Home > Khai Thị Niệm Phật
Cảnh Giới Cực Lạc
Nhiều Tác Giả | Hòa Thượng Thích Hồng Đạo, Việt Dịch


Cực lạc là quê hương
Ta-bà là cõi tạm
Thế nên:
Sống là gởi, thác là về.
 
118. NGUYÊN NHÂN CÓ CÕI CỰC LẠC. Kinh Vô Lượng Thọ chép rằng: Đức Phật A-di-đà khi đương còn làm Tỳ-kheo tên là Pháp Tạng, Ngài nhắm mục đích trang nghiêm cõi Cực lạc để dễ giáo hóa các loài hữu tình, nên đã từng xin Đức Phật Thế Tự Tại dạy cho biết tướng trạng và nội dung 210 ức quốc độ của chư Phật. Nghe xong, Ngài yêu cầu biến hiện cho thấy để y cứ vào đó mà tham khảo, làm ấn tượng trong khi tu hành.

Sau khi thấy nghe tường tận bao nhiêu cảnh giới quốc độ của chư Phật rồi, Tỳ-kheo Pháp Tạng mới bắt đầu vận hết tinh thần tu nhân “tạo quốc độ”. Trải qua năm kiếp tư duy nhiếp thủ, Ngài mới thành tựu thế giới Cực lạc.

 Đến nay thế giới Cực lạc là nơi quy túc (về nghỉ) của chúng ta về sau. Sanh về đó là nấc thang thoát ly sanh tử luân hồi, để cho chúng ta bước lên đường cứu cánh giải thoát.

Vậy xem đó, chúng ta có thể ý niệm được lòng từ bi vô hạn của Đức Phật A-di-đà đối với chúng sanh là đường nào vậy.

119. CHÁNH BÁO VÀ Y BÁO CÕI CỰC LẠC

VỀ NHÂN DÂN (Chánh báo) ở cõi Cực lạc có 13 món trang nghiêm thanh tịnh dưới đây, thuộc phần “chúng sanh thế gian” (Chánh báo):

1.- An lạc vô bệnh.
2.- Thọ mạng lâu dài.
3.- Thân tướng đẹp đẽ.
4.- Không có sự bất bình đẳng về giàu nghèo, sang hèn.
5.- Tâm tánh nhu hòa, đạo đức cao thượng.
6.- Đạo tâm kiên cố.
7.- Mọi người đều do hóa sanh mà có, không do thai sanh là kết quả của dâm dục ô trược.
8.- Không có sự sai khác về nhỏ lớn, già trẻ, mạnh yếu.
9.- Không nhơ bẩn ô uế.
10.- Tâm trí phóng khoáng, thông đạt.
11.- Hết luân hồi trong lục đạo.
12.- Đủ sáu món thần thông.
13.- Đầy đủ huệ nhãn, chánh kiến.

 VỀ CẢNH VẬT (Y báo) cõi Cực lạc có 19 món trang nghiêm thanh tịnh dưới đây:

1.- Quốc độ bằng phẳng thanh tịnh.
2.- Mặt đất do bảy báu tạo thành.
3.- Khí hậu ôn hòa.
4.- Lưới báu bủa giăng.
5.- Sáu thời mưa hoa.
6.- Sen báu đầy dẫy.
7.- Hóa Phật thuyết pháp.
8.- Cây đạo tràng của Phật.
9.- Cây báu phát âm thanh.
10.- Muôn vật nghiêm lệ.
11.- Không có ba đường dữ.
12.- Cung điện trang nghiêm.
13.- Quốc độ thanh tịnh.
14.- Hồ tắm trong thơm.
15.- Nước hồ lên xuống tùy nguyện.
16.- Hương xông ngào ngạt.
17.- Thức ăn tinh khiết.
18.- Y phục tùy niệm.
19.- Chim biết thuyết pháp.

120. CÁC CÕI TỊNH ĐỘ TRONG MƯỜI PHƯƠNG

Trong mười phương hư không có vô lượng vô số quốc độ với những trạng huống khổ vui ngàn sai muôn khác. Nguyên nhân thành tựu các quốc độ sai khác ấy tuyệt đối không do một sức thần thánh nào hoặc một sự ngẫu nhiên nào tạo thành.

Quốc độ tuy nhiều, nhưng khái quát có thể chia thành hai loại:

1. Quốc độ do cộng nghiệp của chúng sanh duyên khởi, cộng nghiệp ấy cảm thành quốc độ y báo chung, để chúng sanh tùy từng biệt nghiệp thiện hay ác mà thọ quả báo hoặc vui hoặc khổ.

2. Quốc độ do Phật và Bồ-tát hóa hiện để dùng làm chốn đạo tràng độ sanh.

Loại trước gọi là uế độ. Vì nguyên nhân trong quá khứ chúng sanh làm điều phước đức ít mà gây điều tội ác nhiều, nên cảm báo thành quốc độ vui ít, khổ nhiều.

Loại sau gọi là Tịnh độ. Vì nguyên nhân tạo nên quốc độ này là do sức phước huệ của chư Phật, Bồ-tát, sức gia trì của bốn tâm vô lượng: Từ, bi, hỷ, xả. Thêm vào các nguyên nhân ấy lại có tăng thượng duyên là công đức tu tập của chúng sanh hồi hướng nguyện sanh về các cõi ấy. Có sự cảm ứng đạo giao giữa nội nhân và ngoại duyên ấy liên hệ với nhau, nên mới duyên khởi được quốc độ trang nghiêm thanh tịnh, thuần vui, không có khổ nhân tội báo xen vào.

