Home > Học Phật Căn Bản
Nói Và Nghe
Sa Môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch


Gồm có 9 phần: Thuật ý, Dẫn chứng, Nghi thức, Trái chánh pháp, giảng chúng, Tiệm đốn, Bố thí pháp Báo ân, Lợi ích.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Xét rằng: Đạo sư nghĩa nặng, tuệ học đứng đầu; tu cốt nghĩa lý, sâu xa mới tốt. Thế nên, Mã Minh chấn chỉnh phép tắc suy vong; Long Thọ phát triển biện luận Đại Tiểu, Tuệ Triệt sáng suốt đề cao Thanh luận. Công đức các vị nói trên thật đáng ghi nhận, nhằm xóa bỏ mọi nghi nan kết tập từ trước. Tuy nhiên, chỉ học mà chẳng nói ra, khổng tử lấy làm lo lắng; nghĩa lý không hiểu trọn vẹn, đức Phật vẫn thường khuyên răn. Kinh nói: “Cúng dường pháp bảo hơn hẳn mọi thứ cúng dường”. Sách thế gian nói: “Người thiện là thầy của kẻ bất thiện; kẻ bất thiện là học trò của người thiện “. Nói và nghe đúng sẽ thông tình đạt lý; nghe và nói sai sẽ khó dung hòa. Thế nên, một tượng mất đi, sáu hào sẽ đổ; một lời sai nghĩa, lắm kiếp chịu tai ương. Mới biết, truyền pháp không dễ, nghe pháp càng khó. Do cách đức Phật ngày một lâu hơn, lời huyền càng trở nên dối nghĩa, khiến người nghe, người nói càng khó thành công, dễ bị danh lợi bận lòng, bụi trần nhiễm chặt!

Thứ hai: PHẦN DẪN CHỨNG

Như luận Trung quán có kệ nói: “Chánh pháp và người nói, Người nghe, rất khó gặp.

Vì thế, lẽ sinh tử Chẳng hữu hạn, vô hạn”.

Lại nữa, luận Thập địa nói: “Do người nói và người nghe không cân xứng với pháp, nên gây ra hai khuyết điểm: 1 Khuyết điểm do nói không cân xứng. 2 Khuyết điểm do đức Phật không tùy hỷ”. Vì thế kinh Đại tập có kệ nói:

“Nếu chúng sinh thiếu căn pháp khí,

Đức Phật sẽ mở lượng Từ bi,

Tìm đủ mọi cách, đợi thời cơ,

Khiến cho chúng sinh được giải thoát”.

Luận Đại trang nghiêm có kệ nói:

“Có nghe mới hiểu rõ.

Chưa nghe, chớ phỉ báng.

Vô số điều chưa nghe,

Phỉ báng, sẽ si ám”. Luận bảo tính có kệ nói:

“Ngu si và ngã mạn, Thích tu theo tiểu pháp. Phỉ báng pháp, pháp sư Sẽ bị chư Phật trách!

Ngoài hiện các uy nghi,

Trong thiếu lời Phật dạy,

Phỉ báng pháp, pháp sư,

Sẽ bị chư Phật trách!”

Hiện nay, đám sơ học trong đạo ngoài đời đua nhau tự mãn, giữ chặt mê mờ.

Về mặt văn từ nghĩa lý, có ý tự thị, lấn lướt kẻ khác, dẫn đến khinh dễ coi thường. Vì thế, luận Địa trì có nói: “Theo văn chọn nghĩa, có năm điều sai: 1 Không có chánh tín. 2 Thối thất dõng mãnh. 3 Nói dối chúng sinh. 4 Coi thường chánh pháp. 5 Phỉ báng chánh pháp. Người nói còn cáu bợn trong tâm, liệu người nghe có thể sinh lòng tin tưởng? Nếu tâm thanh tịnh thuyết pháp, dẫu còn sinh tử, sẽ biến thành Niết bàn. Nếu tâm ố tạp thuyết pháp, dẫu là Niết bàn, cũng biến thành sinh tử”.

Lại nữa, kinh Niết bàn nói: “Đại thừa vừa là cam lộ, cũng vừa là độc dược. Biết tiêu dùng là cam lộ, không biết tiêu dùng sẽ trở nên độc dược. Giống như có người pha độc dược vào sữa thì sẽ giết chết kẻ uống”. Thế nên, luận Bảo tính có kệ nói rằng: “Vô tri, không biết rõ, Bạn xấu, tổn đức hạnh. Nhện độc rơi vào sữa, Sữa sẽ trở thành độc”.

Lại nữa, kinh Thập Luân nói: “Như giới quý tộc và nô lệ thấy có người xuất gia theo chánh pháp của ta, từ bậc Thanh văn, Bích chi Phật đến pháp sư thuyết pháp giáo lý đại thừa, nếu phỉ báng, nhục mạ, khinh miệt chánh pháp, hoặc khủng bố, cản trở họ, sẽ bị đọa xuống địa ngục Vô Giáng. Nếu thường đem lòng thù hận họ, hoặc phỉ báng nhục mạ chánh pháp của ta, không chịu tin tưởng thọ trì, hoặc phá hoại chùa xá, tàn sát các vị Tỳ kheo, mọi thiện căn tu tập trước đây đều bị hủy diệt; khi lâm chung tứ chi sẽ đau đớn như bị lửa thiêu đốt, cuống họng sẽ bị co thắt mạnh, miệng sẽ bị câm cứng, không nói được nhiều ngày; khi chết sẽ bị đọa xuống địa ngục vô gián”.

Thứ ba: PHẦN NGHI THỨC

Như kinh Đại Tăng uy nghi (Tam thiên uy nghi) nói: “Khi lên tòa cao đọc kinh, thực hành năm nghi thức:

1. Trước tiên lạy Phật.

2. Lạy kinh pháp Thượng Tọa .

3. Dẫm một bàn chân lên chổ ngồi đặt ngay ngắn trên A Tăng đề.

4. Xoay trở lại, hướng lên tòa.

5. Tựa tay lên chổ ngồi rồi ngồi xuống; khi đã an vị, thực hành năm nghi thức: 1. Sửa pháp y tề chỉnh, ngồi ngay ngắn. 2 Kiền chùy vừa dứt tiếng, tán đọc bài kệ. 3 Đọc kinh theo cơ duyên. 4 Gặp người không vừa ý, Không được sân giận trên tòa. 5 Có người mang lễ vật cúng dường, nên đặt ra phía trước. Lại nữa, muốn hỏi kinh, cũng có năm nghi thức: 1 Theo đúng phép, phải bước xuống tòa để hỏi. 2 Không được ngồi trên tòa cùng hỏi nhau. 3 Có giải thích rồi, không được đến hỏi ngang. 4 Không được để tâm xao lãng theo tạp duyên. 5 Khi giải thích xong, cúi đầu sát mặt đất hành lễ rồi, mới quay bước ra cửa”.

Lại nữa, luận Thập trụ tỳ bà sa nói: “Pháp sư muốn an vị trên tòa Sư tử, phải thực hành bốn nghi thức: 1 Trước tiên, cung kính lễ bái đại chúng rồi mới bước lên tòa cao. 2 Nếu đại chúng có nữ giới, phải quán bất tịnh. 3 Nhìn đại chúng một cách oai nghi, có phong thái của bậc tôn trưởng. Diễn giảng pháp âm bằng khí sắc ôn hòa, vui vẻ, đại chúng sẽ tin tưởng thọ trì. không nhắc đến sách vở ngoại đạo. Giữ tâm không khiếp sợ. 4 Đối với lời vấn nạn lổ mãng, nên giữ phép nhẫn nhục. Còn có bốn nghi thức: 1 Nghĩ cách giúp ích mọi người. 2 Không có ý ngã mạn đối với mọi người. 3 Không cố chấp chánh pháp theo văn tự. 4 Cầu nguyện mọi người nghe pháp đều hướng đến cứu cánh A nậu Bồ đề, dũng mãnh tinh tiến, không thối thất đạo tâm. Lại còn có thêm bốn nghi thức: 1 Không xem thường chính mình. 2 Không xem thường người nghe. 3 Không xem thường lời mình nói. 4 Không mưu cầu lợi lộc”. Lại nữa, Kinh văn thù sư lợi vấn nói: “Văn thù sư lợi bạch đức Phật rằng: “Vào những lúc nào tứ chúng không được gây ra tiếng ồn bằng thân, miệng, gỗ, đá, hoặc các loại tiếng khác?” Đức Phật đáp Văn thù sư lợi: “Có sáu lúc không được gây ra tiếng ồn: Lúc lạy Phật, lúc nghe pháp, lúc đại chúng tụ hội, lúc khất thực, lúc ăn và lúc đại tiểu tiện”.”Tại sao những lúc này không được gây ra tiếng ồn?” Đức Phật đáp: “Trong những lúc này, có chư Thiên hiện xuống. Chư Thiên thường có các tâm thanh tịnh, Tâm vô nhiễm, tâm vắng lặng, tâm tùy ba la mật, tâm quán Phật pháp. Những tiếng ồn kia khiến tâm không định được, nên chư Thiên sẽ bỏ về. Bấy giờ, ma quỷ sẽ kéo đến làm hại, gây bất an, sẽ sinh ra hỏa hoạn, nhân dân đói khát, xâu xé lẫn nhau.

