Home > Khai Thị Phật Học > Ngoc-Tu-Khen-Cha
Ngốc Tử Khen Cha
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Trong đám đông, một người xưng tán đức hạnh của cha mình, cha tôi nhân từ, không hại người không trộm cắp, thường nói lời thật, lại hay hành bố thí. Người ngu nghe vậy, liền nói, cha tôi còn đức độ hơn cha anh nhiều. Mọi người thắc mắc hỏi, đức độ cha anh thế nào, chúng tôi có thể được biết không. Người ngu nói, cha tôi từ nhỏ đã đoạn hẳn dâm dục, chưa từng ô nhiễm. Mọi người phì cười nói, chưa từng dâm dục làm sao sinh ra anh.

Thế gian nhiều người vô trí, muốn ca ngợi người nhưng không biết sự thật, nên thành chế giễu, giống như người ngu ca ngợi cha mình.

Lời Bình: Con người vì bản ngã nên có chủng tử nhân ngã thị phi, do vậy dễ sinh tâm tranh đua, người ngu nghe thiên hạ khen cha, cũng muốn mình hơn nên ca ngợi một cách vô trí, tức không đúng thật, nên trở lại bị chế diễu. Những kẻ mượn cha để khoe mình.

Chúng ta thử tìm hiểu tán thán theo quan niệm đời và đạo.

Trước tiên về thế gian, người đời có hai trường hợp đưa đến tán thán. Thứ nhất phát xuất từ ngã, thí như người nào làm bất cứ gì cho ta hay tập thể ta có lợi, sự tán thán này giới hạn trong sự lợi mình, mà bỏ qua chính hay tà. Thứ hai phát sinh từ tinh thần trọng đạo đức, dụ như thấy người có nghĩa cử cứu khổ phò nguy, giúp đỡ những người cần giúp, sự tán thán này dựa vào mặt đạo đức vì người, nên cao thượng và đúng ý nghĩa hơn sự tán thán vì ngã. Nhưng vẫn còn khuyết điểm, là có thể chỉ trông mặt mà bắt hình dong, thấy bề ngoài mà không thấy được động lực làm thiện bên trong.

Dưới con mắt đạo, người trí không thị phi nhân ngã, nên chẳng chê và cũng chẳng khen ai. Người trí chỉ quán sự thật, nói sự thật và hành sự thật, ba nghiệp đều thật nên thanh tịnh, vô nhân ngã, vô thị phi. Khi người trí nêu lên sự thật tốt đẹp của một pháp, để chỉ đường đi không hoạn nạn cho tha nhân, thì thiên hạ gọi đó là tán thán pháp, cùng những người đang hành pháp này. Và khi nói lên sự thật hư ngụy của một pháp, để chỉ cho tha nhân tránh xa con đường hiểm nạn, thì thiên hạ cho là phê bình pháp và những kẻ đang hành pháp này. Trí giả không bận tâm đến khen chê bằng việc tôn trọng sự thật. Vì người trí luôn tìm hiểu mọi sự thật, để hết ba nghiệp vào sự thật, là người hiểu, nói và làm được sự thật, nên mới thật sự là người trí. Do vậy chúng sinh thấy trí giả có phân biệt xưng tán hay phê bình, nhưng thật sự đối với trí giả, cả hai thứ đó đều bình đẳng vô phân biệt, vì người trí không thấy phê bình hay tán thán mà chỉ thấy đều là sự thật.

Ca ngợi là điều phổ biến ở thế gian, và có đủ lối ca ngợi, ca ngợi vì bè phái vì tự ngã, vì tình cảm, vì lợi lộc, những thứ ca ngợi này đều không có giá trị tuyệt đối, nên chưa xứng thật được ca ngợi. Ca ngợi có giá trị tuyệt đối đó chính là sự ca ngợi các đặc tính của ba yếu tố thật đức và năng, thật chỉ cho chân lý, đức là quả đức và năng là nhân hành. Ba yếu tố này là chỗ dựa an lạc và hạnh phúc thật sự của muôn loài, mọi sự bất an và bạc phúc của muôn loài đều do không hiểu biết chân lý (vô thật), hành động sai lầm (vô năng) đưa đến kết quả bất an (vô đức). Nếu nhận chân được chân lý (thật), hành sẽ đúng sự thật (năng), đưa đến kết quả an lành và hạnh phúc (đức). Sự thật này làm cho mọi sai lầm lộ diện, và hướng dẫn ba nghiệp tạo nên con đường thanh tịnh (lợi mình lợi người là thanh tịnh) cho mình và người, là nhân hành, dẫn đến chỗ tuyệt đối an lành cho ta và người, là quả đức. Ba yếu tố này là thật là đức và là năng cho nhất thiết chúng sinh, mà không chỉ riêng cho ai nên có giá trị tuyệt đối. Như tôn giáo ca ngợi Thượng đế, như thế gian ca ngợi thánh nhân, và như bồ tát ca ngợi Như lai, những sự ca ngợi này nằm trong ba yếu tố nói trên.

