Home > Khai Thị Niệm Phật
Tỳ Thiếp Đồng Tu
Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


Ðời Tống, Việt Quốc phu nhân Vương thị là vợ của Kinh Vương (chú của Tống Triết Tông). Bà hướng dẫn bọn tỳ, thiếp đồng tu Tịnh Ðộ ngày đêm không gián đoạn.

Chỉ có một nàng thiếp biếng nhác nên bị đuổi bèn hối hận, buồn bực, ra sức tinh tấn lâu ngày chẳng nhọc mỏi. Cô chợt bảo các nàng thiếp khác: “Ðêm nay tôi sẽ sanh Tây!”

Trong đêm, mùi hương lạ ngập tràn cả nhà, không bệnh gì mà mất. Sáng ra, có người thiếp khác báo với phu nhân:

- Ðêm qua, tôi nằm mộng thấy cô thiếp ấy bảo tạ ơn phu nhân, nhờ được phu nhân quở dạy nên được sanh về Tây Phương, cảm đức vô lượng!

Phu nhân nói:

- Nếu khiến ta cũng mộng thấy thì ta mới tin!

Ðêm đó, bà mộng thấy cô thiếp đã chết đến cảm tạ giống hệt như trên; hỏi có đến được Tây Phương chăng, cô thiếp bảo được! Cô liền đi trước dẫn đường, thấy một cái ao lớn, hoa sen trắng, hồng, lớn, nhỏ xen lẫn, có hoa tươi tốt, có hoa gãy nát. Hỏi lý do, cô bảo:

- Người tu Tây Phương trong thế gian vừa mới khởi một niệm thì trong ao này liền nảy một cành hoa. Do siêng năng hay lười nhác khác nhau nên hoa tươi tốt hay khô héo sai khác. Tinh tấn thì hoa tươi, thậm chí to như bánh xe; lười nhác, phế bỏ thì tàn héo, thậm chí biến mất. Nếu hành lâu ngày mà chẳng ngơi nghỉ, niệm thuần thục, quán tưởng thành tựu, thân xác dù tiêu, nhưng thần thức tồn tại, quyết sẽ sanh về nơi đây.

Bà hỏi mình sẽ sanh về chốn nào; cô dẫn đi xa mấy dặm nữa, thấy một hoa đài, vàng, ngọc chiếu sáng rực rỡ. Cô thiếp bảo:

- Ðây là chỗ sanh của phu nhân, chính là kim đài thượng phẩm thượng sanh vậy!

Liền tỉnh mộng, vui buồn lẫn lộn. Về sau, trong ngày sinh nhật, bà cầm đuốc thắp hương, đứng nhìn về hướng Quán Âm Các. Quyến thuộc tiến đến chúc thọ đã thấy bà hóa rồi! (theo Lạc Bang Văn Loại)

Nhận định:

Vừa khởi một niệm niệm Phật là đã trồng cành sen nơi Tây Phương, cảm ứng nhanh chóng như thế đó. Ðối với danh lợi, người ta thường ưa cầu không lúc nào ngơi, còn đối với một niệm niệm Phật này, lắm người chẳng chịu phát. Dù có phát cũng lười nhác, tiếc chẳng có thiện tri thức tùy thời răn trách, ngõ hầu hối hận, bi phẫn mà tinh tấn vậy!