Home > Khai Thị Niệm Phật
Cội Nguồn Khổ Lụy
Hòa Thượng Thích Đức Niệm


Kính thưa quý Phật tử,

Đạo Phật là đạo cứu khổ. Nếu đời không khổ thì không có đạo Phật ở thế gian này. Cũng như nếu mọi người sanh ra đều biết đọc biết viết hết thì không cần có nhà trường thầy giáo làm gì. Vì muốn hết dốt nên phải có thầy giáo, trường học. Cũng vậy, vì muốn chúng sanh giác ngộ giải thoát an vui mà Đức Phật mới ra đời. Vậy cội nguồn khổ lụy của kiếp người từ đâu?

Lần đầu tiên tiếp xúc với đời, Thái tử Tất Đạt Đa đã chứng kiến cảnh khổ của kiếp người bị bao bọc bởi bốn bức tường kiên cố muôn đời: Sinh, già, bệnh, chết ràng buộc chặt chẽ suốt cả kiếp sống.

Đã có thân thì phải lăn lộn với đời tìm kế sinh nhai để nuôi dưỡng xác thể. Dù cho bất cứ loài nào trong chúng sanh, hễ đã mang thể xác theo nghiệp thức của nhịp tim bóp thắt, tình cảm vui buồn, đều phải khổ lụy buộc ràng với xác thân theo nỗi thăng trầm buồn vui với bốn bức tường sanh, già, bệnh, chết.

Mãi lo cơm ăn áo mặc nhà ở, danh lợi, ái ân cũng là bắt đầu của sự thắt gút buộc ràng khổ lụy. Ngày tháng trôi qua, theo với thời gian năm tháng, thân này tàn tạ già nua suy yếu là khổ. Một khi thân thể mình cũng như thân hình của những người mình thương mến tàn tạ, già nua bệnh hoạn, thì mình cũng mang một tâm trạng buồn tiếc lo âu.

Sanh con là khổ. Khi chúng còn nhỏ phải lo chăm sóc bú mớm, thay tã, đút cơm, giặt giũ cho chúng. Lúc chúng đau ốm, hay nổi chướng nghịch ngợm, thì cha mẹ buồn khổ. Khi lớn lên phải lo sắm sửa cho chúng ăn học. Kịp đến khi chúng khôn lớn nên người thì dù trong hoàn cảnh nghèo khó, cha mẹ vẫn phải chạy lo dựng vợ gả chồng. Khi được hạnh phúc thì chúng hưởng, nhưng khi cơm chẳng lành, canh chẳng ngon thì cha mẹ phải lo âu sầu sầu não. Lo cho con chưa hết, tiếp đến lo cho cháu. Cứ thế lo mãi lo hoài suốt tháng năm, suốt trọn cả cuộc đời, cho đến hơi thở cuối cùng vẫn còn lo. Nỗi lo lắng cho con cho cháu, lắm lúc quên cả nỗi cơ cực của chính bản thân mình. Con người vì quá lo âu cho tình thân máu mủ, lo âu đủ thứ việc ân tình mà xa dần bản tánh thiện tâm của mình. Nhà thơ đã nói về sự lo âu đắm đuối ân tình lợi danh ràng buộc của người đời:

Luyến luyến mê mê chuyện thế gian,
Lợi danh tình ái khéo đa mang,
Bao giờ dứt bỏ tình danh lợi,
Là bước gần bên ánh đạo vàng.

Nếu con người quả quyết dứt khoát sự ái ân ràng buộc tình đời, thì ngay lúc đó, con người được sống trong thảnh thơi giải thoát. Con người cảm nhận được cái thanh tịnh ngọt ngào của giòng suối mát thanh lương của tâm hồn, giờ nào dứt khoát trừ bỏ lo âu ân tình là giờ đó sống trong ánh sáng bình minh giác ngộ tự tại. Nhà thơ đã nói người dứt bỏ được cái đam mê chìm đắm dục lạc của đời, là người mở cửa giải thoát, tiếp nhận được nguồn sống thanh thản của đạo vàng giác ngộ:

Đắm đắm say say chuyện thế trần,
Lợi danh tình ái buộc ràng thân,
Bao giơ dứt bỏ tình danh lợi,
Cửa đạo mừng ai đã đến gần.

