Niệm Phật Tam Muội gọi là Nhứt Hạnh Tam Muội. Bởi vì hành nhơn đã thấu hiểu ý chỉ sâu xa, giữ cho được nhứt tâm, chỉ nghĩ đến cõi Cực-Lạc, chỉ nhớ đến đức Phật A-Di-Đà, biết thân và độ không hai, nhận rõ ức (nhớ nghĩ) và niệm là một, như vậy mới được gọi là nhứt hạnh.

Nói là nhứt hạnh nhưng cũng phải thật hành công đức của vô lượng pháp môn thế và xuất thế gian là giúp cho sự tấn tu mới được vãng sanh nhanh chóng, nên tất cả hạnh đều vì Tịnh Độ mà tu tập chứ không vì lẽ khác mới gọi là nhứt hạnh. Như muôn sông chảy ra biển cũng đồng một tên biển cả. Muôn điều lành đồng về một mối nên gọi là nhứt hạnh vậy.

Như vậy ba mươi bảy phần trợ đạo cùng bốn hoằng thệ nguyện, lục độ v.v…đều là hạnh tu về Tịnh Độ, cho đến một chút hạnh lành, tán tâm niệm Phật, hay niệm một câu Phật, hoặc đưa một tay lễ bái, chiêm ngưỡng, tán thán, cho đến cúng dường một nén hương, một chén nước, một cành hoa, một ngọn đèn, hay tu một niệm cho đến mười niệm, hoặc phát tâm tu một chút bố thí, giữ một giới, nhẫn nhục, thiền định, trí huệ tất cả căn lành ấy đều hồi hướng về Cực-Lạc, nên nguyện lực thọ trì tuy có chậm, mau cũng đều được vãng sanh cả.

Như trong kinh có ví dụ: Xưa có người đem một giọt nước để trong biển cả, nguyện cho giọt nước này không hoại, không mất, không biến đổi, không khô, trải qua nhiều kiếp vẫn hoàn là nước, người ấy trải qua nhiều kiếp trở lại xem kết quả của giọt nước đã gởi thấy vẫn còn nguyên không hoại không khô mất; cũng vậy, đem chút căn lành hồi hướng về Cực-Lạc, cũng như đem giọt nước gởi vào biển cả, tuy trải qua nhiều kiếp sanh tử thiện căn ấy cũng không mất không hư hoại quyết được vãng sanh không nghi vậy.

Do đó, những hạnh về đại thừa tiểu thừa, hữu lậu vô lậu, tán tâm niệm Phật, định thiện, sự tưởng, quán huệ đều gọi là nhứt hạnh, tất cả đều được vãng sanh, chỉ trừ hàng ngoại đạo. Cho nên chỉ cần quyết tâm tất nhiên không hư vọng.

Kinh nói: Một phen xưng Nam mô Phật đều trọn thành Phật đạo. Nên phải tin chắc, nếu tâm chưa phát, thiện hạnh chưa lập, tâm chưa tín phục mà đã cầu cảm ứng thì không có điều đó. Đức Phật Thích-Ca suốt đời đã nói vô lượng tam muội, vô lượng pháp giải thoát, vô lượng hạnh nguyện tổng trì tương ưng với vô lượng pháp môn, nhưng chỉ có pháp môn niệm Phật là viên nhiếp tất cả, gồm đủ tất cả, như biển cả nhận cả trăm sông tánh không tăng giảm, như ngọc như ý để trên cao có thể thỏa mãn tất cả nguyện cầu của chúng sanh, thể nó không bị tổn giảm. Do đó, tam muội bảo vương nhiếp thọ đủ tất cả.

Đức Thế Tôn chúng ta đem tam muội này truyền dạy cho chúng hội hai ba lần, những bậc thọ lãnh trong chúng hội toàn là hạng thượng căn như ngài Văn-Thù, và tam thừa thánh hiền, thiên long bát bộ đều hết dạ quy tín. Khi pháp môn này được truyền qua Đông Độ có bậc đại nhơn tại Lô-Sơn xiển dương di hóa, người người tín phụng như gió mát qua đồng nội, một sự mong cầu lớn lao cho mọi người, một giáo pháp vi diệu.

