Bà lão Bách Bất Quản đời Thanh không rõ họ tên, người Hàng Châu; từng đến hỏi HòaThượng Ðạo Nguyên ở Hiếu Từ Am rằng:
- Tu pháp môn gì thì trong một đời quyết sẽ thoát khỏi biển khổ?
Hòa Thượng dạy:
- Không gì bằng niệm Phật! Nhưng niệm Phật chẳng khó, niệm cho lâu bền mới khó. Niệm lâu bền chẳng khó, nhất tâm mới khó. Nếu có thể chẳng quản đến hết thảy, chuyên tâm trì danh, chí thành phát nguyện vãng sanh thì lâm chung Phật đến tiếp dẫn, sẽ thoát ly khổ hải!
Bà vui mừng lễ tạ, liền đem việc nhà giao hết cho con, dâu v.v... tự lập tịnh thất để thờ Phật hầu tu trì trong ấy. Một năm sau, lại đến hỏi:
- Từ khi được khai thị, đệ tử đã buông bỏ việc nhà, chuyên gắng niệm Phật, tự vấn thấy mình tu hành đã lâu chẳng lười nhác, nhưng khổ nỗi vẫn chưa được nhất tâm, thầy có cách nào dạy cho con?
Hòa Thượng bảo:
- Bà tuy bỏ hết việc nhà, nhưng chưa thể thôi nghĩ tưởng đến con cháu, quyến thuộc. Ðấy là ái căn chưa nhổ, làm sao nhất tâm được? Nay bà nên gia công, trước hết phải nhổ sạch ái căn, đem hết thảy buông xuống thì sau đấy mới đắc Nhất Tâm.
Bà than:
- Lời thầy thật đúng, con tuy chẳng quản đến thân, nhưng chưa thể chẳng quan tâm đến cái tâm, từ nay phải thật sự trăm việc chẳng quan tâm đến vậy!
Bà liền càng gia công tinh tấn, ái tâm vừa động liền thầm niệm ba chữ “bách bất quản” để tự khu trừ. Nếu ai hỏi đến việc nhà cũng dùng ba chữ ấy để cự tuyệt. Do vậy, thành tên Bách Bất Quản trong vòng gia thuộc. Hơn một năm sau, bà đến am, tạ:
- Thầy chẳng lừa dối con. Ðệ tử có ngày đi về Tây rồi!
Vài hôm sau, không bệnh mà mất. (theo Nhiễm Hương Tập)
Nhận định:
Cư sĩ Hồ Liên Quy bình rằng: “Bách Bất Quản là hỗn danh. Nói rộng ra, từ trăm đến ngàn, ngàn đến vạn đều chẳng quản đến. Nói gọn lại, một điều còn chẳng quản, huống hồ là trăm? Làm được như vậy thì trần duyên thân sau đoạn được, tịnh nghiệp thành được. Than ôi! Thế nhân làm sao đều trăm sự chẳng quản như thế được ư?”
Pháp này tối diệu. Ai không đạt được Nhất Tâm, xin hãy bắt chước cách này mà tận lực hành trì.