Home > Khai Thị Niệm Phật > Tu-Luc-Va-Tha-Luc
Tự Lực Và Tha Lực
Đại Sư Thiện Đạo Đời Đường | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch


Hỏi:  Trong luận nói: Các pháp Phật nói ra số nhiều vô lượng, xin hỏi pháp nào là tự lực, pháp nào là tha lực?

Đáp: Đức Như Lai nói có đến 8 muôn 4 ngàn pháp môn, chỉ có một pháp môn Niệm Phật là tha lực, còn tất cả các pháp môn khác nói chung là tự lực.

Hỏi: Theo Kinh giáo thì tu tự lực bao lâu được thành? Tu tha lực bao lâu được thành?

Đáp: Căn cứ vào Kinh Phật người tu tự lực từ khi mới phát tâm phải trải qua một Đại A Tăng kỳ kiếp mới đến Sơ địa. Và trải qua một Đại A Tăng kỳ kiếp mới là Bồ Tát Bát địa. Tiến lên một Đại A Tăng kỳ kiếp mới đến Bồ tát Đẳng giác, đó là đường tu và thời gian của người thực hành tự lực.

Tha lực căn cứ vào pháp môn niệm Phật, Kinh A Di Đà nói: "Mau thì 1 ngày, chậm thì 7 ngày, niệm Phật A Di Đà, vãng sanh về Tịnh độ là Bồ tát Bát địa." Vì sao? Vì thừa bổn nguyện lực của Phật A Di Đà mà có được. Kinh A Di Đà cũng nói: "Chúng sanh nào sanh về Cực Lạc đều ở vị bất thối chuyển". Vị bất thối chuyển này chỉ có Bồ Tát Bát Địa mới có được.

Hỏi: Trạng thái người tu tự lực và tha lực thế nào?

Đáp: Xin đem một thí dụ để biện minh. Người tu tự lực như một đứa trẻ được phong quan chức phải lên kinh đô nhận lãnh, muốn đến kinh đô phải trải qua con đường ngàn dậm mà đứa trẻ chỉ mới ba tuổi, nếu đứa trẻ tự mình đi lên kinh thì không thể nào đến được, vì tuổi quá nhỏ và yếu đuối. Các pháp môn chuyên tu tự lực lại cũng như thế, vì pháp môn này phải tu nhiều kiếp mới thành, cũng như đứa trẻ tự mình đến kinh đô không làm sao đến nơi được, nếu tự dùng sức mình để đi đến.

Người tu pháp môn tha lực cũng như đứa trẻ tuy nhỏ tuổi nhưng theo cha mẹ và sức chuyên chở của xe ngựa voi, nên không lâu đến kinh đô để nhận chức quan. Vì sao? Vì đứa trẻ này nương theo tha lực mà được. Người tu niệm Phật cũng như vậy, khi sắp lâm chung nương theo nguyện lực của Phật A Di Đà, trong một niệm sanh về Tây Phương Tịnh độ, được ở vị bất thối. Như cha mẹ đem xe voi ngựa đến chở đứa trẻ con, chẳng bao lâu đến kinh đô nhận được quan chức.

Người tu pháp tự lực như người nghèo đến làm công cho một người nghèo dùng sức rất nhiều mà được tiền rất ít. Các pháp môn tu tự lực lại cũng như thế, dùng sức rất nhiều mà công đức rất ít. Người tu tha lực như người nghèo đến giúp việc cho một vị vương gia giàu có, làm việc rất ít mà được tiền rất nhiều. Vì sao? Vì nhờ vào sự giàu có của vương gia mà trả tiền rất khá. Người niệm Phật cũng vậy, vì nhờ vào nguyện lực của Phật, nên dụng công rất ít mà công đức rất nhiều, chỉ cần 1 ngày đến 7 ngày chuyên tâm niệm Phật, mau được sanh về Tịnh độ, liền chứng quả Vô thượng Bồ Đề, giống như người làm việc cho nhà vua vậy.

Tha lực như con chim nhỏ muốn lên đỉnh núi Tu Di, nương nhờ vào cánh Đại Bàng, không bao lâu đã đến đỉnh núi được nhiều khoái lạc. Phàm phu niệm Phật lại cũng như thế, nương theo nguyện lực của Phật mà mau sanh về Tịnh Độ Tây Phương, thọ các khoái lạc. Các phương pháp tu tự lực như con chim nhỏ tự lực bay lên đỉnh núi, dù cố gắng sức trọn không thể đến được.

Người tu tự lực như sức của con tôm muốn dạo khắp đại dương thật không thể thành công, người tu tha lực như con tôm nhờ con rồng lớn mang đi chẳng bao lâu đi khắp đại hải. Người tu tha lực nhờ niệm Phật mà chúng sanh đều mau đến Tịnh độ Tây Phương. Người tu tự lực như phàm phu muốn đi quanh Tứ Bộ Châu dùng chân từng bước tiến lên dù trải qua nhiều kiếp cũng khó đến, người tu tha lực như nương theo chuyển luân thánh vương bay trên hư không, chẳng mấy chốc mà vượt qua Tứ Bộ Châu dễ dàng là nhờ vào năng lực của chuyển luân thánh vương. Người tu tha lực nương theo nguyện lực của Phật, chỉ trong một niệm liền được vãng sanh Tây Phương, chứng địa vị bất thối. Người tu tự lực như người đi trên bộ, vất vả gian lao mà khó đến. Người tu tha lực như đi trên thuyền gặp nước xuôi gió thuận, khỏe thân mà mau đến. Người tu niệm Phật cầu vãng sanh cũng thế, dùng công ít mà mau chứng Bồ đề. Pháp môn niệm Phật ứng theo sức bổn nguyện của Phật A Di Đà nên mau chóng thành Phật, vượt hẳn các pháp môn tự lực gắp trăm ngàn vạn bội.