Lại có những bậc cha mẹ, ngoài cái khổ thân xác làm lụng chụp bắt vất vả ra, còn phải tranh đua giành dụm, luồn cúi để cho con mình có được bằng cấp nọ, chức vụ kia, việc làm tốt. Thậm chí vì những thứ danh lợi này mà cha mẹ phải nhịn ăn nhịn mặc, tạo đất mua nhà để của cho vợ con. Mãi suốt đời lo cho chồng, cho vợ, cho con, cho cháu, đến giờ phút quờ quạng trút hơi thở cuối cùng vẫn còn lo. Lo cơm nước. Lo áo quần. Lo bằng cấp. Lo danh vọng. Lo con hết đến lo cháu. Ôi thôi trùng trùng lớp lớp lo âu! Lo mà quên đi đầu bạc, răng rụng, mắt lờ, tai điếc, thân đã kiệt sức! Nhưng cuối cùng được đền đáp lại bằng những gì? Chắc quý vị đều biết rõ hơn ai hết!

Nước bao giờ cũng chảy xuống. Con mình thường thì nó thương lo cho vợ, cho chồng, cho con, cho bạn bè. Phần đông là chúng nó bỏ phó mặc cho cha mẹ già sống sao thì sống. Có được mấy người con trên đời bỏ vợ để ở gần phụng dưỡng mẹ cha? Có ai trên đời bỏ lợi danh bạn bè để về phụng dưỡng cha mẹ già? Phần đông con cháu nếu chúng còn nhờ cậy được cha mẹ thì còn thân thiết với mẹ cha. Bằng không chắc gì nhà của con, cha mẹ được yên ổn nương thân lâu dài. Suốt trọn một đời lao tâm khổ trí hy sinh tất cả cho con cháu. Đến khi con cháu có bằng cấp sự nghiệp, lúc đó cha mẹ đã già, chỉ còn là những tấm thân tàn tạ, ngày ngày mong mỏi sự an ủi từ những món quà, những cánh thư của những đứa con, nhưng những hy vọng này thật là mỏng manh! Kết quả lòng cha mẹ héo mòn theo năm tháng đợi trông!

Lại có những bậc cha mẹ già nua yếu gầy, sống qua ngày bằng những niềm tin cầu nguyện, chỉ mong con mỗi cuối tuần chủ nhựt nghĩ tưởng về giúp đỡ phương tiện chở đi chùa viện nghe kinh thuyết pháp, hầu để tu bồi phước đức, an ủi tuổi già, nhưng niềm ước ao nhỏ này cũng chỉ mong manh, khi có khi không.

Cha mẹ già yếu, thỉnh thoảng nhờ con giúp đỡ chút ít tiền bạc gọi là an ủi báo hiếu, thì được con đáp rằng, lúc này “kẹt quá” đi thôi! Trong lúc đó chồng vợ con cái chúng nó sắm sửa ăn mặc se sua! Chủ nhật nhờ chở ông bà già đi chùa nghe kinh cầu nguyện kiếm phước thì nó bảo rằng bận việc, mắc hẹn, kẹt lắm! Muốn đi thì tự lo lấy mà đi.

Trong lúc đó chồng vợ con cái thì hồ hỡi dẫn đi shopping mua sắm, đi núi, dạo biển, rong phố. Cha mẹ già muốn cúng dường Tam Bảo, làm việc phước thiện, in kinh ấn tống, mua thú vật phóng sanh để vun trồng cội phúc, thì con cháu lại thấy vậy bất bình rầy la cho là ông bà già phung phí lẩm cẩm! Cha mẹ già có phát tâm niệm Phật ăn chay tu tâm dưỡng tánh, thi con cháu cho là mê tín lỗi thời, nói xa nói gần, hạch sách nặng nhẹ châm biếm phá phách làm cho cha mẹ không yên tâm.

