lợi mình lợi sanh mà cầu đạo Bồ Đề. Phát tâm như thế gọi là Chánh.

3. Mỗi niệm trên vì cầu Phật đạo, dưới vì độ chúng sanh, nhìn đường Bồ Đề dài xa mà không khiếp, thấy loài hữu tình khó độ nhưng chẳng sờn. Tâm bền vững như lên núi quyết đến đảnh, như leo tháp quyết đến chót. Phát tâm như thế gọi là Chân (thật).

4. Có tội lỗi không sám hối chừa cải, ngoài dường trong sạch, trong thật nhớp nhơ, trước tinh tấn sau biếng lười. Dù có tâm tốt nhưng còn xen lẫn lợi danh, có pháp lành song bị tội lỗi làm ô nhiễm. Phát tâm mà còn những điều này, gọi là Ngụy (dối).

5. Cõi chúng sanh hết, nguyện mới hết; đạo Bồ Đề thành, nguyện mới thành. Phát tâm như thế gọi là Đại.

6. Xem tam giới như tù ngục, sanh tử như oan gia; chỉ mong mình mau giải thoát, chẳng muốn độ người. Phát tâm theo quan niệm này, gọi là Tiểu.

7. Thấy chúng sanh và Phật đạo ở ngoài tự tánh, rồi nguyện độ nguyện thành, đường công hạnh chẳng quên, sự thấy hiểu không dứt. Phát tâm như thế gọi là Thiên (lệch).

8. Biết chúng sanh và Phật đạo đều là tự tánh, nên nguyện độ nguyện thành, tu công đức không thấy mình có tu, độ chúng sanh không thấy có chúng sanh được độ. Phát tâm như thế gọi là Viên (tròn).

Trong tám cách như trên, Tà, Ngụy, Thiên, Tiểu nên bỏ, Chân, Chánh, Viên, Đại, nên theo. Được như thế mới gọi là phát Bồ Đề tâm đúng cách.

Trong văn, Tĩnh Am đại sư lại khuyên đại chúng nên nghĩ đến mười nhân duyên để phát tâm. Mười duyên ấy là: vì nghĩ đến ơn Phật, vì công ơn cha mẹ, vì nhớ ơn sư trưởng, vì tưởng ơn tín thí, vì biết ơn chúng sanh, vì lo khổ sanh tử, tôn trọng tánh linh, vì sám trừ nghiệp chướng, vì hộ trì chánh pháp, vì cầu sanh Tịnh Độ. Nơi điều cầu Tịnh Độ, Ngài dẫn một lời Kinh A Di Đà và bảo: “Kinh Văn nói: Không thể dùng chút ít căn lành phước đức nhân duyên được sanh về nước kia. Thế thì biết, phải có nhiều căn lành phước đức mới được vãng sanh Cực Lạc. Nhưng nhiều căn lành không chi hơn phát Bồ Đề tâm, nhiều phước đức không chi hơn trì danh hiệu. Nhiếp tâm niệm Phật giây phút hơn bố thí nhiều năm, chân thật phát lòng Bồ Đề hơn tu hành nhiều kiếp. Giữ chắc hai nhân duyên này, quyết định được sanh Cực Lạc.”

Qua những lời dạy của Phật, Bồ Tát, Tổ Sư ở trên, ta thấy phát Bồ Đề tâm là điều rất quan yếu trên đường hành đạo.

Trích từ: Niệm Phật Thập Yếu
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
2 Niệm Phật Cảnh, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
3 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
5 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
6 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
7 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
8 Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Hạnh Cơ Tải Về
9 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
10 Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
11 Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Tịnh Sĩ Tải Về

Phát Bồ Đề Tâm Một Hướng Chuyên Niệm
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Khuyên Phát Tâm Bồ Đề
Đại Sư Thật Hiền

Niệm Phật Phải Phát Lòng Bồ Đề
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Phát Tâm Bồ Đề
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Ý Nghĩa Của Bồ Đề Tâm
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Bồ Đề Tâm Với Môn Tịnh Độ
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm