Home > Khai Thị Niệm Phật
Trích Yếu Sách Văn Sao Chánh Tục Tam Biên Của Đại Sư Ấn Quang Thánh Lượng Thời Dân Quốc
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


* Hữu tình phàm phu nghe nói pháp môn Tịnh Ðộ này, hãy nên tin Sa Bà rất khổ, Tây Phương cực vui, phải tin rằng từ nhiều kiếp đến nay, ta nghiệp chướng sâu nặng, nếu chẳng nhờ vào Phật lực khó lòng xuất ly; phải tin hễ cầu vãng sanh thì đời này sẽ quyết định được vãng sanh, phải tin niệm Phật quyết định là được Phật từ bi nhiếp thọ. Do tin như vậy, kiên định nhất tâm, nguyện lìa Sa Bà như tù nhân muốn thoát khỏi lao ngục, không hề có tâm luyến tiếc. Nguyện sanh Tây Phương như lữ khách mong trở về cố hương, há có ý niệm chần chừ? Từ đấy, tùy phận, tùy sức, chí tâm trì niệm thánh hiệu A Di Ðà Phật, bất luận nói năng, im lặng, động, tịnh, đi, đứng, nằm, ngồi, đón khách, tiễn khách, mặc áo, ăn cơm, chăm chắm sao cho Phật chẳng rời tâm, tâm chẳng rời Phật.

* Nếu niệm Phật mà tâm khó quy nhất, hãy nên nhiếp tâm niệm khẩn thiết, sẽ tự có thể quy nhất. Cách để nhiếp tâm không có gì hơn được chí thành, khẩn thiết; tâm chẳng chí thành thì không cách chi nhiếp nổi! Nếu đã chí thành mà chưa thuần nhất, hãy nên thường lắng tai nghe, bất luận niệm ra tiếng hay niệm thầm đều phải là niệm phát xuất từ tâm, tiếng phát xuất từ miệng, âm nhập vào tai; tâm và miệng niệm sao cho rành rẽ rõ ràng, tai nghe sao cho rành rẽ, rõ ràng. Nhiếp tâm như thế thì vọng niệm tự dứt.

Nếu như sóng vọng niệm vẫn còn trào dâng, hãy dùng cách mười niệm nhớ số, dốc toàn bộ tâm lực vào từng câu Phật hiệu, tuy vọng niệm có muốn khởi cũng chẳng có sức. Ðây chính là diệu pháp rốt ráo để nhiếp tâm, càng làm thử, càng thấy hiệu nghiệm.

Lúc niệm Phật thì từ một câu đến mười câu sao cho niệm được phân minh, ghi nhớ phân minh. Niệm mười câu xong, lại từ một câu niệm đến mười câu, chẳng được niệm đến câu thứ mười hai hay mười ba. Niệm đến đâu, nhớ đến đấy; chẳng được dùng chuỗi để nhớ, mà phải dụng tâm nhớ.

Nếu thấy niệm suốt mười câu là khó thì chia thành hai hơi: Từ câu một đến câu năm và từ câu thứ sáu đến câu thứ mười. Nếu vẫn chẳng đủ sức thì từ câu một niệm đến câu thứ ba, từ câu thứ tư niệm đến câu thứ sáu, từ câu thứ bảy niệm đến câu thứ mười, tức là ba hơi.

Niệm đến mức rõ ràng, ghi nhớ phân minh, nghe cho rõ ràng, vọng niệm không còn chỗ để bén chân thì lâu ngày sẽ tự đạt được nhất tâm bất loạn.

Nhưng lúc làm lụng nếu khó nhớ số thì cứ khẩn thiết mà niệm suông. Làm xong việc, lại nhiếp tâm nhớ số thì cái tâm lông bông, lăng xăng sẽ tụ về chuyên chú nơi nhất cảnh Phật hiệu.

* Nhiếp tâm niệm Phật chắc chắn chẳng phải là chuyện dễ dàng, nhưng trong các pháp nhiếp tâm thì chỉ có mỗi cách xoay trở lại để nghe tiếng niệm quả thật là bậc nhất.

