Home > Khai Thị Niệm Phật
Tam Quy Y
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


‘Quy Y Phật, Nhị Túc Tôn’, chữ nhị là chỉ trí huệ và phước đức. Phật thuyết pháp cho chúng sanh đặc biệt chú trọng phước đức, đây cũng là ứng cơ thuyết pháp, vì hết thảy chúng sanh chẳng có ai không mong cầu phước báo. Phước báo khi chưa kiến tánh thì nhất định phải dựa vào tu đức; sau khi kiến tánh thì là ‘tánh tu bất nhị’ (tánh đức và tu đức chẳng hai). Cho nên đối với phần lớn người ta mà nói thì tu phước vô cùng quan trọng. Ðịa phương nào có nhiều người tu phước thì nhất định sẽ quốc thái dân an, đời sống sung túc. Lời dạy tu phước trong kinh rất nhiều, phải thể hội kỹ càng, hiểu rõ triệt để thì sẽ biết làm thế nào tu học mới có thể đạt được quả báo vừa ý. Trong nhà Phật thường nói ‘Có cầu ắt ứng’, lời này chân thật chẳng giả dối. Nhưng cầu thì có lý luận và phương pháp để cầu, đúng như lý như pháp mà cầu thì nhất định sẽ được thâu hoạch; nếu chẳng tương ứng với lý luận và phương pháp của sự cầu thì chẳng thể mãn nguyện.

Phước báo cùng người hưởng là phước báo chân thật, phước báo hưởng riêng một mình rất dễ biến thành họa hại. Cổ đức hiểu rõ đạo lý và sự thật này cho nên lúc tạo ra chữ Họa (禍)và Phước (福)làm hình tướng của hai chữ này rất giống nhau, là hy vọng chúng ta có thể cảnh giác, đừng biến phước thành họa. Cổ thánh tiền hiền tuy đã cảnh cáo nhưng trong lịch sử Trung Quốc rất nhiều chuyện phước biến thành họa xảy ra; hiện nay trên thế giới những chuyện thật như vậy chẳng thể nào đếm hết, người thật sự có tâm cảnh giác vẫn chẳng nhiều, đúng như lời trong kinh nói chúng sanh ngu muội, vô tri, chẳng những coi kinh chẳng hiểu, nghe giảng giải chẳng hiểu, chân tướng sự thật bày trước mặt cũng chẳng hiểu. Phật giảng về ‘tam chuyển pháp luân’ gồm có: thị chuyển, khuyến chuyển, chứng chuyển ; chứng chuyển tức là đem chân tướng sự thật bày trước mặt chúng sanh, nếu vẫn chẳng hiểu thì Phật cũng chẳng có cách chi hết. Người như vậy trong kinh gọi là ‘nhất xiển đề’, tức là người chẳng có thiện căn.

Hiện nay những người chẳng có thiện căn rất nhiều, vả lại họ đều là người có phước báo, có phước báo mà chẳng có thiện căn, phước sẽ biến thành họa hại. Họa hại thì không chỉ có người này chịu nạn mà thôi, rất nhiều người khác phải chịu chung, nghiệp chướng của họ tạo càng nghiêm trọng thì quả báo càng dễ sợ. Người học Phật tin sâu nhân quả tuy nhìn thấy rất rõ ràng nhưng cũng chẳng làm gì được, vì ngay cả Phật cũng chẳng làm gì được, chúng ta đương nhiên chẳng có cách chi. Ngay lúc này việc chúng ta duy nhất làm được là tự độ, tự mình giúp mình thoát ly cảnh khổ nạn, đây là người thông minh. Ðây cũng là những gì Phật, Bồ Tát dạy chúng ta.

Gần đây có vài vị đồng tu đã vãng sanh, đa số đều có tướng lành, nhìn thấy A Di Ðà Phật đến tiếp dẫn, những người này làm chứng minh cho chúng ta, làm cho lòng tin của chúng ta tăng trưởng. Họ có thể tự tại an tường vãng sanh là phước báo to lớn, nguyên nhân [họ có thể tự tại vãng sanh] là vì họ có thể buông xuống. Thế nên ‘vạn duyên buông xuống’ là chuyện quan trọng nhất của chúng ta hiện nay, chuyện gì cũng buông xuống được, tâm khai ý giải, thì có thể tiêu tai miễn nạn. Chỉ có buông xuống thì mới có thể chân chánh làm được nhất tâm hướng Phật. ‘Nhớ Phật niệm Phật, hiện giờ tương lai, nhất định thấy Phật’, đây là công khóa trước mắt quan trọng nhất của chúng ta. Chúng ta phải chuẩn bị đàng hoàng, tiêu trừ những nhân tố của việc niệm Phật không được đắc lực thì niệm Phật sẽ được đắc lực, thì sẽ đạt được công phu thành phiến, thậm chí đến công phu nhất tâm bất loạn, đây mới là phước báo chân chánh, trí huệ chân thật.

