Ðiều sau cùng là “Niệm Phật”; Phật ở đâu? Chín điều nói ở phía trước đều là Phật. Chân thành là Phật, Thanh tịnh là Phật, Bình đẳng là Phật, Chánh giác là Phật, Từ bi là Phật, Nhìn thấu, Buông xả, Tự tại, Tùy duyên đều là Phật, sau đó bạn mới biết mười câu này tức là một câu. Ðúng như kinh Hoa Nghiêm nói: “Một tức là nhiều, nhiều tức là một”. Sai biệt và bình đẳng không hai, tách lìa ra nói về [từng điều trong] mười điều là sai biệt, hợp lại để nói là bình đẳng một thứ, đây gọi là Niệm Phật. Mọi người đều biết lời cổ đức: “Một niệm tương ứng một niệm Phật, Niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”. Tương ứng với cái gì? Tức là tương ứng với Chân thành, Thanh tịnh, Bình đẳng, Chánh giác, Từ bi, Nhìn thấu, Buông xả, Tự tại, Tùy duyên. Trong từng tiếng Phật hiệu đều đầy đủ cương lĩnh này, như vậy mới gọi là Niệm Phật. Nếu miệng niệm A Di Ðà Phật, nhưng trong tâm toàn là tham, sân, si, mạn thì không phải là người niệm Phật, có câu nói: “hét bể cuống họng cũng uổng công”, từng tiếng Phật hiệu đều phải tương ứng mới được!
Mười [tánh] đức trên đều viên dung, hàm nhiếp trong một câu Phật hiệu, như vậy mới gọi là người niệm Phật, đây mới gọi là tu Tịnh Ðộ. Các bạn đồng học hỏi tôi phải tu như thế nào? Không có gì khác, cả đời này những gì tôi tu phải là mười điều này, tôi phải tương ứng với mười điều này. Hôm nay có duyên với mọi người tôi truyền thọ mười điều này cho quý vị, trong Tông Môn có “Truyền tâm pháp yếu”, thì đây không có gì khác với việc truyền tâm pháp yếu. Hy vọng mọi người đều phát tâm Bồ Ðề chân chánh, nối tiếp Huệ mạng của Phật, hoằng pháp lợi sanh, đây là đại nguyện. Nếu muốn đại nguyện trở thành sự thật, muốn thực hiện đại nguyện, mà không có tâm hạnh này, thì tâm nguyện đều là giả, không phải thật. Có tâm chân thành, từ bi, có nhìn thấu, buông xả, niệm Phật mới được, nguyện của bạn mới là chân thực, bạn nhất định có thể làm được.
Sau cùng, quan trọng nhất là “Một là mười, mười là một”, bất cứ một điều nào cũng hàm nhiếp (bao gồm) chín điều kia, tuyệt đối không thể tách rời. Do đó điều nào cũng viên dung, hàm nhiếp [lẫn nhau], sau khi khế nhập vào thì thật tự tại! Thật hoan hỷ! Bạn đích thân cảm giác được, cảm giác được một cách rất rõ ràng, chư Phật gia trì, chư Phật hộ niệm, Long thiên lo lắng, giúp đỡ; bạn sẽ cảm thấy rất minh hiển [rõ ràng], thật là tâm tưởng sự thành. Ngày nay trong tâm chúng ta nghĩ gì cũng đều là vọng tưởng, không thể thành công; tại sao không thể thành công? Vì không tương ứng. Nếu bạn có thể tương ứng thì tức là “trong nhà Phật có cầu ắt ứng”. Lúc cầu mà không thể ứng (cầu không toại nguyện) thì có hai nguyên nhân, một là chúng sanh không có phước, hoặc là hiện nay còn chưa cần tới. Lúc thực sự cần thì vừa động niệm liền hiện ra ngay.