Tóm lại, từ khi con còn bé thơ trong tay mẹ, cho đến khi lớn khôn lập thành gia thất, lúc nào cha mẹ cũng lo sợ con buồn, chìu con. Đến khi con khôn lớn, nhièu khi cha mẹ muốn làm việc phước thiện, cúng dường Tam Bảo mà phải lén lút dấu con. Quý vị thấy bao nhiêu nỗi khổ của tâm của thân mình, sanh già bệnh chết lúc nào cũng thúc bách ép ngặt trước mặt. Thêm vào đó, những nỗi buồn lo thưong ghét của con cháu quyến thuộc trói buộc lấy mình. Nội tâm phiền lo, ngoại cảnh thúc bách. Đức Phật gọi đó là khổ khổ. Nghĩa là nỗi khổ bên trong của bản thân và nỗi khổ bên ngoài của hoàn cảnh chất chồng lên, mà con người vẫn bằng lòng nhận chịu, không muốn tìm một cuộc sống an lành trong chốn già lam thanh tịnh, dưới hào quang Phật đài để được giải thoát!

Mặc dù đang phải sống trong tình trạng phó mặc của con cháu, nhưng thật tội nghiệp các bậc cha mẹ không muốn để người ngoài biết cười chê. Cha mẹ lúc nào cũng khoe khoang với mọi người, nào là con tôi mấy đứa học Tây học Mỹ, có bằng cử nhân tiến sĩ, hiện giờ chức nọ chức kia. Con tôi có hiếu lắm! Thật là tội nghiệp cho những bậc cha mẹ khi thốt ra những câu nói giả tạo trong cảnh ngộ sự thực phủ phàng! Nói khoe khoang như thế để đỡ hổ thẹn với mọi người, để đỡ khổ tâm với chính mình! Nhiều lúc an ủi với những hư danh đó, mà thật sự trong lòng âm thầm chua xót cho thực trạng tình cảnh của mình!!!

Suốt đời vì lo cho mình, vì lo cho gia đình con cháu mà phải lam lũ, nhịn ăn nhịn mặc, lắm lúc dối gạt để dành dụm tiền bạc cho con. Nhưng được gì, thưa quý bậc cha mẹ già? Thực tế, con cháu hưởng mà nghiệp tội riêng mình mang. Khi sống thì con cháu lơ là. Đến khi chết, nếu may mắn gặp những đứa con biết nghĩ đến cha mẹ thì còn đến chùa làm tuần thất trai chay để cầu siêu độ. Bằng như vô phước gặp phải những đứa con vô đạo, không có niềm tin, hoặc theo ngoại đạo, thì cha mẹ vừa chết, chúng chỉ nghĩ đến tiền của, tranh lợi. Đem cha mẹ đi chôn là rồi việc!

Một bà mẹ, một ông cha có thể nuôi một đàn con năm bảy đứa, lo cho chúng ăn học nên người, thành danh phận, chức vị giàu sang, lập thành gia thất. Nhưng một bầy con giàu có danh phận, không chắc gì nuôi nỗi cha mẹ, tuy chúng có thừa dư tiền bạc! Những đứa con này chỉ biết có sung sướng với vợ con, bỏ lơ cha mẹ trong cảnh thiếu thốn, cô đơn tẻ lạnh!

Cho dù gia đình có phước được con thảo cháu hiền hiếu thuận đi nữa, cảnh hạnh phúc đâu có thường thấy mãi. Cổ đức dạy: “Nhứt đán vô thường vạn sự hưu”. Một khi con qủy vô thường đến thì mọi việc của đời người đều chấm dứt tan rã. Các bậc thiền đức cũng cảnh tỉnh người đời:

Cha mẹ ân sâu rồi cũng cách,
Vợ chồng nghĩa nặng cũng chia lìa,
Tình đời chẳng khác chim chung ngủ,
Sáng sáng đàn nào nấy tự bay.

Nỗi khổ phiền lụy đè nặng lên kiếp người, trói buộc suốt cuộc sống của chúng sanh đều do ái ân tham luyến. Cha mẹ già yếu bệnh chết là khổ. Con cái bất hiếu vô đạo là khổ. Óan thù không ưa thích mà phải gặp nhau là khổ. Vợ chồng không hạnh phúc là khổ. Bà con không hòa thuận là khổ. Cầu mong điều gì không toại nguyện là khổ. Mình thương người mà người không thương lại là khổ. Làm ơn mà bị trả oán là khổ. Đói cơm khát nước là khổ. Đau yếu tật nguyền là khổ. Chiến tranh tàn khốc là khổ. Thua kém người là khổ. Thân tâm không được thư thái là khổ v.v… khổ là khổ.

