Thừa Viễn đại sư đời Ðường là Tổ thứ ba của Liên Tông. Sư theo học với Ngọc Tuyền Chân Công, được sai về ngụ tại Hành Sơn để giáo hóa. Ngài sống dưới gộp đá ở phía Tây Nam núi, ai cho ăn thì ăn, chẳng ai cho thì ăn bùn đất. Thân gầy mặt lem, còm cõi như que củi. Phàm giáo hóa người, Ngài mong cho họ mau được chứng đắc, nên thường dạy họ chuyên niệm. Ngài viết [lời khuyên chuyên niệm] trên các đường, hẻm, khắc lên hang hốc, tận lực khuyên dạy, số người được Ngài hóa độ tính ra đến cả vạn. Ai nấy đều mang đến vải vóc, chặt cây, san đá, xếp thành phòng đá. Ngài chẳng cự tuyệt, chẳng tính toán mà chùa điện đều có đủ, đặt tên là chùa Di Ðà. Số tiền xây cất còn dư đem thí cho những người đói nghèo, bệnh tật. Khi ấy, đại sư Pháp Chiếu ở Lô Sơn, nhập định đến cõi An Lạc, thấy có một vị mặc áo rách đứng hầu Phật. Phật bảo: “Ðây là ông Thừa Viễn ở Hành Sơn”. Xuất định, Sư liền đi tìm, xin theo học, truyền giáo khắp nơi. Về sau tổ Thừa Viễn tịch ở chùa, thọ chín mươi mốt tuổi.
(theo Liễu Hà Ðông Văn Tập)
Nhận định:
Ăn đất, mặc áo rách: Dùng khổ hạnh để tiêu nghiệp. Của dư đem bố thí: Chẳng tích chứa để lụy tâm. Dạy người chuyên niệm, tuy còn sống đã hầu Phật, hạnh của Ngài chuyên tinh, vãng sanh Thượng Phẩm không còn ngờ gì nữa!