‘Quy y Pháp, Ly Dục Tôn’. Dục tức là ngũ dục lục trần. Chẳng thể tiêu trừ trần duyên trong tâm tức là chướng ngại to lớn. Những việc chẳng vừa ý do trần duyên đem đến là căn nguyên của hết thảy tai họa, cho nên Phật dạy chúng ta phải xa lìa trần duyên. Xa lìa không phải là chẳng muốn, kinh Ðại thừa nói khi chư Phật, Bồ Tát giảng kinh thuyết pháp có thiên nhân cúng dường, ca múa, giống y như người thế gian. Thế nên chúng ta phải hiểu Phật dạy chúng ta xa lìa nghĩa là xa lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Ðã đoạn trừ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì sự hưởng thọ ngũ dục lục trần là tùy duyên; vọng tưởng, phân biệt, chấp trước còn chưa đoạn trừ mà hưởng thọ là phan duyên. Chư Phật, Bồ Tát tùy duyên, nếu có thiên nhân đến cúng dường thì rất tốt, Bồ Tát biến hóa đến cúng dường cũng rất tốt, tuyệt chẳng có tơ hào lưu luyến, đây là sự hưởng thọ chân chánh, sự hưởng thọ như vậy tuyệt đối chẳng có tai nạn.

Cái gọi là ‘sáu căn thanh tịnh, mảy trần chẳng nhiễm’ là lúc cảnh giới hiện tiền, sáu căn [cũng] thanh tịnh, chẳng phải là lúc xa lìa trần duyên, sáu căn mới thanh tịnh, đây là phương pháp tu học của Tiểu thừa. Lúc tiếp xúc cảnh giới thì tâm lại loạn lên, lại khởi vọng niệm, như vậy là chẳng có công phu. Khi đối diện với cảnh giới mà có thể tập thành ‘thanh tịnh chẳng nhiễm’ đòi hỏi có trí huệ cao độ. Kinh Kim Cang nói: ‘Phàm những gì có tướng đều là hư vọng’, câu này phải thường nhớ đến, đây là công phu quán chiếu. Khi gặp cảnh giới vừa khởi tâm động niệm liền nhớ câu ‘Phàm những gì có tướng đều là hư vọng’ thì tâm sẽ bình trở lại. Gặp cảnh thuận chẳng khởi tâm tham luyến, gặp cảnh nghịch chẳng khởi tâm sân khuể, biết tất cả đều là giả. Cho nên phải bắt chước Phật, Bồ Tát du hý thần thông trong thế gian, mục đích là giúp cho hết thảy chúng sanh giác ngộ, giúp người khác tức là giúp chính mình, mình và người không hai (tự tha bất nhị). Tu phước phải bắt đầu từ những chỗ này.

‘Quy y Tăng, Chúng Trung Tôn’. Chúng là đoàn thể. Tăng đoàn là đoàn thể đáng được tôn kính nhất trong thế gian và xuất thế gian. Vì đây là đoàn thể tu học ‘Phật pháp’; Phật là đại giác, Pháp là ly dục, ly dục là xa lìa hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, cho nên chẳng có đoàn thể nào có thể hơn được. Chúng ta phải hiểu, phải học tập, phải làm cho bằng được! Giới điều của Lục Hòa Kính là Kiến Hòa Ðồng Giải, Giới Hòa Ðồng Tu, Thân Hòa Ðồng Trụ, Khẩu Hòa Vô Tránh, Ý Hòa Ðồng Duyệt, Lợi Hòa Ðồng Quân, đây là [giới điều] Phật chế định ra cho những người chẳng triệt để hiểu rõ, chẳng chịu làm thực sự. Người có thể triệt để hiểu rõ, thực sự dụng công tu học thì tự nhiên phù hợp với Lục Hòa Kính và sẽ chẳng cần những giới điều này. Nếu chúng ta chẳng đạt đến trình độ hiểu rõ triệt để thì Lục Hòa Kính đối với chúng ta vô cùng quan trọng, có thể làm tăng thượng duyên cho chúng ta, giúp chúng ta đi trên con đường ngay thẳng, đây là từ bi và thiện xảo phương tiện của đức Phật, chúng ta nhất định phải y giáo phụng hành.