Này văn thù! Cần phải lặng lẽ lễ Phật”. Rồi đức Phật nói kệ rằng: “Không gây tiếng thân miệng, Đá, gỗ và tiếng khác.

Người lặng lẽ lễ Phật

Sẽ được Phật tán thán”.

Lại nữa, kinh Phật bản hạnh nói: “Đức Phật bảo các Tỳ kheo: “Từ nay trở đi, quy định các đệ tử không được mời những người căn cơ si độn và không giữ gìn giới luật ra thuyết pháp. Nên mời những người có đầy đủ đức hạnh trong đại chúng, hiểu nhiều kinh điển, giới luật, thiên văn thông thạo chữ nghĩa và có tài diễn thuyết. Số Tỳ kheo ấy được ngồi phía dưới, theo thứ tự được sai phái ra thuyết pháp cho đại chúng. Nếu người thứ nhất mệt mỏi, sẽ mời người thứ hai. Nếu người thứ hai mệt mỏi, sẽ mời người thứ ba. Cứ thế lần lượt đến người thứ tư, thứ năm trong số đó. Bấy giớ, các tín chủ thấy các pháp sư ấy có biện tài lưu loát, biết cách thuyết pháp, liền đem các loại hoa hương rải lên. Các Tỳ kheo ấy lấy làm áy náy dời chổ, không nhận lãnh, vì đức Phật từng cấm người xuất gia không được dùng các loại bột hương rắc, xức các hoa mạn trang sức. Các tín chủ thấy thế, xôn xao bàn tán: “Các Tỳ kheo này được cúng dường những phẩm vật nhỏ nhoi đến thế, còn không chịu nhận, huống hồ những phẩm vật quý hơn?” Các Tỳ kheo bèn đem mọi chuyện bạch cùng đức Phật. Phật đáp rằng: “Này các Tỳ kheo! Nếu các thí chủ thế gian hoan hỷ phát tâm đem các loại bột hương rắc, xức và hoa man trang sức rải lên các pháp sự. Ấy là điềm rất lành, hãy thọ lãnh!” Do đó, các thí chủ thế gian bèn đem cúng dường đủ loại phẩm vật như tiền tài, báu vật và cà sa. Các Tỳ kheo đâm ra lo âu hổ thẹn, không dám thọ lãnh. Các thí chủ xôn xao bàn tán: “Các Sa môn đệ tử của đức Phật Thích ca được cúng dường ngần ấy phẩm vật, còn không dám nhận, huống hồ những phẩm vật quý báu hơn?” Các Tỳ kheo lại đem mọi chuyện bạch cùng đức Phật. Đức Phật đáp rằng: “Này, các Tỳ kheo! Nếu các thí chủ thế gian đem các loại tài vật và cà sa đến cúng dường với lòng hoan hỷ, ta cho phép tùy nghi thọ lãnh hay không thọ lãnh. Nếu ai cần đến thì được pháp thọ lãnh. Nếu không cần đến thì trả lại cho thí chủ”. Bấy giờ, có các Tỳ kheo chọn lựa nghĩa lý quan trọng trong kinh đem ra nói lại cho người khác, không tuân theo thứ tự kể trên. Sau đó, cùng đâm ra lo sợ trái với kinh luật, nên bạch cùng đức Phật. Đức Phật đáp rằng: “Ta cho phép tùy nghi chọn lựa nghĩa lý quan trọng trong kinh, đối chiếu lại với văn từ để giảng thuyết cho người khác, nhưng phải đúng với ý kinh, không được sai khác”.

Lại nữa, Kinh Phật bản hạnh nói: “Bấy giờ, các Tỳ kheo tụ tập trong một gian nhà, có hai Tỳ kheo cùng ra thuyết pháp, gây phiền hà cho nhau. Do đó, mới cất lên hai gian nhà, mỗi Tỳ kheo thuyết pháp trong một gian riêng, nhưng vẫn còn gây ra phiền hà. Các Tỳ kheo trong nhà này dẫn nhau sang nhà kia. Các Tỳ kheo trong nhà kia lại dẫn nhau sang nhà này. Qua lại lộn xộn, gây nên náo loạn. Tranh nhau qua lại như thế, khiến pháp sự đình đốn. Có Tỳ kheo không thích nghe các Tỳ kheo ấy thuyết pháp. Đại chúng thấy thế, liền đem mọi chuyện bạch cùng đức Phật. Đức Phật bảo: “Từ nay trở đi, không cho phép hai người thuyết pháp chung trong một nhà. Cũng không cho phép cất hai nhà gần nhau, khiến âm thanh vang dội, gây nên phiền hà. Cũng không cho phép Tỳ kheo bên nhà kia chạy sang bên này, cũng như bên nhà này chạy sang bên kia. Lại cũng không cho phép ghét bỏ người nào không thích nghe các Tỳ kheo ấy thuyết pháp. Nếu ai ghét bỏ, sẽ theo pháp trị”.

Lại nữa, luật Tứ phần cũng không cho phép hai Tỳ kheo cùng thuyết pháp trong một nhà, cùng ngồi trên tòa cao kề cận nhau, hai giọng cùng thuyết pháp, ngâm nga tán bái. Mọi thứ ấy đều không cho phép. Các luật khác cũng không cho phép pháp sư ngồi trên tòa cao để tín chủ rải hoa. Nếu hoa dính lên người, phải phủi xuống.

Lại nữa, luật Thiện kiến nói: “Khi pháp sư thuyết pháp cho đại chúng, nếu nữ giới nghe, nên lấy quạt che mặt, không được cười lộ răng. Nếu ai cười, phải đuổi ra. Tại sao thế? Bởi vì đức Phật thương xót chúng sinh nên mới đem lời vàng giáo hóa. Các ngươi phải đem lòng hổ thẹn lắng nghe, cớ sao lại vui cười”.

Thứ tư: PHẦN TRÁI CHÁNH PHÁP

Như Kinh Phật Tạng nói Đức Phật bảo Xá lợi phất: “Sau này, các Tỳ kheo sẽ ham đọc ngoại điển, khi thuyết pháp, sẽ trau chuốt ngôn từ để mọi người vui thích. Bấy giờ, ác ma sẽ tiếp tay mê hoặc mọi người, ngăn cản chánh pháp. Có người sẽ ưa chuộng tiếng nói êm tai, lời lẽ hoa mỹ, lại có người sẽ thích đọc ngoại điển. Bọn họ sẽ bị ác ma mê hoặc, khiến tâm tán loạn bất an, khi bị mê hoặc đến thế, bọn họ sẽ bị che lấp tuệ nhãn, sẽ trở nên tham lam vụ lợi. Những người thích đọc ngoại điển ấy giống hệt bầy mù, sẽ bị lừa dối gạt gẫm, phải rơi xuống hang sâu mà chết. Lại nữa, Xá lợi phất! Người nào thuyết pháp ma không thanh tịnh, sẽ không biết được ý chỉ của chư Phật. Nếu không hiểu rõ mà thuyết pháp cho người, sẽ mắc phải năm lổi lầm trước mắt: 1/ Khi thuyết pháp, tâm sẽ phập phòng lo sợ kẻ khác chất vấn. 2/ Trong tâm sẽ chất chứa lo sợ nhưng ngoài mặt vẫn gượng gạo thuyết pháp. 3/ Đó sẽ chỉ là kẻ phàm phu, không có trí tuệ thật sự. 4/ Lời thuyết pháp bất tịnh sẽ chỉ là chuỗi ngôn từ. 5/ Lời nói sẽ không có mạch lạc thứ tự, chỉ chắp vá khắp nơi. Thế nên, kẻ phàm phu ấy sợ sệt lo âu không có trí tuệ, tâm không ổn định, chỉ cốt cầu danh, tâm còn ngờ vực mà vẫn thuyết pháp cho người. Xá lợi phất! Kẻ ấy thân chưa chứng pháp mà ngồi lên tòa cao, tâm chưa biết rõ mà lại dạy người, theo chánh pháp, sẽ bị đọa xuống địa ngục!”