* Pháp môn Bảo Vương nương theo hơi thở bao gồm cả Ngũ Ðình Tâm Quán. Nếu có thể niệm Phật theo hơi thở thì là đã tu kèm cả hai pháp quán Sổ Tức và Niệm Phật.

Nhiếp tâm niệm Phật thì nhiễm tâm dần dần đoạn tuyệt, lòng nóng giận ắt chẳng còn bừng bừng nữa. Một khi hôn trầm, tán loạn đã hết thì trí huệ hiển hiện, cũng phá được ngu si. Ðấy lại là pháp môn “nhiếp trọn sáu căn” của đức Ðại Thế Chí. Nay người niệm Phật lơi là thì có lẽ chẳng nên áp dụng cách này, sợ vì chẳng đếm số nên sẽ trở thành lười nhác. Còn người đã cam tâm niệm Phật, nếu chẳng tuân theo pháp này thì tam-muội khó thành. Nếu là bậc lợi căn thì trong một thất hay hai thất, quyết sẽ đắc Nhất Tâm; còn như kẻ tối tăm, chậm lụt, tâm tưởng yếu kém, nông cạn thì phải tám năm, mười năm mới có thể chẳng loạn!

* Niệm Phật bằng cách truy đảnh dễ mắc bệnh. Niệm lớn tiếng, nhỏ tiếng, kim cang trì hay niệm thầm tùy theo tinh thần của mình mà vận dụng cho phù hợp; chớ nên chấp chết vào một cách để đến nỗi bị bệnh ư? Niệm theo hơi thở, chẳng bằng lặng lẽ lắng nghe, vì nếu chẳng khéo niệm theo hơi thở sẽ bị bệnh, lặng lẽ lắng nghe chẳng bị mắc bệnh.

* Cảnh tướng của tam-muội chỉ có chứng rồi mới có thể hiểu rõ. Nếu bàn đến pháp ấy thì ngay trong lúc niệm Phật, ngay mỗi niệm xoay trở lại quán sát chuyên chú vào một cảnh, chẳng rong ruổi ra ngoài cảnh, niệm niệm soi thấu nguồn tâm; tâm tâm khế hợp Phật thể. Niệm trở lại cái niệm của chính mình, quán ngược lại cái Quán của chính mình. Vừa niệm liền quán, vừa quán liền niệm; cốt sao toàn niệm là quán, ngoài niệm không quán, ngoài quán không niệm.

Tuy quán và niệm đã hòa hợp như nước với sữa, nhưng chưa thấu đáo nguồn cội, cần phải hướng đến một niệm Nam Mô A Di Ðà Phật nhiều lượt suy xét đến tột cùng, khắng khít gạn lọc, càng suy xét càng thiết tha, càng gạn lọc càng thân thiết, cho đến lúc tận lực công thuần, đột ngột ý niệm rơi mất, chứng nhập cảnh giới “vô niệm, vô bất niệm”.

Câu nói: “Linh quang độc diệu, thoát khỏi căn trần, thể lộ chân thường, chẳng nệ văn tự, tâm tánh vô nhiễm, vốn tự viên thành, chỉ lìa vọng niệm tức Như như Phật” đã diễn tả cảnh giới ấy. Công phu đến bực ấy thì chứng đắc pháp Niệm Phật, cảm ứng đạo giao, thật khéo ra sức. [Người ấy] hiện tại còn chưa ra khỏi Sa Bà, nhưng đã thường ở sẵn trong Hải Hội. Lâm chung vượt ngay lên Thượng Phẩm, đốn chứng Phật thừa.

* Niệm Phật thì đừng nên dùng pháp quán tâm, mà hãy dùng pháp nhiếp tâm. Trong kinh Lăng Nghiêm, Bồ Tát Ðại Thế Chí dạy: “Nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam-ma-địa; ấy là bậc nhất”. Lúc niệm Phật, cái niệm trong tâm (ý căn) cần phải rõ ràng, phân minh, câu niệm nơi miệng (thiệt căn) phải phân minh, rõ ràng; tai (nhĩ căn) phải nghe sao cho rõ ràng, phân minh. Ba căn tai, miệng, lưỡi, căn nào cũng dốc hết vào câu Phật hiệu thì mắt chẳng thể lườm Ðông, nguýt Tây, mũi chẳng thể ngửi các mùi hương khác, thân chẳng thể lười biếng, giải đãi. Ðấy là “nhiếp cả sáu căn”.