Từ khi đức Phật nhập diệt đến nay đã trên hai ngàn năm trăm năm, trong khoảng thời gian ấy đã có những bậc thánh hiền, những bậc cao tăng cự nho, nông thương sĩ phú, thất phu thất phụ huỳnh môn nô tỳ hoặc tự tu hoặc khuyến hóa người, hoặc biên chép kinh sách để phát nguyện, trọng pháp hơn của báu, khinh thân như bụi trần, gặp nạn không lo, đến chết không ngại, lập hạnh kiên cố, nỗ lực tu hành, số lượng không biết bao nhiêu. Hoặc phát tâm tùy hỷ, hoặc phát nguyện quy y, hoặc theo sự chỉ dạy mà thật hành, kết quả thành tựu nhiều vô số kể. Còn có hạng người nửa tin nửa ngờ hay do dự vẫn được sanh vào ranh giới (biên địa) nơi nghi ngờ của cõi Cực-Lạc thay, huống là người có chánh tín tinh tấn thật hành ư!

Truyện ký ghi lại chỉ là một phần vạn, từ xưa đến nay nhận được ân lành không lời nào bút nào diễn tả hết được. Tu theo pháp môn nào khác cần phải có tâm dõng mãnh, hoặc bị thối chuyển hay gặp ma sự. Chỉ có pháp môn này nhơn nhờ vào oai lực Phật đã tu tất nhiên thành tựu, không bị ma nghiệp cuốn lôi, không có thối chuyển. Với tam muội này không những xa lìa ma sự, mà cả huyện quan khẩu thiệt, thị phi hoạn nạn, nước lửa trộm cướp, ác nhơn hung sự, hổ lang trùng thú, quỷ mị yêu tinh, những điều không may ở thế gian không làm tổn hại. Lại không bị các bệnh dịch tả, kiết lỵ, thương hàn, ung ghẻ cho đến các bệnh về tai mắt mũi lưỡi não loạn, nếu hạnh nguyện không giảm thiểu, tất cả đều tránh khỏi. Nếu vì lợi dưỡng, danh vọng, thương mến hay bại hoại cho đến giận dữ là do mình tự tạo tuy có Phật lực cũng không thể cứu được. Hành giả nên phải ra sức tinh tấn thêm nữa để trừ khử đi. Một khi nhứt niệm đã chơn thuần thì không gì xâm phạm được. Ma sự chỉ làm hại người lười biếng, lòng tin cạn cợt tâm niệm thối thất, nếu đã tinh tấn như lửa cháy mạnh gặp nước đâu có sợ gì. Há vì thiển cận lại bỏ qua sao!

Cho nên hành giả nhơn Phật diệt mà không những thân này chỉ được an lạc mà tam muội được thành tựu, thiên nhơn hổ trợ, lâm chung chánh niệm vãng sanh. Thoại ứng vãng sanh không phải chỉ có một, có nhạc trời trổi, hoặc hương thơm đầy nhà, hoặc hào quang chiếu thân, bảo tọa hiện đến, hoặc đức Phật A-Di-Đà đưa tay tiếp dẫn, hoặc chư Bồ-tát trao tay tiếp đón. Biết trước giờ chết, chánh niệm phân minh, chướng ngại tiêu diệt, tự muốn tắm gội rồi an tọa, nhóm chúng nói pháp và Chấp tay cáo biệt. Hoặc khuyên người tinh tấn tu tập viết kệ di bút chấp tay từ giả. Hoặc sau khi lâm chung thân vẫn tươi như còn sống, răng xương thành xá lợi thiêu đốt không cháy, ánh sáng khác thường, hào quang năm màu hiện giữa hư không xoay vần không thôi, hương thơm tỏa khắp, xá lợi lưu truyền, những điều này thường được nghe thấy. Nếu hằng ngày không tinh tấn thực hành tinh thuần đâu có cảm ứng được vậy.

Than ôi! Người đời nay tuy có tu mà không ứng nghiệm vì lòng tin chưa sâu, nhơn địa (21) không tinh thành chưa từng lập hạnh. Trước muốn mọi người biết, trong tự khoe mình, ngoài muốn hiển lộ vẽ trang trọng để mọi người cung kính cúng dường mong có sở đắc, thậm chí dối nói đã thấy tịnh cảnh hoặc thấy tiểu cảnh, mộng thấy thiện tướng, không biết phải quấy mà muốn khoe khoang. Hạng người hạ liệt như vậy ắt bị ma chướng mê hoặc, nguyện hạnh thối thất lại đọa vào khổ thú sanh tử, chẳng cẩn thận sao!

Thực hành nghi thức trì tụng sám nguyện tại đạo tràng không nên để cho người biết, vì để người biết là dẫm phải lỗi trước khiến quán hạnh bị tổn hại, nên hành giả phải cẩn mật thực hành, giữ niệm tàm quí không hiển lộ tánh đức, không bị tâm bồng bột hay lười trễ nhiễu loạn, muốn diệt túc chướng để thấy tướng hảo, như không cẩn mật để người biết thì công hạnh bị giảm, nên ngài Viễn-Công ba lần thấy Thánh tướng mà chưa bao giờ nói ra, chỉ trừ khi gần lâm chung.