Lại nữa, kinh Tăng nhất A hàm nói: “Bấy giờ, đức Phật bảo các Tỳ kheo: “Cần phải biết có bốn loài chim. Là bốn loài chim nào? 1/ Hoặc có loài chim tiếng hót hay nhưng hình dáng xấu, ấy là chim Câu sí la. 2/ Hoặc có loài chim hình dáng đẹp nhưng tiếng hót dở, ấy là chim Cắt. 3/ Hoặc có loài chim tiếng hót dở mà hình dáng cũng xấu, ấy là chim Cú. 4/ Hoặc có loài chim tiếng hót hay mà hình dáng cũng đẹp, ấy là chim Công. Trên thế gian cũng có bốn hạng Tỳ kheo, cần phải cùng nhau xem xét. Là bốn hạng nào? 1/ Hoặc có hạng Tỳ kheo sắc tướng trang nghiêm uy nghi thành tựu, nhưng không biết đọc tụng từ đầu, giữa, cuối các kinh thật giỏi. Hạng Tỳ kheo này gọi là hình dáng đẹp nhưng tiếng nói không hay. 2/ Hoặc có hạng Tỳ kheo tiếng nói hay nhưng hình dáng xấu. Ra vào đi đứng không đủ uy nghi, nhưng giảng thuyết hay, giữ giới tinh tiến, nghĩa lý sâu xa từ đầu, giữa, cuối các kinh đều giỏi. Hạng Tỳ kheo này gọi là tiếng nói hay, nhưng hình dáng xấu. 3/ Hoặc có hạng Tỳ kheo tiếng nói dở mà hình dáng cũng xấu. Ấy là các Tỳ kheo phạm giới, không tinh tiến, không nghe giảng thật nhiều. Nếu nghe xong, cũng quên mất. Hạng Tỳ kheo này gọi là tiếng nói dở mà hình dáng cũng xấu. 4/ Hoặc có hạng Tỳ kheo tiếng nói hay mà hình dáng cũng đẹp. Ấy là các Tỳ kheo có sắc tướng trang nghiêm, uy nghi đầy đủ, lại còn tinh tiến, tu theo thiện pháp, nghe nhiều không quên, đọc tụng từ đầu, giữa, cuối các kinh thật giỏi. Hạng Tỳ kheo này gọi là tiếng nói hay mà hình dáng cũng đẹp”.

Lại nữa, kinh Tăng nhất a hàm nói: “Bấy giờ, đức Phật bảo các Tỳ kheo: “Có bốn loại mây. Là bốn thứ nào? 1/ Hoặc có loại mây nổi sấm nhưng không đổ mưa. 2/ Hoặc có loại mây đổ mưa nhưng không nổi sấm. 3/ Hoặc có loại mây không đổ mưa cũng không nổi sấm. 4/ Hoặc có loại mây vừa đổ mưa vừa nổi sấm. Bốn loại mây này giống bốn hạng Tỳ kheo trên thế gian. 1/ Sao gọi là hạng Tỳ kheo nổi sấm nhưng không đổ mưa? Hoặc có Tỳ kheo đọc tụng rành mười hai phần giáo, không sai nghĩa, nhưng không biết giảng thuyết cho người khác, nên gọi là hạng Tỳ kheo nổi sấm nhưng không đổ mưa. 2/ Sao gọi là hạng Tỳ kheo đổ mưa nhưng không nổi sấm? Hoặc có Tỳ kheo sắc tướng trang nghiêm, uy nghi đầy đủ, tuy không có kiến thức uyên thâm, nhưng biết theo người khác, theo bạn tốt thầy hay học hỏi, nhớ rỏ không quên và cũng biết thuyết pháp rành rẽ cho người, nên gọi là hạng Tỳ kheo đổ mưa nhưng không nổi sấm. 3/ Sao gọi là hạng Tỳ kheo không đổ mưa cũng không nổi sấm? Hoặc có Tỳ kheo sắc tướng không trang nghiêm, uy nghi không đầy đủ, không tu theo thiện pháp, không có kiến thức uyên thâm, lại cũng không biết thuyết pháp cho người, nên gọi là hạng Tỳ kheo không đổ mưa cũng không nổi sấm. 4/ Sao gọi là hạng Tỳ kheo vửa đổ mưa vừa nổi sấm? Hoặc có Tỳ kheo sắc tướng trang nghiêm, uy nghi đầy đủ, ham thích học hỏi và cũng biết thuyết pháp rành rẽ, khuyên nhủ dẫn dắt người khác tiến thủ nên gọi là hạng Tỳ kheo vừa đổ mưa vừa nổi sấm”.

Thứ năm: PHẦN CHỌN LỰA ĐẠI CHÚNG

Xét nghĩ khi pháp sư bước lên giảng tòa, trước tiên phải kính lễ Tam bảo, thanh tịnh bản tâm, xem xét thời gian, chọn lựa đại chúng, hội đủ ý hướng Từ bi cứu sinh lợi vật rỗi mới bắt đầu thuyết pháp. Thế nên, kinh Báo ân nói rằng: “Nếu thính giả ngồi, pháp sư đứng, không nên thuyết pháp. Nếu thính giả tìm lỗi của pháp sư, không nên thuyết pháp. Nếu thính giả tin theo người, không tin theo pháp; tin theo chữ, không tin theo nghĩa; tin theo chổ không hiểu nghĩa kinh, không tin theo chổ hiểu nghĩa kinh; tin theo kiến thức, không tin theo trí tuệ, gặp những trường hợp nầy, cũng không nên thuyết pháp. Tại sao thế? Vì những loại thính giả này không biết tôn kính chánh pháp của chư Phật và các Bồ tát. Nếu giảng sư biết tôn trọng chánh pháp, thính giả cũng sẽ sinh lòng cung kính, dốc tâm lắng nghe, không dám khinh thường ngạo mạn, như thế gọi là thuyết pháp thanh tịnh”. Do đó, kinh A hàm có kệ nói rằng:

Thính giả say sưa như khát uống,

Chuyên chú đào sâu vào ngữ nghĩa, Nghe pháp hớn hở, tâm mừng tủi, Thính giả như thế, đáng thuyết pháp”.

Lại nữa, luật Ngữ phần nói: “Trừ bỏ lòng tham, lòng không coi thường chính mình, không coi thường đại chúng, phát lòng Từ bi, lòng hoan hỷ, lòng làm lợi ích, lòng không lay động. Nếu xác lập được những lòng này, thậm chí chỉ giảng thuyết một bài kệ bốn câu, khiến thính giả hiểu đúng nghĩa, sẽ an lạc suốt đêm trường và được vô lượng công đức”.

Lại nữa, kinh Niết bàn nói: “Nếu có người thọ trì đọc tụng, sao chép thuyết pháp không đúng lúc đúng nơi, không mời mà thuyết pháp,

khinh mình khinh người, tự ca tụng mình khắp nơi, người ấy sẽ hủy diệt Phật pháp, thậm chí còn khiến vô lượng chúng sanh đọa theo xuống địa ngục. Đó là người có tri thức xấu xa”.

Lại nữa, luận Thập tụng nói: “Có năm hạng người hỏi pháp không nên trả lời: 1. Hỏi thử, 2. Không nghi mà hỏi, 3. Không thật lòng ăn năn khi phạm giới mà hỏi, 4. Không thọ trì chánh pháp mà hỏi, 5. Cốt đem điều khó khăn bì hiểm ra hỏi. Nếu người hỏi thật sự thành tâm, không có ác ý, chỉ muốn phát sinh điều thiện, tiêu trừ điều ác, pháp sư nên tùy cơ duyên, vận dụng mọi phương cách giảng giải. Nếu có chổ pháp sư tự mình chưa hiểu tường tận, hoặc còn mơ hồ, thì không được đem ra thuyết, sợ thính giả loan truyền thất thiệt, giảng sư và thính giả sẽ cùng mắc tội”.

Lại nữa, kinh Bách dụ và luận Tỳ đàm có nói đến bốn cách hỏi và trả lời: 1/ Trả lời xác định. Thí dụ có người hỏi rằng tất cả hễ có sinh đều phải có tử. Trả lời câu hỏi này là trả lời xác định. 2/ Trả lời phân biệt từng trường hợp. Thí dụ có người hỏi rằng hễ đã có tử ắt phải có sinh. Trả lời câu hỏi này thì cần phải phân biệt từng trường hợp, như đã trừ sạch mầm ái, chắc chắn sẽ vô sinh. Nếu còn mầm ái chắc chắn sẽ còn sinh diệt. Trả lời như thế gọi là trả lời phân biệt từng trường hợp. 3/ Trả lời bằng cách hỏi lại. Thí dụ có người hỏi rằng người là hơn hết. Trả lời câu hỏi này thì cần hỏi lại rằng người là hơn hết so với chúng sanh trong ba đường ác, hay so với chư Thiên. Nếu so với chúng sanh trong ba đường ác, người thật là hơn hết. Nếu so với chư Thiên, người thật sự không bằng. Trả lời như thế gọi là trả lời bằng cách hỏi lại. 4/ Trả lời gác lại. Như có người hỏi đến mười bốn điều khó hoặc hỏi đến thế giới và chúng sanh hữu hạn hay vô hạn, có bắt đầu và cuối cùng, hay không có bắt đầu và cuối cùng. Trả lời câu hỏi này là gác ngang vấn đề. Bàn luận về hỏi, như bàn luận về ngoại đạo ngu si nhưng vẫn tự cho là sáng suốt, thật sự không am tường về bốn bộ luận lớn của nội điển, thế nên chỉ làm được bộ luận phân biệt mà thôi”.