Nhiếp cả sáu căn, dẫu chưa thể hoàn toàn hết vọng niệm, nhưng so với kẻ chẳng nhiếp sáu căn thì tâm thanh tịnh hơn rất nhiều. Vì thế gọi là “tịnh niệm”. Nếu có thể giữ cho tịnh niệm thường liên tục, chẳng có lúc gián đoạn, tâm sẽ tự có thể quy về một chỗ, cạn thì đắc Nhất Tâm, sâu thì đắc tam-muội.

Nếu thật sự có thể nhiếp cả sáu căn mà niệm, nghiệp chướng quyết định tiêu trừ, căn lành tăng trưởng, chẳng cần phải quán tâm mà tâm tự thanh tịnh, minh bạch, đâu lại đến nỗi mắc phải căn bệnh tâm hỏa nóng nảy?

Quán tâm là cách tu quán căn bản của bên Giáo, chẳng thích hợp với căn cơ người niệm Phật. “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” mới là pháp thâm diệu thích hợp với hết thảy các căn cơ: thượng, trung, hạ, hoặc thánh hoặc phàm. Cần phải biết là việc “nhiếp trọn” đó chuyên chú nơi cái nghe, tức là niệm thầm trong tâm cũng phải nghe vì trong tâm khởi niệm là đã có thanh tướng. Tự tai mình nghe tiếng của chính tâm mình, nhưng phải sao cho rành rẽ, rõ ràng, sao cho thật sự nghe được từng chữ, từng câu rõ ràng thì lục căn mới quy về một chỗ. So với tu những các pháp quán khác thì cách tu này ổn thỏa, thích đáng nhất, ít tốn sức nhất, nhưng lại khế lý, khế cơ nhất.

* Tuy niệm Phật quý ở chỗ tâm niệm, nhưng chẳng thể bỏ miệng tụng vì ba thứ thân, khẩu, ý hỗ trợ nhau. Nếu tâm có thể ức niệm, nhưng thân chẳng lễ kính, miệng chẳng trì tụng, cũng khó đạt được lợi ích. Vì thế, kinh Ðại Tập có dạy: “Ðại niệm thấy đại Phật, tiểu niệm thấy tiểu Phật”. Cổ đức bảo niệm Phật lớn tiếng thấy thân Phật lớn, niệm nhỏ tiếng thấy thân Phật nhỏ! Phàm phu đầy dẫy triền phược tâm lắm hôn trầm, tán loạn, nếu chẳng nhờ vào sức lễ, tụng của thân, miệng, mà muốn đắc Nhất Tâm thì không có cách nào đạt được!

* Pháp môn Niệm Phật chú trọng Tín, Nguyện. Có Tín, Nguyện, dẫu chưa đắc Nhất Tâm vẫn được vãng sanh. Dù đắc Nhất Tâm, nhưng thiếu Tín, Nguyện thì cũng chẳng được vãng sanh! Người đời hay chú trọng vào Nhất Tâm, chẳng đặt nặng Tín, Nguyện. Ðã bỏ mất điều trọng yếu, lúc sống lại chẳng đạt Nhất Tâm, sợ rằng bị trở ngại, chẳng được vãng sanh toàn là vì trái nghịch với điều kiện “tin chân thành, nguyện thiết tha” vậy. Do vậy, càng phải tăng thêm tín nguyện để đạt Nhất Tâm thì mới là suy nghĩ đúng lối. Nếu vì chẳng đạt được Nhất Tâm, nên thường cứ nghĩ chính mình chẳng thể vãng sanh thì sẽ thành ra ý nghĩ bại hoại. Chẳng thể không biết điều này!

    * Niệm Phật cốt yếu là để thoát sanh tử, mà đã vì sanh tử thì hãy nên tự sanh tâm nhàm chán nỗi khổ sanh tử, tự sanh tâm ưa thích sự vui nơi Tây Phương. Có như thế thì hai pháp Tín và Nguyện thường được trọn vẹn. Lại thêm chí thành, khẩn thiết như con nhớ mẹ thì ba pháp “Phật lực, Pháp lực, tự tâm tín nguyện công đức lực” hiển hiện trọn vẹn như mặt trời rực rỡ trên không, dù có sương dày, băng đóng tầng tầng thì cũng chẳng bao lâu sẽ biến mất ngay!

