Tại sao Kinh Quán nói: “Phật A-di-đà cách đây không xa.”? Xin giải... Đại Sư Hoài Cảm | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Pháp Chánh | Xem: 797


Câu Hỏi

Vì sao kinh Xưng Tán Tịnh Độ nói: “Tây phương cách thế giới này trăm ngàn câu chi na dữu đa cõi Phật”, đây thật là xứ xa trong bốn chỗ xa. Kinh Quán nói: “Phật A di đà cách đây không xa.” Hai văn trái nhau, xin giải thích ý nghĩa.

Trả Lời

Xét cõi Cực lạc cách thế giới này trăm ngàn câu chi na dữu đa cõi Phật, thật là chỗ xa, ở đây nói không xa, tự có nghĩa khác tạm đưa ra mười giải thích để hiểu văn này:

  • Phật lực không xa.
  • Phương tiện không xa.
  • Ứng hiện không xa.
  • Tự tâm không xa.
  • Thủ hộ không xa.
  • Hữu duyên không xa.
  • Bản nguyện không xa.
  • Lai nghênh không xa.
  • Vãng sinh không xa.
  • Không buông lung không xa.
  1. Phật lực, kinh nói: “Nhờ Phật lực, nên được thấy Tây phương kia.”
  2. Phương tiện, kinh nói: “Có phương tiện lạ, giúp ông được thấy.”
  3. Ứng hiện, kinh nói: “Phật A di đà đứng trong hư không.”
  4. Tự tâm, kinh nói: “Tâm này làm Phật, tâm này là Phật.”
  5. Thủ hộ, kinh nói: “Thường đến chỗ người tu hành.”
  6. Hữu duyên, kinh nói: “Chúng sinh nào có duyên đều được thấy.”
  7. Bản nguyện, kinh nói: “Vì nguyện lực đời trước, nên có nhớ tưởng ắt được thành tựu.”
  8. Lai nghênh, kinh nói: “Cùng các hóa Phật đến đón rước người tu hành.”
  9. Vãng sinh, kinh nói: “Như khoảng thời gian búng ngón tay, liền sinh về nước kia.”
  10. Không buông lung, như kinh Niết bàn, quyển 30 nói: “Người buông lung, tuy được gần Phật và đệ tử Phật, vẫn gọi là xa.”

Nay chỉ nên chuyên tâm, không nên buông lung, thì gọi là gần Phật, không gọi là xa. Vì đủ mười nghĩa này, nên gọi là không xa. Hỏi: kinh Quán nói: “Tâm này làm Phật, tâm này là Phật, biển Chánh biến tri của chư Phật từ tâm tưởng sinh.” Vì sao tâm này có thể làm Phật?

Thích: Xét theo lý Duy thức, ngoài tâm ra không có pháp nào khác, muôn pháp, muôn tướng đều là tự tâm, nên luận Khởi Tín nói: “Tâm sinh các pháp sinh, tâm diệt các pháp diệt.” Kinh Duy ma nói: “Hễ tâm người thanh tịnh, thì cõi Phật thanh tịnh.” Kinh nói tiếp: “Vì tâm uế nên chúng sinh uế, tâm thanh tịnh nên chúng sinh thanh tịnh.” Nên biết muôn pháp đều do tâm biến hiện. Trong lúc dùng tâm này quán Tịnh độ của Đức Phật kia, Phật A di đà là tướng của bản tánh, chúng sinh quán tâm duyên với Như Lai kia, không thể ngoài tâm thấy tướng thật của Phật, phải quán tâm biến thành tướng ảnh tượng, tướng của ảnh tượng này gọi là tướng phần, tâm năng quán là Kiến phần, kiến phần và tướng phần đều không rời tự chứng phần, năng lực của kiến phần có thể hiện tướng phần, nên gọi là tâm làm Phật, tướng phần này gọi là tâm tự chứng phần, không có tự thể khác, nên gọi tâm này là Phật.

Muốn quán tất cả công đức của Như Lai, đều dùng tự tâm để biến ra ảnh tượng, nên nói biển Chánh biến tri của chư Phật từ tâm tưởng sinh ra, hoặc do tâm tưởng tu các hạnh, là nhân muôn đức gọi là biển Chánh biến tri từ tâm tưởng sinh ra nên kinh Hiền Hộ quyển hai nói: “Bồ tát cũng giống như thế, nhất tâm khéo suy nghĩ thấy các Như Lai, thấy rồi liền trụ, trụ rồi hỏi nghĩa, giải thích vui mừng, liền có thể tư duy: Nay Đức Phật này từ nơi nào đến? Còn thân này của ta từ đâu ra? Quán Đức Như Lai kia, hoàn toàn không có chỗ đến, cho đến chỗ đi. Thân ta cũng giống như vậy, vốn không có chỗ ra, há có chỗ chuyển hoàn?Họ lại phải suy nghĩ như thế. Nay ba cõi duy tâm này, tâm này có Phật. Vì sao? Vì tùy theo tâm niệm của người mà, trở lại tự thấy tâm mình. Nay ta từ tâm thấy Phật, tâm ta làm Phật, tâm ta thấy Phật. Tâm ta là Như Lai, tâm ta là thân ta, tâm ta thấy Phật, tâm không biết Phật, tâm không thấy tâm.”

Kinh Hoa Nghiêm cũng nói:

Tâm như người họa sĩ
Họa các thứ năm ấm
Trong tất cả thế gian
Không pháp nào chẳng tạo
Như tâm, Phật cũng thế,
Phật cũng như chúng sinh Tâm,
Phật và chúng sinh
Ba thứ không khác nhau.

Địa vị tâm có cấu, gọi là chúng sinh; khi tâm hoàn toàn thanh tịnh, gọi là làm Phật, chính là nghĩa đó.

Trích từ: Thích Tịnh Độ Quần Nghi Luận