Lại nữa, Kinh Ưu bà tắc giới nói: “Đức Phật bảo rằng người an trụ đúng theo chánh pháp thì có thể tự lợi và lợi tha. Nếu an trụ không đúng theo chánh pháp thì không thể gọi là tự lợi và lợi tha. Người an trụ đúng theo chánh pháp sẽ có tám loại trí tuệ: Một pháp trí. Hai nghĩa trí. Ba thời trí. Bốn Tri túc trí. Năm Tự tha trí. Sáu Chúng trí. Bảy Căn trí. Tám Thượng hạ trí. Người có đầy đủ tám loại trí ấy, nếu thuyết pháp sẽ có đủ mười sáu điều: 1/ Đúng lúc. 2/ Thuyết pháp tận tâm. 3/ tHuyết pháp có thứ tự. 4/ Thuyết pháp hòa hợp. 5/ Thuyết pháp đúng nghĩa. 6/ Thuyết pháp vui vẻ. 7/ Thuyết pháp theo ý nghĩ. 8/ Thuyết pháp không coi thường đại chúng. 9/ Thuyết pháp không la rầy đại chúng. 10/ Thuyết như pháp. 11/ Thuyết pháp tự lợi và lợi tha. 12/ Thuyết pháp không bị phân tâm. 13/ Thuyết pháp hợp đạo lý. 14/ Thuyết pháp chân chánh. 15/ Thuyết pháp về mình nhưng không sinh lòng kiêu ngạo. 16/ Thuyết pháp xong, không cầu mong phước báo ở đời sau. Người như thế có thể nghe người khác.

Khi nghe người khác cũng phải có đủ mười sáu điều: 1/ Nghe đúng lúc. 2/ Nghe vui vẻ. 3/ Nghe tận tâm. 4/ Nghe cúng kính. 5/ Nghe không tìm lỗi của người nói . 6/ Nghe không cốt tranh luận. 7/ Nghe không cốt hơn thua. 8/ Khi nghe, không coi thường người nói. 9/ Khi nghe không coi thường chánh pháp. 10/ Khi nghe, không coi thường chính mình. 11/ Khi nghe, xa lìa được hẳn ngũ cái. 12/ Khi nghe, thọ trì đọc tụng. 13/ Khi nghe, trừ bỏ được ngũ dục. 14/ Khi nghe, có đủ đức tin. 15/ Khi nghe xong, điều phục chúng sanh. 16 Khi nghe, dứt bỏ các căn hôn ám. Này các thiện nam tử! Người nào có đầy đủ tám loại trí tuệ như thế, sẽ biết thuyết pháp và nghe thuyết pháp. Người ấy có thể tự lợi và lợi tha. Người không có đủ tám loại trí tuệ ấy không được gọi là tự lợi và lợi tha.

Lại nữa, người biết thuyết pháp có hai hạng: Một là thanh tịnh, hai là hạng không thanh tịnh. Hạng thuyết pháp không thanh tịnh lại có năm điều: 1 Vì lợi lộc nên mới thuyết pháp. 2/ Vì phước báo nên mới thuyết pháp. 3/ Vì hơn người nên mới thuyết pháp. 4/ Vì mười loại phước báo nên mới thuyết pháp. 5/ Còn nghi ngờ mà vẫn thuyết pháp. Hạng thuyết pháp thanh tịnh lại có năm điều: 1/ Trước tiên thí thực rồi mới thuyết pháp. 2/ Vì muốn xiển dương Tam bảo nên mới thuyết pháp. 3/ Vì muốn tiêu trừ phiền não của chính mình và chúng sanh nên mới thuyết pháp. 4/ Vì muốn phân biệt chính tà nên mới thuyết pháp. 5/ Vì muốn chúng sanh đạt được Vô thượng quả nên mới thuyết pháp.

Này, các thiện nam tử! Hạng thuyết pháp không thanh tịnh gọi là dơ uế, gọi là bán pháp, cũng gọi là ô nhục, cũng gọi là nói sai, cũng gọi là mất mát ý chí”.

Lại nữa, trong kinh Pháp cú dụ, đức Phật có nói kệ rằng:

Tuy đọc tụng nghìn chương

Nghĩa câu không hiểu đúng, Không bằng hiểu câu chính, Nghe xong được thanh tịnh.

Tuy đọc tụng nghìn lời,

Không hiểu nghĩa ích gì! Không bằng nắm một nghĩa, Tu theo, được giải thoát. Tuy đọc tụng nhiều kinh, Không hiểu rõ ích gì!

Hiểu rõ nghĩa một câu, Tu theo, được đắc đạo”.

Lại nữa, kinh Đại pháp cự Đà la ni nói; “Như người thọ trì chánh pháp muốn tu luyện thần chú không bị gián đoạn và các pháp sư sắp sửa thuyết pháp, sửa mình ngồi yên, tụng chú sau đây: “Đát diệt tha, đà ca na, a ca nam ca na, ca na ca na, na ca, ca ca na ca, a ca ca na ca, ca na ca na, ca na a ca na, ca ca na, bà tỳ sát, đế dạ tha bà tỳ sát, dạ tha già già na, đa tha bà tỳ sát đế, đa tha ma ca xá, na ca xá ca ca xá”.

Bấy giờ, pháp sư được quyến thuộc ngồi vây quanh, tạo thành phương tiện gia hộ, khiến pháp sư không bị động tâm, nên thuyết pháp không bị gián đoạn, diệt trừ được ác dục, khiến bọn La sát nữ không phá hoại thính chúng. Nhờ thế, ý nguyện của pháp sư không bị cản trở”.

Thứ sáu: PHẦN TIỆM ĐỐN

Như kinh Bách dụ nói: “Ngày xưa, có làng nọ nằm cách kinh thành 5 do tuần. Trong làng có loại nước ngon ngọt, nên nhà vua ra lệnh bắt dân làng hàng ngày cung cấp nước ấy. Dân làng cung phụng mệt nhọc quá, muốn bỏ làng ra đi. Lý trưởng bảo mọi người: “Đừng bỏ đi, ta sẽ xin nhà vua đổi 5 do tuần thành 3 do tuần để mọi người đi lại gần hơn, không mệt nhọc nữa”. Lý trưởng đem tâu lên, nhà vua đổi thành 3 do tuần. Mọi người nghe tin, hết sức vui mừng. Có người nói: “Đọan đường thật sự vẫn là 5 do tuần, có gì khác đâu!” Dẫu nghe lời này, nhưng dân làng tin nhà vua, nên không bỏ đi nữa. Người trên thời gian cũng thế, tu theo chánh pháp phải vượt qua năm đường mới đến Niết bàn, nên sinh lòng mỏi mệt, muốn bỏ dở, trì trệ trong vòng sinh tử, không thể tiến lên. Pháp vương Như Lai khéo thuyết pháp, phân nhất thừa thành tam thừa. Người theo tiểu thừa nghe được, sinh ra vui mừng cho là dễ thực hiện, tu thiện dưỡng đức, mong sao vượt khỏi sinh tử luân hồi. Về sau nghe có người nói không có tam thừa, chỉ có nhất thừa, người theo tiểu thừa vì cố chấp vào lời đức Phật dạy, nên không chịu bỏ thành kiến tam thừa, giống như dân làng nói trên mà thôi”.

Lại nữa, kinh Hoa nghiêm nói: “Này, các Phật tử! Giống như mặt

Trời hiện ra soi sáng các núi chúa lớn, kế đến soi sáng các núi lớn, các núi kim cương quý báu, sau đó mới soi sáng mặt đất (Ánh sáng mặt Trời không nghĩ rằng trước hết, ta phải soi sáng khắp các núi chúa lớn, kế đến soi sáng khắp mặt đất, vì mặt đất có chổ cao thấp, nên soi sáng có chổ trước sau), Như Lai ứng cúng Đẳng Chánh Giác cũng thế, nhờ thành tựu được mặt Trời trí tuệ bao la vô lượng vô biên pháp giới, nên thường phóng ánh sáng trí tuệ vô lượng vô ngại soi sáng khắp các núi chúa lớn của hàng Bồ tát, kế đến soi sáng các Duyên giác, kế đến soi sáng các Thanh văn, kế đến soi sáng các chúng sanh có căn lành được tùy cơ thọ trì giáo hóa, sau đó mới soi sáng mọi chúng sanh. Thậm chí soi sáng các chúng sanh còn lầm lạc, giúp tạo nên nhân duyên lợi ích về sau (ánh sáng của mặt Trời trí tuệ Như Lai không nghĩ rằng trước hết ta phải soi sáng các Bồ tát, kế đến soi sáng các chúng sanh còn lầm lạc mà phóng ánh sáng trí tuệ lớn lao soi sáng khắp tất cả). Này, các Phật tử! Giống như mặt Trời mặt trăng hiện ra soi sáng khắp thế gian, thậm chí khắp các núi sâu hang vắng, mặt Trời trí tuệ của Như Lai cũng thế, soi sáng tất cả, chỉ vì các chúng sanh có mầm thiện không đều, nên ánh sáng của trí tuệ Như Lai có nhiều khác biệt”.