* Muốn tâm chẳng tham sự việc bên ngoài chỉ chuyên niệm Phật, người chẳng chuyên muốn cho được chuyên, người chẳng thể niệm muốn cho niệm được, người chưa được nhất tâm muốn họ đắc nhất tâm v.v… cũng chẳng có cách nào áo diệu, lạ lùng, đặc biệt chi cả! Cứ lấy một chữ Chết dán chặt lên trán, phủ xuống tận lông mày, tâm thường niệm rằng:

“Tôi tên là… từ vô thỉ cho đến đời hiện tại này đã tạo ác nghiệp vô lượng, vô biên. Giả sử ác nghiệp mà có thể tướng thì mười phương hư không chẳng thể chứa đựng hết được. Ðời trước có may mắn chi mà nay được thân người, lại được nghe Phật pháp. Nếu chẳng nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương, khi một hơi thở ra không hít vào được nữa, quyết định sẽ phải thọ khổ nơi vạc sôi, lò than, rừng gươm, núi đao trong địa ngục. Dù thoát được địa ngục, lại đọa trong ngã quỷ, súc sanh. Dù được làm người thì do ngu si tạo nghiệp nên lại đọa lạc, trải qua kiếp số nhiều như vi trần luân hồi sáu nẻo, dù muốn xuất ly vẫn chẳng thể được”.

Niệm được như thế, cầu được như trên thì ngay khi đó sẽ tu tập thành tựu. Vì thế trong kinh nhắc đi, nhắc lại: “Nghĩ khổ địa ngục, phát Bồ Ðề tâm”. Ðấy chính là điều khai thị tối thiết yếu của đấng Ðại Giác Thế Tôn.

Lúc niệm Phật phải thường nghĩ đến lúc chết phải đọa địa ngục thì chẳng khẩn thiết cũng sẽ tự khẩn thiết, chẳng tương ứng cũng tự tương ứng. Dùng cái tâm sợ khổ để niệm Phật chính là pháp mầu bậc nhất để thoát khổ, đó cũng là pháp mầu tùy duyên tiêu nghiệp bậc nhất.

* Người niệm Phật chẳng được lạm tu cách tham cứu của nhà Thiền, vì tham cứu hoàn toàn chẳng chú trọng đến “tín, nguyện cầu sanh”. Dù có niệm Phật cũng chỉ chú trọng khán câu “người niệm Phật là ai?” để cầu khai ngộ mà thôi!

Nếu khai ngộ mà Hoặc nghiệp đã hết sạch sẽ có thể liễu sanh thoát tử; còn nếu Hoặc nghiệp chưa tận, sẽ chẳng thể cậy vào tự lực để liễu sanh tử. Lại vì không có tín nguyện, nên chẳng thể nương vào Phật lực để liễu sanh tử. Cả tự lực lẫn Phật lực đều chẳng nhờ cậy được thì muốn thoát luân hồi có được hay chăng?

* Người niệm Phật chẳng được bắt chước kẻ ngu làm các “Phật sự” như: đốt hình nhân thế mạng, gởi tiền kho [Âm Phủ] v.v… vì hình nhân thế mạng chẳng phát xuất từ kinh Phật mà do người đời sau ngụy tạo; gởi tiền kho là nguyện sau khi chết làm quỷ, trữ sẵn làm của tiêu dùng trong Quỷ đạo. Ðã có ý nguyện làm quỷ sẽ khó vãng sanh. Nếu trót đã làm thế, hãy nên bẩm rõ với Phật: “Ðệ tử tên là… cầu vãng sanh, trước đây đã gởi tiền kho để tiêu xài trong cõi Âm. Nay xin chẩn tế hết cho cô hồn” thì mới chẳng chướng ngại việc vãng sanh.

