Đại sư húy là Phổ Độ, họ Tưởng, người xứ Đơn Dương, xuất gia ở chùa Đông Lâm núi Lô Sơn, chuyên tu Tịnh Độ. Đời nhà Nguyên, niên hiệu Đại chí năm đầu, đảng Bạch Liên giáo thạnh hành khiến cho tà chánh chẳng phân, vua ra lịnh bãi bỏ Liên Tông. Đại sư nói: “Ta tu Tịnh Độ gần 30 năm, đâu nên để cho pháp môn này bị diệt tuyệt trong đời ta ư? Ngài bèn viết ra mười quyển Liên Tông bảo giám, thỉnh các phương đại đức chứng minh, không ai có thể sửa một chữ. Đoạn, ngài đêm dâng lên cho vua duyệt lãm, được ban khen và cho khắc bản lưu hành trong đời. Vua lại ân tứ cho ngài hiệu là Hổ Khê Tôn Giả, dạy làm giáo chủ Liên Tông. Khi lâm chung, ngài niệm Phật mà hóa.
* Đại sư dạy: Người tu tịnh nghiệp, nếu trần cấu chưa sạch, khi niệm ác nổi lên, phải cao tiếng niệm Phật nhiếp vào chánh niệm, chớ nên tâm ác nối nhau. Nên biết rằng sự tu hành hôm nay, chính là đối địch với nghiệp sanh tử, không phải chuyện tầm thường; hằng nghĩ đến vô thường mau chóng, ngày tháng chẳng chờ người, nhận chơn thiệt thật mà niệm Phật. Nếu nửa lui nửa tới, lúc tin lúc ngờ, kết cuộc tịnh nghiệp không thành tựu, làm sao ra khỏi luân hồi?
* Giữ một câu hiệu Phật như dựa vào hòn núi Tu Di, lay chuyển chẳng động, thường nhớ thường niệm, mai cũng niệm, chiều cũng niệm, đi cũng niệm, ngồi cũng niệm, tâm niệm không bỏ qua, hiệu Phật chẳng rời lòng, mỗi thời mỗi khắc chẳng xa lìa, nhặt nhặt niệm niệm, như gà ấp trứng thường cho hơi ấm tiếp tục, tức gọi là “tịnh niệm nối nhau”.
* Muốn sanh về Tịnh độ nên nghĩ tất cả việc đời đều vô thường, có thành tất có hoại, có sống ắt có chết, nếu ta không được nghe Phật pháp thì phải chịu thay thân này, đổi thân khác, trôi lăn trong ba cõi sáu đường, không biết lúc nào ra khỏi. Nay ta đã có duyên được nghe chánh pháp, được tu tịnh gnhiệp, nếu chuyên niệm Phật thì khi bỏ thân này sẽ vào thai sen nơi cõi Phật, hưởng các điều vui, thoát hẳn sự khổ, đi ngay đến nẻo bồ đề, ấy là chí sự thuở sanh bình của bậc đại trượng phu vậy.
* Khi vừa đau bụng, phải mạnh mẽ gạt bỏ muôn duyên, ngồi ngay thẳng hướng về Tây, tưởng đức A Di Đà, Quán Âm, Thế Chí và các hóa Phật đều hiện ở trước mình, chuyên lòng xưng danh hiệu Phật, mỗi tiếng nối nhau không dứt. Lúc ấy không nên nghĩ ngợi việc đời, nếu thoạt tưởng đến, mau mau xưng danh hiệu Phật, trong mỗi niệm diệt được tội chướng, chỉ một niệm này quyết định được vãng sanh, nếu mạng số chưa dứt, tự được lành mạnh. Nên cẩn thận chớ vọng khởi lòng tham luyến thế gian, thân này có còn thì còn, có mất thì mất, chỉ cầu được vãng sanh, không nghi ngờ lo nghĩ điều chi khác. Nên hiểu dù có chết đi nữa, như người cởi bỏ áo rách mặc y phục lành tốt vào, xả thân phàm lên cõi Phật chẳng là vui thích hơn ư?
* Chuyên nhất tâm ý, nắm giữ một câu A Di Đà Phật, chỉ một niệm này là bổn sư của ta, chỉ một niệm này trước là hóa Phật, chỉ một niệm này mãnh tướng phá địa ngục, chỉ một niệm này là gươm báu chém bầy tà, chỉ một niệm này là ngọn đuốc sáng phá cảnh tối tăm, chỉ một niệm này là con thuyền lớn vượt qua biển khổ, chỉ một niệm này là thuốc hay trị bịnh sanh tử, chỉ một niệm này là đường tắt ra khỏi tam giới, chỉ một niệm này là bản tánh Di Đà, chỉ một niệm này là duy tâm Tịnh độ. Chỉ cần giữ chắc câu niệm Phật đây chớ cho lạc mất, mỗi niệm thường hiện tiền, mỗi niệm chẳng rời tâm, không việc cũng niệm như thế, có việc cũng niệm như thế, an vui cũng niệm như thế, bịnh khổ cũng niệm như thế, sống cũng niệm như thế, chết cũng niệm như thế. Cứ giữ một niệm phân minh như thế, lại cần chi hỏi người tìm đường về ư?