Thứ bảy: PHẦN PHÁP THÍ

Như luận Thập trụ tỳ bà sa nói: “Theo các phẩm xưng pháp sư công đức và thuyết pháp nghĩa giới tùy thuận tu học của kinh. Quyết định vương đại thừa, như Bồ tát muốn đem chánh pháp bố thí cho chúng sanh, cần phải thực hành bốn điều; 1/ Bác học thộng thái, ghi nhớ mọi lời lẽ, câu đoạn. 2/ Biết rõ ràng chắc chắn mọi pháp sinh diệt của thế gian và xuất thế gian. 3/ Có tuệ Thiền định, tuân theo chánh pháp trong kinh, không đâm ra tranh cãi. 4/ Tu tập theo kinh dạy, không thêm không bớt.”

Lại nữa, kinh chánh pháp niệm nói: “Nếu có chúng sanh thực hành thiện nghiệp, thuyết pháp một câu kệ, giúp người tà kiến tin tưởng thuần thành vào đức Phật, khi mệnh chung, chúng sanh ấy sẽ được sinh lên cõi Trời Ứng Thanh, hương thụ đủ loại phước báo. Khi hết thọ mạng Trời, mới hạ sinh xuống các cõi dưới, luân chuyển theo nghiệp. Nếu có chúng sanh thuyết pháp vì muốn lấy tiền của, không vì bị tâm làm lợi ích chúng sanh, hoặc uống rượu, hoặc cùng nữ giới ăn uống vui chơi để cầu tài lợi, thuyết pháp như thế, phước báo rất ít, sẽ sinh lên cõi Trời, làm loài chim trí tuệ, biết đọc tụng kệ ca. Như thế, gọi là bố thí pháp cấp thấp. Thế nào gọi là bố thí pháp cấp trung bình? Vì tiếng tăm, vì hơn người vì hơn các pháp sư khác mà thuyết pháp, hoặc vì ganh đua mà thuyết pháp. Bố thí pháp như thế, phước báo cũng ít, được sinh lên cõi Trời, hưởng thụ phước báo trung bình, hoặc sinh làm người mà thôi. Như thế gọi là bố thí pháp cấp trung bình. Thế nào gọi là bố thí pháp cấp cao? Thuyết pháp bằng tâm thanh tịnh, chỉ muốn phát huy trí tuệ của chúng sanh, không cầu tài lợi và muốn các chúng sanh tà kiến được an trụ vào chánh pháp. Bố thí pháp như thế, tự lợi lợi tha, đạt quả tối cao Vô thượng, được nhập Niết bàn, phước báo bất tận, gọi là bố thí pháp cấp cao”.

Lại nữa, trong kinh Ca diếp, đức Phật nói kệ rằng:

Lấy châu báu chất đầy

Tam thiên đại thế giới, Rồi đem ra bố thí, Công đức vẫn rất ít.

Thuyết pháp một câu kệ, Công đức còn nhiều hơn.

Nhạc cụ đầy tam giới,

Đem bố thí một người,

Không bằng nói câu kệ, Công đức lớn lao hơn. Công đức này hơn hẳn, Vì giúp lìa phiền não.

Nếu chất đầy châu báu

Khắp hà sa thế giới, Rồi cúng dường chư Phật, Không bằng cúng dường pháp. Cúng dường Phật phước nhiều, Không bằng bố thí pháp. Bố thí một câu kệ

Phước đức nhiều đến thế,

Huống gì nhiều câu kệ,

Phước đức không thể nghĩ!”

Lại nữa, luận Thập trụ tỳ bà sa nói: “Người tại gia nên thực hành tài thí, người xuất gia nên thực hành pháp thí. Tại sao? Vì người tại gia thực hành pháp thí không bằng người xuất gia. Kẻ nghe pháp nơi người tại gia sẽ phát tín tâm mỏng mảnh. Vả lại, người tại gia có nhiều của cải, người xuất gia thông thạo kinh điển, đọc tụng rành rẻ, giảng giải tinh tường, dũng mãnh trước đại chúng. Điều này, người tại gia không thể sánh kịp người xuất gia. Hơn nữa, khiến người nghe phát tâm cung kính, người tại gia không bằng người xuất gia. Lại muốn thuyết pháp để hàng phục nhân tâm, người tại gia cũng không bằng người xuất gia, như kệ có nói:

Trước tiên phải tu hành chánh pháp, Sau đó mới giáo hóa mọi người Và mới có thể nói lời này:

Hãy làm theo những gì ta làm. Bản thân còn làm điều không tốt, Sao có thể khiến người khác tốt? Bản thân còn chưa được tịch lặng, Sao có thể khiến người tịch lặng?

Cần nói thêm rằng, nếu người xuất gia thực hành tài thí, sẽ hại đến các thiện nghiệp khác, vì xa lìa nơi thanh tịnh để đến các xóm làng gần gũi với người thế gian, nói năng qua lại, dấy động tam độc, hời hợt lục độ, thậm chí tham luyến ngũ dục, sinh ra phá giới hòan tục, nên gọi là chết. Có khi phản giới, dễ gây nên tội trọng, đáng gọi là chết, bị đủ loại phiền não hành hạ khổ sở. Vì thế, đối với người xuất gia, tán dương phép pháp thí; đối với người tại gia, tán dương phép tài thí”.

Lại nữa, kinh Kim quang minh nói: “Thuyết pháp có năm sự kiện: 1 Pháp thí, ta và người đều có lợi, tài thí không sánh bằng. 2/ Pháp thí có thể khiến chúng sanh siêu việt tam giới, tài thí không ra khỏi dục giới. 3/ Pháp thí đem lại lợi ích cho pháp thân, tài thí chỉ nuôi dưỡng sắc thân. 4/ Pháp thí làm lớn mạnh vô cùng, tài thí có lúc cạn kiệt. 5/ Pháp thí có thể đoạn trừ vô minh, tài thí chỉ điều phục tham tâm. Thế nên, tài thí không thể sánh kịp pháp thí. Tuy nhiên, pháp thí cũng có hạn chế, như hiểu biết mà không nói ra, sợ người khác hơn mình, nên cứ giấu giếm. Kiếp sau sẽ vĩnh viễn không được nghe thuyết pháp”.

Lại nữa, luận Trí độ nói: “Nếu bủn xỉn không chịu bố thí pháp, sẽ bị sinh vào các chổ biên địa xa xôi, không có Phật pháp. Vì thói bủn xỉn ấy làm cản trở trì tuệ sáng suốt của các chúng sanh khác. Thói xấu này không bằng thói bán pháp. Thói bán pháp còn hơn thói bủn xỉn ấy”.

Lại nữa, luận Thành thật nói: “Nếu có người thuyết pháp cho người khác, sẽ gọi là lợi tha. Dẫu người này không tu hành theo chánh pháp, nhưng vì có công thuyết pháp cho người khác, nên bản thân cũng được hưởng lợi. Pháp thí có ba bậc: 1/ Pháp thí bậc thấp: chỉ thuyết pháp về bố thí, không thuyết pháp về trí tuệ. 2/ Pháp thí bậc trung bình: Chỉ thuyết pháp về giữ giới. 3/ Pháp thí bậc cao: thuyết pháp về trí tuệ, dạy người quán lý được hoặc đoạn trừ hai chướng ngại của hoặc và trí, xa lìa sinh tử, về sau sẽ thành đạo, chứng quả Niết bàn. Thậm chí chỉ thuyết pháp về tiểu thừa, chỉ giáo hóa một người, khiến quán tưởng lẽ sinh không, rồi theo đó tu hành. Dẫu chưa đắc đạo, nhưng công đức thuyết pháp vẫn hơn hẳn giáo hóa tất cả mọi chúng sanh trong cõi Diêm phù đề thực hành thập thiện, bởi người ấy biết tin tưởng tu hành, tạo nên nhân duyên giải thoát, chứng quả Niết bàn”.

Lại nữa, kinh Chư pháp dũng vương nói: “Giả sử tất cả chúng sanh dưới nước, trên bộ và trong không của cõi Diêm phù đề đều được làm người, giả sử có người giáo hóa mọi chúng sanh này đều giữ gìn ngũ giới và thực hành thập thiện, công đức của người này sẽ không bằng được công đức của người chỉ giáo hóa một chúng sanh biết tin tưởng và tu hành theo chánh pháp”.

