Home > Khai Thị Niệm Phật
Giảng Giải Tựa Đề Kinh Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Công Đức
Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


Kệ khai kinh

Phật pháp cao siêu rất thẳm sâu,
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu.
Con nay nghe thấy chuyên trì tụng,
Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm mầu.

Vì vấn đề sanh tử của chúng sanh chúng ta mà đức Phật Thích Ca xuất hiện tại cõi Ta-bà này. Ngài được sanh ra trong một gia đình vương giả, nhưng Ngài đã từ bỏ sự giàu sang của cả một vương quốc để ra đi lo việc tu hành và chứng thành Phật quả dưới gốc cây Bồ-đề. Sau khi chứng quả Phật, Ngài quán sát các chúng sanh trong thế giới Ta-bà và nhận thấy rằng các chúng sanh tại đây có một nhân duyên sâu đậm với hai vị Phật, đó là đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai ở phương Đông và đức A-Di Đà Như Lai ở phương Tây.

Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai ở thế giới Lưu Ly nơi phương Đông có thể giúp chúng ta tăng phước tăng thọ, tiêu trừ tai nạn; còn đức A Di Đà Như Lai ở phương Tây thì có thể tiếp dẫn chúng ta mang theo nghiệp mà sanh về thế giới Cực lạc, “hoa nở liền trông thấy Phật, ngộ được pháp Vô sanh nhẫn.”

Trong bài Nhị Phật Chú có câu:

“Nhị Phật diễn hóa tại Ta-bà,
Đông A-súc, Tây Di-đà”.

Hai câu này nghĩa là Phật A-súc, tức Phật Dược Sư, và Phật Di-đà đều giáo hóa chúng sanh tại thế giới Ta-bà. Hai vị Phật, một vị ở phương Đông, một vị ở phương Tây, nhưng cả hai đều có nhân duyên rất sâu đậm với chúng ta nơi cõi Ta-bà, do đó Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật chính là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, còn Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Quang Phật chính là A-di-đà Như Lai.

Nếu có ai niệm danh hiệu của Đức Phật Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư thì người đó được giải trừ tai nạn, bệnh tật tiêu tan, tội diệt, phước sanh, tâm ý mãn nguyện. Vậy, vị Phật giúp các chúng sanh kéo dài mạng sống chính là Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư.

Còn đức Phật A-di-đà thì sao? Ở đây là vấn đề vãng sanh. Như có ai muốn về thế giới Cực Lạc, thì phải niệm danh hiệu của đức Phật A-di-đà. Nếu quý vị muốn sanh về cõi Lưu Ly, tức là thế giới của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thì hãy niệm danh hiệu của Ngài Dược Sư.

Khi còn sống, người ta muốn tiêu trừ tai nạn, kéo dài tuổi thọ; còn khi lâm chung người ta mong về nơi thế giới Cực Lạc. Bởi vậy, trong Phật giáo chúng ta thấy có những tấm bài vị mầu đỏ gọi là bài vị diên thọ, ngụ ý rằng Đức Phật Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư phóng hào quang chiếu sáng ngôi sao bổn mạng của chúng ta. Còn khi vãng sanh, nếu không muốn tái sanh nơi thế giới Lưu Ly mà muốn về cõi Cực Lạc thì người ta niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Nhân duyên của chúng ta đối với hai vị Phật nói trên quả là rất mật thiết.

Tuy nhiên, chúng ta vốn chưa biết gì về hai vị Phật này, ngay đến cả danh hiệu của các Ngài chúng ta cũng không biết, do đó đức Phật Thích Ca mới giới thiệu cho chúng ta về danh hiệu, bổn nguyện, cùng công đức nguyện lực của các Ngài. Bởi vậy mới có bộ Kinh này, gọi là “Kinh Công Đức Các Bổn Nguyện Của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”.

“Dược Sư Lưu Ly Quang” là tên gọi của đức Phật này; “Như Lai” là một trong mười tôn hiệu của mỗi vị Phật; “Bổn Nguyện” là các lời phát nguyện của đức Phật này khi Ngài phát tâm Bồ-đề, thời gian trước khi thành Phật quả. Lời nguyện phát ra trước khi thành Phật gọi là bổn nguyện.

“Công Đức” gồm có chữ “công”, chỉ những gì được tạo lập ở bên ngoài; chữ “đức” chỉ những gì được tích lũy ở bên trong. Thí dụ, quý vị dựng chùa lập miếu, tu sửa cầu đường, mưu cầu hạnh phúc và lợi ích cho mọi người, như vậy gọi là tạo lập “công.” Còn “đức” là nói về sự tình ở trong tâm, ví dụ như quý vị làm một điều gì mà khi trông lên thì không thẹn với trời, trông xuống không hổ với người, ngoài không dối người, trong không dối mình. Những hành động như vậy ở bên ngoài thì lập nên công, ở bên trong thì tạo thành đức hạnh, đó gọi là “công đức.”