Trong mọi kinh điển của Phật giáo, ta thấy khi nào các vị cư sĩ, trưởng lão, bồ tát trước và sau khi hỏi đạo hay xưng tán Như lai, mọi lời xưng tán đều nói lên tính chất thật đức năng của Như lai và chính pháp.

Như Phổ hiền bồ tát xưng tán Như lai là hạnh tu của bồ tát đạo. Như lai là đối tượng đầy đủ thật đức năng tức quả đức của xưng tán. Xưng tán chỉ cho nhân hành của thật đức năng.

Con người khi xưng tán không đúng thật đức năng sẽ khiến sự ca ngợi trở thành hủy báng, như có người vượt biển cùng vợ con và cả trăm người khác, chẳng may tầu chìm, tất cả đều chết chỉ còn người này sống sót, anh ta thấy mình thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, người duy nhất thoát nạn trên tổng số hơn trăm người, quả là hy hữu, và càng cho đó là phép lạ của Thượng đế, sự an bài mầu nhiệm, ban ân sủng đến với mình nên không ngớt tri ân và kính trọng Thượng đế, anh xưng tán phép lạ và ân sủng của Thượng đế với mọi người, khiến kẻ vô trí thì tấm tắc, người có trí thì lắc đầu. Nếu quả hễ được sống là phép lạ hay ân sủng, thì còn những người tử vong thì sao?, Sự an bài mầu nhiệm và ân sủng đó chỉ có giá trị cho mỗi một người, còn đối với hơn trăm người chết thì hẳn nhiên linh hồn của họ sẽ nhận định rằng sự thật đó chỉ là một sự an bài cay độc và tàn nhẫn, một đại họa giáng lên đầu họ, và ngay cả kẻ thoát nạn, vì người này phải cần nhiều thời gian, có khi cả đời để quên đi nỗi kinh hoàng và những mất mát của mình, do sự an bài mầu nhiệm, và ân sủng của Thượng đế biểu lộ với mình, giá ngài đừng an bài và đừng cho mình ân sủng này thì chắc đời mình và cả trăm người nữa, được bình an và vơi bớt đi nhiều gánh nặng khổ đau mà ai cũng phải gồng gánh suốt đời, sự mầu nhiệm này làm bao kẻ chết, người sống thì phải sống với đau khổ, thực là một mầu nhiệm tê tái. Nhưng sự sống, sự được sống, tinh thần tham sinh úy tử của con người che mất sự thật, nên dù sự thật phũ phàng đến đâu, con người vẫn mê muội cho rằng hễ tôi được sống là một phép lạ linh thiêng và là một ân sủng, dù là phép lạ và ân sủng này làm tan nát đời tôi và cướp đi những người thân của tôi. Sự an bài này do chính "thượng đế nghiệp" của mình và của tha nhân gây ra.

Lại có người khoe rằng, tôi bệnh bao năm nay, mấy năm trước phát giác bị ung thư gan, đau khắp thân thể, ăn không ngon ngủ không yên, bây giờ lại thêm chứng ung thư phổi nữa, đến bác sỹ cũng chê, chỉ có Phật không chê, lẽ ra chết lâu rồi, nhờ Phật độ mới sống kéo lê lết đến bây giờ, và ngày ngày cầu Phật được kéo dài tuổi thọ. Thật sự chẳng biết Phật độ hay nghiệp hành, thường vì tham sống sợ chết con người gọi hành nghiệp đó là Phật độ, nhìn nỗi đau đớn của thể xác thành phúc Phật ban, chỉ cần được sống với bất cứ giá nào cũng lầm cho đó là ân sủng hay phúc báo của Phật hay Thượng đế ban cho. Từ Thượng đế lên đến Phật đều muốn cho con người có hoàn cảnh sống tốt đẹp, được miêu tả như thiên đường hay tịnh độ. Phật độ hóa chúng sinh thoát ly sinh tử khổ, mà không phải cứu độ bằng cách chỉ kéo dài thời gian đến tử khổ. Thượng đế thật sự cũng chẳng bao giờ ban một ân sủng, mà người đang yên ổn cũng không dám nghĩ đến chứ đừng nói là cầu xin. Tán thán Như lai hay Thượng đế kiểu này xét ra chỉ là sự nhạo báng, không khác nào gã ngốc khen cha vậy.

Vì vậy người Phật tử chỉ có một điều xưng tán đó là thật đức và năng. Ba yếu tố này mới đích thực là vi diệu nhiệm mầu, đem mọi an lạc đến thay cho gánh nặng khổ đau của nhất thiết chúng sinh.