Rõ ràng vui ít khổ nhiều. Cái khổ đè nặng lên suốt kiếp người nói sao cho hết? Cái khổ hiện đời là khổ xác thân và tinh thần. Nếu không biết tu tỉnh, vun trồng phước đức, mà lại còn tạo thêm ác nghiệp cho ân ái thân thuộc, cho tham vọng lợi danh, thì chắc không tránh khỏi quả báo nghiệp ác khi bỏ xác thân này. Như thế còn phải chịu khổ và tiếp tục chịu khổ suốt những đời kế tiếp tới trong ba nẻo khổ đau địa ngục, ngạ quỹ, súc sanh.

Đức Phật nói, nỗi khổ của chúng sanh trong cõi trần thế, nếu có hình tướng thì có thể chất đầy cả địa cầu này. Nước mắt của chúng sanh nếu dồn lại chắc phải nhiều hơn nước trong bốn biển đại dương. Ôn Như Hầu đã chẳng diễn tả nỗi khổ của con người triền miên tiếp diễn tả nỗi khổ của con người triền miên tiếp diễn tự thuở lọt lòng mẹ cho đến hơi thở cuối cùng đó ư? Thi nhân đã nói lên sự thật phủ phàng của kiếp người:

Thảo nào khi mới chôn nhao,
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra
Khóc vì nổi thiết tha sự thế
Ai bày trò bãi bể nương dâu
Trắng răng đến thuở bạc đầu
Tử sanh kinh cụ làm đau mấy lần.

Báo hiệu cuộc sống của kiếp người nơi trần thế bằng tiếng khóc chào đời: “Khổ quá, khổ quá” ngay thuở ban đầu lọt lòng mẹ. Và tiếp theo đó là chuỗi dài của những ngày tháng thăng trầm phiền muộn, lo âu dập dồn không biên giới, như khói sóng mù tỏa trên biển cả ngút ngàn, với sóng dồi gió dập man man vô tận, mà con người lặn hụp trong đó không biết bao giờ yên nghỉ. Thi sĩ Đoàn Như Khuê đã hình dung nỗi khổ của kiếp người trần thế qua bài thơ:

Bể khổ mênh mông sóng ngập trời
Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi!
Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió
Ngoảnh lại cùng trong biển khổ thôi!
Ngoảnh lại cùng trong biển khổ thôi!
Nổi chìm, chìm nổi biết bao người
Kiếp người nghĩ cũng lênh đênh quá
Qua cánh bèo trôi mặt nước thôi!

Suy ngẫm cho cùng thì kiếp người quá long đong, khác nào như chiếc thuyền nan bé bỏng bồng bềnh trên biển cả, nổi chìm theo lượn sóng đại dương. Con người sống trên cõi đời này thăng trầm dồn dập như thuyền nan trôi trên bể cả. Đời người đã bao lần thăng trầm buồn khổ, và cũng chẳng biết trước từ giả cuộc đời lúc nào. Hơi thở ra mà không thở vào là qua đời khác. Mạng sống đã mong manh lẽ tất nhiên dẫn theo sự nghiệp mong manh, địa vị mong manh, vợ con thân bằng quyến thuộc mong manh, tất cả đều tan hợp như sương sớm đầu cành. Kinh Bát Đại Nhân Giác, điều giác ngộ thứ nhứt của bậc đại nhân, Đức Phật nói: “Thế gian vô thường, nước nhà nguy biến, thân thể khổ không, tâm thức vô ngã …” Vậy tất cả có gì chân thật đâu?