Thể tánh tam muội này viên dung, kiến giải rất sâu rộng, thực hành cẩn trọng đúng như điều chỉ dẫn, tránh những hành động xấu, nhẫn đến một lỗi nhỏ cũng phải lo sợ. Lại phải thông hiểu thừa, hạnh y vào tiểu thừa mới hiệp với tam muội này. Nếu biết tiểu mà không theo tiểu, tiểu theo nghĩa viên đốn, viên đốn mà không xa lìa tiểu, tiểu ấy là đại, tiểu đại giải hạnh hiệp nhứt không hai tức là siêu việt kiến chấp thế gian.

Kinh chép: Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không sát hại, tu mười thiện nghiệp, thọ trì tam quy, cụ túc giới hạnh, không phạm oai nghi, phát tâm bồ-đề, tin sâu nhân quả, không báng đại thừa, nhắc nhủ hành giả, mỗi mỗi điều trên là mỗi pháp hạnh. Các bậc cổ nhơn dạy mỗi hạnh có riêng từng chương, đây không thể nêu hết được. Lại nên giúp đỡ hành giả đừng để sanh tâm nghi, vận dụng tự nhiên, đọc tụng kinh đại thừa để hiểu nghĩa đệ nhứt, thân cận bạn hiền, tham vấn các bậc tôn túc, không chấp chủ kiến, không khoe sở trường, lắng lòng nhẫn nhục, thật hành theo kinh dạy, nghe theo chánh pháp, không khinh tăng ni, dứt tạp thiện thế gian, không tham danh lợi, xa lìa tà ác, xử sự thành thật, nhận lỗi về mình, giữ gìn lời nói thêu dệt, nhứt tâm bất loạn, xem người như Phật, dứt bỏ kỷ năng, chỉ cầu vãng sanh, thân tâm thanh tịnh. Phải nên tu tập vô lượng thiện hạnh như vậy để tiến lên chánh đạo mới chế phục được nhiễm tâm thế gian, tâm thương ghét không thể làm hại, giữ tâm như nhứt thì chắc chắn sanh về Tịnh Độ. Công quả thật là vĩ đại không diễn tả hết được. Cho nên tu theo mật hạnh nơi pháp môn này cao cả vô cùng. Người được sanh về cõi Cực Lạc không thể biết hết, được ghi theo truyền ký chỉ là giọt nước trong biển cả, đâu thể tính được số lượng là bao nhiêu.

Nếu y theo sự chỉ giáo mà thật hành hạnh này, người có vô lượng oan nghiệp còn được lợi lạc, đối với cha mẹ, sư trưởng, quyến thuộc, anh em chị em còn tự thoát khỏi ách nạn. Như vậy đối với mình không có lợi hay sao?

Cho nên biết rằng chỉ tu hạnh này không ân nào không đền đáp, do đó nên phải nhứt tâm niệm Phật. Cảnh giới đức Phật A-Di-Đà và hai vị đại sĩ rất khó nghĩ tưởng, ở trong biển khổ khó thể thân cận, khó thể ức niệm. Vì sao? Nghe danh hiệu còn khó huống là thân cận nếu ai thường ức niệm thì được giải thoát.

Kinh nói: Nếu thiện nam, thiện nữ nào chỉ nghe danh hiệu đức Phật và hai vị bồ tát thì trừ được tội vô lượng kiếp sanh tử huống là ức niệm. Người niệm Phật này là người ở trong hoa phân-đà-lợi (22). Hai vị Bồ-tát Quán-Thế-Âm và Đại-Thế-Chí là bạn cao cả, an tọa tại đạo tràng thường ở nhà chư Phật, chư Như-Lai mười phương thị hiện tướng lưỡi rộng dài ân cần khuyên nhủ, vị giáo chủ cõi Ta-bà tha thiết dạy bảo khiến chúng sanh trong đời ngũ trược nên tu tập pháp môn này mới thoát khỏi ba cõi trần lao. Vì sao? Thân tâm chúng sanh ở đời ngũ trược đều khổ, lấy khổ làm mạng sống, nhờ nước lửa kết hợp, đức Phật đặc biệt nơi cảnh khổ này ban bố lòng thương rộng lớn xứng hợp thời cơ, như nước với mặt trăng, có sự cảm ứng vậy.

Cho nên đức Thế Tôn từ khi thành đạo chánh giác đến khi nhập Niết-Bàn trong các thời nói pháp không nói hai lời. Từ hội Hoa-Nghiêm lúc ban sơ đến đạo tràng Pháp Hoa lần cuối, lời vàng ban bố không cùng, những bậc đại tâm thắng chí trong các hội đều vâng theo ý chỉ này, phát nguyện cầu sanh về Tây phương Cực Lạc, huống là chúng ta hiện đang ở vào thời mạt pháp căn cơ hạ liệt ngu độn lại lơ là không tu tập sao?