Trong mười phương thế giới có vô số uế độ nhưng cũng có vô số Tịnh độ. Trong các uế độ, thế giới Ta-bà của chúng ta mới chỉ là một. Cũng như trong các Tịnh độ, thế giới Cực lạc của Đức Phật A-di-đà cũng chỉ là một.

 Trong mười phương thế giới có hằng hà sa số chư Phật, thì cũng có hằng hà sa số cõi Tịnh độ. Mỗi cõi Tịnh độ đều có phương pháp tu hành khác nhau, phù hợp với từng nhân duyên. Tu hành y theo phương pháp nào thì đến khi thuần thục sẽ được vãng sanh về cõi Tịnh độ ấy. Phương pháp tu hành cầu quả vãng sanh Tịnh độ thì gọi là phép tu Tịnh độ.

 Các cõi Tịnh độ trong mười phương có nhiều vô lượng mà phép tu cũng có nhiều vô số. Vậy ai theo phương pháp của cõi nào cũng đều có thể tùy nguyện được vãng sanh ở cõi ấy.

121. CÁC LOẠI TỊNH ĐỘ SAI KHÁC

Tịnh độ hay uế độ đều do nhất tâm biến hiện. Chư Phật khi lấy diệu dụng của tịnh thức biến hiện ra Tịnh độ, vì tác dụng có sai khác nên danh nghĩa Tịnh độ cũng tùy đó mà có sai khác.

Căn cứ vào “Tây phương Hiệp luận” đã ghi chép, thì Tịnh độ có 10 loại không đồng nhau. Nhưng ở đây chỉ nói về NHẤT TÂM TỊNH ĐỘ và BẤT KHẢ TƯ NGHỊ TỊNH ĐỘ có liên quan đến chúng ta.

NHẤT TÂM TỊNH ĐỘ

Nhất tâm Tịnh độ là nương nơi tâm mà biến hiện và tùy theo công năng tu chứng cao thấp nên có phân ra bốn bậc không đồng:

a/ Phàm Thánh đồng cư Tịnh độ

Đây là quốc độ của hàng Nhị thừa và nhân thiên. Nhị thừa là Thánh, nhân thiên là phàm. Thánh phàm cùng ở chung nên gọi là Phàm Thánh đồng cư, lại vì tính chất tịnh uế không đồng mà có chia thành hai thứ. Như cõi Ta-bà là đồng cư uế độ, cõi Cực lạc là đồng cư Tịnh độ.

b/ Phương tiện hữu dư Tịnh độ

Đây là cảnh giới an trú của hàng Tiểu thừa. Hàng Tiểu thừa nhờ đoạn Kiến Tư hoặc nên thoát ly tam giới. Kiến hoặc là sự mê lầm về kiến thức. Tư hoặc là sự mê lầm về tư tưởng. Trên con đường tu chứng, đoạn trừ Kiến Tư hoặc chỉ là mới đạt phương tiện, chưa đạt cứu cánh. Cần phải tiến lên nữa và phải đoạn hai món mê lầm là Trần sa hoặc và Vô minh hoặc. Trần sa hoặc là sự mê lầm nhỏ nhặt như vi trần. Vô minh hoặc là sự mê lầm cội gốc do căn bản vô minh gây nên. Đoạn Kiến hoặc và Tư hoặc chỉ là đạt phương tiện, hành giả phải tiến tu thêm nữa. Vì vậy gọi là phương tiện hữu dư. Hữu dư nghĩa là còn sót, chưa rốt ráo.

c/ Thật báo vô chướng ngại Tịnh độ

Đây là cảnh giới an trú của các vị đại Bồ-tát. Chư Bồ-tát nương theo phương pháp chân thật mà tu hành, cảm được quả báo thù thắng chân thật; sắc giới (vật chất) cũng như tâm giới (tinh thần) không còn gây chướng ngại đối với Bồ-tát nên gọi là Thật báo vô chướng ngại. Đây là cảnh giới của các vị Bồ-tát tu chứng.

d/ Thường tịch quang Tịnh độ

Đây là cảnh giới đại Niết-bàn của chư Phật an trú. Thể tánh cảnh giới này thường vắng lặng mà vẫn thường quang minh, vì do trí tuệ của Phật hằng thường tỏa cùng khắp. Vì thế nên gọi là Thường Tịch Quang Tịnh độ. Thường Tịch nghĩa là thường vắng lặng. Thường Quang là thường soi sáng.

BẤT KHẢ TƯ NGHỊ TỊNH ĐỘ

Bất khả tư nghị Tịnh độ là cảnh giới Cực lạc của Đức Phật A-di-đà, để thâu nhiếp, tiếp nhận chúng sanh trong mười phương. Sức thâu nhiếp ấy không thể nghĩ bàn, vì ngoài sức tư tưởng và luận bàn của chúng sanh.

Cõi Cực lạc Tịnh độ là mục tiêu chính để cho chúng ta tập trung tất cả lực lượng tư tưởng vào đó. Nếu thật chứng được một cõi Tịnh độ ấy thì bao nhiêu cõi Tịnh độ khác cũng đều chứng được.
Trích từ: Pháp Môn Niệm Phật