Lại nữa, luận Thập trụ tỳ bà sa nói: “Có bốn cách làm thối thất trí tuệ mà hàng Bồ tát cần xa lánh: 1/ Không cung kính pháp và không thuyết pháp. 2/ Giấu giếm bủn xỉn các pháp bí yếu. 3/ cản trở và phá hoại thành tâm nghe pháp của người mến pháp. 4/ Kiêu ngạo tự cao, coi thường người khác. Có bốn cách đạt được trí tuệ, cần thường xuyên tu tập: 1/ Cung kính pháp và người thuyết pháp. 2/ Thuyết giảng lại cho người khác nghe thật đúng những điều đã nghe hay đã đọc tụng với tâm thanh tịnh không vụ lợi. 3/ Biết tìm tòi theo học các bậc thiện tri thức để đạt trí tuệ sáng suốt như là nhiệm vụ cứu chữa cấp bách. 4/ Ghi nhớ không quên những điều đã nghe, cốt để thực hành chứ không phải để nói suông không”.

Thứ tám: PHẦN BÁO ÂN

Như kinh Thiện cung kính nói: “Đức Phật bảo A nan, nếu có chúng sanh nghe nói một câu kệ xong, đem sao chép lên tre lụa, trong đó có bao nhiêu chữ thì trong bấy nhiêu kiếp, cõng đội Hòa thượng A xà lê lên vai và đem mọi thứ âm nhạc cúng dường, cũng không thể báo đền nổi công ơn Hòa thượng A Xà lê ấy. Trong tương lai, đối với Hòa thượng bổn sư, nếu sinh lòng bất kính, nêu ra lổi lầm, chê bai dốt nát, sẽ chịu nhiều khổ sở và chắc chắn sẽ bị đọa xuống địa ngục. Bởi thế, A nan! Ta dạy các ông luôn luôn giữ lòng cung kính tôn trọng Hòa thượng bổn sư, sẽ đạt được diệu lý cao siêu. Đây chính là phép kính yêu Tam bảo vô cùng sâu sắc”.

Lại nữa, kinh Phạm võng nói: “Nếu Phật tử gặp các pháp sư đại thừa có cùng kiến giải và đạo hạnh từ xa đến các tự viện hay xóm làng, phải lập tức cung nghinh lễ bái. Mỗi ngày ba bận cúng dường mọi thức ăn uống ngon ngọt tốn đến vài lượng, giường chiếu tọa cụ, mọi thứ nhu cầu đều cung cấp đầy đủ. Mỗi ngày thỉnh cầu pháp sư thuyết pháp ba buổi, lễ bái pháp sư ba lượt, không sinh lòng sân hận bực tức. Phải thành khẩn phát tâm quên mình cầu đạo, nếu không sẽ phạm tội khinh cấu”.

Lại nữa, kinh Ưu bà tắc giới nói: “Nếu nam cư sĩ đã thọ trì sáu giới trọng, trong khoảng bốn mươi dặm có chổ thuyết pháp mà không đến nghe, sẽ phạm tội thất ý”.

Lại nữa, kinh Đại phương đẳng đà la ni nói: “Đức Phật bảo A nan, nếu cha mẹ vợ con không cho đến đạo trường, người ấy nên đến trước các người thân, đốt đủ loại hương thơm, quỳ xuống chắp tay nói rằng: “Nay tội muốn đến đạo trường, xin thương xót cho phép”. Rồi đem mọi điều giải thích, thuyết minh nhiều lần. Nếu không được chấp thuận, người ấy chỉ nên ở nhà tịnh tọa trì tụng kinh điển mà thôi”.

Lại nữa, kinh chánh pháp niệm nói: “Nếu có người cúng dường pháp sư thuyết pháp, nên nhớ rằng người này đang cúng dường chư Phật hiện tại. Như thế, tùy theo phẩm vật cúng dường, người này sẽ thành tựu nguyện vọng, thậm chí đạt được quả A nậu Bồ đề. Tại sao? Vì nhờ nghe pháp nên tâm được điều phục. Tâm được điều phục nên có thể đoạn trừ được mọi hắc ám của sinh tử vô minh. Nếu không nghe pháp, chẳng còn cách nào có thể điều phục bản tâm”.

Lại nữa, kinh Thắng Tư Duy nói: “Không phát khởi tội nghiệp, không phát khởi phúc nghiệp, không phát khởi bất động nghiệp. Như thế gọi là cúng dường Phật”.

Lại nữa, kinh Hoa thủ nói: “Nếu đem các thứ hoa hương, y phục, thức ăn, thuốc uống cúng dường chư Phật, không gọi là cúng dường chân chính. Như Lai thuyết pháp ở đạo trường, nếu lãnh hội được chánh pháp vi diệu và tu tập đúng đắn, như thế mới gọi là cúng dường chân chính. Thế nên nói kệ rằng:

Nếu đem các loại hoa hương xức,

Y phục thức ăn và thuốc uống,

Cúng dường khắp tất cả chư Phật Không gọi là cúng dường chân chính. Như Lai thuyết pháp ở đạo trường,

Lãnh hội được chánh pháp vi diệu

Và biết y theo đó tu học,

Mới gọi là cúng dường chân chính”.

Lại nữa, luận Thập trụ Tỳ bà sa nói: “Đức Phật bảo A nan, chư

Thiên làm mưa hương hoa cũng không gọi là cúng dường và cung kính Như Lai. Nếu các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di chú tâm không vọng niệm, thân cận tu tập chánh pháp, như thế mới gọi là cúng dường chư Phật rất chân chính”.

Lại nữa, kinh Bảo vân nói: “Đừng đem của cải cúng dường đức Phật. Vì sao? Vì pháp thân của Như Lai không cần đến của cải, chỉ nên lấy pháp cúng dường đức Phật. Để thành tựu viên mãn Phật đạo, lấy pháp cúng dường là tốt đẹp hơn cả”.

Lại nữa, kinh Thiện Cung Kính nói: “Đức Phật bảo, nếu Tỳ kheo có tuổi hạ, nhưng không thông hiểu kinh kệ, Tỳ kheo ấy cũng nên theo thầy học hỏi. Tại sao? Vì tự mình còn chưa hiểu biết, làm sao có thể làm thầy người khác? Giả sử Tỳ kheo già cả có hằng trăm tuổi hạ, nhưng không am hiểu chuyện Tăng già, không thông thạo giới luật, cũng nên nói đến chuyện theo thầy học hỏi. Nếu Tỳ kheo theo thầy học hỏi, nên có lòng tôn trọng cung kính thầy.

Khi theo thầy học đạo, không được cười cợt, không được lố lăng, không được tréo chân, không được ngó chân, không được dậm chân, không được đá chân. Thầy chưa hỏi đến, không được trả lời. Thầy có sai bảo, không được trái ý. Không được nhìn vào mặt thầy, phải đứng cách thầy ba cánh tay. Thầy bảo ngồi mới ngồi, không được trái lệnh. Ở bên cạnh thầy, phải tỏ lòng hiền dịu. Nếu có điều nghi, phải đem ra hỏi. Được thầy chấp thuận, mới là hợp lý. Mỗi ngày ba bận phải tham kiến thầy, trình bày tiến chỉ. Nếu ba lượt không tham kiến, thầy sẽ sửa trị theo giới luật. Nếu tham kiến không gặp thầy, phải lấy cục đất, cành cây hay ngọn cỏ để lại làm chứng. Nếu gặp thầy đang ở trong phòng phải thành tâm đi quanh phòng ba lượt, hướng về thầy đảnh lễ rồi mới được phép trở lui. Nếu không gặp thầy, mọi việc gác lại, không được làm gì, trừ đại tiểu tiện. Lại nữa, khi ở bên thấy, không được nói lớn. Thầy có tránh cứ, không được trả lời. Giường ghế của thầy, phải siêng lau chùi, không để bụi bặm, kiến rận bám đeo, khi thầy nằm ngồi đến khi thầy dậy, phải siêng tụng niệm. Mặt Trời vừa hé, liền đến bên thầy, ân cần hỏi han làm công chuyện gì. Lại nữa, lúc ở bên thầy, không được khạc nhổ, giống như lên điện, để kính trọng thầy. Không lấy cà sa trùm vai trùm đầu. Khi Trời nóng nực, mỗi ngày ba bận, hầu quạt cho thầy. Ba bận xách nước để thầy tắm rửa. Lại cũng ba bận, dâng nước uống mát. Thầy làm việc gì, tận tâm tận lực phụ giúp cho thầy”. Đức Phật bảo A nan: “Mai sau trên đời, nếu các Tỳ kheo khi ở bên thầy, không biết kính trọng, kể với đại chúng sơ suất của thầy, các Tỳ kheo ấy không phải là Tu đà hoàn, cũng không phải là phàm phu xấu ác, mà chính là bọn ám độn ngu si đáng đem xử trị. Dẫu thầy có lổi, không được nói ra, huống không phạm lổi, sao dám bịa chuyện? Nếu các Tỳ kheo ở bên thầy, không biết cung kính, ta bảo cho biết, có địa ngục nhỏ tên là đánh đập, sẽ bị đọa xuống đó. Khi đã đọa xong, một thân bốn đầu đều phát lửa đỏ, giống như bó đuốc, tóe ra lửa mạnh, không thể dập tắt. Đến khi tắt xong, trong địa ngục ấy, có loại côn trùng tên là gò bó ăn hết cuống lưỡi. Sau khi chết đi, sinh vào súc sinh, bởi vì trước đây, cuống lưỡi gây tội nhục mạ đến thầy, nên phải ăn lấy dơ uế. Hết kiếp súc sinh, lại sinh làm người ở chổ hẻo lánh, đủ thứ xấu xa. Tuy mang thân người, da chẳng giống người, cơ thể không đủ, thường bị kẻ hạ tiện mắng nhiếc nhục mạ. Không gặp được đức Phật, không có trí tuệ. Sau khi chết đi, lại bị đọa xuống địa ngục, chịu đựng vô lượng vô biên nỗi đớn đau khổ sở”.

