Home > Khai Thị Niệm Phật
Đại Hạnh
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh


Trong Vô Lượng Thọ Kinh, sau lúc tường thuật 48 điều hoằng nguyện của Pháp Tạng Bồ Tát xong, Đức Bổn Sư phán tiếp:

Sau khi lập hoằng nguyện này rồi, Pháp Tạng Bồ Tát chuyên chí trang nghiêm tịnh độ. Cõi nước của người tu tạo rất rộng lớn tốt đẹp, siêu thắng hơn tất cả, y nhiên thường lập, không hư, không đổi. Trong thời gian vô lượng bất tư nghị triệu tải kiếp, người gây trồng vô lượng đức hạnh Đại thừa. Không có tưởng niệm: dục, sân, hại. Chẳng hề ham mê cảnh lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Người thành tựu nhẫn lực không kể đến sự khổ nhọc. Lúc nào người cũng thiểu dục tri túc: không tham, không sân, không si. Tâm người thường yên lặng nơi chánh định, trí huệ vô ngại. Người không bao giờ có lòng dua dối. Nét mặt người luôn luôn vui vẻ, lời nói dịu dàng, niềm nở hỏi han. Chí nguyện luôn tinh tấn dũng mãnh không hề nhàm mỏi: người chuyên cần cầu lấy pháp trọn lành để lợi ích quần sanh. Với Tam Bảo thời người cung kính. Với Sư trưởng thời người phụng thờ. Người dùng công hạnh đại trang nghiêm hoàn mãn của người mà làm cho chúng sanh thành tựu công đức. Người quan sát các pháp đều như huyễn, như hóa, không tạo tác, không sanh khởi, luôn trụ trong môn giải thoát: không, vô tướng, vô nguyện. Người xa hẳn lời nói thô cộc: hại mình, hại người, mình người đồng hại. Người tu tập trọn nên lời nói hiền lành: lợi mình, lợi người, mình người đồng lợi. Người vất bỏ sự giàu sang, xa tránh những tài sắc. Người thực hành sáu pháp Ba la mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, và dạy mọi người cùng thực hành. Người giáo hóa an lập vô số chúng sanh làm cho đều đứng vững nơi đạo Vô thượng Chánh giác. Vì độ chúng sanh mà người hiện thân trong mọi loài, cùng đồng hình thể, cùng đồng ngôn ngữ, để tùy cơ tùy thời mà dìu dắt...

Pháp Tạng Bồ Tát có vô lượng công đức như vậy không thể kể hết. Người thực hiện hoàn thành những hoằng nguyện của người đã lập: Người đã thành Phật hiệu là A Di Đà tại Cực Lạc thế giới, cách đây mười muôn ức cõi về hướng Tây, và hiện tại đang thuyết pháp nơi ấy...

LỜI PHỤ.- Trong 48 điều hoằng nguyện, nguyện nào cũng đồng một mục đích đại từ bi:

Làm cho chúng sanh ở vĩnh viễn trong cảnh an vui hoàn toàn và bảo đảm chắc chắn trên con đường thành Phật.

Đến đại hạnh độ mình độ người để thực hiện bốn nguyện trên, trong ấy, bao nhiêu là sự dũng mãnh tinh tấn, bao nhiêu là sự kiên nhẫn cần lao. Kể sao xiết nơi hạnh thanh tịnh! Kể sao xiết nơi trí cao thượng! Không nệ khó, không nệ nhọc. Thật là làm những điều khó làm, nhẫn những điều khó nhẫn.

Vì ai mà trong lúc tu nhơn, Đức Từ Phụ ta phải trải qua thời gian vô lượng số kiếp cần khổ thực hành Bồ Tát hạnh như thế? Chỉ vì chúng sanh! Vì để cứu khổ ban vui cho mọi loài, cho chúng ta thôi!

Nhơn hạnh của Đức Từ Phụ chúng ta đã được biết. Giờ đây chúng ta nên đọc đến những trang Kinh, mà nơi ấy, Đức Bổn Sư của chúng ta giảng về quả địa của Từ Phụ.

A. Thân tướng thù thắng của A Di Đà Phật và hai vị Bồ Tát phụ bật.

B. Cảnh Tịnh Độ trang nghiêm: “Cực Lạc thế giới”.

[1] Đại đức Tuyệt Tướng và Giác Nguyên Đại sư, người đời nhà Thanh (Xem lược sử ở quyển chư Tăng vãng sanh ở sau).