Hạng người hiểu biết khắc ghi trong lòng, tự biết nguyện lực đức A-Di-Đà không mất, giúp cho người không biếng trễ. Thánh nhơn lấy lời này làm đầu, hiền giả lấy liên tục làm cuối, rổng rang khắp cả mười phương ba đời, không chỉ người đời mà khắp cả lục đạo bốn loài. Đến cả nhơn luân, thiên thần biến hóa, quỷ vật thuận theo, hàng phi nhơn đều tán ngưỡng, cho đến những hành động đều được ghi lại đầy đủ trong hải tạng Long cung, lưu bố đến quần cơ khắp trong nhân gian và thiên thượng về nguyện lực của đức Phật A-Di-Đà.

Đức Phật nói: Đến thời kỳ ác thế tối hậu giáo pháp ta không còn, thì giáo điển này chỉ lưu lại thế gian trong khoảng một trăm năm để độ chúng sanh có cơ duyên. Nhưng pháp này không phải để giáo huấn cho đời sau, đến như loài chim yểng là loài ngu si vọng tưởng bị đọa làm phi cầm theo người bắt chước xưng danh còn nhờ sức tam muội, khi chết còn có hoa sen mọc tại mồ chôn, huống là người lại không bằng chim, đáng thẹn lắm ư!

Ta nay sanh vào thời mạt pháp, cách Phật trên hai ngàn năm trăm năm, căn cơ thấp kém nghi hoặc không tin, lại còn bị các kiến chấp tà giải không đồng, cùng nhau quyến rủ, khiến người chánh hạnh phần nhiều bị hoặc loạn động tâm suy nghĩ. Nên phải gom các kinh sách văn thơ của thiền tịnh, lấy nghĩa lý sâu xa chí yếu trước thuật lời này, phân thành chương mục lưu bố cho đời, bài tà hiển chánh, nguyện chúng sanh khắp pháp giới đối với thuyết này được kiến giải liễu ngộ chơn tâm, nhận thức y chánh của đức A-Di-Đà thật tại phương Tây, thấu đạt y chánh Tây phương không lìa bổn tánh, tất cả hàm thức đồng được vãng sanh thâm nhập phẩm vị vậy. Lại nguyện những bậc tiên giác mở rộng lòng từ bi thấy người chưa giác ngộ như pháp giáo hóa, với người mê muội, có thể tùy bệnh cho thuốc, theo căn cơ phân tích lẽ u huyền, nếu sanh một tín giải thì hạnh nguyện được thành, vãng sanh có cơ, dù cho dị báo quá nặng tín tâm không sâu, chỉ một hướng nhiễm vào cũng kết được nhơn duyên dần dần được lợi ích không cùng tận, sự khuyến phát không nhỏ vậy. Nếu người quả thật như vậy không có thầy bên mình, không hề luống dối, thể theo chánh giáo khuyên bảo người không nhọc mệt, dù cho không thực hành cũng đã thực hành, dù tự chưa học cũng đã học rồi. Tại sao? Pháp giới nhứt tướng không có tự, tha.

Xưa kia có người một đời chưa từng tu hành chỉ có hai việc mà đã có đủ, nhứt tâm bình đẳng lập hội khuyên người đồng niệm Phật, khi mạng chung cũng được vãng sanh, nhờ đó mà chiêu cảm. Cho nên biết rằng phát tâm từ bi đã có tướng nhiếp thọ và vì lợi tha khuyên người niệm Phật mà được ích nhiều, thật là vô thượng pháp vương, chỉ không được chấp nhứt định ta không cần phải tu thôi.

Nên chi pháp môn tam muội rất sâu xa như biển cả, có những lợi ích không thể nói cho cùng. Những điều ghi như trên xin hãy khuyến khích phát tâm niệm Phật.

_________________

21. Nhơn địa là đối với quả địa. Sự phát tâm tu hành, thời gian tu tập là nhơn, chứng Phật quả là quả.

22. Hoa phân đà lợi: hoa sen trắng đang thời kỳ vừa nở.
 

Trích từ: Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
2 Luận Bảo Vương Tam Muội, Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn Tải Về
3 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
4 Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Cư Sĩ Minh Chánh Tải Về
5 Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Hạnh Cơ Tải Về
6 Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
7 Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Tịnh Sĩ Tải Về
8 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
9 Quy Nguyên Trực Chỉ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
10 Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
11 Niệm Phật Cảnh, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
12 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
13 Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
14 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
15 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về