Thứ chín: PHẦN LỢI ÍCH

Như kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Thuyết pháp có mười loại công đức rất lợi ích: 1/ Thời gian và địa điểm đầy đủ. 2/ Phân tích dễ hiểu. 3/ Hợp với chánh pháp. 4/ Không vụ lợi. 5/ Cốt để điều phục tâm. 6/ Tùy duyên thuyết pháp. 7/ Thuyết pháp về Bố thí sẽ được phước báo. 8/ Thuyết pháp về sinh tử có nhiều chướng ngại. 9/ Thuyết pháp về chư Thiên cũng bị Thối thất, sinh diệt. 10/ Thuyết pháp chứng minh có nghiệp quả. Người thuyết pháp có đủ mười công đức này sẽ khiến người nghe đạt nhiều lợi ích an lạc, thậm chí đạt được cứu cánh Niết bàn. Một khi công đức nghe pháp được thành tựu sâu xa, niềm tin trong sáng thành đạt hết vào Tam bảo, dù mới cất chân bước đến pháp đàn để nghe thuyết pháp, đã thấy sinh ra vô lượng phước đức”.

Lại nữa, kinh Đại Bồ tát tạng nói: “Đối với các Bồ tát, phát tâm hết sức yêu thích như đối với các bậc đại sư. Đối với pháp bảo, phát tâm yêu thích như đối với bản thân. Đối với Chư Phật, phát tâm yêu thích như đối với bổn mạng. Đối với tôn sư, phát tâm yêu thích như đối với cha mẹ. Đối với chúng sanh, phát tâm yêu thích như ruột. Đối với đạo sư, phát tâm yêu thích tôn kính như đối với đôi mắt. Đối với phạm hạnh chân chính, phát tâm yêu thích như đối với tai mắt, đầu thân. Đối với Ba la mật, phát tâm yêu thích như đối với chân tay. Đối với pháp sư thuyết pháp, phát tâm yêu thích như đối với các bảo vật vô giá. Đối với tâm nguyện cầu mong chánh đạo, phát tâm yêu kính như đối với thuốc hay. Đối với người chỉ ra lổi lầm và nhắc nhở, phát tâm yêu kính như đối với thầy giỏi”.

Lại nữa, kinh Tăng già tra nói: “Bấy giờ, tất cả các vị Bồ tát Dũng Mãnh bạch đức Phật rằng: “Thưa đức Thế tôn, nếu có chúng sanh nghe được chánh pháp này, sẽ hưởng thọ mạng bao nhiêu kiếp?” Đức Phật bảo; “Sẽ hưởng thọ mạng đủ tám mươi kiếp”. Các vị Bồ tát dũng mãnh bạch đức Phật: “Lấy gì để ước lượng kiếp? Đức Phật bảo: “Thí dụ có một thành lớn vuông vức hai mươi do tuần, cao ba do tuần, chứa đầy hạt mè, có người sống thọ hơn một trăm tuổi mới lấy đi một hạt mè. Đến khi hột mè trong thành hết, nhưng kiếp vẫn còn. Lại như có ngọn núi lớn, chu vi hai mươi lăm do tuần, cao mười hai do tuần, có người sống thọ hơn một trăm tuổi mới lấy tấm lụa mỏng phất ngang qua một lần. Đến khi núi mòn hết nhưng kiếp vẫn còn. Như thế gọi là thời lượng của kiếp”. Bấy giờ, tất cả các Bồ tát dũng mãnh bạch đức Phật rằng: “Thưa đức Thế tôn, chỉ một lần phát tâm nghe chánh pháp, còn được phước đức lớn lao, hưởng thọ tám mươi kiếp như thế, huống gì tu hành sâu rộng theo chánh pháp?”

Lại nữa, kinh Niết bàn nói: “Lìa bỏ tứ pháp mà vẫn chứng được Niết bàn là điều không thể có. Tứ pháp là gì? 1/ Thân cận thiện hữu. 2/ Chuyên tâm nghe pháp. 3/ Luôn luôn tư duy. 4/ Tu tập đúng theo chánh pháp.

Theo ý nghĩa này, có nhân duyên nghe pháp chính là gần gũi với nhập Niết bàn. Tại sao? Bởi vì được khai mở pháp nhãn. Thế gian có ba hạng người: 1, Là hạng không có mắt, 2, là hạng có một mắt và 3, là hạng có hai mắt. Nói không có mắt là hạng người không được nghe pháp. Có một mắt là hạng người tạm thời nghe pháp nhưng tâm không trụ. Có hai mắt là hạng người chuyên tâm nghe pháp và theo đó tu hành. Cũng nhờ được nghe pháp nên mới biết trên thế gian có ba hạng người như thế”.

Lại nữa, kinh Pháp cú dụ nói: “Ngày xưa đức Phật thuyết pháp cho chư Thiên và dân chúng tại Tinh xá của Trưởng giả Cấp Cô Độc ở nước Xá vệ. Bấy giờ Quốc vương Ba tư nặc có công chúa góa bụa tên Kim Cương được Quốc vương và hoàng hậu thương yêu, cất riêng cho cung thất và ban cho năm trăm nữ nhạc để giúp vui. Công chúa có tỳ nữ già tên Độ Thắng thường ra chợ mua sắm son phấn hương hoa. Độ Thắng thấy vô số nam nữ mang hương hoa chen chúc ra ngoài thành, đến Tinh xá của đức Phật, liền hỏi bọn họ đi đâu. Mọi người trả lời: “Hiện có đức Phật xuất thế, ngài là bậc chí tôn trong tam giới, thuyết pháp cứu độ chúng sanh đều nhập Niết bàn”. Nghe nói, Độ Thắng vui mừng hớn hở nghĩ rằng: “Nay ta đã già, còn được gặp đức Phật. Thật do phước đức từ kiếp trước”. Bèn lấy bớt tiền mua hoa tươi đi theo mọi người đến Tinh xá, đảnh lễ đức Phật rồi đứng lùi một bên, rải hoa đốt hương cúng dường và chú tâm nghe thuyết pháp. Sau đó ra chợ mua hương thơm. Nhờ công đức nghe pháp và nhân lành từ kiếp trước, hương thơm nồng hơn và trọng lượng Tăng thêm nhiều hơn. Chỉ hiềm về trể, nên mọi người trong cung xúm lại gạn hỏi. Độ Thắng vì sùng kính đức Phật, liền đem sự thật nói ra: “Thời gian hiện có bậc chí tôn trong tam giới gióng trống pháp Vô thượng chấn động khắp đại thiên thế giới. Vô số chúng sanh đến nghe thuyết pháp. Ta cũng có đến, nên mới về trễ.” Kim Cương và đám thị nữ nghe nói đức Phật thuyết pháp vi diệu hiếm có, sửng sốt thở than: “Riêng bọn ta mắc tội gì lại không được nghe?” Bèn bảo Độ Thắng thử nói lại. Độ Thắng thưa: “Hiện tại thân ta hèn hạ, miệng ta dơ uế, không dám nói ra. Muốn nghe chánh pháp đúng cách, trước tiên hãy đặt tòa cao, ta mới vâng lời nói pháp”. Năm trăm thị nữ hết sức vui mừng, cởi áo chất thành pháp tòa. Độ Thắng tắm gội sạch sẽ, nương nhờ uy lực của đức Phật, bước ra thuyết pháp. Đám Kim Cương giải thoát mọi nghiệp chướng, cùng chứng quả Tu đà hoàn. Chẳng may hỏa tai nổi lên, tất cả đều bị chết thiêu, sinh lên cõi Trời. Quốc vương đưa người đến cứu chữa không kịp, đành thu thập di thể chôn cất. Xong xuôi, Quốc vương đến bên đức Phật đảnh lễ và chắp tay thưa rằng: “Kim Cương cùng tất cả thị nữ bị hỏa tai thiêu chết, đã được chôn cất. Chẳng hay vì tội gì phải bị nạn ấy, xin đức Thế tôn nói rõ sự tình”. Đức Phật bảo: “Này, Quốc vương! Vào thời quá khứ tại thành ba la nại có vợ của vị Trưởng giả dắt năm trăm thể nữ đến đền thờ lớn ngoài thành để cúng tế. Lệ của bà ta rất nghiêm: Người khác phái không được đến gần bên, không kể thân sơ, nếu vi phạm, sẽ bị ném vào lửa. Bấy giờ có vị Bích chi Phật tên Ca la tu hành trong núi. Sáng xuống khất thực, chiều lại trở về. Hôm ấy, Ca la đến khất thực tại đền thờ. Vợ của Trưởng giả trông thấy, bừng bừng nổi giận, cùng thọ nữ xúm lại bắt ném vào lửa đỏ. Ca la toàn thân cháy rụi, bèn hiển hiện thần thông, bay vút lên giữa hư không. Bọn người nữ kinh hoàng, khóc lóc ăn năn, cùng quỳ mọp xuống thưa rằng: “Bọn nữ nhân chúng tôi ngu tối, không biết được ngài, lỡ lầm hổn xược, xúc phạm đến oai thần. Xin ngài rộng lượng ban ơn phước hóa giải mọi tai ương”. Vừa dứt lời, Ca la lập tức bay xuống và nhập Niết bàn. Bọn người nữ ấy bèn xây tháp phụng thờ xá lợi”. Đức Phật lại nói kệ cho Quốc vương rằng: Ngu si làm ác,

