Home > Khai Thị Phật Học > Khi-Phat-Nguyen--Can-Phai-Thanh-Tam
Khi Phát Nguyện Cần Phải Thành Tâm
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch


Kẻ xuất gia tu Ðạo cần phải phát nguyện. Phát nguyện là để tinh tấn tu hành. Phát nguyện là để cảnh giác chính mình, sửa đổi điều ác mà làm điều thiện. Tu Ðạo mà không phát nguyện thì cũng như là hoa nở mà không kết trái vậy, đó là điều không thể được.

Nếu đã phát nguyện rồi tốt nhất cần phải hàng ngày lập lại, nói qua một lần nữa, bởi vì "ôn cố nhi tri tân"! Phải nhớ được nguyện mình từng phát là nguyện gì, mình cần phải làm điều gì, thì lúc đó nguyện mình đã phát mới không phải là lời hứa suông. Mình mới không tự lừa mình mà dối người, đồng thời không phải phát nguyện rồi quên mất đi.

Chư Phật và Bồ Tát trong quá khứ do chân thật phát nguyện nên các ngài mới chứng được Chánh Ðẳng Chánh Giác. Chư Phật và Bồ Tát tương lai cũng do phát nguyện mà đắc được Chánh Ðẳng Chánh Giác. Phật là bậc Ðại Trí Huệ, chúng ta là kẻ đại ngu si, nên cần phải học đại trí huệ của Phật. Chúng ta phải lấy tâm Phật làm tâm mình, lấy nguyện của Phật làm nguyện của mình, lúc nào cũng học bốn tâm vô lượng Từ, Bi, Hỷ, Xả, và lúc nào cũng tu trì hạnh nhẫn nại những điều khó nhẫn nại, làm những việc người khác khó làm nổi.

Mọi việc mình làm đều phải chân thật thì mới tương ưng với Ðạo được. Vì vậy phát nguyện cần phải thành tâm, thành ý, không thể có hành vi dối trá hoặc tham cầu hư danh được. Ðó là điểm mà tôi hy vọng các vị chú ý. Phật A Di Ðà do phát 48 đại nguyện nên mới thành tựu được Thế giới Cực Lạc và nhiếp thọ được tất cả chúng sinh ly khổ đắc lạc, liễu sinh thoát tử. Chúng ta cần phải y theo Ngài và chư Phật cùng Bồ Tát trong quá khứ, mà mau mau phát nguyện. Có phát nguyện thì mới có thể thành được Phật quả!

Nếu như mình có lỗi lầm thì phải đau lòng cải hóa đi, đừng nên che đậy hoặc tô điểm thêm những lỗi lầm xấu xa của mình. Phải hết sức thẳng thắn sám hối trước đại chúng, nếu ngược lại thì chỉ thêm tội lỗi. Mình chạy theo tập khí lỗi lầm tức là "bội giác hợp trần." Hễ có thể sửa đổi lỗi lầm, hướng về điều thiện thì đó là "bội trần hợp giác."

Phát nguyện là để ngăn ngừa tội lỗi, sám hối là để tiêu trừ tội lỗi, cho nên nói: "Di thiên đại tội, Nhất sám tiện tiêu." (Tội lỗi đầy trời, Sám hối liền sạch.) Do đó, bắt đầu từ đây về sau, mình làm con người mới!

Cổ đức dạy rằng:

"Tùng tiền chủng chủng,

tỷ như tạc nhật tử.

Dĩ hậu chủng chủng,

tỷ như kim nhật sinh."

Nghĩa là:

"Ðủ thứ tội lỗi từ trước,

cũng giống như ngày hôm qua đã chết rồi.

Từ đây về sau,

mọi việc mình làm kể như một cuộc đời mới."

"Phát nguyện" và "sám hối" tuy hai danh từ khác nhau nhưng đại ý không có gì khác biệt, đại đồng tiểu dị mà thôi. Nếu có thể sửa đổi được những thói quen xấu xa tức là dũng mãnh cải hóa, dũng mãnh chấp nhận sai lầm, dũng mãnh đối đầu với thật tại. Lúc đó mới vượt qua được thử thách, không bị cảnh giới làm cho lay chuyển. Ðừng nên có ngã kiến quá sâu dày, đừng nên có ngã tướng quá nặng nề. Phải hiểu rằng chúng ta đều có giác tánh viên minh hết sức quang minh, lỗi lạc, "tròn đầy, xán lạn"; mọi tập khí, tội lỗi ở trong đó đều chẳng tồn tại được!