Về đức hạnh chúng ta có câu: “Thiện dục nhân kiến bất thị chân thiện”, nghĩa là phàm làm việc thiện mà lại muốn mọi người trông thấy, thì chẳng phải là chân thiện. Quý vị làm điều thiện, quý vị không cần người ta biết đến, cũng không cần phải quảng cáo với ai, chẳng hạn quý vị không cần phải tuyên bố rằng: “Tôi đã làm việc thiện này, việc thiện kia”; hoặc nói: “Tôi đã thọ Năm giới, thọ Tám giới, thọ rất nhiều giới rồi. Tôi là người đã thọ Bồ-tát giới!” Những điều đó tuy quý vị đã làm nhưng quý vị không nên khoa trương. Đức hạnh thì không ai hay biết, đó mới là đức hạnh. Như muốn mọi người hay biết, thì không phải rồi! Cho nên mới có câu:

Thiện dục nhân kiến,
Bất thị chân thiện.
Ác khủng nhân tri,
Tiện thị đại ác.

Nghĩa là:

Làm thiện muốn người thấy,
Đó chưa là thật thiện.
Làm ác sợ người biết,
Đó mới là đại ác.

Làm việc thiện mà muốn mọi người hay biết thì không phải là đức hạnh. Điều ác mà sợ có người biết thì đó là một tội lỗi lớn. Do đó, đã là người học Phật, chúng ta không thể giống như vậy, không nên tranh hơn tranh thua, chẳng hạn như nói những câu: “Tôi đã làm nên những chuyện này, chuyện kia! Tôi như vậy đó! Tôi bố thí như thế này! Tôi hộ pháp như thế kia!” Có những tư tưởng, hành vi khoa trương tự mãn, thì đó không phải là tư cách của người hộ pháp.

Bởi vậy, nay quý vị học Phật Pháp, nghe giảng kinh, quý vị hãy dụng công ở tại điểm này, chớ không phải là để hư trương danh tiếng, mượn dịp này để quảng cáo cho mình. Điều ta chú trọng là công phu thực sự, còn cái hư danh thì ta không cần biết. Chúng ta là người học Phật thì chính chúng ta phải làm gương, khiến cho mọi người phải kính nể phẩm hạnh của tín đồ Phật giáo! Công đức là ở chỗ đó!

“Kinh” ở đây có nghĩa là kinh thường. Pháp kinh thường nghĩa là pháp không biến đổi. Kinh chính là lời nói của thánh nhân, lời giảng dạy do bậc thánh nói ra, một chữ cũng không thể lược bớt, một chữ cũng không thể thêm vào, ý tứ phong phú. Nói tóm lược thì ý nghĩa của chữ “kinh” không ngoài bốn nghĩa: quán, nhiếp, thường và pháp.

- Quán tức là xâu qua, xuyên qua, ngụ ý rằng ý nghĩa và đạo lý trong lời Phật dạy giống như một xâu chuỗi, tiếp nối nhau, thông suốt từ đầu đến cuối.

- Nhiếp nghĩa là bắt lấy, thâu nhiếp, thích ứng với mọi căn cơ của chúng sanh.

- Thường có nghĩa là không thay đổi, tự cổ chí kim luôn luôn như vậy, có tính vượt thời gian.

- Pháp nghĩa là phép tắc. Chư Phật trong ba đời, quá khứ, hiện tại, vị lai, cũng như ba đời các chúng sanh, tất cả đều tuân theo khuôn phép đó. Bởi vậy có câu: “Tam thế đồng tuân danh viết pháp”, nghĩa là ba đời cùng tuân theo nên gọi là “pháp.” Tất cả chúng ta cũng phải tuân thủ phép tắc đó.

“Kinh” còn được ví như dây mực của người thợ mộc, có khi mang nghĩa như một dòng suối tuôn. Thật ra, chữ “kinh” còn chứa đựng rất nhiều nghĩa, có điều quý vị chỉ cần nhớ lấy mấy ý chính. “Kinh” là gì? Kinh là kinh thường, là pháp không đổi thay, không cải biến, vĩnh viễn là như vậy. Nay Phật giảng như thế này, trong tương lai Phật cũng giảng như thế, quá khứ Phật cũng đã giảng như vậy. Như trong câu: “Cổ kim chẳng đổi gọi là thường, ba đời đều tuân theo gọi là pháp”. Vậy kinh này, tức “Kinh Công Đức Các Bổn Nguyện Của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”, nếu giải thích một cách đơn giản là như thế.