Chẳng hiểu tại sao.

Họa giáng, tự đốt. Tội lổi đã tỏ, Ngu si không thấy, Không nói tự chuốc. Khi xuống địa ngục, Mới biết do ác.

Đức Phật bảo Quốc vương: “Vợ của trưởng đương thời chính là công chúa Kim Cương của nhà vua đấy. Năm trăm thị nữ đương thời chính là Độ Thắng và năm trăm nữ nhạc. Tội phúc bên người, lâu mấy vẫn tỏ; thiện ác theo người, như bóng theo hình”. Khi đức Phật thuyết pháp đến đây, tất cả đại chúng lớn nhỏ đến nghe đều được tỏ ngộ”.

Lại nữa, kinh A dục vương nói: “Ngày xưa, vua A thứ già nhờ pháp sư thuyết pháp, sai lấy bình phong che đám cung tần rồi bắt ngồi nghe. Pháp sư giảng luận về bố thí, giới luật và sinh lên cõi Trời. Một cung tần phá lệ, vén màn tiến lên trước hỏi rằng: “Thưa pháp sư, khi đức Như Lai ngồi dưới cây Bồ đề giác ngộ các pháp, chính là giác ngộ bố thí, giới luật hay các pháp nào khác?” Pháp sư đáp: “Đức Phật giác ngộ rằng mọi thứ phiền não đều gây nên khổ, giống như nấu thép trong lò. Khổ ấy do tập sinh ra, giống như cây độc. Tu tập theo Bát chánh đạo để diệt khổ”. Cung tần ấy nghe xong lời này liền chứng được quả Tu đà hoàn. Sau đó, lấy dao cột vào cổ, đi đến bên Quốc vương tâu rằng: “Hôm nay tôi phạm tội lớn, kính xin Quốc vương trừng trị”. Quốc vương hỏi: “Nhà ngươi phạm tội gì? Cung tần tâu: “Tôi đã phạm vào lệnh cấm của Quốc vương, dám đến trước pháp sư, như trâu khát nước, không sợ tội chết, vì quá khát khao lắng nghe Phật pháp.” Quốc vương hỏi thêm: “Nhà ngươi nghe pháp, có tỏ ngộ gì chăng?” Tâu rằng: “Nhận thức rõ tứ diệu đế, hiểu rõ ngũ uẩn và tứ đại. Tất cả đều vô ngã. Nhờ thế, chứng được pháp nhãn”. Vừa nghe xong, nhà vua nhảy lên reo vui mừng, rồi cúi đầu đảnh lễ cung tần và ra lệnh: “Từ nay về sau, không được che bình phong ngăn cách. Nếu có cung tần nào hâm mộ chánh pháp, ta cho phép được đến trước pháp sư lắng nghe thuyết pháp.” Quốc vương còn tán thán thêm: “Lạ lùng thay! Không ngờ trong cung ta lại xuất hiện một nhân vật quý báu đến thế! Mới biết nghe pháp có ích lợi to lớn vô cùng!”

Lại nữa, kinh Tạp bảo tạng nói: “Bấy giờ, nước Bát già la đem năm trăm con nhạn trắng tặng Quốc vương Ba tư nặc. Quốc vương sai đưa đến Tinh xá Kỳ hoàn. Khi chư Tăng thọ trai, mọi người đều ăn.

Bầy nhạn thấy Tăng chúng, liền đến đứng phía trước. Đức Phật dùng phép nhất âm thuyết pháp, chúng sanh đều hiểu. Bầy nhạn cũng hiểu tiếng người, lấy làm vui mừng nghe pháp. Xong xuôi, cùng nhau bay về hồ nước. Sau đó, lông vũ hóa dài, bầy chim bay đến các chổ xa hơn, bị bọn thợ săn giăng lưới giết hết. Một con cất tiếng kêu lên, cả bầy cùng kêu theo âm thanh nghe pháp trước đây. Nhờ thiện tâm ấy, được sinh lên cõi Trời Đao lợi. Lệ sinh lên cõi Trời, cần suy nghĩ ba điều: một suy nghĩ từ nơi nào đến. Hai suy nghĩ về sinh vào đâu. Ba suy nghĩ trước đây tạo nghiệp gì được sinh lên cõi Trời. Bầy nhạn suy nghĩ từ tiền kiếp xa xưa, không tạo được nghiệp thiện gì ngoài chuyện nghe pháp. Suy nghĩ được như thế, năm trăm vị Trời liền bay xuống bên đức Phật nghe thuyết pháp và cùng chứng quả Tu đà hoàn. Quốc vương Ba tư nặc trước đây mỗi lần đến tham kiến đức Phật, thường thấy bầy nhạn đậu la liệt phía trước, nhưng hôm nay không thấy, liền hỏi: “Bầy nhạn bữa nay đi đâu?” Đức Phật đáp: “Bầy nhạn ấy vì bay đi xa, bị thợ săn giết chết, được sinh lên cõi Trời làm năm trăm vị Thiên tử áo mũ trang nghiêm, hôm nay nghe ta thuyết pháp đã chứng được quả tu đà hoàn”. Quốc vương hỏi: “Vì nhân duyên nào, bầy nhạn ấy bị đọa xuống làm súc sinh, khi mệnh chung được sinh làm Trời và nay lại đắc đạo?” Đức Phật đáp: “Vào thời đức Phật Ca diếp xa xưa có năm trăm người nữ thọ giới nhưng lại phạm giới, nên bị đọa xuống làm súc sinh. Nhờ có thọ giới, được gặp đức Phật, được nghe thuyết pháp, được sinh làm Trời và nay được chứng đạo quả.

Lại nữa, Kinh Tạp thí dụ nói: “Ngày xưa, có vị Sa môn đêm ngày tụng niệm, Con chó nằm dưới Thiền sàng lắng nghe kinh kệ, không thiết uống ăn suốt nhiều năm. Khi chết. Chó được sinh làm người nữ trong nước Xá vệ. Lớn khôn, người nữ ấy gặp vị Sa môn đi khất thưc liền chạy đi lấy thức ăn cúng dường, vị Sa môn rất vui mừng. Về sau, xuất gia làm Tỳ kheo ni, chứng được đạo quả”.

Tụng rằng:

Vua dạy ngoài đời, Đạo sửa trong tâm. Giác hoàng chánh pháp Vô lượng cao thâm. Kính tuân diệu lý, Phát triển nhân đức. Đời đời truyền thụ, Thơm tho vạn thế.

Tứ đế cảm ngộ;

Tam đạt rực rỡ. Phật quốc rộng mở, Giáo hóa tùy cơ. Hữu không sẵn có, Cửu huyền thấu tỏ. Dạy cái không dạy,

Đạo chẳng xa đó.”

NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG:

Dẫn chứng sơ lược chín chuyện linh ứng:

1 Sa môn Trúc đạo Sinh đời Tống. 2 Cư sĩ Phí Sùng Tiên đời Tống. 3 Sa môn Lặc na người Thiên Trúc đời Ngụy. 4 Sa môn Thích Tăng Phạm đời Tề. 5 Sa môn Thích Đàm Diên đời Tùy. 6 Sa môn Thích Tuệ Viễn đời Tùy. 7 Sa môn Thích Pháp Ngạn đời Tùy. 8 Sa môn Thích Đạo tông đời Đường. 9 Sa môn Thích Đạo Tuệ đời Đường.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Nói Và Nghe