Ở đây có hai nghĩa:
Niệm tất cả Phật đều được công đức vô lượng, không có sai khác nhau, vì các Như Lai đều có vô biên công đức, đều dứt hết các chướng nhân pháp, công đức viên mãn, vì ở đây không có niệm hơn kém, công đức khác nhau. Như vậy vì sao trong các kinh Như Lai chỉ khen ngợi niệm Phật A di đà công đức vô lượng?
Đáp: Thật ra công đức thảy đều một thứ, nhưng vì phàm phu thức cạn không thể niệm hết, thế nên Như Lai chỉ khen ngợi công đức của một vị Phật, dạy họ dốc lòng nhiếp niệm, sự dốc lòng của họ, công đức là nhiều, đây là phương tiện mật ý của Như Lai. Giống như thọ đại giới, ở trong tăng chúng đều thanh tịnh, xứng đáng làm giới sư, không có hơn kém, tùy theo tâm người thọ, hòa họp với tâm của một vị sư truyền giới thì phát duyên giới, tức là hơn người khác. Ở đây cũng giống như thế, chuyên tâm vào một Đức Phật công đức nhiều, do tâm chuyên chí.
Lại có giải thích rằng: Chư Phật Như Lai công đức tuy đều bình đẳng, không có hơn kém, nhưng vì chúng sinh đối với Đức Phật đó từ lâu xa đến nay đã kết duyên khác nhau, như Nhiếp luận, Duy Thức, đều nói chúng sinh do năng lực của pháp mà thuộc về Phật khác nhau, hoặc nhiều thuộc một, hoặc một thuộc nhiều. Nếu thuộc về Đức Phật này, thì Đức Phật này mới có thể độ, không thuộc Đức Phật khác thì Đức Phật khác không thể độ, thuộc Đức Phật này thì dốc lòng xưng niệm, công đức nhiều, liền đến cứu độ, không thuộc Đức Phật đó, công đức niệm không nhiều, không đến cứu.