* Người niệm Phật nên ăn chay trường. Nếu như chẳng thể ăn, hãy nên giữ sáu ngày chay, hoặc mười ngày chay. Mồng tám, mười bốn, mười lăm, hăm ba, hăm chín, ba mươi là sáu ngày chay. Thêm vào đó ngày mùng một, mười tám, hăm bốn, hăm tám là thành mười ngày chay. Gặp tháng thiếu thì ăn lên ngày hôm trước. Lại trong ba tháng chay là tháng Giêng, tháng Năm, tháng Chín, hãy nên ăn chay trường, tạo các công đức, giảm dần dần cho đến hoàn toàn vĩnh viễn đoạn ác thì mới hợp lý. Dẫu còn ăn mặn, nhưng nên mua thịt làm sẵn, kiêng hẳn sát sanh trong nhà.

* Niệm Phật cần nhất phải tận hết sức mình giữ đạo đức, ngăn tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, giữ tấm lòng lành, nói lời lành, làm việc tốt, việc gì mình làm được hãy sốt sắng làm; việc gì làm không nổi thì cũng nên phát thiện tâm hoặc khuyên người có khả năng hãy làm. Hoặc là thấy ai làm được thì sanh lòng hoan hỷ, thốt lời khen ngợi thì cũng thuộc về công đức nơi tâm và miệng. Nếu tự mình chẳng làm nổi, thấy người khác làm được lại sanh lòng đố kỵ thì thành ra tâm hạnh của kẻ tiểu nhân gian ác, quyết bị giảm phước, tổn thọ, chẳng có kết quả tốt. Hãy nên thống thiết dè chừng!

* Người niệm Phật cần phải hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp. Lại cần phải cha từ, con hiếu, anh nhường, em kính, chồng hòa, vợ thuận, chủ nhân từ, tôi tớ trung thành, dốc trọn phận mình. Chẳng cần biết là người khác đối xử với ta có hết lòng hay không, ta cứ luôn tận hết sức mình, tận sức tận tâm đối với gia đình và xã hội. Như vậy gọi là thiện nhân. Thiện nhân niệm Phật cầu sanh Tây Phương, nhất định khi lâm chung liền được vãng sanh vì tâm người ấy tương hợp tâm Phật nên cảm Phật từ tiếp dẫn.

Lại phải nên khuyên cha mẹ, anh em trai, chị em gái, thê thiếp, con cái, xóm giềng, bạn bè đều thường niệm Phật và Quán Thế Âm Bồ Tát (mỗi ngày niệm một vạn câu Phật, rồi niệm năm ngàn câu Quán Âm. Niệm nhiều ít cứ chiếu theo đó mà gia giảm). Ðó là vì việc này có lợi ích rất lớn, nỡ nào để người sanh ra ta cùng quyến thuộc, thân hữu của ta chẳng được hưởng lợi ích này hay sao?

Vả lại, khuyên người khác niệm Phật cầu sanh Tây Phương chính là thành tựu phàm phu thành Phật, công đức rất lớn. Ðem công đức ấy hồi hướng vãng sanh ắt sẽ mãn nguyện. Hễ tụng kinh, trì chú, lễ bái, sám hối và cứu nạn, giúp nghèo, làm các thứ công đức thì đều nên hồi hướng vãng sanh Tây Phương, tuyệt đối chẳng được cầu hưởng phước báo đời sau trong đường trời, người. Hễ có tâm ấy thì chẳng có phần vãng sanh.

Nếu sanh tử chưa hết thì phước càng lớn, nghiệp càng to, thêm một đời nữa khó tránh khỏi đọa trong ba ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Muốn lại được thân người, lại gặp pháp môn Tịnh Ðộ hòng thoát sanh tử, thật khó như lên trời vậy!

* Quán Thế Âm Bồ Tát thệ nguyện sâu rộng, theo tiếng kêu mà cứu khổ. Nếu gặp phải các tai nạn: đao binh, nước lửa, đói kém, nạn châu chấu - sâu rầy, ôn dịch, hạn hán, lụt lội, giặc cướp, oan gia, ác thú, độc xà, ác quỷ, yêu quái, bệnh tật do oán nghiệp, tiểu nhân hãm hại v.v… mà nếu có thể sửa lỗi làm lành, sanh tâm lợi mình, lợi người, chí thành khẩn thiết niệm Quán Thế Âm, niệm niệm chẳng gián đoạn, quyết sẽ được Ngài từ bi che chở, chẳng có nguy hiểm, tai ách gì nữa! Nhưng nếu vẫn giữ tâm bất thiện, dù có xưng niệm thì chẳng qua chỉ tạm gieo căn lành trong đời sau, chẳng được cảm ứng ngay trong hiện thời, vì Phật, Bồ Tát đều thành tựu cho thiện niệm của con người, chứ tuyệt đối chẳng thành tựu cho người ác niệm. Nếu mơ tưởng niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát để thành tựu ác sự cho mình thì nhất định chẳng được cảm ứng, chớ có sanh tâm điên đảo như thế!

* Chỉ nên chân thật, thiết tha niệm Phật để tự nương vào từ lực của Phật hòng thoát khỏi binh đao, nước, lửa là những thứ do túc nghiệp tạo thành, cũng như chuyển báo nặng địa ngục trở thành báo nhẹ trong đời này. Gặp phải những tai nạn ấy thì thường ngày đã có lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, quyết định sẽ được Phật tiếp dẫn trong lúc ấy.

* Trong lúc có kinh nguyệt, nữ nhân có thể giảm bớt lễ bái, còn thì cứ niệm Phật, tụng kinh đúng như thường lệ. Phải nên thường thay, giặt vải dơ. Nếu tay chạm phải vải dơ, hãy nên rửa tay sạch, chớ dùng tay dơ lật kinh, thắp hương.

Lúc sanh nở tuy trần truồng, bất tịnh, nhưng là vì không còn cách nào khác, chứ chẳng phải tự ý buông tuồng đến nỗi ấy; nếu có thể chí thành, khẩn thiết niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát ra tiếng rõ ràng thì chẳng bị đau đớn, sanh khó, cũng như bị băng huyết sau khi sanh, đứa con bị các chứng kinh phong v.v… Dẫu cho khó sanh cùng cực, người đã sắp chết, bèn dạy sản phụ ấy cùng những người săn sóc chung quanh cùng cất tiếng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Người nhà tuy ở phòng khác vẫn có thể niệm giúp, quyết định chưa đầy một khắc công phu liền được sanh nở bình an. Không những chẳng có tội lỗi gì, mà còn khiến cho cả mẹ lẫn con gieo đại thiện căn.

Nhưng không được niệm thầm trong tâm, vì niệm thầm tâm lực nhỏ nhoi cho nên cảm ứng cũng nhỏ. Hơn nữa, lúc ấy cần phải dùng sức để rặn đứa bé ra, nếu niệm thầm thì rất có thể do vì nín hơi mà sẽ mắc bệnh.

* Một câu Phật hiệu miên miên mật mật thường luôn ức niệm. Hễ khi nào giận dữ, dâm dục, hiếu thắng, gắt gỏng v.v… vừa mới nhen nhóm, hãy liền nghĩ rằng: “Ta là người niệm Phật, lẽ nào lại có phát khởi ý niệm này?” thì niệm vừa khởi lên liền dứt. Tập lâu ngày thì hết thảy những ý niệm khiến nhọc lòng tổn xác đều không có cách chi phát khởi được; trọn ngày được công đức bất khả tư nghị của Phật gia trì thân tâm, tôi dám bảo đảm là chẳng cần đến mười ngày đã thấy hiệu nghiệm lớn.

Nếu chỉ tình cờ niệm một hai câu mà muốn thấy ngay kết quả thì là dối mình, lừa người, tuy có công đức nhưng muốn do đó mà lành bệnh thì quyết chẳng thể được!

* Niệm Phật ắt phải chí thành, nếu như có lúc trong tâm chợt sanh đau xót thì đó là dấu hiệu thiện căn phát hiện, nhưng chớ có nên thường như thế, nếu không ắt sẽ bị loài ma đau thương dựa. Hễ có chuyện gì thích ý chẳng được hoan hỷ quá mức, nếu không sẽ bị loài ma hoan hỷ dựa.

