Home > Khai Thị Niệm Phật
Thiền Tịnh Giảng Hòa
Pháp Sư Luyến Tây Đại Sư Ngọc Phong Cổ Côn | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


Niệm Phật Tứ Ðại Yếu Quyết là bản cảnh sách dành cho người niệm Phật, nhưng vì có bậc Thiền giả tưởng lầm tôi phá Thiền nên đâm ra khích bác. Bởi vậy, tôi chẳng quản mình ngu tối lại soạn ra những bài kệ giảng hòa giữa Thiền và Tịnh để xoa dịu lòng người, mong người đọc biết được là chê trách hay khen ngợi chỉ là do đối theo căn cơ mà đề cao pháp môn này hay hạ thấp pháp môn khác; chứ còn trong các pháp môn, thật ra chẳng có pháp nào là cao hay thấp cả.

Ðối với người nhờ Thiền mà được lợi ích thì Thiền là cao; đối với kẻ nhờ Tịnh mà được lợi thì Tịnh là cao. Mọi người chẳng cần phải nhọc lòng, ai nấy đều có thâm ân phải tự báo đáp cả.

Thiền và Tịnh vốn chẳng hề có cao hay thấp. Cao hay thấp thực ra là do thích ứng với căn cơ; giống như trong các thứ thuốc, thuốc nào chẳng trị được căn bịnh thì thuốc đó là dở. Thử hỏi những bậc tu tập đã lâu trong các tông thì trong hiện thời, pháp nào là thích ứng với căn cơ nhất? Theo như tôi thấy thì vẫn là Tịnh Ðộ vì tới giờ vẫn thường nghe có người được vãng sanh Tây Phương.

Nếu ai chỉ niệm A Di Ðà Phật thì gọi là Vô Thượng Thâm Diệu Thiền. Ðời Mạt Pháp tu hành hoàn toàn nhờ vào pháp này, kinh Ðại Tập đã dạy như vậy (Bảo “Niệm Phật chẳng phải là Thiền” thì chẳng phải là hạng hiểu biết quá nông cạn hay sao?)

Ðối với người nhờ Thiền mà được lợi ích thì Thiền là cao; bởi thế phải khăng khăng báo đáp ân đức: tọa Thiền, giảng Thiền và đả phá Tịnh Ðộ, không gì là chẳng lấy việc quét sạch mọi chấp trước làm đầu (Do vậy, ngài Chí Công mới có lời chê: “Kẻ ngu mới thích vãng sanh Tây Phương”; Triệu Châu mới có câu gièm: “Niệm Phật một tiếng, súc miệng bảy ngày”)

Ðối với người nhờ Tịnh mà được lợi ích thì Tịnh là cao; cho nên bèn gấp rút xưng danh hiệu Phật. Do vì căn cơ hiện thời là căn cơ Tịnh Ðộ cho nên hoặc là khen ngợi Tịnh Ðộ hoặc là chê trách việc chung cục của người Tu Thiền (như tổ Liên Trì có lời than về chuyện ngài Triết Công sau khi tỏ ngộ, hậu thân lại mê; tổ Ngẫu Ích bình luận về những cái hại của kẻ tu Thiền trong hiện tại).

Ðức Thích Ca thuyết pháp, pháp môn nào cũng diệu, ai dám nói pháp môn nào chẳng diệu ắt sẽ mắc quả báo. Vì căn cơ của chúng sanh hiện thời nên dù tôi chẳng khen ngợi Thiền thì tổ Ðạt Ma cũng chỉ cười hà hà mà thôi!

Ðạt Ma Tổ Sư trực chỉ nhân tâm, không lời dạy nào là chẳng cốt để người đời được liễu sanh thoát tử. Tôi chỉ khen mỗi pháp Niệm Phật thì cũng không gì là chẳng mong người ta được liễu sanh tử! Hơn nữa, pháp này nhuần khắp ba căn, sáu phương chư Phật cùng khen ngợi thì Tổ chẳng lớn tiếng cười ha ha hay sao?

Chỉ xin mọi người “dĩ hòa vi quý”, dù Thiền hay Tịnh, dù hạ thấp hay đề cao, không gì là chẳng do tâm lợi sanh, do chí nguyện hoằng pháp, chỉ cốt phù hợp với từng người mà thôi! Người tu Thiền nên cực lực hoằng dương Thiền, người tu Tịnh nên cực lực hoằng dương Tịnh Ðộ, dẫu có nêu ra những thuyết đả phá hay xiển dương đi nữa thì cũng chỉ là để khiến cho người ta chuyên tu một pháp mà thôi. Trong pháp môn, vốn nào có đúng hay sai!

Nếu chẳng chuyên nhất một pháp thì Thiền cũng khó mà Tịnh cũng khó; thậm chí trong các tông khác, nếu chẳng chuyên nhất thì cũng là đại nạn. Do vậy, tôi lại nói kệ rằng:

Dĩ ngã Viên Giác tâm
Niệm bỉ Di Ðà Phật
Trượng bỉ Di Ðà Phật
Hiển ngã Viên Giác tâm
Tâm, Phật đô hữu công
Thiền, Tịnh câu hữu ích
Nguyện quân tử tế tưởng
Thị phi tự nhiên diệt

(Dùng tâm Viên Giác mình

Ðể niệm Phật Di Ðà
Nhờ đức Phật Di Ðà
Hiển hiện tâm Viên Giác
Tâm, Phật đều có công
Thiền, Tịnh cùng có ích
Xin hãy suy xét kỹ
Thị phi tự nhiên hết)



Từ Ngữ Phật Học Trong: Thiền Tịnh Giảng Hòa