Home > Khai Thị Niệm Phật
Nhật Khóa Mười Vạn
Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


Ðại sư Tỉnh Am Tư Tề Thật Hiền đời Thanh là Tổ thứ mười một của Liên Tông. Ngài họ Thời, người huyện Thường Thục. Từ nhỏ đã chẳng ăn mặn, bảy tuổi xuất gia. Năm hai mươi bốn tuổi, thọ Cụ Túc Giới, giữ giới nghiêm cẩn, chẳng ngả mình nằm xuống chiếu.

Vừa được phép lên diễn giảng, Ngài đã chứng tỏ rõ rệt cái học của mình về Tánh lẫn Tướng. Sau đấy, Ngài tham cứu có phần chứng ngộ, bèn nói: “Ta tỉnh mộng rồi!”. Ngài bế quan ba năm, ngày thì đọc Kinh Tạng, tối lấy Phật hiệu làm thường khóa.

Ngài đến lễ tháp chùa A Dục Vương. Vào ngày Phật nhập Niết Bàn, Ngài tập hợp đông đảo cả Tăng lẫn tục thiết lễ cúng dường trọng thể, đốt ngón tay trước tượng Phật, phát bốn mươi tám đại nguyện, cảm xá lợi phóng quang. Ngài soạn ra Niết Bàn Sám và Khuyến Phát Bồ Ðề Tâm Văn để khích lệ tứ chúng, nhiều người tụng đọc đều ứa lệ.

Về già, Ngài về ở chùa Tiên Lâm tại Hàng Châu, kết Liên Xã chuyên tu Tịnh Nghiệp, soạn văn ước thệ cùng đại chúng lấy hết cả đời làm hạn. Nhiếp hóa khắp ba căn, pháp hóa lợi lạc khắp tất cả.

Mùa Ðông năm Ung Chánh thứ mười một (1733), Ngài cho biết trước ngày Mười Bốn tháng Tư năm sau sẽ Tây quy, rồi bế quan, mỗi ngày niệm Phật mười vạn tiếng. Ðến kỳ, Ngài bảo: “Ngày giờ đã tới, lại thấy Tây Phương Tam Thánh, sẽ sắp vãng sanh ư?”

Ngài liền đọc kệ từ biệt đại chúng, tắm gội sạch sẽ, thay áo, hướng mặt về Tây ngồi im lặng. Người đưa tiễn lũ lượt kéo đến, Ngài chợt mở mắt bảo:

- Ta đã đi rồi lại trở về. Sanh tử là việc lớn, ai nấy phải tịnh tâm niệm Phật mới được!

Rồi Ngài chắp tay niệm Phật mà tịch, thọ bốn mươi chín tuổi. (theo Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục)

Nhận định:

Nhớ số trì danh để phòng biếng nhác. Ðại sư biết trước thời giờ mà vẫn bế quan tinh tấn, nhật khóa niệm Phật cả mười vạn tiếng. Ðúng là còn một hơi thở chẳng chịu lười nhác chút nào, thật là tấm gương niệm Phật vậy!