Phật nào Phật nấy, Bồ Tát nào Bồ Tát nấy tiếp tục xuất thế và thường xuyên hóa hiện trong cõi đời khẩn thiết khuyến hóa độ sanh, những mong người đời tỉnh ngộ tu tâm dưỡng tánh để sớm hồi đầu về bến giác, để thoát khỏi luân hồi sanh tử. Nhưng người đời vì vô minh, tham ái, lấy giả làm chơn, nhận giặc làm con, sống theo tình thức ngũ dục, đuổi bắt lợi danh tình ái thế gian bẩn nhơ mộng huyễn, cảnh còn thì vui, cảnh mất thì buồn, mà vẫn mông muội chẳng ý thức cảnh đời vốn đã không thật. Buồn vui theo cảnh trần hợp tan, sống chết trôi lăn theo nghiệp thức dẫn dắt. Thánh nhơn nói: “Lưới lủng chim bay, thần thức theo nghiệp”. Kinh Kim Cang, Đức Phật đạy:

Nhứt thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điển
Ưng tác như thị quán.

Tạm dịch:

Xưa nay vạn vật trên đời,
Bọt bèo mộng huyễn có rồi hoàn không,
Kìa xem điện chớp trên không,
hạt sương buổi sớm đem lòng quán xem.

Người muốn đắc đạo giải thoát, muốn thoát ly đắm nhiễm thế tình khổ lụy thì cần phải quán sát lời Phật lời tổ dạy mà hành trì để thúc liễm thân tâm, phát huy tự tánh, giác ngộ tự tại giải thoát để cùng thể nhập với đại thể Phật tâm.
Luận về khổ, thuở Đức Phật còn ở đời, có bốn vị tỳ kheo mới phát tâm tu học. Một hôm nọ bốn vị tỳ kheo ngồi dưới gốc cây thảo luận về nỗi khổ của kiếp nhân sinh. Một thầy tỳ kheo nói:

– Theo tôi, cái họa hoạn khổ đau nhứt của con người không gì bằng sắc dục. Nếu tâm không đọan trừ ái dục thì không thể nào nhập lý thể đạo chơn thường.

Vị tỳ kheo khác nghe nói thế, liền phát biểu ý kiến rằng:

– Nỗi khổ tâm lo âu của kiếp người, không gì bằng chạy lo ăn uống. Một khi lâm vào cảnh đói khát bức bách, thì không làm được việc gì cả.

– Vị tỳ kheo thứ ba lại bảo rằng: “Lòng sân hận là họa hoạn to lớn nhứt của kiếp người. Một niệm tâm sân khởi lên có thể cháy rụi trí huệ, theo đó muôn ngàn cửa nghiệp chướng đều tung mở. Như thế sân hận làm cho con người chịu vô lượng tội khổ”.

– Vị tỳ kheo thứ tư cho rằng: “Nỗi lo khổ của chúng sanh trong thế gian này là sợ hãi. Mỗi ngày sống trong hồi hộp lo âu là sợ hãi, không có chút an ổn, thì còn gì khổ hơn”.

Đang lúc bốn vị tỳ kheo biện luận hăng say về nỗi khổ của kiếp người, thì Đức Phật hiện đến. Vì mỗi người quan niệm về sự khổ khác nhau, nên không có một giải pháp nào rốt ráo cho vấn đề thảo luận về khổ, do đó các vị vẫn còn thắc mắc. Đức Phật rõ tâm ý của các thầy tỳ kheo nên lân mẫn ân cần hỏi:

– Này các tỳ kheo! Các thầy đang thảo luận về vấn đề gì vậy? Bốn vị tỳ kheo theo thứ lớp tường thuật lại việc vừa rồi. Đức Phật nghe xong, lòng Ngài thương xót liền thuyết minh đính chánh chỗ kiến giải cho các tỳ kheo. Ngài giảng rằng: “Phàm người tu hành thường hay tụ hội một chỗ như thế này, để kiểm thảo về sự tu học của mình, đấy là điều lợi ích an vui lớn lao. Như vừa rồi Như Lai nghe các vị lý luận về sự khổ đau theo chỗ kiến giải của mình. Tuy các vị đều có lý, nhưng không có lý nào hợp với đạo lý một cách rốt ráo cả. Giờ đây ta vì các vị để nói rõ cội nguồn của sự khổ lụy họa hoạn của chúng sanh:

