Đã là phàm phu, tất còn ở trong vòng phiền não, bị nó mê hoặc sai khiến, lắm lúc không tự chủ được. Phiền não có nghĩa: "khuất động thiêu đốt" làm cho tâm niệm không yên, ngăn trở bước tu hành, nên gọi nó là phiền não chướng. Pháp thân huệ mạng ta bị phiền não phá hại, nên cũng gọi nó là phiền não ma.
Có những Phật tử tuy ăn chay, bố thí, tụng kinh, niệm Phật, nhưng chỉ chú ý về hình thức, không quan tâm đến việc dứt trừ phiền não vọng duyên. Nên biết, nếu phiền vọng tăng một phần, tất đạo tâm phải thối một phần, dù có tụng kinh niệm Phật cũng không được thanh tịnh. Cho nên trong Kinh Pháp Bảo Đàn, đức Lục Tổ đã bảo:
Người mê tu phước chẳng tu đạo
Bảo rằng tu phước ấy là đạo
Bố thí cúng dường phước không lường
Nơi lòng ba ác vẫn còn tạo.
Chữ Đạo của đức Lục Tổ nói, chỉ cho chân tâm thanh tịnh. Tất cả đường lối tu hành đều là phương tiện trở về chân tâm ấy. Chứng được chân tâm mới hoàn phục tánh bản giác, thoát nỗi khổ luân hồi, mà điểm căn bản để tu chứng, là phải dứt trừ phiền não vọng niệm.
Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, đức Phật cũng dạy: "Bậc sa môn hành đạo đừng giống như con trâu kéo chiếc cối xay, thân tuy hành đạo mà tâm đạo chẳng hành. Nếu tâm đạo được hành, cần gì dùng thân hành đạo?" Niệm Phật, sám hối, ngồi thiền, lễ bái, kinh hành, đều là phương tiện phá trừ vọng nghiệp, mở rộng chân tâm. Nếu thân, miệng áp dụng hình thức ấy, mà lòng còn dẫy đầy nghiệp chướng tham, sân, si, thì đâu gọi là hành đạo? Trái lại, tuy không dùng hình thức đó, nhưng tâm vẫn luôn luôn trong sáng như gương nguyệt hồ thu, mới thật là người hành đạo. Khi xưa vua Hương Chí hỏi Tổ Bát Nhã Đa La rằng: "Các vị tu hành khác đều tụng kinh, sao Ngài lại không tụng?"
Tổ đáp: "Bần tăng hơi thở ra không tiếp xúc các duyên, hơi thở vào không ở trong ấm giới, thường chuyển thứ kinh ấy đã ngàn muôn ức quyển rồi!" Tổ muốn nói rằng mình hằng tụng vô tự tâm kinh, tâm kinh ấy là chẳng trụ trước muôn duyên bên ngoài, và bên trong hằng vắng lặng không thấy có năm ấm mười tám giới, cả tướng trong, ngoài, chính giữa cũng đều dứt tuyệt. Đây là ý nghĩa "tâm hành đạo".
Tuy nhiên, cũng đừng chấp theo điều nói trên, mà bác bỏ ăn chay, bố thí, sám hối, niệm Phật, tụng kinh. Bởi các sự kiện ấy về mặt huệ nó giúp cho hành giả mau tiêu nghiệp chướng, sớm ngộ bản tâm; về mặt phước nó lại khiến cho người tu được quả báo đẹp vui, sanh về các cõi lành, hoặc miền Tịnh Độ để tiếp tục đường tu không còn thối chuyển. Mà phước huệ lưỡng toàn mới thành Phật được. Cho nên các bậc đại Bồ Tát tuy đã ngộ suốt nguồn tâm, nhưng vẫn tu muôn phước để trang nghiêm Phật độ. Như đức Di Lặc Bồ Tát tuy đã lên ngôi Nhất Sanh Bổ Xứ, xong mỗi ngày vẫn sám hối sáu thời để cầu tiêu trừ tế chướng, mau chứng quả Diệu Giác của Phật Đà. Nên biết lời dạy trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương và lời của Tổ Bát Nhã Đa La ở trên, chỉ có tánh cách phiến diện hoặc bán dụ, để phá trừ lối tu chấp tướng quên tâm mà thôi.
Để kết lại vấn đề, người tu tịnh nghiệp ngoài phương diện niệm Phật, trì chú, tụng kinh, sám hối, còn phải chú trọng về phương diện "khai tâm". Muốn cho tâm mở mang sáng suốt, để giúp kết quả niệm Phật mau thành tựu được sanh về Tây Phương, phải dứt trừ phiền não. Nếu nhận thức sâu thêm, câu niệm Phật tuy là tướng mà cũng chính là tánh, bởi lý không ngoài sự, tức niệm là Phật, tức niệm là tâm. Cho nên trong sáu chữ hồng danh, phước huệ gồm đủ, sự lý viên dung, vừa đưa người tu mau đến thể viên giác diệu tâm, vừa khiến hành giả được tịnh báo vãng sanh cõi Phật.