Lúc niệm Phật mắt nên nhìn xuống, tinh thần chẳng nên căng thẳng quá mức khiến cho tâm hỏa bốc lên, rất có thể sẽ bị các bệnh vặt như đỉnh đầu nổi mụn nhọt, đau nhức v.v… Nên giữ sao cho ở mức vừa phải, lúc niệm lớn tiếng chớ nên quá sức kẻo mắc bệnh. Lần chuỗi niệm ngừa được tật lười biếng, nhưng lúc tịnh tọa chẳng được lần chuỗi, vì lần chuỗi thì ngón tay động nên tâm chẳng định, lâu ngày ắt sẽ bị bệnh.

Lúc nằm chỉ nên niệm thầm bốn chữ để tránh nhiều chữ khó niệm. Nếu niệm ra tiếng thì một là chẳng cung kính, hai là dễ bị tổn khí. * Niệm Phật nhắm mắt dễ bị hôn trầm. Nếu chẳng khéo dụng tâm, hoặc có lúc gặp cảnh ma. Niệm Phật mà trên đầu thấy có vật xoa vỗ hoặc lôi kéo v.v… Ðấy là do lúc niệm Phật, sóng tâm tưởng hướng lên trên quá đến nỗi tâm hỏa bốc lên. Nếu sụp mí mắt xuống, hướng tâm nghĩ xuống dưới thì tâm liền chìm xuống chẳng còn bồng bềnh nữa, tâm hỏa chẳng bốc lên, căn bệnh ấy liền bị tiêu diệt.

Chớ lầm tưởng đấy là công phu chứng đắc, cũng đừng sợ là ma cảnh. Chỉ chí thành nhiếp tâm mà niệm và tưởng thân mình đang ngồi hoặc đứng trên hoa sen, nhất tâm tưởng nơi hoa sen mình đang ngồi thì tướng đó sẽ tự mau hết. Nếu chẳng dám tưởng mình đang đứng hay ngồi trên hoa sen vì sợ gặp phải ma sự thì chỉ tưởng [ngọn lửa tâm hỏa] nằm ở dưới bàn chân, tâm hỏa sẽ chẳng thể sanh được nữa.

* Thấy Phật chẳng phải dễ dàng, trước khi đạt được Nhất Tâm, tuyệt đối chẳng được manh nha ý niệm thấy Phật. Ðã đạt được Nhất Tâm thì tâm hợp với Ðạo, tâm hợp với Phật, muốn thấy liền được thấy ngay, chẳng thấy cũng trọn chẳng trở ngại gì.

Nếu muốn gấp thấy Phật, tâm niệm rối bời, ý niệm muốn thấy Phật đóng cứng trong bụng dạ, biến thành một căn bệnh lớn trong việc tu hành. Lâu ngày, oan gia nhiều kiếp thừa cơ nương theo tình ý vọng động ấy hiện thành thân Phật để báo oán xưa. Tâm mình không có chánh kiến, toàn thể đều thuộc về ma; một phen trông thấy liền sanh mừng rỡ. Bởi đó, ma nhập trong tim ruột, bị ma dựa phát cuồng, dẫu có đức Phật sống cũng chẳng biết làm cách nào được!

Chỉ nên nhất tâm, cần gì phải so đo là thấy Phật hay không thấy Phật cơ chứ? Sau khi đạt Nhất Tâm, chẳng tự biết lòng mình hay sao? Chẳng thấy Phật thì càng nên tăng tấn công phu; được thấy Phật thì càng nên lắng tâm chuyên tu, sẽ trọn chẳng bị mắc lỗi lầm lạc, lại chỉ đạt được lợi ích tăng tấn thù thắng.

* Ðóng cửa Phương Tiện, cự tuyệt các sự duyên không cấp bách sẽ rất có ích. Khi bế quan dụng công nên lấy việc chuyên chú, tinh thuần chẳng hai làm chính.

Nếu tâm thật sự được chuyên nhất, sẽ tự có cảm thông chẳng thể nghĩ bàn. Có cảm thông thì tâm càng lại càng tinh thuần, chuyên nhất. Nói cách khác, gương sáng đặt trên đài, gặp hình liền hiện bóng, tự các hình bóng ấy lăng xăng, ăn nhằm gì đến ta?

Lúc tâm chưa chuyên nhất, trọn chẳng nên dùng tâm tháo động, vọng tưởng để cầu cảm thông, vì cái tâm cầu được cảm thông ấy lại là đại chướng cho việc tu đạo.

