Chúng ta đã nói về năm điều đầu tiên, phía sau còn năm điều nữa; ở đây nên chú ý, năm điều sau này phải được thực hiện trong đời sống, nghĩa là sự chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi của bạn bắt đầu từ đâu? Từ trong đời sống hằng ngày. Sự biểu hiện trong đời sống nhất định phải nhìn thấu; nhìn thấu nghĩa là hiểu rõ ràng minh bạch chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Trong kinh nói giác ngộ triệt để, thấu triệt rồi, đó gọi là “hành”. Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi [được thể hiện] trên sự nhìn thấu; sau khi nhìn thấu thì chẳng thể nào không buông xả được. Tại sao vậy? Ðiều kế sau đây là tự tại, được đại tự tại (thong dong, thảnh thơi, thoải mái)! Bạn xem câu đầu trong Tâm Kinh: “Quán Tự Tại Bồ Tát”, chữ “quán” ở đây là “nhìn thấu”, quán là trí huệ, trí huệ chân thật. Nhìn thấy chân tướng sự thật của vũ trụ rõ ràng minh bạch. Buông xả nghĩa là không nhiễm trước một tí gì hết, không nhiễm trước chẳng có nghĩa là không có sự thọ dụng. Tất cả đều có thể thọ dụng, vì tất cả đều không nhiễm trước, cho nên sự thọ dụng này được gọi là “chánh thọ”, trong kinh nói đến “tam muội”, “tam muội” là tiếng Phạn có nghĩa là “hưởng thọ chánh thường”. Hưởng thọ chánh thường khác với sự hưởng thọ của chúng ta hiện nay ở chỗ nào? Trên “sự” thì hoàn toàn giống nhau. Chúng ta mặc áo, Phật, Bồ Tát cũng mặc áo; chúng ta ăn cơm, quý Ngài [khi thị hiện] cũng ăn cơm, có gì khác nhau? Nhưng bên trong đích thật có chỗ khác biệt, chúng ta mặc áo, ăn cơm có chấp trước, các Ngài mặc áo, ăn cơm không có chấp trước; cho nên các Ngài mặc áo ăn cơm vui vẻ tự tại, chúng ta mặc áo, ăn cơm rất khổ, không được xứng tâm vừa ý, có [thêm] một thứ, thiếu một thứ đều không được. Ðây là do nguyên nhân gì vậy? Vì buông xả, buông xuống không nổi! Tại sao buông xả không nổi? Vì không nhìn thấu! Cho nên khi áp dụng trên sanh hoạt thường ngày nhất định phải nhìn thấu sự thật, đây không phải là một chuyện dễ. Nếu bạn muốn có công phu thì trong mười điều này nhất định phải nhận thức rõ ràng then chốt ở “nhìn thấu, buông xả”. Vì nếu bạn nhìn không thấu, buông xả không nổi, bạn sẽ không đạt được tâm chân thành; nếu không đạt được tâm chân thành thì cũng không đạt được “chánh thọ”. Cho nên nhìn thấu có thể giúp cho buông xả, buông xả cũng giúp cho nhìn thấu, hai pháp này bổ sung, hỗ trợ, củng cố lẫn nhau.
Nhìn thấu giúp cho buông xả thêm, buông xả giúp cho nhìn thấu thêm, một mực cho đến quả địa Như Lai, đến cứu cánh viên mãn. Cho nên bạn sẽ hỏi: Bồ Tát dùng công phu gì? “Nhìn thấu buông xả” đều bao gồm hết. Chúng ta dùng cách phân đoạn lớn để nói, nhìn thấu căn bịnh của Kiến Tư phiền não xong bạn buông xả nó thì bạn được nâng lên một bậc và thành A La Hán. A La Hán lại phát hiện căn bịnh của Trần Sa phiền não, buông xả Trần Sa phiền não được thì nâng lên một bậc thành Bồ Tát. Bồ Tát lại nhìn thấy căn bịnh của Vô Minh phiền não, buông xả được một phẩm Vô Minh thì được nâng lên một bậc thành Pháp Thân Ðại Sĩ. Thế nên nếu bạn nhìn thấu một phẩm, buông xả một phẩm thì bạn sẽ không ngừng đi lên. Thiệt ra những cấp bực này có hay không có? Không có! Tại sao đức Phật lại nói đến những cấp bực này? Là dựa trên mức độ phiền não của bạn mà phân ra.
Công phu của người tu hành càng thấp thì phiền não càng nặng, [công phu] càng cao thì phiền não càng nhẹ. Tại sao phiền não nhẹ? Ðều là do buông xả đấy! Bồ Tát tu hành có lợi căn (căn tánh lanh lợi), có độn căn. Ðộn căn là gì? Hôm nay buông xả một ít, ngày mai buông xả thêm một ít, đây là tiệm tu – tu từ từ. Người có lợi căn thì hoàn toàn buông xả, lập tức sanh lên trời, đốn siêu đương nhiên rất nhanh, là sự việc như thế đó. Nếu bạn muốn hỏi người nào độn căn, người nào lợi căn? Lợi căn và độn căn không phải sanh ra vốn sẵn có, đó là do bạn có triệt để giác ngộ hay không, triệt để giác ngộ thì một thoáng qua đã buông xả hoàn toàn, đó là lợi căn, thượng căn lợi trí! Do đó phải dám “xả”, xả tức là buông xuống.