Nay giảng các chữ trong đề kinh. “Dược” nghĩa là thuốc; “Sư” là thầy. Vị Phật đây là một thầy thuốc lớn, có thể trị tất cả mọi bệnh tật của con người trong thế gian. Bất kể quý vị bị chứng bệnh nan y gì, nếu được Ngài cứu chữa thì chắc chắn bệnh sẽ hết. Bệnh gì cũng được chữa lành, ở cửa tử mà được hồi sanh, bệnh đáng chết mà được cứu sống. Bởi vậy Ngài mới có tên gọi là “Dược Sư”.

“Lưu Ly” là một chất trong suốt, ở trong có thể nhìn thấu ra ngoài, ở ngoài có thể nhìn xuyên vào trong. Lưu Ly là tên của quốc độ quả báo (báo độ) của Đức Dược Sư, gọi là thế giới Lưu Ly và Ngài là vị giáo chủ. Thân thể của Ngài cũng là chất lưu ly, nội ngoại đều sáng trong, tinh khiết. Ngài thông hiểu hết các loại thuốc. Ở Trung Hoa đời xưa có vị vua tên Thần Nông, và có câu nói: “Thần Nông thường bách thảo”, nghĩa là vua Thần Nông đã từng nếm hết thảy các thứ cỏ cây. Thân thể của vua Thần Nông cũng là chất lưu ly. Khi nếm các loại cỏ cây, thảo mộc, nuốt vào bụng rồi, vua có thể nhận ra tác dụng của vị thuốc, biết được vị thuốc đó đi vào đường kinh lạc nào trong cơ thể. Khi nếm đủ các loại dược thảo xong, vua phân tích ra từng tánh chất một (dược tánh), vị nào chua, ngọt, đắng, cay, mặn, thứ nào là lạnh, nóng, ấm, trung bình, thứ nào độc, thứ nào không độc.

“Quang” là ánh sáng. Thân thể Đức Dược Sư Như Lai không những trong suốt, mà còn tỏa sáng, là một đại quang minh tạng.

“Như Lai” là một trong mười tôn hiệu của Phật: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Số là, mỗi vị Phật có mười vạn danh hiệu, nhưng kể đủ cả mười vạn danh hiệu ấy thì không ai nhớ được, nên người ta rút ngắn lại thành một vạn; tuy nhiên, một vạn kể ra cũng còn nhiều nên lại rút ngắn thêm thành một ngàn; sau rút gọn nữa thành một trăm và cuối cùng rút xuống chỉ còn lại mười danh hiệu.

Vị Phật nào cũng có mười danh hiệu trên, chứ chẳng phải vị Phật này có mà vị Phật kia thì không. Học Phật Pháp chúng ta phải hiểu điều đó. Tôi nghe những kẻ ngoại đạo nói về “Như Lai Phật Tổ”. Họ không hiểu “Như Lai Phật Tổ” là vị Phật nào. Kỳ thực, vị Phật nào cũng có hiệu là Như Lai. Như Lai nghĩa là “noi theo đạo như thực (Chân lý) mà đến và thành Chánh giác” (thừa như thật chi đạo lai thành Chánh giác)[1].

“Bổn Nguyện” là nói về các lời phát nguyện trong quá khứ của Ngài Dược Sư. Đây không phải là những lời phát nguyện trong đời này. Trong kinh điển Phật Giáo có các danh từ như bổn sự, bổn nguyện, bổn sanh. “Bổn sanh” là thuộc về đời hiện tại, “bổn nguyện” lại thuộc đời quá khứ, còn “bổn sự” là sự việc xảy ra trong kiếp xưa.

“Công Đức” và “Kinh”, các danh từ này đã được giảng rồi.

Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai là vị Phật ở phương Đông. Ngài có một tên khác nữa là “Phật A Súc”. Phật Dược Sư thuộc Kim Cang Bộ ở phía Đông, và Bộ này chú trọng Pháp Hàng Phục. Pháp này chuyên hàng phục thiên ma, ngoại đạo. Khi chúng thấy các vị Kim Cang Hộ Pháp thuộc Bộ Kim Cang là chúng phải quy hàng. Giả tỷ như bất cứ ai niệm Chú Lăng Nghiêm thì sẽ được tám vạn bốn ngàn Kim Cang Tạng Bồ Tát gia hộ, che chở. Cố nhiên người đó phải thành tâm niệm chú mới được!

Đại khái lược giảng về ý nghĩa của tên kinh là như vậy.