Hơn nữa, vì tâm ấy tháo động, vọng tưởng mong ngóng hướng ra ngoài, rất có thể khiến cho ma sự khởi lên phá hoại tịnh tâm.

* Gần đây, người tu hành hay bị ma dựa đều là do tâm tháo động, vọng tưởng cầu đạt cảnh giới thù thắng. Ðừng nói là cảnh ma, dù thật sự là cảnh thù thắng đi nữa, nhưng nếu cả một đời tâm cứ tham chấp, hoan hỷ thì sẽ bị tổn hại, chẳng đạt được lợi ích, huống hồ cảnh ấy chưa chắc đã là cảnh thù thắng ư?

Nếu như người ấy có công năng hàm dưỡng, không có tâm tháo động, vọng niệm, thấy các cảnh giới cũng giống hệt như chẳng thấy, chẳng sanh hoan hỷ, tham đắm, hoảng sợ, kinh nghi thì đừng nói là cảnh thù thắng hiện ra bèn có ích, dù là cảnh ma hiện ra cũng có ích. Vì sao vậy? Chẳng bị ma chuyển thì liền có thể tăng tấn hướng thượng vậy.

* Bóng đen chẳng phải là hình bóng của Phật, Bồ Tát, mà cũng chẳng phải hình bóng của oan gia đối đầu hiển hiện. Vì nếu Phật, Bồ Tát hiện ra, sẽ thấy được mặt, mắt… rõ ràng; oán gia sẽ hiện tướng đáng sợ. Tướng bóng đen ấy chính là cô hồn có duyên với mình trong đời trước mong nhờ sức niệm Phật, tụng kinh để được sanh vào đường lành. Khi hồi hướng sau khóa tụng, hãy nên chuyên vì họ hồi hướng để họ được tiêu trừ ác nghiệp, tăng trưởng thiện căn, vãng sanh Tây Phương khiến cho họ được lợi ích, chẳng uổng công họ đã một phen khổ sở hiện hình.

    * Con người trong những đời trước có nghiệp nào là chẳng tạo. May là được nghe Phật pháp, hãy nên nghiêm túc tu trì, mới mong tiêu trừ túc nghiệp, siêu độ oan gia. Nếu [oan gia] khó bề tháo gỡ, hãy nên phát Bồ Ðề tâm và thành tâm siêu độ thì không chi là chẳng giải oán kết được!

Niệm Phật mà nghẹn hơi chẳng phải là do thể chất yếu đuối, mà chính là vì nghiệp chướng khiến ra như vậy, hãy nên khẩn thiết, chí thành niệm. Nếu như niệm chẳng ra, trong tâm hãy nên thường tưởng nhớ; khi nào niệm được, bèn dùng miệng niệm; khi nào niệm không được thì tâm nghĩ đến, tâm nhớ đến. Lâu ngày nghiệp ấy sẽ tiêu.

Từ đây về sau, hễ làm gì hãy nên lưu tâm, phải ăn ở cho có hậu. Ăn ở có hậu sẽ được phước, bạc bẽo sẽ chẳng được phước. Nếu lại còn khắc nghiệt, hiểm độc, gian xảo, sẽ khác nào như đảnh núi cao vót trơ trọi, mưa dầm cách nào cũng chẳng thấm, cây cỏ làm sao sanh trưởng cho được!        

Nhận định:        

Ðại Sư là vị Tổ đời thứ mười ba của Liên Tông, Ngài minh thị: Đừng dùng cách niệm Phật bằng quán tâm, mà hãy dùng pháp niệm nhiếp tâm. Chỉ có xoay trở lại nghe là pháp nhiếp tâm tốt nhất. Một chữ, một câu chẳng để luống qua, lâu dần chẳng thoái thất, tự được Nhất Tâm. Tin sâu, nguyện thiết, tận lực mà hành.
Trích từ: Niệm Phật Tâm Ðịa Công Phu


Từ Ngữ Phật Học Trong: Trích Yếu Sách Văn Sao Chánh Tục Tam Biên Của Đại Sư Ấn Quang Thánh Lượng Thời Dân Quốc