“Chúng sanh khổ vì cái thân ngũ uẩn (*) giả hợp này. Sắc thân ngũ uẩn tạo thành tất cả tội khổ. Do đó, ta có thể nói thân là công cụ của sự phiền khổ. Đói khát lạnh nóng, phiền não sợ hãi, sắc dục, oán hờn, họa hoạn, đều do thân thể cảm thọ mà có. Lao tâm khổ trí, nhọc xác như trâu, lo sợ đa đoan, chúng sanh tàn hại nhau, cho đến sanh tử đắm chìm trong sáu nẻo luân hồi không dứt đều do thân thể này tạo thành. Muốn thoát ly khổ não thì phải biết lợi dụng cái thân tâm ngũ uẩn này chuyên cần tinh tấn tu hành, làm cho ba nghiệp thân miệng ý thanh tịnh thì sẽ đạt đạo giác ngộ giải thoát, liền ngay đó được hết khổ. Ngược lại, nếu buông thả theo sở thích nhục dục của thân ngũ uẩn thì vĩnh viễn kiếp trầm luân khổ lụy.

Người tu học Phật phải biết nhận rõ như thế mới thực sự chân chánh lìa khổ, mới được an vui thanh thoát”.
Khi ghe Đức Phật giảng nói như thế rồi, các vị tỳ kheo rất lấy làm hổ thẹn, không còn ngồi lý luận suông nữa, phát tâm cầu tinh tấn dõng mãnh tu hành, chẳng bao lâu au đó, cả bốn vị đều chứng thành quả giác ngộ.

(*) CHÚ THÍCH:

Ngũ uẩn: Còn gọi là ngũ ấm tức là năm thứ tích tụ che lấp chân tánh. Năm thứ đó là:

1) Sắc: Chỉ cho năm căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Năm trần cảnh là sắc chất, âm thanh, mùi vị, xúc chạm, và các sự việc có thể dùng giác quan thấy biết.

2) Thọ: Đối với trần cảnh sanh ra cảm thọ vui sướng, khoái lạc hay buồn khổ sau khi tiếp xúc.

3) Tưởng: Nghĩ tưởng đến cảnh trần đen trắng, lớn nhỏ, ngắn dài, đực cái, nam nữ, tốt xấu sau khi tiếp xúc.

4) Hành: Dòng tâm thức duy trì mạng sống, như mạch nước dưới lòng đất, sóng ngầm dưới đại dương, đặc tánh chấp có, sanh ra lòng ham muốn.

5) Thức: Đối với cảnh trần sanh ra hiểu biết phân biệt. Năm thứ này tích tụ giả hợp thành thân tâm chúng sanh. Một khi ngũ uẩn tan hoại thì thân tâm giả hợp của chúng sanh không còn. Chính do mê chấp năm thứ ngũ uẩn này mà nó xui khiến chúng sanh làm những điều lầm mê, sanh ra vô vàn tội lỗi. Nếu người trí nhận biết năm uẩn này giả hợp làm thân, khéo biết dùng thân tâm ngũ uẩn này mà hành đạo, thì sẽ được giác ngộ giải thoát.



Kinh Sách Liên Quan

 
1.    48 Pháp Niệm Phật, Cư Sĩ Giang Đô Trịnh Vĩ Am | Sa Môn Thích Tịnh Lạc, Việt Dịch
2.    Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
3.    Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Pháp Sư Viên Anh | Thích Nguyên Anh, Việt Dịch
4.    Kinh Bát Chu Tam Muội, Hòa Thượng Thích Minh Lễ, Việt Dịch
5.    Luận Bảo Vương Tam Muội, Đại Sư Phi Tích | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch
6.    Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch
7.    Niệm Phật Cảnh, Sa Môn Đạo Cảnh và Thiện Đạo Đại Sư | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
8.    Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
9.    Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Pháp Sư Huệ Tịnh | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
10.    Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
11.    Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Tịnh Sĩ, Việt Dịch
12.    Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn
13.    Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Pháp Sư Luyến Tây Đại Sư Ngọc Phong Cổ Côn | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
14.    Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Tiểu Bình Thật | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
15.    Quy Nguyên Trực Chỉ, Đại Sư Tông Bổn | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
16.    Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch