Home > Khai Thị Phật Học
Những Lời Khuyên Răn Về Việc Thị Phi
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm


Cổ ngữ nói: "Kinh mục chi sự do khủng vị chân, bối hậu chi ngôn khởi túc thâm tín; nhỉ khả đắc văn, khẩu bất khả đắc ngôn dã." Câu này có nghĩa: "Việc thấy trước mắt còn e không đúng với sự thật, thì lời nói sau lưng đâu đáng để tin?

Cho nên sự thị phi tai có thể được nghe, nhưng miệng không nên nói." Tiếng thị phi lắm khi phát xuất từ sự nghi lầm, hiểu lầm, nghe lầm, rồi ở trong nhà nó là hình con chuột, khỏi cửa ngõ nó biến thành hình con dê, ra tới ngoài đường lại hóa thành hình con trâu; nguyên khởi thật không có chi, nhưng khi đồn đải đến người thứ mười, thì người đồn lần thứ nhứt nghe cũng phải kinh sợ! Nhiều khi tiếng chê bai lại có do lòng hơn thua ganh ghét, với sự cố tâm trả oán, hoặc dìm kẻ có nhiều phương diện hơn mình. Tánh ưa nói nhiều và tâm tật đố thị phi, nhứt là phái nữ, rất dễ khởi phạm; khi họ kính thương, thì người đó mau thành tiên Phật, lúc họ khinh ghét, kẻ ấy cũng dễ hóa yêu ma. Một sư cụ thuộc bậc tiền bối đã nói: "Mấy bà mấy cô có nhiều đức tin hơn phái nam, việc hành đạo phần đông siêng năng tinh tấn. Nhưng công đức tu niệm được bao nhiêu, đều bị cái miệng nó đốt hết cả!" Với ý niệm ngăn những điều lầm lỗi của thị phi để giữ gìn cho công đức tu hành không bị hủy tổn, và tránh những ác báo về sau, xin dẫn lời hay của người xưa, cho đến lời răn dạy của Phật, Tổ để cùng nhau khuyên nhắc.

* Một buổi nhàn hạ, Đường Thái Tông hỏi bề tôi là Hứa Kính Tôn rằng: "Trẫm thấy khanh phẩm cách cũng không phải là phường sơ bạc, sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế?" Kính Tôn thưa: "Tâu bệ hạ! Mưa mùa xuân tầm tả như dầu, người nông phu mừng cho ruộng đất được thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét vì đường sá bùn lầy trơn trợt. Trăng mùa thu trong sáng như gương, hàng tao nhân mừng gặp dịp thường du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo tặc lại ghét vì ánh nguyệt quá rõ ràng! Như trời đất là vô tư, mà cơn nắng mưa thời tiết còn bị thế gian trách hận ghét thương, thì hạ thần đâu phải người vẹn toàn, làm sao tránh khỏi sự chê bai chỉ trích? Cho nên ngu ý trộm nghĩ: đối với tiếng khen chê, nên bình tâm suy xét, đừng vội tin nghe. Nếu vua tin nghe lời thị phi thì tôi bị giết; cha mẹ tin nghe lời thị phi tất con bị hại; anh em vợ chồng tin nghe lời thị phi, sẽ phải chia lìa; thân bằng hàng xóm tin nghe lời thị phị rồi đi đến chỗ đoạn tuyệt. Miệng lưỡi thị phi thật độc hơn rồng rắn, bén hơn gươm đao, giết người không thấy huyết!" Hứa Kính Tôn sử sách chê là gian thần, nhưng dù sao lời nói của ông cũng chí lý đáng làm gương khuyên nhắc cho hậu lai, nên vẫn được người đời truyền tụng.  

* Kinh Pháp Hoa nói: "Sau khi Như Lai diệt độ, người nào thọ trì đọc tụng kinh này, sẽ được phước báo trong đời hiện tại. Nếu kẻ nào thấy người thọ trì kinh này, vạch bày những lỗi lầm của người đó, hoặc có thật, hoặc không có thật; kẻ ấy sẽ mang nghiệp quả, ghẻ lác, đui mù, và những ác báo như trước đã nói." (Đại lược)  
Như lời Phật dạy, ta thấy chẳng những khinh hủy người tụng Kinh Pháp Hoa, mà khinh hủy kẻ trì chú niệm Phật và đọc tụng các kinh điển Đại Thừa khác, cũng đều mang tội nặng.

* Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới nói: "Nếu Phật tử nào, tự miệng rao nói tội lỗi của Bồ Tát xuất gia, Bồ Tát tại gia, Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni; hoặc bảo người rao nói tội lỗi; hoặc từ nhân, từ duyên, từ cách thức, cho đến từ nghiệp, rao nói những tội lỗi trong Phật pháp; Phật tử này phạm Bồ Tát Ba La Di tội." Lại nói: "Nếu Phật tử tự phô dương tài đức của mình mà dìm chê điều hay tốt của người, làm cho người bị khinh chê; Phật tử này phạm Bồ Tát Ba La Di tội." Lại nói: "Chúng sanh mỗi ngày ba nghiệp tạo vô lượng tội, nhứt là khẩu nghiệp." (Đại lược)  
Đức Thế Tôn từ bi chỉ đường tội phước rõ ràng, mà hàng Phật tử chúng ta bởi quá si mê, nên có nhiều người đã lãng quên; vì lòng tật đố thị phi, gây biết bao khẩu nghiệp!

* Trong Kinh Đại Tập, Như Lai bảo: "Nếu hàng vua quan đánh mắng người xuất gia giữ giới hoặc phá giới, sẽ mang tội đồng như làm cho trăm ức thân Phật ra huyết. Nếu thấy người mặc áo cà sa, không luận kẻ giữ giới hay phá giới, nên sanh tâm tưởng như Phật."  

Kinh Đại Tập đã nói như thế, thì hàng Phật tử xuất gia cho đến tại gia nếu có lầm lỗi, tất sẽ chuốc lấy khổ báo riêng về phần họ, ta chỉ sanh tâm thương xót chớ không nên khinh chê. Niệm tôn trọng thương xót khiến thêm lớn phẩm lành, tâm khinh mạn chê bai, lại đi vạch nói việc thi phi của người, chỉ tổn phước đức mình, và đa mang phần khổ lụy! Cho nên người biết tu, hằng thủ phận, lo xét ngó vào mình để tự sửa chữa. Trái lại, mình còn nhiều lầm lỗi mà không xét nghĩ, lại đi vạch nói chê bai người, là kẻ chưa ý thức về việc tu.

Cổ ngôn có câu: "Ngã khuy nhơn thị họa, nhơn khuy ngã thị phước." Câu này hàm ý nghĩa: "Ta làm tổn người là họa, người làm tổn ta là phước." Đối với người tu, khi bị kẻ khác thị phi khinh báng, nên sanh tâm nghĩ rằng: kẻ ấy là người đem phước đến cho mình. Tại sao thế? Bởi chúng ta từ vô thỉ đến nay gây ra tội chướng vô biên, nếu bị một lời khinh chê, tất được giảm bớt một phần tội nghiệp. Đó chẳng phải là điều phước lợi cho mình ư? Còn kẻ khinh báng tất sẽ chịu quả khổ, ấy là lẽ dĩ nhiên; bởi họ mê lầm tự chuốc lấy tai họa.

* Lại để chỉ rõ thế nào là chân tu, cùng tư cách của bậc chân tu, xin dẫn chứng thêm một đoạn trong bài kệ Vô Tướng, Kinh Pháp Bảo Đàn của đức Lục Tổ:  

Nếu là bậc chân tu
Không thấy lỗi của đời.
Nếu như thấy lỗi người
Mình chê, là kém dở!
Người quấy, ta đừng quấy
Ta chê, tự có lỗi.

Muốn phá tan phiền não
Hãy trừ tâm thị phi
Thương ghét chẳng để lòng
Nằm thẳng đôi chân nghỉ!

(Pháp Bảo Đàn Kinh, Vô Tướng kệ)
 
Những hàng con Phật hoặc xuất gia hoặc tại gia, đều tự xem mình là người tu hành lo đạo. Nhưng làm thế nào biết được ai là chân tu, giả tu? Về điều này, đức Lục Tổ đưa ra một cách giảo nghiệm rất đơn giản, Ngài bảo: "Nếu là bậc chân tu, không thấy lỗi của đời." Mà thật thế, bậc chân tu luôn luôn tự nhìn để sửa lỗi, trụ nơi tịch định; dứt hẳn lòng ngã nhơn phân biệt, có tâm tư đâu nghĩ đến việc hay dở tốt xấu của người! Kẻ giả tu trái lại, tâm nhơn ngã hơn thua ganh ghét dẫy đầy, mở miệng ra là phê bình chỉ trích, nói điều hay dở của thế gian; rất cách xa với đạo. Bởi thế, khi còn thấy lỗi người rồi khinh báng chê bai, tất nhiên tỏ ra mình đã kém dở trước nhất, vì tâm hãy còn vọng động phân biệt, thiếu đức trí huệ từ bi, sẽ chiêu cảm lấy tội báo về sau. Người quấy mặt người, ta đừng quấy, nên học bậc trí nhơn, để lòng trong sáng như gương, việc sắp đến không đón trước, việc đã qua chẳng luyến mơ, tâm linh sáng suốt bình đẳng khắp mọi nơi, sẽ có sự diệu ứng vô cùng! Nếu động niệm ganh ghét, nói lời khinh chê, thì bên trong chân tánh đã bị nhiễm ô, bên ngoài lại chuốc lấy việc oán thù tranh chấp, sự sai lầm tội lỗi càng thêm. Cho nên muốn được an nhàn khỏi phiền não, đừng phê luận việc phải quấy của người. Câu "Hãy trừ tâm thị phi" còn có ý nghĩa sâu là: trừ tứ cú, tuyệt bách phi. "Nằm thẳng đôi chân nghỉ", tức là cảnh giới đại giải thoát, chỉ cho sự tham học đã xong, đói thì ăn, mệt nằm ngủ.
 
Bậc chân tu luôn luôn có lập trường sáng suốt vững chắc, không quan tâm đến sự khen chê thương ghét bên ngoài. Như thuở xưa Nghĩa Thanh thiền sư sau khi đắc pháp với ngài Phù Sơn, đến ngụ nơi chùa của Viên Thông Tú hòa thượng. Tuy ở trong đại chúng nhưng sư không tham thiền hỏi đạo, mỗi ngày chỉ nằm ngủ. Vị tăng chấp sự đem việc ấy bạch lại. Ngài Viên Thông cầm tích trượng đến tăng đường, thấy sư đang nằm nhắm mắt liền quở rằng:

"Nơi đây không có thừa cơm gạo để cho thượng tọa ăn rồi nằm ngủ!"

Sư nói: "Thế thì hòa thượng bảo tôi phải làm gì?"

Thông hỏi: "Sao không đi tham thiền?"

Đáp: "Thức ngon chẳng giúp gì cho người đã ăn no."

Hòa thượng bảo: "Có nhiều người không bằng lòng thượng tọa."

Sư nói: "Giả sử bằng lòng, thì tôi sẽ được gì?"

Thấy lời nói khác thường, ngài Viên Thông hỏi tiếp: "Thượng tọa đã từng tham kiến vị nào?"

Đáp: "Tôi từ nơi ngài Phù Sơn đến đây."

Hòa thượng nói: "Thảo nào ông lại chẳng cứng đầu!"

Liền nắm tay nhau cả cười, rồi đi về phương trượng.
 
Sau Nghĩa Thanh thiền sư nối pháp cho ngài Đầu Tử Ngung. Vào hôm mùng bốn tháng năm, niên hiệu Nguyên Phong thứ sáu đời Tống, thiền sư tắm gội rồi lên pháp tòa từ biệt đại chúng, lưu bài kệ xong, liền buông bút tọa hóa. Như Nghĩa Thanh thiền sư tác phong phóng khoáng, sống chết tự do dường ấy, có phải Ngài đã lãnh hội câu: "Thương ghét chẳng để lòng. Nằm thẳng đôi chân nghỉ" đó ư?

 

Trích từ: Niệm Phật Thập Yếu


Kinh Sách Liên Quan

 
1.    48 Pháp Niệm Phật, Cư Sĩ Giang Đô Trịnh Vĩ Am | Sa Môn Thích Tịnh Lạc, Việt Dịch
2.    Hương Thơm Niệm Phật, Thượng Tọa Thích Phổ Huân
3.    Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Pháp Sư Viên Anh | Thích Nguyên Anh, Việt Dịch
4.    Niệm Phật Căn Bản Cho Người Tại Gia, Thiện Phúc
5.    Niệm Phật Cảnh, Sa Môn Đạo Cảnh và Thiện Đạo Đại Sư | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
6.    Niệm Phật Chỉ Nam, Mao Dịch Viên | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
7.    Niệm Phật Chuyển Hóa Tế Bào Ung Thư, Pháp Sư Đạo Chứng | Thích Minh Quang, Việt Dịch
8.    Niệm Phật Dẫn Đi Khỏi Luân Hồi, Lý Lâm Qúy | Mạt Nhân Đạo Quang, Việt Dịch
9.    Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
10.    Niệm Phật Kiếm, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Cư Sĩ Nguyễn Xuân Chiến, Việt Dịch
11.    Niệm Phật Kính, Đại Sư Thiện Đạo Đời Đường | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch
12.    Niệm Phật Luận, Pháp Sư Đàm Hư | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
13.    Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Pháp Sư Huệ Tịnh | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
14.    Niệm Phật Pháp Yếu, Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
15.    Niệm Phật Sám Pháp, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
16.    Niệm Phật Sinh Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thượng Tọa Thích Chân Tính, Việt Dịch
17.    Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
18.    Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Tịnh Sĩ, Việt Dịch
19.    Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn
20.    Niệm Phật Thành Phật, Cư Sĩ Tịnh Thọ | Cư Sĩ Tịnh Nghiệp, Việt Dịch